Thầy tôi, Ôn Tuệ Sỹ

Minh họa: evie-s-unsplash
Share:

Có lẽ, thay đổi quan trọng nhất trong đời một người là “thay đổi nhận thức”! Có nhiều nguyên nhân, nhiều lý do để nhận thức thay đổi… và sự thay đổi cũng có nhiều mức độ khác nhau.

Giáo lý nhà Phật dạy: Chúng sinh, có người suốt đời ở ngoài sáng, có kẻ suốt đời ở trong tối, có người từ trong tối bước ra sáng, cũng có kẻ từ sáng bước vào tối.

“… Có người va vào biến cố một lần, phạm phải lỗi lầm một lần, từ đó không đứng lên được nữa, do hôm qua không tích góp được những niềm vui bền vững, để hôm nay có thể vịn vào, đứng lên, đi tiếp. Có người va vào biến cố một lần, nhưng bình thản đứng dậy như không, do hôm qua đã gây dựng được nhiều điều bền vững, để nương tựa cho mình…” (Lời kinh trong lòng bàn tay 167 – Vô Thường).

Tôi sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam, theo lẽ thường, tôi sẽ là người của chính quyền. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, ngược lại, số phận đã dẫn tôi đi theo một con đường khác thường: Sinh ra trong tháp ngà nhung lụa, nhưng chẳng những phải sống tự lập từ nhỏ (đi sơ tán theo trường mỹ thuật trong chiến tranh) mà còn tự mình trải qua cuộc nội chiến khốc liệt, để tận mắt chứng kiến những điều mãi sau này mới hiểu.

Từ sự hiểu hiện tượng một cách nông cạn, biến thành nhận thức sâu sắc là một quá trình dẫn đến thiện duyên: Được gặp trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Có thể nói không ngoa rằng: Ôn Tuệ Sỹ là người khai sinh ra tôi lần thứ hai.

Ôn Tuệ Sỹ dạy: “… Một xã hội mà không có nơi nào để cho tín tâm an trụ, xã hội ấy dễ dàng rơi vào tà kiến điên đảo. Trong một xã hội mà phẩm giá con người không được tôn trọng; trong một xã hội mà quyền lực được dựng lên không còn mục đích hòa giải những mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên, từ thuở loài người khởi đầu lịch sử đấu tranh vì lợi dưỡng, vì quyền lực. Mỗi con người chỉ là một cọng cỏ yếu ớt gấp mình trước những thế lực tham tàn hung bạo. Không còn nơi nương tựa vững chắc, ngoài những bóng ma chập chờn để bám víu…”

Tác giả và Thầy Tuệ Sỹ (ảnh: tác giả gửi)

“Trước khi bắt đầu đi theo người “thầy dẫn dắt”, quý vị nên hiểu rõ Pháp. Tôi không hàm ý quý vị phải hiểu triệt Pháp, nhưng ít ra cũng nên có một hiểu biết nào đó. Quý vị nên phân tích, và nên nghi ngờ và có óc phán đoán. Có lẽ quý vị cũng nên tranh luận nữa, và cố gắng tìm ra khuyết điểm bằng luận lý và tư duy….” (Dzongsar Khyentse Rinpoche).

Tất nhiên, những năm tháng tuổi trẻ, tôi không hiểu gì về Pháp, nhưng có thói quen quan sát, phân tích, phán đoán và luôn hoài nghi. Chỉ đến khi gặp Ôn Tuệ Sỹ, đọc và học những trước tác của Ôn, mọi hoài nghi được giải tỏa.

Ngày 25 Tháng Chín 2015, trùng vào sinh nhật của tôi, hôm đó, trong lễ truyền giới (quy y), Ôn dạy một điều tuy đơn giản, nhưng suốt đời không thể quên: “Vì mình vẫn đang đi giữa thế tục, vẫn còn bươn chải với đời, nên khó tránh khỏi gặp chuyện này chuyện kia, nhưng đừng bao giờ quên mình là Phật tử…!”

Thật vậy, là một cư sỹ tại gia, chuyện va chạm với thế gian là không tránh khỏi, khó khăn trong bươn chải vật chất là không tránh khỏi, tuy nhiên, Ôn là người dạy tôi biết làm chủ tâm mình, thoát ra khỏi thế giới phù hoa, hiểu thế nào là “tự tại” mà từ đó dẫn đến sự nhận thức về chính bản thân mình, điều này thật sự vô cùng ý nghĩa, nếu biết rằng, tôi vốn cũng là một kẻ từng rất kiêu ngạo, khinh người, “coi trời bằng vung”.

Sự thay đổi nhận thức ấy, lúc đầu diễn ra từ từ, nhưng do bởi uy lực trí tuệ của Thầy cộng với những chủng tử phước duyên có sẵn, mà sự thay đổi diễn ra nhanh và trở nên “kiên cố”, hình thành một định lực, khế hợp với lý duyên khởi. Lý duyên khởi là luận cứ hợp lý và thực tế. Có vô số sự việc xảy ra hàng ngày, đặc biệt là những việc khó chịu, tồi tệ, dùng luận cứ về “duyên khởi”, sẽ thấy mọi việc xảy đến là tự nhiên, dù nó khốn khổ, khốn nạn đến đâu.

Không ai muốn những việc tệ hại đến với mình, nhưng nó cứ xảy đến, gây phiền não và thông thường, người ta phản ứng cũng tệ hại y như thế, nhưng “… do định lực và nhận thức mà không hành các nghiệp bất thiện chứ không phải do lực phòng hộ bởi sắc pháp mà không hành các nghiệp bất thiện” (Tổng quan về Nghiệp – trang 256). Những nghiệp bất thiện nói ngắn gọn là “tham, sân, si” mà trong giới văn nghệ sỹ, “tham” còn hàm nghĩa “tham danh/háo danh”.

“Một Phật tử chân chính là người hướng cái nhìn của mình vào bên trong chứ không hướng ra ngoài. Họ không để tâm nhiều đến những gì người khác nói hay làm. Họ cũng không nghe theo lời nói của Thầy họ hay lời dạy của Đức Phật một cách mù quáng. Họ tự nhận chân Phật Pháp ngay chính trong tâm thức mình. Tôi cho rằng đó mới là ý nghĩa của một Phật tử chân chính…” (Drupon Khen Rinpoche).

Minh họa: john-silliman-unsplash

“Lên non ở ẩn, chuyện thường thôi

Ẩn chơi giữ chợ cũng hiếm hoi

Úp mặt trong tù mới ghê gớm

Chẳng làm chi cả, chẳng ông tôi

(Ngỡ Như Ẩn Sĩ – Ngục Trung Mị Ngữ – Tuệ Sỹ)

“Trong cuộc đời bạn phải đi thật xa để tìm lại chính mình, phải mất mát nhiều để có thể tận hưởng những gì còn lại, phải nghe nhiều lời dối trá để biết rằng ai nói thật, phải chịu đựng nhiều đau khổ để hiểu hạnh phúc thực sự là gì, và phải có những mối tình lầm lỡ để tìm thấy tình yêu đích thực…” (Ngạn ngữ Czech)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: