Sài Gòn lúc đó rối mù chính trị. Hàng ngày các sư và Phật tử xuống đường liên miên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Đi đâu cũng thấy dây kẽm gai chắn đường và Cảnh Sát Dã Chiến rằn ri lúc nào cũng lăm le bắn lựu đạn cay vào đám đông. Bạn bè anh ở Sài Gòn cũng chẳng còn lại mấy người, phần đông đã phải nhập ngũ.
Có lần anh đang ngồi một mình tại quán Givral, một người bạn đi ngang qua, kéo anh đến tham dự một buổi họp. Địa điểm có tính cách kín, vì sợ mật vụ và công an rình rập. Đến đó, đã thấy một số đông sinh viên và học sinh, và một lãnh tụ của họ đang hùng hồn đả kích chính phủ, phản đối các cuộc bắt bớ giam cầm trái phép, và đòi hỏi phải thực thi các quyền tự do căn bản. Người bạn nhìn anh có ý hỏi xem có ý kiến gì không. Anh nhìn lại người bạn bỗng nhớ ngay đến những ngày mới di cư từ Bắc vào Nam, chính anh ta và anh đã theo các đàn anh hội họp ngày đêm bàn việc truất phế Bảo Đại, suy tôn Ngô Đình Diệm, đuổi thực dân Pháp về nước. Sau đó lại hùa nhau đi phá khách sạn Majestic và Trần Hưng Đạo đuổi phái đoàn hiệp thương về Bắc. Nay anh ta lại dẫn các đàn em lao vào một cuộc tranh đấu khác.
Sau buổi họp, anh không có dịp nói một lời nào với bạn. Hai người chia tay nhau, bạn anh ở lại trong cảnh rối mù của thời cuộc, còn anh về lại một nơi xung quanh chỉ thấy dân quê nghèo nàn, và hai phe Quốc Cộng vẫn thù nghịch, ngày ngày vẫn giết hại lẫn nhau. Anh mong bạn tìm ra lối thoát.
Anh trở lại đảo, sống lại cuộc đời tự do, phóng khoáng của biển cả và của núi rừng. Vẫn còn có những buổi chiều thả bộ dọc theo bãi biển từ Dinh Cậu xuống khách sạn Sơn Hải, ngắm hoàng hôn và nhìn mặt trời tròn đỏ ửng lặn dần xuống biển. Thỉnh thoảng, Đại Úy Minh, hạm trưởng là anh em với một ông bác sĩ đối lập chống chính phủ, sau những chuyến hải hành, hay neo tàu ở Dương Đông lên thăm quận. Anh ta thường chiếm giường của anh, và thừ người nằm đọc mấy quyển truyện tiếng Pháp loại bỏ túi mà anh để đầu giường. Đôi lúc, Đại Úy Minh thổ lộ: “Ông Diệm cho an ninh theo rõi moa sát nút, chỉ sợ moa mang tàu sang Cam Bốt”.
Chẳng bao lâu, hai anh em Tổng thống Diệm bị thảm sát, chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, chính phủ quân nhân lên cầm quyền. Đại Úy Thanh, quận trưởng, bị gọi ra phi trường, triệu hồi tức tốc về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, không kịp về quận bàn giao lại mọi việc, vì có liên hệ họ hàng với Tổng thống Diệm. Một vài vị thân hào nhân sĩ có quen biết với tướng Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, vội chạy lên quận yêu cầu tập họp mít tinh và gửi kiến nghị gấp về Sài Gòn triệt để ủng hộ cách mạng.
Đang mít tinh, hò hét ủng hộ, đả đảo thì Trung Úy Võ, Phó Duyên Khu 4 từ căn cứ An Thới lên báo cho anh biết trung đội nghĩa quân trả lại võ khí, không phòng thủ nữa, và yêu cầu anh xuống nói với họ cầm súng trở lại. Căn cứ Duyên Khu 4 chỉ huy các lực lượng Hải Thuyền từ sông Ông Đốc, Cà Mau trải dài đến vịnh Thái Lan, mà không có một lực lượng diện địa phòng thủ, vòng ngoài chỉ trông cậy vào trung đội nghĩa quân nói trên.
Họ đều là người Công Giáo, Ba Làng vượt biển vào Nam năm 1954, chống Cộng có hạng. Sau buổi mít tinh, anh cùng Trung Úy Võ xuống ghe chủ lực vượt sóng đi An Thới. Đến nơi, xin vào gặp cha Cung, quản nhiệm địa phận. Một điều dễ hiểu là chẳng cần phải dùng tài thuyết phục, cha cũng đồng ý là nếu vì ông Diệm mà bỏ súng, Việt Cộng nó tấn công thì chết cả đám. Chắc là dân An Thới, Công Giáo Ba Làng chỉ muốn dằn mặt quân đội đã giết vị lãnh đạo của họ.
Đại Úy Thanh bị triệu về Sài Gòn, mấy tháng liền đảo không có quận trưởng. Ở Sài Gòn thì các tướng lãnh không thuận nhau, chỉnh lý cứ xảy ra hoài hoài. Thân hào nhân sĩ trên đảo cũng theo cái nhịp đó, chạy lên quận điện kiến nghị về ủng hộ tướng lãnh mới lên nắm quyền. Có lần, Trưởng chi Thông Tin hấp tấp chạy lên quận báo tin, tướng Vùng 4 chống lại Sài Gòn, đang dùng đài Ba Xuyên bài bác chính phủ, mà quận thì mỗi chiều đều trực tiếp truyền thanh đài này cho dân chúng nghe. Ông ta hỏi nên xử trí ra sao, không biết theo bên nào và chống bên nào. Anh liền bảo ông ta loan báo vì lý do trục trặc kỹ thuật, nên chương trình phát thanh phải ngưng lại trong phút chốc. Nhưng rồi cũng phải hai ba hôm, nghe ngóng tình hình tạm yên mới cho phát thanh trở lại.
Ít lâu sau, thiếu tá Châu bên Hải Quân được cử ra làm quận trưởng. Ông ta rất ghét cờ bạc và thích chơi trò trị dân như ngày trước quan huyện phạt đám dân đen. Cứ mỗi Thứ Ba, mở sổ số là ông cho lính đi rình bắt bọn đánh số đuôi. Chỉ cần tóm được cuốn sổ là bao nhiêu tên người chơi đều nằm trong đó, lính chỉ cần đến lôi họ giải lên quận. Hình phạt thường là bắt họ làm cỏ vê trên các con đường trong quận. Bắt mãi mà dân vẫn không chừa.
Một hôm, anh nghe tiếng Thiếu Tá Châu to tiếng một mình ở bên ngoài, sau đó ông bước vào phòng anh đưa cho tờ báo bảo anh đọc và nhờ tìm cách trả lời. Ông bị thưa về tội bỏ dân đói, do kế hoạch bao vây kinh tế được thực hiện trước ngày ông đến đảo nhận chức. Anh còn nhớ bài báo đó được đăng trong mục đóng khung Quan Điểm của một tờ nhật báo do hai nhà cách mạng lão thành Nam và Bắc, là cụ Bạch văn Mùi và cụ Nguyễn Thế Truyền chủ trương. Cụ Truyền còn nổi tiếng vì có vợ là công chúa người Bỉ.
Đối với các bậc trưởng thượng, anh rất kính trọng. Anh bàn với Thiếu Tá Châu là anh sẽ viết một lá thư mời hai cụ ra chơi đảo, nghiên cứu tình hình và dạy bảo cho kẻ hậu sinh nên làm những gì, vì hai cụ chắc có nhiều kinh nghiệm với Cộng Sản. Thư gửi đi đã lâu mà không thấy hồi âm. Thiếu Tá Châu cười và nói chắc hai cụ sợ bọn con cháu chơi xỏ, khi hai cụ ra đây lại xúi dân vệ bắn sẻ trêu chọc. Sau này, ba người Đại Úy Minh, Đại Úy Thanh và Thiếu Tá Châu đều trở thành Đề Đốc giữ những chức vụ quan trọng trong Hải Quân.
