Xẩm tối ngày 29 Tháng Tư, hai năm trước, tôi đang nằm trên căn gác lưu đày, gặm nhấm nỗi buồn dân tộc, qua từng ca từ bài hát “Chiều Tây Đô” (Lam Phương): “Bao năm giải phóng như thế này phải không em?!”. Thì bất ngờ ông anh nhắn tin, gọi giật dậy:
– Ê mậy! Mai đi Bình Phước được chứ? Đi gặp người lính bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Sài Gòn, ngày 30 Tháng Tư 1975.
– Dạ! Tuyệt quá anh! Thời gian, địa điểm mai gặp, anh báo em nhen!
Xe của anh Lê Phước phải đi rất sớm, đón hai ông nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trịnh Gia Kiệt, cùng cô ca sĩ Thu Tâm, rồi ghé đón tôi là người cuối cùng, mà chưa đến 7h. Từ ngã tư An Sương, mấy anh em trên một chiếc Camry, theo QL1A xuôi về ngã tư Bình Phước, rồi quẹo trái vào Quốc lộ 13, thẳng tiến hướng Chơn Thành, Bình Phước.
Miền Nam (Đông và Tây Nam Bộ) thì Bình Dương là một trong hai tỉnh, đường sá được quy hoạch bài bản, xây dựng khang trang, đặc biệt chất lượng được bảo chứng theo thời gian. Tỉnh còn lại là Bến Tre, nhưng chỉ mới trong 10 năm trở lại đây, còn Bình Dương từ hơn hai thập niên trước rồi.
Dân tình đồn rằng, hai tỉnh này được vậy là nhờ có lần lượt cựu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc Hội. Hơn nữa, còn “nâng đỡ không trong sáng” cho một tay đàn em, lừa tài sản của bạn, trốn vào Sông Bé, nay đã trở thành tỷ phú ngàn tỷ. Dân vẫn đồn với nhau như vậy. Xe qua Khu công nghiệp VSIP, đi hoài đi mãi mà chưa hết “thành Đại Nam” của vợ chồng tỷ phú ấy.
Theo địa chỉ có được, nhà của ông Võ Phùng Dương – cựu quân nhân VNCH mà chúng tôi tìm gặp – ở gần ngã tư Chơn Thành. Phải đi vào ngõ hẻm, gần cây xăng, nơi có biển hiệu một dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc, đám cưới làm dấu. Ngoài ra không có cách nào để biết. Ông Võ Phùng Dương là nhân vật trong bức ảnh lịch sử về người thương binh VNCH đang chữa trị ở Tổng Y Viện Sài Gòn, đã phải chống nạng và dìu đồng đội thương tật nặng hơn mình bước ra sau khi quân Bắc Việt tràn vào, đuổi hết mọi người ra ngoài, kể cả những người đang mổ giữa chừng.
Xe chạy tới chạy lui tìm chỗ đến. Không khí trầm xuống hẳn, khi lúc đó cố liên lạc với người bạn cho thông tin về ông Dương, cũng như gọi vào số phone ông Dương, cả hai đều bất thành. Vậy là cả ngày hôm ấy, chúng tôi quyết định phải “mò” đường, dò địa chỉ cho bằng được. Đến ngã tư Chơn Thành, đi thẳng là Bù Gia Mập, biên giới Việt-Campuchia; quẹo phải đi thị xã Đồng Xoài, ngược lại đi Tây Ninh, còn hướng nào đi đến “Võ Phùng Dương” thì những người mà chúng tôi đã gặp, hỏi thăm, họ sống xung quanh khu vực ngã tư này, nhưng thảy đều không biết. “Phải tìm cho ra, mới được về” – chúng tôi đều đồng ý với đề nghị của anh Phước.
Theo ý kiến của cô ca sĩ Thu Tâm, xe rà đến gần ngã tư Chơn Thành thì thấy hẻm đầu tiên, đối diện cây xăng một góc 45 độ. Vừa đi vào tầm 500 thước, chúng tôi như đồng thời la lên: “Nấu ăn! Nấu ăn kìa!”. Hóa ra, thấy được biển hiệu “Dịch vụ nấu ăn Đáo Thu” – như được chỉ dẫn – mà quýnh quáng, nói không thành lời! Và quả nhiên, chúng tôi thấy đối diện biển hiệu là ngã rẽ đi tiếp vào hẻm. Bụng dạ ai nấy mừng rơn.
Gần đứng bóng, chúng tôi gặp được nhau – xêm xêm thời khắc của 48 năm về trước, khi ông Dương Văn Minh phát đi lời kêu gọi mọi quân nhân VNCH hạ vũ khí. Sau thời khắc mất nước ấy, số phận những thương bệnh binh (TBB) như ông Võ Phùng Dương càng bi đát hơn, khi giặc chiếm lấy Tổng Y Viện, liền đuổi tất cả TBB ra ngoài đường, với vết thương còn tứa máu!
Sự e dè ban đầu lập tức tan biến, sau khi chúng tôi tự giới thiệu về mình, và nguyện vọng vì sao chúng tôi có mặt nơi này, với tất cả sự chân thành, biết ơn đối với những người là Cha, Anh đã không tiếc máu xương, nhằm Vệ Quốc, giữ gìn giang sơn, gìn giữ nền “Tự Do – Nhân Bản – Khai Phóng” và tất thảy là “Tổ Quốc – Trách Nhiệm – Danh Dự”. Ông Dương cười và vui vẻ nói cả nhóm vào nhà. Trà nước với nhau làm quen, câu chuyện lập tức quay về quá khứ.
“Trước và trong ngày 22 Tháng Hai, quân Bắc Việt tràn xe tăng từ hướng Phú Giáo qua, Bình Long xuống, đánh về Chơn Thành. Tiểu đoàn 52 Bộ binh của tui án ngữ mặt này (Chơn Thành), quyết tử thủ. Năm 1972 tử thủ An Lộc, thì 1975 tử thủ Chơn Thành đâu có sao! Nhưng, lệnh rút Chơn Thành, hành quân dần về Biệt Khu Thủ Đô. Cùng ngày 22 này, tui bị thương, từ khẩu canon 12 ly7 bắn trúng xuyên phá…” – cựu quân nhân Võ Phùng Dương, thuộc Tiểu đoàn 52 Sư đoàn Bộ binh của Quân lực VNCH, thuật lại khi được chúng tôi hỏi chuyện về những ngày tháng bi hùng sau cuối.
Mọi người trầm mặc lắng nghe như nuốt từng lời của người quân nhân chiến bại trong tư thế những anh hùng. Còn tôi, vừa nghe chuyện, trí óc lại chìm sâu vào câu chuyện hồi ức cũng của một người thương phế binh khác – là ông Trần Đình Trọng – nhưng thuộc về Bên Thắng Cuộc (đúng đạo nghĩa, tôi phải gọi ông Trọng là Thầy, nhưng trong ngữ cảnh này, mạn phép thứ lỗi cho tôi, được gọi người Cựu Chiến Binh Cộng Sản này là ông). Cuộc đời của ông Trọng mà một mảng đối lập với hình ảnh người lính VNCH Võ Phùng Dương.
Xin được tạm cắt ngang, để kể đôi chút về những năm chiến tranh, trước năm 1975, ở những nơi như xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi – quê hương của ông Trần Đình Trọng – được mệnh danh là “ban ngày theo Quốc Gia, ban đêm thân Cộng Sản”, thì những thanh, thiếu niên tầm tuổi 18-20 như ông Trọng, có không muốn “hăng hái nhảy núi làm du kích”, thì e rằng cũng quá khó!
Ông Trọng tham gia đội vũ trang, chống lại chính quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn bao đời của tổ tiên ông ấy. Năm 1972, ông đạp phải mìn, bị thương khá nặng (một chân bị đứt lìa từ đầu gối). Báo chí nhà nước kể lại rằng, lúc bấy giờ, những đồng đội của ông nếu cõng mang ông theo thì có thể bị chết hết, nên ông Trọng thều thào: “Các đồng chí đi đi. Đừng vì tôi mà nguy hiểm vô ích. Nếu không là tôi sẽ chết ngay bây giờ”.
Còn thực hư ra sao, không ai trong chúng ta biết rõ, nhưng ông Trọng lại tường tận vô cùng. Các đồng chí của ông khi đi, chắc vội quá hay vì lý do khác, mà họ quên không để lại cho ông lương khô, hay nước uống gì cả! Bị thương mất máu, khiến cơ thể thiếu nước rất, ai cũng biết. Ông Trọng nằm đó, với vết thương cùng đói khát. Nhưng, sự sống là vô cùng trân quý, nên ông vẫn nhắm mặt hy vọng, chứ nếu không thì ông ấy sẽ tự sát ngay, để khỏi rơi vào tay “giặc VNCH”, bởi sự tàn ác của phe miền Nam mà ông luôn được tuyên truyền.
Thế rồi, người thanh niên nằm thoi thóp, ông Trọng, đã lọt vào tay “đế quốc sài lang, bọn ngụy quân ngụy quyền”. Nhưng mọi thứ không như ông tưởng tượng. Không có tra tấn hay hành hình không tòa án, mà ông còn được cho hai bịch gạo sấy và một bi-đông nước.
Trần Đình Trọng đã được sống nhờ vào tính nhân đạo của những quân nhân VNCH – dù trên chiến trường chỉ có hoặc địch, hoặc ta. Câu chuyện này, được Tạp chí Sự Kiện và Nhân Chứng (của Cộng Sản) đăng tải với tựa đề “Tình người giữa hai chiến tuyến”, vì sau 30 Tháng Tư 1975, sau nhiều thập niên, thì ông Trọng hành trang quyết đi tìm lại người lính phe đối nghịch đã cứu ông ngày ấy. Người lính “ngụy” để cơm sấy và nước uống cho ông Trọng cuối cùng hội ngộ, sau những năm tháng mà quân nhân VNCH nếu không bị chết trong những “trại cải tạo” thì cũng phải đi làm “kinh tế mới” ở một nơi nào đó nơi rừng sâu nước độc. Tháng Tư về, có những người lính Bắc Việt sống sót ngậm ngùi nhớ về ơn cứu tử của phía miền Nam. Ngược lại, có những người lính VNCH chỉ cười mỉa, về cái gọi là “giải phóng”…
Ông Dương kể rất nhiều, giơ bàn tay với ngón út đã liệt (trong bức ảnh là bàn tay ông đang băng bó) để nhắc lại chuyện xưa. Giọng của ông sảng khoái và thậm chí kiêu hãnh khi nhớ về thời quân nhân của mình. Trước khi siết chặt tay nhau tạm biệt, tôi nhìn thẳng mắt ông Dương, hỏi: “Nếu thời gian quay trở lại, buộc phải cầm súng, chú Dương sẽ chiến đấu cho Quốc Gia hay Cộng Sản?”. Không chớp mắt nghĩ ngợi gì ráo trọi, ông nói: “Quốc Gia! Phải là Quốc Gia thôi! Dù không phải lúc nào đứng về Chánh Nghĩa đều Thắng Cuộc! Nhưng, ta làm Người, cốt ở điều, phải giữ lấy Chánh Nghĩa!”
Đã mấy năm trôi qua, giờ thì tôi chỉ còn biết thở dài, lặng người, khi hay tin ông Võ Phùng Dương, người cựu quân nhân thuộc Tiểu đoàn 52 Sư đoàn Bộ binh của Quân lực VNCH, đã qua đời. Tôi nhìn lại bức ảnh chàng thanh niên Võ Phùng Dương khi bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Sài Gòn nay đã đi vào lịch sử. Hình ảnh người quân nhân, người con đất mẹ Việt Nam, sau ngày thống nhất địa lý hai miền Bắc-Nam, nhưng quê hương như vẫn còn đó thương tật, không biết đến khi nào lành miệng vết cắt. Còn đó những bóng dáng xiêu vẹo như bức ảnh để lại của ông Võ Phùng Dương, như tượng hình giang san phải ngả nghiêng trước biến động của thời cuộc khôn lường.
____________