“Còn ‘Sáng Tạo’ ta hãy còn Sáng Tạo”

1954 – Với một “Lên đường lớn”, từ hiệp định chia đôi đất nước, trùng trùng những bước chân của các tài hoa, của di cư một triệu, với những tiền phong: Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa… Và cũng từ đó, dẫn đến một họp mặt chung trên tờ SÁNG TẠO – Mai Thảo chủ trương – với những thao thức mới của con người thời “hiện sinh”… và SÁNG TẠO – là diễn đàn của hôm nay, hôm nay chứ không phải là ngày mai, hay là sắp tới – vì đó, hôm nay – mới chính là “điểm đầu” của SÁNG TẠO.

SÁNG TẠO phải chăng là chuyến khởi đầu của một tâm thức tự do – như Trần Thanh Hiệp đã từng nhận định “ý thức của Mai Thảo là ý thức về một sự tự do mà Mai Thảo trực cảm, yêu thích và bảo vệ, không phải bằng khẩu hiệu, thời thượng mà là tự do của người biết được và yêu mến tự do, nếu ngày nay người ta còn nhắc đến SÁNG TẠO là do ý thức tự do đó”.

Cũng cần nhắc lại đôi chút về bối cảnh khi SÁNG TẠO ra đời, “cùng thời” có thể kể đến vài tạp chí:

– Văn Hóa Ngày Nay: Nối tiếp của Tự Lực Văn Đoàn, nhưng cũng là sự dứt bỏ Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh

– Bách Khoa: Dàn trải những tin tức chính trị, xã hội, nghệ thuật, về văn chương, đó là sự nối dài từ Đông Hồ, Quách Tấn… cho đến những người mới Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ… nhưng chưa là một tạp chí chuyên về nghệ thuật.

Sự xuất hiện như một “nổi loạn”, một “chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới”, chỉ có thể là vào Tháng Mười 1956 với sự ra đời của Sáng Tạo. Trên Sáng Tạo xuất hiện những tên tuổi: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn… Bên cạnh những người viết mới còn có những tên tuổi của tiền chiến như: Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Đinh Hùng. Các nhà giáo nhà nghiên cứu như Phan Văn Dật, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Duy Diễn, Lê Thương, Lê Cao Phan, Nguyên Sa, Nguyễn Phụng, Lữ Hồ. Những người đã viết từ trước năm 1956 như Vũ Khắc Khoan, Tô Kiều Ngân, Mặc Đỗ, Tạ Tỵ, Vĩnh Lộc,Thanh Nam… Sáng Tạo (bộ cũ) phát hành được 31 số (từ 1956-1959).

Tạp chí Sáng Tạo bộ mới số một phát hành Tháng Bảy 1960 và cũng chỉ tồn tại được bảy số trong vòng hai năm – với “slogan” Diễn Đàn Văn Học Nghệ Thuật Hôm Nay – Mai Thảo làm chủ nhiệm với bộ biên tập gồm: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp. Ngoài bộ biên tập còn có sự góp mặt của 15 tác giả khác như: Thạch Chương, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Thảo Trường, Trần Thy Nhã Ca, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Dương Nghiễm Mậu…

Lời nói đầu của Sáng Tạo bộ mới viết: “Chúng tôi là những người viết trẻ, tự nhận chưa làm được gì cho nghệ thuật. Sự chân thành chúng tôi mang đến cho nghệ thuật là ý thức chúng tôi. Sáng Tạo từ nay sẽ đặt hẳn mình là diễn đàn là ý thức của những người viết trẻ, của văn nghệ mới. Trên “diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay” dựng lại, chúng ta, người viết và người đọc cùng tìm trả lời cho câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật hôm nay?”. Mai Thảo, trong bài mở đầu của tuyển truyện SÁNG TẠO do TÂN VĂN phát hành một lần nữa khẳng định: “Trước sau, đối tượng của trận đánh lớn vẫn là một: Phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới. Nói một cách khác, đó là kết thành của hoài bão và khát vọng chân thành nơi một lớp người muốn tạo dựng một nền văn học nghệ thuật của chính mình. Gọi lên đường ấy là trở lại đời sống, thoát ly quá khứ, thức tỉnh ý thức, thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có. Có với sự có mặt của một lớp người viết mới. Tạp chí Sáng Tạo là một trong những diễn đàn đã được dự phần vào lên đường này.”

Cho đến thời điểm này, các quyển tạp chí Sáng Tạo còn được “săn lùng” với giá rất cao trên thị trường sách cũ, đủ nói lên “giá trị” trường tồn của tạp chí… rất cũ này, mãi hoài là một mới mẻ “sáng tạo”. Sáng Tạo đã là một Sáng Tạo của tất cả mọi người, mãi mãi, nền văn học nghệ thuật miền Nam “còn Sáng Tạo, ta hãy còn Sáng Tạo” (trích thơ Quách Thoại).

Nguyễn Trường Trung Huy. Sài Gòn. Tháng 10|2021

Mời các bạn đọc lại một bài viết cũ nhưng giá trị còn rất mới của tác giả Nguyễn Sỹ Tế trên Sáng Tạo (bộ cũ) số 4 (Tháng Một 1957).

Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005) là một trong hai nhân vật được coi là “lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo – người còn lại là nhà văn Trần Thanh Hiệp. Là một trí thức sớm được biết đến, ngay từ thời điểm trước hiệp định Genève Tháng Bảy, 1954, chia đôi đất nước, ở Hà Nội, di cư vào Nam, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là một thành viên sáng lập tạp chí Sáng Tạo.

Năm 1958, Nguyễn Sỹ Tế làm hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Trường Sơn (Sài Gòn). Năm 1956-1958, những năm đầu khi trường Luật Sài Gòn chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt, ông làm phụ khảo (assistant) môn dân luật và tư pháp quốc tế cho cố Giáo sư Vũ Văn Mẫu – khoa trưởng trường Luật. Năm 1957-1963, ông dạy môn kịch nghệ tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Từ 1962, ông dạy tại nhiều trường đại học miền Nam: Đại Học Sư Phạm, Đại Học Vạn Hạnh (Sài Gòn), Đại Học Đà Lạt, Đại Học Cần Thơ. Năm 1964, ông làm chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Bác Sĩ Phan Huy Quát…).

Thần trí và hồn tính dân tộc Việt Nam

Có một thực-thể không ai phủ-nhận: Mỗi dân tộc có một thần-trí và một hồn-tính riêng. Thần trí và hồn tính đó được hun-đúc trong những điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị, xã-hội, kinh-tế… riêng, ngày một thêm phong phú vững bền, và biểu lộ ra dưới muôn hình-thức phức-biệt của cuộc sinh-hoạt vật chất luân-lý và tinh thần hằng ngày.

Giao-tế với dân Việt-Nam người ta có thể gặp những cử-chỉ, những thái-độ lạ lùng khó hiểu, đọc văn-chương Việt-Nam người ta thấy đầy rẫy những ý-tính tưởng chừng như mâu thuẫn nhau. Song le nếu đi sâu vào cái thần-trí và hồn-tính của dân-tộc Việt Nam, lúc đó người ta sẽ thấy rằng những điều lạ lùng, mâu thuẫn trên chỉ là một chuyện thuận thường vậy. Đâu là thần trí và hồn tính Việt Nam? Trước hết hãy xin xét nguyên nhân cấu tạo.

Lãnh thổ Việt Nam thuộc vào một bán đảo ven Thái-Bình-Dương nối liền hai khối đồ sộ của lục-địa Á châu là Ấn Độ và Trung Hoa. Tựa lưng vào lục địa, mở rộng trên đại dương, với vị trí riêng nước Việt-Nam chịu chế độ gió mùa, bốn thời đổi thay xuân qua hè tới từ cực lạnh qua cực nóng.

Cho mãi tới ngày nay, nền kinh-tế quốc gia vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thô sơ, dựa trên những kinh-nghiệm cổ truyền. Người dân quê làm ăn vất vả, một nắng hai sương đổi bát mồ hôi lấy bát cơm, sớm nhận biết giá trị của cần lao, luôn luôn sống giữa lòng thiên nhiên mà những mái tranh nghèo, hang dậu thưa không ngăn cách nổi, nhịp đời vui buồn hòa với nhịp thịnh suy của cỏ-cây non-nước.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một dân tộc pha-trộn, từ lục-địa tìm xuống đại dương, là lịch sử của một tiểu nhược quốc luôn luôn bị đe dọa trong nền độc lập và thống nhất của nó. Kể từ khởi thủy, quốc-gia Việt-Nam đã nhiều phen chịu phận dày vò của ngoại bang: Những thời Bắc-thuộc kéo dài tới hàng ngàn năm; dân Chiêm Thành luôn luôn khuấy nhiễu miền Nam và có lần đã kéo quân ra sát tận Thăng Long, tám mươi năm nô lệ Pháp mới đây… Những trang lịch sử đấu tranh và va chạm! Một dân tộc “nạn nhân” dẻo dai và kinh nghiệm!