Anh lại nghĩ đến, trong chiến tranh, Cộng Sản lấy nông thôn làm bàn đạp, cấp quận được coi như một tuyến đầu sống còn của người Quốc Gia. Những cán bộ hành chánh trẻ, được huấn luyện cấp đại học và đưa về mong làm thay đổi một phần nào bộ mặt của nông thôn, và củng cố chính nghĩa.
Hành trang chữ nghĩa họ đem theo hầu hết là những lý thuyết cao siêu từ các giảng đường đại học, những tư tưởng quốc tế xa vời được những giáo sư khoa bảng truyền thụ mà hầu hết các bậc thầy này cũng như các bậc cách mạng lão thành Quốc Gia đã không có những kinh nghiệm sống hay những thời gian đặc biệt nghiên cứu về nông thôn. Sinh viên mới ra trường đã phải tự mình lần mò học hỏi những điều xảy ra hàng ngày, và điều chỉnh giữa lý thuyết và hoàn cảnh thực tế. Khi vững vàng lông cánh, thì họ lại bay đi tìm những phương trời an lạc hơn, để lại nông thôn cho những đàn em như chim non mới ra ràng loay hoay tìm cách ứng phó như các đàn anh khi xưa.
Có một lần, anh từ quận trở về Sài Gòn công tác, và có dịp thăm lại trường cũ. Lúc anh ra trường, Giáo sư Vũ Quốc Thông là Viện Trưởng, nay là Giáo Sư Nguyễn Văn Bông thay thế. Một sự tình cờ anh gặp Giáo sư Bông tại hành lang và ngẫu nhiên anh ngỏ ý muốn thưa một vài câu chuyện của một sinh viên mới ra trường làm việc ở cấp quận. Ông vui vẻ dẫn anh trở lại văn phòng của ông. Chuyện của anh là những mối quan tâm kể trên. Ông im lặng ngồi nghe, không nói. Trước khi từ biệt để về quận, ông đưa tay ra bắt, anh nhìn cặp kính trắng dày cộm và trên vầng trán hiện rõ ràng đầy nét ưu tư. Anh chắc rằng ông cũng đã được nghe những lời trình bày như của anh nhiều lần. Ít lâu sau, anh được tin Giáo Sư bị ám sát chết…
Phú Quốc như là một địa điểm du lịch lạ, các tướng lãnh và chức sắc chính quyền trung ương hay ghé qua dù chỉ trong chốc lát. Cứ mỗi lần như thế, nhân viên quận rất hiếu khách, theo một thông lệ đã có từ lâu, thường đem nước mắm và cá khô thiều ra tận sân bay để tặng cả phái đoàn. Tổng thống Diệm và tùy tùng có ra thăm một lần. Tướng Thiệu, khi chỉ huy Vùng 4 và bà vợ cũng có ghé thăm.
Sau đó, tướng Dương Văn Đức có lần ra đảo hò hét bắt quân dịch náo loạn cả đảo, khiến bao nhiêu gia đình gặp cảnh ly tan vì chồng con bị dẫn đi. Một lần, một chiếc máy bay nhỏ từ đâu đến lượn mấy vòng trên văn phòng quận báo hiệu và sau đó hạ cánh xuống phi trường Dương Đông. Quận phải hộc tốc cho người mang xe ra đón, thì ra là phái đoàn Tướng Westmoreland đến mà không báo trước.
Sau khi nghe thuyết trình xong, phái đoàn trở lại sân bay, anh đã thấy mấy người thư ký quận đã sẵn sàng đứng cạnh máy bay, với mấy chai nước mắm để tặng. Thấy anh ngần ngại, thì một sĩ quan tùy tùng nói ngay: “Ô, Whisky Việt Nam, chúng tôi thích lắm!”. Tướng Westmoreland cười, cám ơn và giơ tay bắt tay mọi người. Lúc đứng nhìn chiếc máy bay mất hút sau rặng núi, anh mới nhớ ra, có một vài cố vấn Mỹ đến đảo, chắc thấy các chai nước mắm nhĩ vuông, óng ánh như mấy chai whisky mèo đen, ngửi lại thấy mùi thơm lạ, đặc biệt, nên họ đã nếm thử một cách say sưa.
Khi đến lượt Tướng Khánh lên cầm quyền, ông nảy ra ý kiến biến Phú Quốc thành một trung tâm du lịch, giải trí cho lính Mỹ khi đi phép, để thâu thêm ngoại tệ, thay vì họ mang đôla đi tiêu xài ở Hong Kong hay Thái Lan… Điều đầu tiên là phải nâng Phú Quốc lên hàng tỉnh, để có đủ cơ sở và nhân sự điều hành các chương trình. Anh được chỉ thị lập một dự án sơ khởi thành lập tỉnh Phú Quốc. Trên đảo đã có gần đầy đủ các cơ sở hành chánh và chuyên môn, mà một số ở cấp ty, trực thuộc với trung ương như một số tỉnh nhỏ vùng cao nguyên, vì thế chi phí phát triển không đến nỗi tốn kém lắm.
Đây là một dịp đầu óc anh bay bổng, nghĩ lại có ngày tìm lại được “Thiên đường đã mất” của mình. Anh tưởng tượng ra một con đường vòng ven đảo, qua những bãi biển nhỏ mà bao năm không có dấu chân người. Một cái đê ngoài cửa biển ngăn sóng để các tàu thuyền ra vào rạch Dương Đông cho dễ dàng, và cũng là chỗ để các du thuyền và nơi trượt nước cho du khách. Quận cần có một họa đồ thiết kế thành một thành phố du lịch, ít nhất cũng phải có tính cách quốc tế.
Những rừng san hô phía Nam đảo cần được bảo vệ cho những khách muốn thám hiểm vùng biển nhiệt đới. Cần có cả các du thuyền cho du khách đi câu và các chuyên viên hướng dẫn môn săn cá dưới biển. Anh chắc rằng Tướng Khánh cũng đã lôi cuốn được một số tư bản đầu tư đủ để phát triển hạ tầng cơ sở, xây cất các khách sạn, các trung tâm giải trí và thực hiện một sân golf, môn thể thao mà người Mỹ ưa thích. Tướng Khánh cũng thể nào quên được vấn đề bình định hòn đảo. An ninh phải là một trăm phần trăm, nếu không chỉ một sớm một chiều, tất cả công trình sẽ thành mây khói hết. Ông dự định đưa mấy ngàn dân Nùng chống Cộng ra định cư.
Họ sẽ được cung cấp tất cả phương tiện về đời sống trong mấy năm đầu, và một số sẽ được tuyển mộ thành lập những đơn vị để lùng diệt du kích địa phương. Chẳng bao lâu, anh nhận được công điện chuẩn bị đón tiếp và lập một chương trình thăm viếng theo lời yêu cầu của các lãnh tụ Nùng. Anh nhường cho họ căn phòng anh đang ở, và tối nào cũng ngửi thấy mùi thuốc phiện thơm lừng văn phòng quận. Họ mang theo một số súng lạ, và bảo anh muốn lấy khẩu nào tùy ý. Anh chọn một khẩu súng sáu ngắn nòng có thể giấu trong người. Hôm sau, anh đưa họ đi vòng đảo để quan sát bằng tầu tuần phòng của quan thuế. Nếu không ghé đâu, cũng phải mất một ngày mới trở về quận được.
Hồi đó, anh thỉnh thoảng nghe đài Nam Vang, ông hoàng Sihanouk cứ mỗi Thứ Bảy thường trực tiếp nói chuyện truyền thanh, lúc bằng tiếng Miên, lúc bằng tiếng Pháp, lúc lại bằng tiếng Anh. Nhiều lúc ông gay gắt lên án Việt Nam xâm lăng, to tiếng đòi lại đảo Phú Quốc và dọa sẽ tấn công bằng mọi lực lượng, vì thế anh rất e ngại mỗi lần phải đi vòng lên phía Bắc đảo, len giữa eo biển nhỏ gần kề với đất Miên, hải quân Cam Bốt có thể áp đảo kéo tàu về lấy cớ là vi phạm hải phận.
CÒN TIẾP
_____________