Biết ra sao ngày sau…

GÓC NHẠC XƯA
Share:

“Que Sera, Sera” đã trải qua nhiều biến hóa về tiết tấu, âm sắc của các ca sĩ khác nhau, và được chuyển tải bằng nhiều nhạc ngữ. Tuy nhiên, tất cả các phiên bản đều nói lên tâm trạng của đứa trẻ trong mọi thời đại tò mò về vận mệnh cuộc đời trong tương lai.

Khúc hát “Que Sera, Sera” hòa nhịp vào dòng chảy cuộc sống con người gần 70 năm qua.

“Que Sera, Sera” hay còn được gọi là “What Will Be, Will Be” ngay từ cái tựa đề đã đưa ra lý lẽ “điều gì đến, ắt sẽ đến” để xoa dịu tâm trạng bối rối của những đứa trẻ với ý nghĩ lo xa về tương lai mà quên sống trong những giây phút hiện tại. Chân lý này không chỉ đúng cho trẻ em mà có thể áp dụng cho cả người lớn.

“Que Sera, Sera” là một sáng tác của nhà soạn nhạc Jay Livingston và nhạc sĩ Ray Evans. Bài hát được Artists Music Inc. (California) làm đại diện để đăng ký bản quyền, và tờ nhạc in nhạc phẩm này được ấn hành vào năm 1955.

Vào năm 1956, nữ diễn viên kiêm ca sĩ huyền thoại Doris Day, cũng là nhà bảo vệ quyền động vật, thể hiện bài hát “Que Sera, Sera” trong phim hồi hộp giựt gân Mỹ mang tên “The Man Who Knew Too Much” của đạo diễn Alfred Hitchcock.

Kịch bản phim kể câu chuyện của Dr. Benjamin McKenna (tài tử James Stewart) cùng vợ là Josephine Conway McKenna (cô đào Doris Day), từng là một ca sĩ, và con trai Hank (Christopher Olsen đóng) chứng kiến một vụ giết người khi đi nghỉ mát ở Morocco.

Sau đó đứa con trai nhỏ tuổi của họ bị bắt cóc để ngăn chặn hai vợ chồng tiết lộ âm mưu ám sát một chính khách. Trong phim, người mẹ hát bài “Que Sera, Sera” trong buổi tiệc để làm ám hiệu cho con trai nhận ra sự có mặt của ba mẹ tại căn nhà có gian phòng đang giam giữ cậu bé. “Que Sera, Sera” sau đó giành được giải Oscar “Nhạc Phim Hay Nhất”.

Ảnh: priscilla-du-preez-unsplash

Tiếng hát trong trẻo, rõ ràng, ngọt ngào và mang đầy năng lượng tích cực của Doris Day trong ca khúc “Que Sera, Sera” theo điệu Walz nhẹ nhàng lả lướt, như kể về cuộc đời của chính mình qua ba giai đoạn, từ một bé gái đến khi thành thiếu nữ biết yêu, rồi sau đó trở thành người mẹ của đứa con trai:

Hồi đó khi tôi còn nhỏ xíu, tôi hỏi mẹ rằng

Mẹ ơi! tương lai của con rồi sẽ như thế nào?

Liệu khi lớn lên con có thanh tú không?

Liệu vận mệnh con có giàu không?

Mẹ tôi đáp rằng việc gì đến ắt sẽ đến

Con người không biết trước được tương lai đâu con! 

Đến khi tôi đi học, tôi hỏi thầy cô rằng

Lớn lên con nên làm gì?

Con có nên ráng sức để làm họa sĩ không?

Con có nên ráng sức để làm ca sĩ không?

Rồi thầy cô cũng đáp rằng việc gì đến ắt sẽ đến,

Mọi việc con làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của con.

Con xin lỗi mẹ nếu con làm nghề trái ý của mẹ trong tương lai,

Việc gì đến sẽ đến thôi mà mẹ! 

Và rồi đến tuổi cặp kè, khi tôi biết yêu

Tôi hỏi người yêu rằng liệu chuyện tình yêu chúng ta sẽ đi đến đâu?

Liệu chúng ta có cuộc hôn nhân đầy màu sắc không?

Chàng đáp rằng “Thôi kệ đi!”

Đâu có ai biết trước được tương lai?

Việc gì đến ắt sẽ đến,

Thôi kệ đi!

Bây giờ tôi cũng đã trở thành một người mẹ,

Con trai hỏi rằng mai sau rồi sẽ ra sao, mẹ ơi?

Liệu rằng con có khôi ngô tuấn tú không?

Liệu vận mệnh con có giàu không?

Tôi dịu dàng đáp rằng điều gì đến ắt sẽ đến,

Không ai biết trước được tương lai đâu, con!

____________

Ảnh: linn-unsplash

Bản thu đĩa “Que Sera, Sera” của Doris Day cho hãng Columbia Records vào năm 1964 giành được vị trí thứ #2 trong bảng xếp hạng “Billboard Top 100 chart”, và vị trí thứ #1 trong bảng xếp hạng “UK Singles Chart”. Năm 2004, Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ xếp bản “Que Sera, Sera” vào vị trí thứ #48 trong danh sách 100 bản nhạc phim hay nhất trong vòng 100 năm (AFI’s 100 Years… 100 Songs).

Điệu Walz của bản nhạc “Que Sera, Sera” đã làm lay động cảm xúc từ trái tim tài hoa của nhạc sĩ Phạm Duy để ông chấp bút viết lời Việt một bản nhạc có tựa đề “Biết ra sao ngày sau”.

Bản phóng tác của nhạc sĩ Phạm Duy đã từng vang lên khắp nẻo Sài Gòn với nhiều giọng ca khác nhau, trong đó có giọng ca “chuyên trị nhạc ngoại” của ca sĩ Thanh Lan.

Khán thính giả Việt Nam đã quen thuộc với điệu Walz của bản gốc nên có lẽ ít để ý đến bản cải biên tiết tấu cũng có một thời lẫy lừng.

Năm 1965, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Úc Normie Rowe có ngoại hình trẻ trung đã gây ngạc nhiên cho khán thính giả khi ông biểu diễn “Que Sera, Sera” theo phong cách Rock and Roll, với chất giọng nam cao đáng yêu cùng bước nhảy lôi cuốn, vừa tinh nghịch vui nhộn, vừa mạnh mẽ mang tinh thần thể thao.

Bây giờ ai xem lại video clip này hẳn có thể cũng còn muốn nhảy theo điệu nhạc. Tiếng hát của ông như lời tâm sự của bé trai trong bản gốc của Doris Day thuở nào, liên tục hỏi mẹ về tương lai.

Vào thời điểm đó, bản cải biên của Normie Rowe trở thành bản hit thứ #1 trên khắp nước Úc. Normie Rowe hai lần nhận danh hiệu đĩa vàng cho đĩa thu âm bài hát “Que Sera, Sera” trong hai năm liền 1965 – 1966.

Tháng Tám năm 1966, Normie Rowe giành được danh hiệu giọng hát nam hay nhất, cũng nhờ vào bài ca “Que Sera, Sera”, do Radio 5KA’s trao. Normie Rowe trở thành thần tượng âm nhạc của lứa tuổi teen ở Úc thời ấy.

Năm 1967, Normie Rowe đi quân dịch, và ông phục vụ quân ngũ từ năm 1968 đến năm 1970. Ông nhận nhiệm vụ tại chiến trường Việt Nam từ Tháng Giêng đến Tháng Mười Hai 1969 khi quân đội Úc tham chiến ở Việt Nam, với nhiệm vụ điều khiển tín hiệu xe thiết giáp.

Sự nghiệp của Normie Rowe coi như chấm dứt từ đó, vì sau khi mãn quân dịch, ông phải chịu áp lực trước phong trào phản chiến và sự kỳ thị của cộng đồng đối với những người lính trở về từ chiến tranh Việt Nam.

Việc Normie Rowe “bị thất sủng” vẫn không ảnh hưởng đến mức độ phổ biến bài hát “Que Sera, Sera”. Các bản cover thành danh tiếp tục xuất hiện như: bản cover của Mary Hopkin (1969) đã giữ vị trí thứ #77 trong bảng xếp hạng âm nhạc Billboard Hot 100, và đứng vị trí thứ #7 trong bảng xếp hạng Adult Contemporary chart; bản cover của Shakin’ Stevens (1982) giành vị trí thứ #2 trong bảng xếp hạng âm nhạc UK Charts trong mùa Giáng sinh 1982; bản cover của “Terence” (John Creedon) phát sóng trên đài “RTÉ People in Need Telethon” chiếm vị trí thứ #2 trong bảng xếp hạng âm nhạc Irish Singles Chart vào năm 1989.

Đến tận năm 2021, ban nhạc “The Pixies”  hát nhạc alternative rock đã thu âm phiên bản mới mang tính sáng tạo  cho phim kinh dị truyền hình nhiều tập “From”, với âm giai thứ tạo nên âm sắc rất khác so với các phiên bản trước, cốt đem đến bầu không khí ma mị kỳ ảo trong phim.

Gần đây nhất, kênh Isonga Family trên YouTube đăng tải bản cover của ca sĩ Clarisse Isonga với phong cách hiện đại nhẹ nhàng. Cuối cùng thì các dàn nhạc nổi tiếng cũng đã không bỏ quên bản nhạc “Que Sera, Sera”.

Từ một bài hát dành cho trẻ con mà người lớn từ thế hệ này sang thế hệ khác đã “phù phép” thành ra “muôn hình vạn trạng”, hai lần được đưa vào phim, giúp biết bao người có những giây phút giải trí. “Que Sere, Sera” sẽ còn hóa thân vào những hoàn cảnh và trạng thái nào nữa thì cứ hãy chờ xem, que sera, sera!

____________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: