Thế mà đã hơn 20 năm, “Một cuộc đời vượt biển đã chìm châu”, Mai Thảo đã rời bỏ chúng ta hai thập niên, “…về bên kia những bờ bến siêu hình”, đã hết còn “trong cõi riêng buồn lại thấy ta”, tất cả chỉ còn là Không – là Thơ – như ước nguyện của Mai Thảo nhà-văn: “Giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta”…
Trong số báo KHỞI HÀNH (hải ngoại) cũng xuất bản vào ngay lúc ông khuất núi, tôi đọc được một câu chuyện cảm động… và hấp dẫn như… kịch bản một bộ phim – Một bộ phim không ai muốn “đóng”… Nơi đó, những nhân vật, những thân phận là những dựng bày trong một kịch bản ác nghiệt tên là chiến-tranh-Việt-Nam…
Nhưng, nhân vật chính trong câu chuyện về mối thâm giao giữa nhà văn Mai Thảo và ký giả Phan Lạc Phúc lại không phải là một nhân vật bằng xương, bằng thịt mà đó là phần “hồn” đằng sau những trang sách. Số mệnh ly kỳ của quyển sách ấy chẳng khác gì kiếp số long đong, gắng sống, vượt tuyến, gặp lại, vượt biển… của những phận người linh đinh đương thời – trót rơi vào vòng sinh tử của cuộc khổ nạn mang tên Việt Nam.
Trong bài Hồi Niệm đong đầy những chi tiết cảm động và những kỷ niệm quý báu, ký giả Phan Lạc Phúc có nhắc đến bài viết của ông về Mai Thảo trên tạp chí Vấn Đề, nay, xin dâng lên hương hồn hai tác giả bài viết “đã-từng-là-vắng-mặt” đó… (trong Vấn Đề số 2 – chứ không phải số ra mắt, như trong bài của tác giả. Vấn Đề số 2 phát hành 30 năm trước bài Hồi Niệm này – năm 1967).
Cuộc trò chuyện giữa hai người đã-vắng-mặt hy vọng sẽ còn lưu lại chút âm ba trìu mến, dội về chút êm đềm một thời mà người ta sống bằng/sống với kỷ niệm…, điều mà nay đã thành một thứ xa xỉ, khi chính những thành phố giờ đây đã mất đi căn cước, mất đi hoài niệm, mất đi dĩ vãng… Huống chi là chút phận linh đinh, huống chi là những trang sách tơi tả. Những ký ức lấp lánh này, một ngày nào đó, rồi cũng chìm khuất và mất tích…
“Hương trầm có còn đây. Ta thắp nốt chiều nay”.
Nguyễn Trường Trung Huy
Sài Gòn, Tháng Tám 2021
*****
NHÌN MAI THẢO QUA “CĂN NHÀ VÙNG NƯỚC MẶN”
PHAN LẠC PHÚC
(Tạp chí Vấn Đề – số 2, Tháng Năm 1967)
Người ta thường bảo thế giới của Proust là thế giới của im lặng và bóng tối. Thế giới của Mai Thảo là thế giới của hoài niệm. Mai Thảo là người quay lưng lại hiện tại, ngắm nhìn dĩ vãng. Không có thế giới khách quan. Chỉ có tâm hồn của riêng Mai Thảo tràn ra trên giấy. Dù là truyện dài, dù là truyện ngắn, dù là tùy bút ở đâu cũng chỉ gặp cái “tôi” của Mai Thảo. “Căn nhà vùng nước mặn” tác phẩm mới nhất của Mai Thảo cũng là một chuỗi kỷ niệm của anh.
Hãy xem: Tôi sẽ về thẳng một mạch (Căn nhà vùng nước mặn). Chúng tôi ngồi chờ Lý Hoàng Phong, anh ruột Quách Thoại, (Họp mặt ngày giỗ bạn). Năm mười bảy tuổi, tôi đã sống rất nhiều với các vì sao (Những vì sao thứ nhất). Tôi dẫm lên một bụi cỏ non (Một phố của Trời). Thời đại chúng ta là (Quê hương trong trí nhớ) Chúng tôi ngồi chen chúc trên chiếc xe (Giòng sông vết thương). Tôi lên Hương Tích Sơn (Hôm nay đi chùa Hương). Khu phố tôi ở (Những đêm Saigon); toàn những tôi là tôi của Mai Thảo.
Những ông phán già ăn cơm xong muốn đọc một chuyện dỗ giấc ngủ, những cô gái lỡ thì muốn xem một mối tình hoa bướm cho nó nguôi ngoai số phận của mình, những người thích tình tiết ly kỳ, tác động rồn rập, xin đừng đọc truyện Mai Thảo. Ở đây không có chuyện, hay là những chuyện mọi người đã biết cả rồi. Căn nhà cũ vùng bể, đi thăm mộ bạn, những vì sao tiếng còi tàu, căn phố cũ không có gì đặc biệt. Nhưng đặc biệt ở Mai Thảo là cách nhìn, cách nói về những “tầm thường ấy”.
Cái nhìn của Mai Thảo là cái nhìn của kẻ mộng du hay của người mê ngủ. Ngoại giới ở chung quanh, nhưng nhìn mà không thấy, hoàn toàn là cái nhìn nội giới. Do đó thời gian, không gian gần như lẫn lộn, trình tự của câu chuyện mù mờ, những phạm trù căn bản tan đi, chỉ còn lại một cảm giác choáng ngộp: hoặc êm đềm, hoặc rùng rợn, hoặc đớn đau, hoặc ngậm ngùi. Nhưng giống như trong giấc mơ, toàn thể có thể rời rạc, hàm hồ, lẫn lộn nhưng bao giờ người mê ngủ cũng còn lại một cảm giác, một hình ảnh điển hình. Mai Thảo cũng thế. Anh nhìn ra được những chi tiết thật nhỏ, những hình ảnh thật cũ những cảm giác thoảng qua, những sự vật tưởng chừng đã chết trong lãng quên; nhưng đột nhiên sáng rỡ trở lại trong tiềm thức: gốc hoàng lan trong vườn (Căn nhà vùng nước mặn), con chim trên một tầng gác cao đêm nào cũng cất tiếng hót vào lúc 2 giờ sáng (Những đêm Saigon), một ngọn cỏ non mới mọc bên đường (Một phố của trời), và đặc biệt hơn hết và tôi yêu hơn hết là tiếng còi tàu trên sông Hồng (Chuyến tàu trên sông Hồng).
Trong những phương tiện chuyển đạt của nghệ thuật như màu sắc của hội họa, hình ảnh của điện ảnh, chuyển động của sân khấu v…v…, tôi cho rằng âm thanh của nhạc sĩ là một thứ “phương tiện” trừu tượng nhất “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Văn chương vốn đã trừu tượng rồi bây giờ lại đem một thứ trừu tượng tả một thứ trừu tượng khác là tiếng còi tàu, đâu có phải là chuyện dễ. Nhưng ở đây Mai Thảo làm chuyện đó không thấy khó khăn. Một đêm nằm đọc “Chuyến tàu trên sông Hồng” của Mai Thảo, tôi như nghe thấy từ trong sâu thẳm tâm hồn tiếng réo gọi thiết tha của thời thơ ấu, như hiện ra rõ rệt bên tại cái âm thanh não nùng lê thê của tiếng còi tàu trên sông trong một chuyến đi. Đây là đoạn hay nhất trong “Căn nhà vùng nước mặn” và có lẽ cũng một số những trang đẹp đẽ nhất của văn chương Việt Nam hiện tại.
“Đêm trên sông lớn trải khắp hướng mênh mông. Đứa nhỏ ríu mắt gục xuống cái mũ trắng trên đầu gối thiếp đi. Bỗng nó bàng hoàng thức dậy. Con tàu ngược dòng như lãng đãng trườn đi trong khói sương và chiêm bao mơ hồ. Rồi là một hồi còi. Từ cái đỉnh ống khói tiếng còi được ném lên vòm trời. Khởi sự là một thứ âm thanh đặc quánh hơi nước, tiếng còi vụt lên thật cao, rùng mình rồi phóng về hai phía, vẽ lên bằng cái âm thanh ngân ngân vang vang kỳ lạ của nó tất cả những bờ bãi, những cuối mỏm, những đầu ghềnh, những khúc quanh, những ngã ba nhạt nhoà trong bóng tối. Tiếng còi vang động một vùng làng xóm ngủ thiếp, lọt vào những cánh cổng đóng kín, lan tới những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương, tự lòng sông chuyển cả không gian thăm thẳm, chuyển những vì sao lạc, những ánh trăng xuông, cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng vào làng xóm, làng xóm trùm kín lấy và lắng đọng bồi hồi mãi mãi. Con tàu đi vào một khúc sông khác, nhưng tiếng còi đêm còn lại, vĩnh viễn với Hồng Hà. Đứa nhỏ nghe tiếng còi và bao nhiêu tháng năm sau này, tiếng còi còn ám ảnh thần trí nó, kết tinh thành cái âm thanh của tuổi nhỏ mất dần từ một đêm bỏ làng ra phường phố”.
Chỉ một tiếng còi tàu mà đôi cánh của tưởng tượng đã làm thành một cuộc viễn du. Về thời gian, nó bay về tuổi nhỏ, thủa còn mặc áo an-ba-ga, đội mũ trắng, từ biệt cái làng nhỏ bên sông ra tỉnh học. Về không gian, nó vút lên trời cao, làm chuyển động các vì sao, lọt tới vùng làng xóm đang ngủ thiếp lan xa ra những bãi bờ ngút mắt, ra cửa biển, ra khơ xa. Tiếng còi tàu, đối với Mai Thảo, thật ra chỉ là một tiếng thở dài của quá khứ.
Đoạn văn vừa trích dẫn không phải truyện, cũng không phải hồi ký. Chủ ý của người viết không phải là kể lại các sự kiện theo một thứ tự nào đó, mà chỉ là những hồi tưởng – hồi tưởng này kéo theo kỷ niệm kia, tất cả liên hệ, móc nối tạo thành một trạng thái tâm hồn tác giả. Mai Thảo cũng không nói cho ai nghe, anh nói một mình. Hình dung thấy một đứa nhỏ, hình dung thấy một con tàu, hình dung thấy chuyến đi… Tôi tự nhìn thấy tôi trong sự “hình dung” đó…
Mai Thảo nói cho mình nghe, theo cái ký ức nổi trôi thảng thốt thốt nên vừa quay về quá khứ đã trở lại tương lai. Vừa bay lên trời cao đã lan ra bể cả. Bố cục mặc kệ, cú pháp không cần. Cho nên truyện của Mai Thảo là không có truyện, mà câu văn cũng dài, ngắn bất thường. Nhiều chỗ như chữ nghĩa hụt hơi không bắt kịp những hoài niệm từ đâu rồn rập đến. Anh dừng lại rất lâu, kể lể rất nhiều những nơi nào anh thích, có khi lại đi rất mau, rất thoáng qua, rất vội vã ở những nơi mà ký ức của anh không còn ghi lại tài liệu. Thể văn của Mai Thảo là thể văn của một người du khách lang thang…
Như đã nói, ở đâu Mai Thảo cũng bắt gặp tâm hồn mình, nên “chữ” của Mai Thảo đều rất chủ quan, ướt sũng tình cảm. Hãy thử lấy thí dụ trong đoạn văn vừa kể: bốn hướng mênh mông – chiêm bao mơ hồ – rùng mình phóng về hai phía – khoảng sân vắng – tro than nguội lạnh – ngã ba nhạt nhòa – lắng đọng bồi hồi. Tất cả những thứ đó tạo thành một “văn phong Mai Thảo”: tối tăm – cầu kỳ – buông thả nhưng cũng rất thiết tha, sống động và đẹp đẽ. Xin những ông giáo già với cái thước gỗ lim trên tay đừng bao giờ bắt học sinh của ông phải phân tích mệnh đề trong câu văn Mai Thảo. Anh là người du khách lang thang, là kẻ mộng du, là người mê ngủ. Có ai bắt buộc một ý thức trong sáng trong một giấc ngủ bao giờ… Cũng như người ta bỏ qua những lỗi văn phạm của Proust trong A la recherche du temps perdu – và người ta cũng “chịu” được những sự lê thê, cầu kỳ, khinh bạc của một Nguyễn Tuân tiền chiến.
Tâm hồn Mai Thảo và cách nhìn, cách viết của anh như thế khiến tôi suy nghĩ về cái danh “nhà văn” mà người ta thường gán cho anh. Nhà văn là gì? Một người trình bày bằng văn suôi một câu chuyện, một sự kiện, một trạng thái. Nhà văn: kẻ mang một cái gương đi thâu nhận những hình ảnh cuộc đời. Nhà văn: kẻ chứng nhân của thời đại. Đại loại, có thể nghĩ về nhà văn như thế.
Kể về hình thức “trình bày bằng văn suôi một câu chuyện, một sự kiện, một trạng thái” thì Mai Thảo rất “nhà văn”, tuy rằng truyện dài, truyện ngắn của anh không thành truyện hay là nếu có thì đó chỉ là những dấu mốc để anh nói lên một trạng thái tâm hồn. Nhưng nếu nói nhà văn là “kẻ mang một cái gương đi thâu nhận những hình ảnh cuộc đời” hay là “kẻ chứng nhân của thời đại”, thì tôi thấy Mai Thảo rất ít “nhà văn”. Cái văn thể, cái nhìn, cái viết, nội dung cái “nói ra” của anh nhiều tính chất “thơ” hơn là “văn”. Đối với tôi, văn Mai Thảo là một thứ “thơ suôi” và Mai Thảo là một thi sĩ bất toàn (poète manqué).
Trong khi thơ và văn thời đại này không có một biên giới rõ rệt (thơ không có vần, thơ tự do) thì Mai Thảo là một người bơi giữa hai giòng nước ấy. Hình thức thì là văn, những tâm hồn ấy lại là thơ. Đọc văn Mai Thảo là một sự nghỉ ngơi cho tâm hồn đỡ mệt mỏi trước những biến thiên thời cuộc, là một sự tự an ủi, tự vỗ về mình trong cái thế giới đầy hương, đầy hoa, đầy nhớ đầy thương là hoài niệm và dĩ vãng. Vì thế có một sự kiện “nghịch lý” xảy ra là “feuilleton” của Mai Thảo, tưởng rằng sẽ không “ăn khách” vì không có tình tiết ly kỳ, gay cấn nhưng trái lại, có một số khá đông người theo dõi. Tất nhiên không phải là những ông phán già, những cô gái lỡ thì, những “midinettes” mà là những người mệt mỏi kể trên – trong thời đại này không thiếu gì những vị anh hùng thấm mệt.
Tôi vừa mới nói Mai Thảo là một thi sĩ hơn là nhà văn. Nói đến thơ là phải nói đến khuynh hướng, trường phái dù rằng sự đặt định nào cũng có một sự bắt buộc ở trong. Khuynh hướng của “văn thơ” Mai Thảo như thế nào?
Một người chỉ biết có tâm hồn mình, chỉ có một gia sản độc nhất là nội tâm, khép kín với ngoại giới, hay là dùng ngoại giới như một sự vật chuyên chở cải tình cảm của mình – phải nói đó là những đặc tính của lãng mạn. Tôi nhớ có một người đã vừa chê vừa khen Lamartine như thế này “Lamartine, ignorant qui ne sait que son âme”. Mai Thảo cũng thế – cũng chỉ biết có tâm hồn mình. Vậy khuynh hướng của “văn thơ” Mai Thảo là lãng mạn.
Đúng như thế. Cốt cách của Mai Thảo là lãng mạn – những cách diễn tả của anh lại có khuynh hướng tượng trưng. Lãng đãng chiêm bao – nhạt nhòa bóng tối – hương hoàng lan bay thoảng trong cây, hương bồ kết bay bay trong tóc, tuổi nhỏ ru bằng nhịp võng đung đưa, con sông dòng máu đỏ chảy băng bang khắp vùng trí nhớ, bên này bãi lỡ, bên kia bãi bồi, làng xóm ngủ thiếp, bếp tro thanh nguội lạnh, bờ ai kín đặc trong sương, cánh bướm ma ẩn trong sương mù quá khứ…
Thực tại qua cái nhìn mộng du của Mai Thảo không đường nét rõ rệt, nó mơ hồ, lộn xộn – nó gợi ra mà không giải thích. Để dành cho người đọc một sự làm đầy, làm nốt – để dành cho người đọc tự xếp đặt lấy, tự khám phá lấy. Đọc thơ tượng trưng như xem tranh ấn tượng, vừa giả vừa thật, vừa xa vừa gần, vừa quen thuộc vừa xa lạ…
Đọc “văn-thơ” của Mai Thảo cũng thế, thời gian không gian lẫn lộn, trình tự của câu chuyện mù mờ, chỉ còn lại một cảm giác choáng ngợp: hoặc êm đềm, hoặc rùng rợn, hoặc đớn đau, hoặc ngậm ngùi… Tôi nhớ đến nhận xét của Hàn Mặc Tử về một nhà thơ tượng trưng: đôi mắt rất mộng, rất ảo – nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao thấy xô sang địa hạt huyền diệu…
Là một nhà-văn-thi-sĩ, là một thi sĩ lãng-mạn-tượng-trưng tôi nghĩ đến một chuyện rất khó khăn là việc “chính danh” cho Mai Thảo. Việc này càng khó hơn khi không thể nào quên Mai Thảo là người chủ biên Sáng Tạo, một tập san qui tụ một nhóm nhà văn, nhà thơ tuyên dương ý thức mới trong văn nghệ mới. Thơ Tự Do bắt đầu ở đây (Tôi không còn cô độc – Thanh Tâm Tuyền). Cắt đứt con đường Tự Lực Văn Đoàn nối dài cũng khởi nguồn ở đấy (Chúng ta hình thành văn nghệ mới – Trần Thanh Hiệp). Mai Thảo cũng đã có một lần tuyên bố “phóng cái lao ý thức về đằng trước”, “chặt đứt những mầm mống văn nghệ lạc hậu lỗi thời” suy tôn hiện tượng trưởng thành của văn nghệ mới.
Sự thiết tha của Mai Thảo đối với văn nghệ mới là điều đã được công nhận. Anh hăng say lắm, nhiệt thành lắm. Nhưng bản chất của Mai Thảo là lãng mạn, lề lối suy diễn của anh là tượng trưng. Lãng mạn và tượng trưng và những khuynh hướng thi văn của thế kỷ 19 ở Pháp và rất “tiền chiến” ở Việt Nam. Cho nên cái lao ý thức của anh phóng về đằng trước, mạnh thì có mạnh, vì anh có nhiệt tín trong lòng, nhưng đó là sức mạnh của một người nhắm mắt. Anh quay lưng lại hiện tại, thế giới của anh là hoài niệm và dĩ vãng. Vì thế tôi cho rằng Mai Thảo là hiện thân rõ rệt của trạng thái nhị trùng bản ngã (Dédoublement du moi), ý thức muốn phóng đi, những bản chất “tiền chiến” lại giữ chân anh trở lại.
Mai Thảo sống băn khoăn thường trực trong một sự chia đôi, anh bị dằn vặt vì sự phân hóa ấy. Mai Thảo đã thú nhận “chúng tôi chơi với nhau trong một sự thân thiết rất buồn rầu” (Khi mùa mưa tới).
Nhưng sự dằn vặt ấy, nỗi buồn rầu ấy theo tôi lại là cớ chính làm cho người-đọc-chúng-ta xúc động…
***
ĐÓN ĐỌC:
PHAN LẠC PHÚC hồi niệm
(KHỞI HÀNH hải ngoại – số 16, Tháng Hai 1998)