Trước khi tiếp xúc với Tây phương, Việt Nam vốn là một sân-khấu giao-động của hai trào lưu văn-minh ít nhiều đối lập nhau, thuộc hàng ngũ của những nền văn minh cũ nhất của Trái đất: Văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai luồng văn hóa đó biến sắc đi và ghép vào cái nền tảng văn minh cố hữu của dân tộc Việt. Kịp khi Tây phương đặt chân lên xứ này, Việt Nam lại là nơi giao-động của hai nền văn-hóa Đông-Tây. Lịch sử văn hóa Việt Nam là lịch sử của hai cuộc giao động đó, hai cuộc giao động tuy không cân xứng nhau về thời gian, nhưng thực đã mạnh mẽ không kém nhau.

Cho nên, trải qua bao thử thách đau thương, dự kiến bao cuộc đổi thay vô thường, luôn luôn phải gia công cứu quốc và kiến-quốc trong những điều-kiện ngặt nghèo và tương phản, dân-tộc Việt Nam đã có được một thần-trí và hồn-tính đặc biệt. Thần-trí và hồn-tính đó là thần-trí và hồn-tính điều-hòa, vững-vàng, mà sau đây là những khía cạnh và biểu lộ chính.

Phần vì hoàn cảnh thúc đẩy, phần do đầu óc rộng rãi cố hữu, người Việt Nam sẵn sàng đón nhận những tinh hoa của nhân loại. Nhưng nếu như để cho du nhập dễ dàng những tư-tưởng ngoại lai, thì một mặt khác dân tộc Việt Nam lại có một sức-mạnh tinh-thần hùng-hậu để chống đội lại mọi mưu mô đồng hóa của ngoại bang. Những cuộc kháng Bắc đuổi Chàm, chống Pháp là sự cần thiết lịch sử đồng thời là sự thành công của dân tộc. Sức chống đối lại mọi cuộc đồng hóa đó là do ở nỗ lực thích nghi những điều du nhập với hoàn cảnh lịch sử và xã hội quốc gia, và do ở nỗ lực song song gây dựng một cái gì cá biệt của Việt Nam dựa trên những cái hiện có và những cái mang lại từ ngoài.

Cho nên không thể nói nhất đán rằng văn học Việt Nam là Khổng, Phật, Lão hay Descartes được. Văn học Việt Nam chỉ là văn học Việt Nam nghĩa là trước riêng mình, sau có và không tất cả của người ngoài.

Người Việt Nam rất cầu tiến, rất chuộng mới nhưng đồng thời vẫn biết quý trọng và bảo tồn cổ-điển. Không cố chấp khước từ một học thuyết nào, nhưng người Việt Nam cũng không vội vàng chạy theo và câu nệ vào một học-thuyết nào. Xưa kia, chừng nào cuộc sống của gia đình và quốc gia cần tới sự thực hiện những giáo lý của Khổng Phu Tử thì người Việt Nam tha thiết với Mạnh Tử Nhan Hồi, nhưng chừng nào cuộc sống tâm linh không cần tới hệ tư tưởng của thầy đồ nước Lỗ thì lúc đó người Việt Nam lại biết tìm đến với những học thuyết tự do, phóng khoáng của Lão Trang. Do đó không có thể lấy một học thuyết đơn thuần nào mà mong đàn áp được dân tộc Việt Nam. Và cũng do đó người Việt Nam có một thái độ sống trầm lặng và hiền triết, không đánh giá quá cao cuộc đời mà cũng không quá hạ thấp cuộc đời.

Chúng ta đã thấy người bình dân thành kính theo Khổng, theo Phật song vẫn hồn nhiên đùa rỡn với Trời với Phật không ngại ngần làm nên những câu vè, câu ca để chế riễu những người quân tử hư hỏng cùng bọn tăng lữ tham lam.

Trong văn chương bác học, bên cạnh những ý tình khuôn nhịp theo giáo lý của Khổng Phu Tử chúng ta vẫn thấy chủ trương của các triết gia đối lập Lão Trang thúc đẩy thơ văn của các vị túc nho, các bậc làm việc đời như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ và cả đến Dực Tôn trong cương vị một ông vua nữa:

Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế

Cơ màu tạo hóa mặc tự nhiên

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

 

Ôi nhân sinh là thế ấy như bóng đèn

Như mây nổi, như gió thổi như chiêm bao

(Nguyễn Công Trứ)

 

Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê

Sống gửi rồi ra lại thác về!

(Dực Tôn)

Vốn đặt và nhìn cuộc đời trong bình diện trung thực của nó, người Việt Nam hầu như dung hòa được những mối mâu thuẫn của sự vật.

Thật thế trong vấn đề vật chất với tinh thần người Việt Nam không quá khinh mà cũng không quá trọng bên nào. Có thể nói rằng người Việt Nam biết đến giá trị của vật chất một cách sâu cay hơn ai hết, phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm trong một nền kinh tế nghèo nàn đến phi-nhân, nhưng một khi bát cơm đã kiếm được lúc đó, người Việt Nam lại biết tìm vươn lên khỏi hình hài đến những cõi phi vật chất. Sau một thực thể phơi bày người Việt Nam vẫn tin tưởng ở giá trị của một siêu thực thể mà họ cố tiến tới. Cho nên, nếu chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu vật chất của người Việt Nam là người ta chưa giải quyết vấn đề Việt Nam vậy.

Không ai phủ nhận rằng văn chương bình dân Việt Nam là phản ảnh của cuộc sinh hoạt vật chất tối tăm, cuộc tranh đấu gắt gao lấy miếng cơm manh áo, cuộc chống đối với cường quyền, với thiên nhiên với bao trở lực khác:

Lấy gì đăng nạp nữa mà

Lấy gì công việc nước nhà cho đang

Lấy gì sưu thuế phép thường

Lấy gì bỏ chợ đong lường làm ăn

Nhưng người ta lại cũng không thể quên được cốt trữ tình và ý thức siêu thoát thấm nhuần biết bao bài ca dao:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây!

Trong khi ở Tây phương, những chuyện giao tế giữa cõi đời này và đời khác được coi như những chuyện là hiếm hoi; thì ở Việt Nam là những cuộc đi lại thắm-thiết giữa cõi Trần, cõi Tiên và cõi Âm chỉ là những chuyện thường xuyên không làm ai bỡ ngỡ. Đó là những chuyện thần thoại, những chuyện cổ tích, những chuyện ma quỷ mà người Việt Nam kể lể cùng nhau hang ngày trên đầu lưỡi: Sơn Tinh-Thủy Tinh, Trọng Thủy-Mỵ Châu, Chử Đồng Tử, Trương Chi, Trầu Cao, Vọng Phu… Và riêng chuyện giữa cõi trần và cõi tiên cũng làm nên luận đề của bao nhiêu tác phẩm kỳ thú: Thiên Thai, Bích Câu…

Ta có thể kép nhiều thí dụ tương tự. Trong cuộc sống, người Việt Nam biết điều hòa lý trí với tình cảm: Văn chương cử nghiệp và đạo lý là văn chương của lý-trí, mà văn chương đời vẫn là văn chương của tình cảm, của cá nhân. Đối với cường quyền, người Việt Nam không khiếp sợ, nhưng đối với kẻ sa cơ thất thế cũng không khinh và đôi lúc còn sót thương… Thoạt mới nhìn người ta tưởng dân Việt Nam lãnh đạm thô lỗ và nông cạn nhưng có giao tế lâu mới biết người Việt Nam trái lại thiết tha, tế nhị và sâu sắc… Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng:

Vì hoàn cảnh đặc biệt, sinh hoạt và trưởng thành trong những điều kiện phức tạp, khắt khe và tương phản, dân tộc Việt Nam có một thần-trí và hồn-tính điều hòa vững vàng đưa đến một thái độ sống hiền triết, trầm lặng, cân bằng, thận trọng.

Nếu như thần trí và hồn tính đó không giúp dân tộc Việt Nam bay bổng cao xa, thực hiện những phát minh lớn-lao siêu-việt, nắm giữ những địa vị dẫn đầu các dân tộc thì thần trí và hồn tính đó cũng đã bao phen cứu dân tộc Việt Nam khỏi những cơn tai biến tầy trời, non nước ngả nghiêng, họa tiêu diệt chỉ còn gang tấc. Thiết tưởng đó cũng là một điều đáng cho người ngày nay suy ngẫm vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: