Có bóng chiều ở giữa một bình minh

Minh họa: dakota-roos-unsplash
Share:

Chuyến đò chiều không chở nổi hoàng hôn

Căn nhà trong Mặt trời lên hay căn nhà của bình minh? Vậy mà mỗi lần nghe bài nhạc này, tôi cứ lại tơ tưởng đến một buồi chiều ở đâu đó, trên một bến đò tiêu sơ! The House of the Rising Sun. Đây có phải là một bí ẩn? Hay chỉ là một ám ảnh nào chưa tìm ra tuổi? Hoặc chưa thể đặt tên?

Hơn ba mươi năm hốt nhiên một phút giây tôi đã tìm ra căn cớ nỗi niềm này!

Một mùa Hè, tôi ra Hà Nội tháp tùng mấy người bạn để tiếp một ông bạn Mỹ là học giả nhà thơ từ Texas University Hoa Kỳ qua thăm Việt Nam. Và bắt đầu những chuyến lãng du. Không phải chỉ để để giới thiệu những thắng cảnh Việt Nam cho người bạn Mỹ Frederick Turner mà cho ngay chính tôi biết thêm về đất nước tôi đã từng được sinh ra và lớn lên.

Đền Đô Lý Bát Đế. Bắc Ninh Quan Họ và rồi Quảng Ninh Vịnh Hạ Long. Hải Phòng Đồ Sơn… Tôi đi tôi đi tới những địa danh đã từng quen biết rất nhiều trong các sách vở nhưng là lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy cảnh thổ núi non sông biển… Những điều tôi sẽ viết ở những bài khác trong những dịp khác!

Bây giờ tôi muốn viết về buổi chiều từ Đồ Sơn Hải Phòng quay về Hà Nội… Trên chiếc xe van bảy chỗ ngồi, tôi và Fred (Frederick Turner) lan man nhắc lại những hình ảnh, những nơi chốn và những bài nhạc ở Mỹ… Fred, một học giả nghiêm túc, gốc Anh đến Hoa Kỳ hồi đầu thập niên 1960; người đã đưa ra thuyết Tân Cổ Điển.

Vậy mà, đã có thời ông học giả này để tóc râu dài, chở cô vợ xinh đẹp Trung Hoa trên một chiếc xe hơi sáu máy cà tàng… lang thang trên đất nước Hoa Kỳ và đã từng có mặt ở Sullivan County, thị trấn Bethel, New York từ ngày 15 đến 18 Tháng Tám 1969 để tham dự Đại hội Âm nhạc cho Hòa bình Woodstock.

Hai chúng tôi nhắc đến San Francisco, đến Fresno, đến New York, New Hampshire… đến những địa danh và những kỷ niệm trên đất nước rộng lớn Hoa Kỳ. Những bài nhạc và những ban nhạc, ca sĩ lừng lẫy… ngay cả một bài và một cuốn phim rất ít người nhớ tới, vậy mà hai chúng tôi cũng đã nhắc đến: Hanky Panky, 1982 do Gene Wilder và Gilda Radner đóng… Một cuốn phim tầm thường. Nhưng hai chữ Hanky Panky còn là một tiếng lóng có nghĩa khúc dạo đầu trong sinh hoạt ái tình… Và rồi The House of the Rising Sun. Animals. Tôi nhìn qua cửa kính xe, khoảng hơn 5 giờ chiều… Mặt trời đang chìm dần xuống sau một rặng núi! Và hốt nhiên, tôi hiểu ra được một điều bí ẩn…

Minh họa: rose-erkul-unsplash

Mùa Hè 1981, tôi rủ một tên bạn đi giang hồ như mùa hè mỗi năm thời… Nắng Vàng làm Mắt Xanh! Đi lòng vòng những thành phố có bè bạn, những tiểu bang có người quen… Và đi để khám phá nước Mỹ! Một buổi chiều, đang có ý định rời khỏi Texas. Hai thằng vẫn chưa biết sẽ đi đâu! Vô tình lọt vào exit 556A để gặp TX-1604 Loop về hướng Anderson Loop. Mặt trời đã xuống khuất một nửa ở cánh rừng phía Tây. Tên bạn với tay bật radio trong xe. Hắn bấm nút scan. Những đoạn tin. Những trò chọc cười. FM và mấy thứ ma mị. Tôi nghe tiếng guitar solo… The House of the Rising Sun. Animals… Tôi bảo tên bạn dừng ở đó. Hắn chửi thề. “Biết rồi ông”.

Bài này tôi đã nghe có hàng trăm lần. Nghe ở Việt Nam thời trung học lận… Khoảng chỗ Mặt trời đang lặn đỏ rực… Ánh đỏ làm bầu trời xanh xám có cái gì đó buồn buồn không nói được… Tiếng guitar solo. Giọng hát của Animals còn rất trẻ.

The House of The Rising Sun

There is a house in New Orleans
They call the ‘Rising Sun’
And it’s been the ruin of many a young poor boy
And, God, I know I’m one

My mother was a tailor
Sewed my new blue jeans
My father was a gamblin’ man
Down in New Orleans
Now the only thing he ever needs
Is a suitcase and a trunk
And the only time he’s satisfied
Is when he’s on a drunk

Oh, Mother tell your children
Not to do what I have done
Spend your lives in sin and misery
In the House of the Rising Sun
With one foot on the platform
And the other foot on the train
I know he’s back to New Orleans
To wear that ball and chain

Well there is a house in New Orleans
They call the ‘Rising Sun’
And its been the ruin of many a young poor boy
And God, I know I’m one

Căn Nhà Mặt trời Mọc

Có một căn nhà tại New Orleans
Họ gọi ‘Mặt trời Mọc’
Và nó từng là tàn tích của nhiều đứa trẻ nghèo
Và, Chúa ơi, tôi biết tôi là một (trong lũ đó)

Mẹ tôi là một thợ may
Đã may chiếc quần jeans mới màu xanh cho tôi
Cha tôi là một ‘tay cờ bạc’
Xuống tận New Orleans
Bây giờ điều duy nhất bao giờ ông cũng cần
Là một vali và một thùng xe
Và thời khắc duy nhất mà ông hài lòng
Là khi ông trong cơn say

Ôi, người mẹ bảo những đứa con bà
Không được làm những gì mẹ đã làm
Hoang phí đời mình trong tội lỗi và đau khổ
Trong Căn Nhà của Mặt trời Mọc
Với một chân trên sân ga
Và chân kia trên tàu hỏa
Tôi biết ông đã trở lại New Orleans
Mang trên người những hòn sắt xích vào chân

(hình phạt xích hòn sắt vào chân – tù khổ sai)

……………………..

Bài nhạc này tôi rất thích nghe. Nhưng nó luôn làm tôi bồi hồi… Nhớ hôm đó, tôi nhìn tên bạn, và nói như một quyết định: “Mình đi New Orleans.” Và tôi dấn chân ga. Tên bạn không trả lời, chỉ châm cho mỗi tên một điếu thuốc. Thế là tiếp tục để vào FM-1604/E Loop 1604 N, quẹo trái ở I-10E, giữ trái nhập vào I-10 E/US-90E. Tiếp tục E-10E chừng hơn 528 dặm nữa sẽ vào Louisiana…

Đó là lộ trình hai đứa vừa lái xe vừa vạch ra chiều hôm ấy. Tụi mình phải đi New Orlean… Chỉ vậy thôi!

Phải chi ngay lúc đó, nghe được thêm bài nhạc này của Paul Simon thì sướng biết bao nhiêu!

Paul Simon

Take me to the Mardi Gras

C’mon take me to the Mardi Gras
Where the people sing and play
Where the dancing is elite
And there’s music in the street
Both night and day

Hurry take me to the Mardi Gras
In the city of my dreams
You can legalize your lows
You can wear your summer clothes
In the New Orleans

……………………..

Nhanh lên đưa tôi tới (lễ hội) Mardi Gras
Nơi người ta ca hát và chơi
Nơi mà khiêu vũ là ưu tú
Và có nhạc trên đường phố
Cả đêm và ngày

Nhanh lên đưa tôi đến (lễ hội) Mardi Gras
Trong thành phố của những giấc mơ của tôi
Bạn có thể hợp pháp hóa sự thấp kém của bạn
Bạn có thể mặc quần áo mùa hè của bạn
Trong New Orleans

……………………..

New Orleans. Lễ hội Mardi Gras. Mùa Hè. Buổi chiều hôm đó hai đứa tôi đã trên đường thực hiện cơn chiêm bao của tuổi trẻ…

Minh họa: jill-dimond-unsplash

Và buổi chiều từ Đồ Sơn trở lại Hà Nội trên chiếc van bảy chỗ ngồi. Tôi và Fred đang nhắc tới những cảnh thổ âm nhạc kỷ niệm trên một vùng đất xa lắc bên kia đại dương: Hoa Kỳ… Tôi vừa nói chuyện với Fred về ban nhạc The Animals, về bài nhạc The House of the Rising Sun… Và tôi đã nhìn ra nỗi bồi hồi mỗi lần nghe bài nhạc này của tôi: Những lần khắc đậm nét nhất trong tôi khi nghe bài nhạc này đều là một buổi chiều hay một buổi sáng sớm!

Và một buổi sáng Mặt trời đang mọc lên hay một buổi chiều Mặt trời đang chìm xuống… màu sắc của cảnh trí, của không gian; mùi hương của kỷ niệm, mùi hương của một hiện tại bềnh bồng… có những nét tương đồng kỳ dị! Buổi sáng Mặt trời vừa nhú lên: Trên mặt biển hay sau sườn núi hoặc rừng cây… cũng giống hệt như lúc Mặt trời đang chìm xuống trong cùng những cảnh thổ đó. Hửng đỏ ánh vàng. Và trong cái rực lên của bình minh cũng có một cái gì đó đang chìm xuống của chiều tà và ngược lại. Chỉ có khác nhau một điểm là buổi sáng thì Mặt trời lên ở hướng Đông. Buổi chiều Mặt trời chìm xuống ở hướng Tây….

Chuyến đò chiều không chở nổi hoàng hôn!

Hay là:

Chuyến đò chiều đang chở nửa bình minh!

Tôi không biết mà cũng không muốn biết.

Tôi nói với Fred điều mình vừa “khám phá”. Fred nắm chặt tay tôi, nhìn vào mắt tôi và nói: “Hey! That’s a terrific idea for a poem… my friend!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: