Tạ ơn những người điên

Minh họa: ahmed-nishaath-unsplash
Share:

Tôi muốn viết bài này để cám ơn những người bị gọi là “điên”, nhưng không bạo động – những người điên hiền lành. Những người điên này làm đẹp cuộc đời, và làm cân bằng được cán cân xã hội.

Ý nghĩ trên tôi có được là sau bao ngày tháng chiêm nghiệm và trầm tư một cách nghiêm túc. Tôi xin được trình bày như sau đây:

Họ, những người làm đẹp cuộc đời

Cách đây ba năm, trong một ngày lang thang với một người bạn ở New York City, buổi chiều, hai đứa tôi đứng trong Washington Square, chiêm ngưỡng một ban nhạc Jazz gồm bốn gã da đen, mà tên đánh contrebasse chắc khoảng chín, mười tuổi gì đó, thấp hơn cây đàn mà gã đang sử dụng. Trời thì mưa mỏng mỏng như mưa bụi, không làm xao xuyến được đám đông chừng bốn, năm chục người, đang đứng vây quanh ban nhạc. Lại càng không làm xao xuyến được gã đàn ông râu tóc dơ dáy đang nằm ngủ trên thảm cỏ, giữa đám đông. Mọi người không ai để ý tới gã, trừ tôi.

Minh họa: geoffroy-hauwen-unsplash

Hốt nhiên, tôi thấy gã ngồi dậy, dụi mắt rất là:

ta nằm ngủ giữa luân hồi tỉnh giấc

thấy trần gian như một hội hoa đăng

(thơ Tuệ Sĩ)

Ban nhạc vừa chấm dứt một bài. Mọi người vỗ tay. Gã đàn ông râu tóc dơ dáy cũng vỗ tay. Gã lom khom tìm nhặt một cái tàn thuốc còn có thể hút được vài hơi ở dưới đất. Tất cả những cái tàn thuốc đều đã bị ướt vì cơn mưa bụi. Gã phủi tay, đứng thẳng người lên ngó một vòng chung quanh gã. Gã khệnh khạng bước về phía tôi, có lẽ là vì gã biết tôi đang quan sát gã. Gã xin tôi một điếu thuốc. Gã bảo ngày mai gã sẽ có tiền. Tiền điên. Gã móc cái lisence điên cho tôi xem.

Gã nhún vai: “Cái thằng cha cấp cho tao cái lisence này, nó ngu lắm mày ạ! Tao nói với thằng cha sở dĩ tao làm hãng nào cũng bị đuổi là vì mấy thằng cha chủ hãng nó điên, nó không chịu nghe ý kiến của tao. Mà nó không chịu nghe ý kiến của tao thì tao phải nổi giận. Mà tao có nổi giận cũng đâu có làm gì hại nó đâu. Tao chỉ ngày ngày vô hãng ngồi buồn một mình tao thôi. Ấy vậy mà nó kick tao out”.

Tôi gật gù: “Mày có lý. Tao hiểu mày lắm”.

Đột nhiên gã điên đổi đề tài: “Mày biết không, ban nhạc Jazz này tuyệt lắm, mỗi lần tụi nó chơi ở đâu mà tao mò tới được, bất luận là Washington Square hay Central Park… là tao phải tới. Tao nghe tụi nó chơi vài ba bản là tao đã, tao lăn quay ra tao ngủ à. Cái thằng đánh trống đó nó điếc mày biết không? Nhờ vậy mà nó chơi trống ra gì!”

Tên bạn cùng đi với tôi cười khà khà, móc một đồng cho gã điên mua thuốc lá. Gã bỏ chúng tôi không một lời chào. Gã không đi, mà nhảy, những bước nhảy rất đẹp.  Mái tóc vàng của gã xập xòe trong màu xám nhạt của buổi chiều.

Tôi và tên bạn nhìn nhau cười. Tôi nói: “Ông có thấy giữa tên điên này và ban nhạc kia có một sự liên hệ thần bí không? Có tên điên này mới nói lên được cái giá trị nghệ thuật của ban nhạc kia. Và có tên điên này mới hiểu được sự xuất sắc của tên đánh trống trong ban nhạc”.

Tên bạn tôi khoác vai tôi: “Và nhờ có tên điên này nên buổi chiều hôm nay của tôi và ông đẹp thêm. Có phải ông muốn nói vậy không?”

Tôi nhớ là tôi đã đồng ý với tên bạn tôi về buổi chiều hôm đó. Buổi chiều đã đẹp nhờ một ban nhạc Jazz trong Washington Square nhờ có tên nhóc chơi contrebasse mới tám, chín tuổi. Buổi chiều lại đẹp thêm nhờ có tên điên biết tay trống điếc nên đánh trống ra gì. Và tên điên có mái tóc vàng với những bước nhảy tuyệt vời của một con thú hiền lành và hân hoan.

Những bước nhảy tuyệt vời của một con thú hiền lành và hân hoan như con sóc nhỏ màu xám trên cành cedar ở Minnesota. Viện dưỡng lão góc đường Cedar kế bên cái apartment tôi ở tạm với người bạn vào mùa Thu năm 1976, ngày ngày có một tên điên rất trẻ, trạc khoảng 21, 22 tuổi gì đó – tới chơi với những ông bà già nghễnh ngãng đã bị con cháu bỏ rơi này.

Mùa Thu, mùa Thu ở Minneapolis có không khí gây gây thơ mộng và cây lá với những màu sắc lãng đãng làm con người như đi lạc vào một xứ của cổ tích. Những chú sóc nhỏ màu xám tinh khiết với đôi mắt bé tí màu hạt dẻ đùa giỡn dưới sân cỏ hay trên những cành cây. Những ông bà già ngồi uể oải trên những chiếc băng gỗ kê rải rác đây đó, hay trên những chiếc xe lăn.

Tên điên xuất hiện đột nhiên như đã có mặt từ một lúc nào với những ông bà cụ già.

Gã mặc blue jean bạc màu, sơ mi trắng và khoác blue jacket đã sờn rách vài chỗ, nhưng tất cả đều sạch sẽ. Mái tóc nâu vàng của gã rũ che đi một nửa con mắt bên trái, đôi mắt gã màu ve chai sáng một cách ngơ ngác. Gã choàng tay qua vai ông cụ tê liệt hai chân ngồi trên xe lăn hỏi han dăm câu. Thoắt cái, gã đã quỳ gối bên bà cụ méo mồm. Gã cầm tay bà cụ an ủi dỗ dành gì đó, trong khi bà cụ đang thút thít khóc như một đứa con nít.

Cứ như thế, gã vờn quanh những con người đã héo hon sức sống, gã mang sinh khí đến cho họ. Thỉnh thoảng, gã làm trò như trồng cây chuối, hay nhại giọng một nhân vật nào đó, làm những chiếc miệng móm mém, đa số đã không còn răng thật phải bật cười.

Gã cũng hay kể chuyện cho những ông bà cụ già nghe. Đại loại những chuyện kể thì kỳ dị và rất chiêm bao. Như đêm qua gã có gặp Chúa Jesus, Chúa bảo gã nhắn với bà cụ méo mồm tên Mary Ann là Chúa rất thương bà, mai mốt bà chết thế nào cũng gặp được Chúa trên Thiên đàng.

Gã dặn ông cụ Jack là đừng có mong thằng con trai cụ vào thăm nữa, vì nó đã bị… xe cán chết và vợ nó đã đi lấy chồng khác.

Tôi có hỏi gã: “Mày biết con trai cụ Jack à?”

Gã lắc đầu: “Biết hồi nào đâu.”

Tôi lại hỏi: “Vậy sao mày nói nó bị xe cán chết rồi?”

Gã tỉnh bơ: “Nó không thèm tới thăm bố nó là ông cụ Jack, ông cụ cứ khóc than với tao. Tao nói đại với ông cụ là nó bị xe cán chết cho xong. Ông cụ khóc lai rai mấy lần lại quên nó đi.”

Gã luôn có lối giải quyết mọi sự việc gọn gàng theo kiểu của gã. Như ông cụ Frank nghiện rượu, lâu lâu lại lén nhờ gã đi mua. Có lần gã đi mua rượu về đưa cho cụ Frank thì bị y tá bắt gặp, tịch thu rượu. Gã la lối tùm lum là chị y tá ngu xuẩn, cụ Frank sớm muộn gì cũng chết, tại sao không để cụ “enjoy” cái cụ thích cho nó thỏa. Chị y tá nổi giận, gọi cảnh sát và nhân viên dưỡng trí viện tới. Gã bị áp giải về nằm trong dưỡng trí viện hết một tuần mới được cho ra.

Gã thuộc vào loại điên hiền, nên không phải bị quản thúc. Gã lại xuất hiện trong sân chơi viện dưỡng lão mỗi ngày, đều đặn như là gã được Thượng Đế chọn để làm cái công việc an ủi và mua vui cho những người già này.

Có lần một bà cụ làm rơi bộ răng giả, gã chụp lấy và nhất định không trả, gã muốn giữ để chơi. Cả viện dưỡng lão nhốn nháo lên vì chuyện này. Gã bảo bà cụ chỉ ăn soup không thì cần răng mà làm gì?

Những pha nghịch ngợm như vậy hiếm khi xảy ra. Thường thì gã rất dễ thương và rất tốt.

Minh họa: tolga-ahmetler-unsplash

Có hôm tôi rủ gã đi cinema, tuần lễ phim của Charlie Chaplin chiếu lại trên đường Hanapkin. Đến phim Lime Light, gã đã khóc mùi mẫn khi Charlie lén lút mò tới nhà cô gái mù trao tặng món tiền để cô gái này chữa mắt, và sau đó bị cảnh sát bắt bỏ tù oan vì những cơn say, tỉnh của tên nhà giàu kỳ cục.

Trên đường về, tôi hỏi gã lúc nãy sao mày khóc dữ vậy? Gã nhìn tôi đăm đăm, lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt gã có thần khí như vậy, thường thì đôi mắt gã ngơ ngác như là không nhìn thấy gì chung quanh trong cuộc đời này.

Gã nói, giọng trầm trầm: “Life’s so sad!

Cuộc đời buồn quá. Một gã điên đã bảo tôi rằng cuộc đời này buồn quá. Tôi đã từng nghĩ là gã không bao giờ biết buồn là gì. Tôi thấy gã sống lâng lâng như mây phiêu hốt. Tôi thấy gã sống chập chờn như mây bay lên trên cuộc đời. Vậy mà cũng có lúc gã thấy cuộc đời này buồn quá.

Ôi, vậy ra cuộc đời này buồn thật sao? Cuộc đời buồn và những phim cười của Charlie Chaplin. Những phim cười làm người xem xót xa rơi nước mắt. Cuộc đời giống như một hơi thở dài, dài không bao giờ dứt. Nụ cười giống như những đóa hoa và điệu cười là những âm thanh của gió làm run rẩy những đóa hoa. Những đóa hoa biểu tượng an lạc sinh khí của đời sống.

Tôi muốn nghĩ là đời sống này thực sự vui. Vui như những câu chuyện kể của một người điên. Nhưng đã có lúc người điên cũng kể câu chuyện buồn. Nhưng gã điên không buồn cái buồn của gã. Gã buồn cái buồn của cuộc đời. Gã khóc cái khóc của nhân gian. Gã điên đã mang tấm lòng Bồ Tát mà đi vào cuộc đời, đi xuống cuộc đời.                 

Còn những con người tự cho là mình tỉnh táo, đã, đang cư xử với nhau bằng những ý đồ của gươm đao và chất nổ, của lừa lọc và gian trá; tôi luôn cầu mong cho họ… điên điên đi một chút. Điên cho đời nó yên và đỡ buồn.

Đỡ buồn tức là lâu lâu buồn chút chút… thì còn được. Buồn theo kiểu trang sức của mấy anh thi sĩ dỏm, buồn kiểu nhu cầu giống như quý bà quý cô cần nước hoa và son phấn…v.v; chứ còn buồn nhiều quá, dài quá thì dám đời bị ngắn đi lắm à!

Mà đời có ngắn đi bớt chút đỉnh cũng có sao đâu? Giữa người “điên” và người “tỉnh” (hiểu “điên”, “tỉnh” theo nghĩa bình thường nhất) thì tôi đang phân vân không biết là phe nào sợ bị đời “ngắn” hơn, tức là phe nào sợ chết nhiều hơn.

Có những anh “điên” liều lĩnh, và cũng có những anh “điên” rất nhát gan.

Có những anh “tỉnh” lắm lúc coi đời nhẹ như bấc nếu bị va chạm tới những “quyền lợi” sinh tử của anh ta. Cũng có anh “tỉnh” khác chỉ cần ai đó dọa dăm câu rồi giậm chân một cái là có thể bỏ của chạy lấy người ngay.

Tôi lại lan man viết “lạc đề” qua chuyện của những… người “tỉnh” rồi. Tiểu đề của phần này là: Những người làm đẹp cuộc đời. Là những người điên.

Thực ra, đôi lúc chúng ta cũng nên đi lan man ra khỏi những gì chúng ta đang nói tới một chút; đó là cách cho những gì chúng ta đang nói tới nó còn có khe hở để mà nó thở!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: