…
Sáng 10 Tháng Ba năm 1975, bộ chỉ huy liên đoàn báo cho tôi biết tin địch đang pháo kích vào tiền cứ Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ở Ban Mê Thuột. Tiền cứ này nằm sát trại Thiết-Giáp trên đường đi Bản-Ðôn. Người chỉ huy tiền cứ của liên đoàn là Thiếu Tá Lê Ðình Hồng đã bị thương nặng.
Hậu trạm của tiểu đoàn tôi ở Ban Mê Thuột cũng có mặt sáu người là, Thiếu Úy Huỳnh Kim Hoàng, Chuẩn Úy Lê Hữu Ðức, Chuẩn úy Nguyễn Hữu Phước, Trung Sĩ 1 Lưu Ðức Hoàn, lao công Phan Thành Hoàng, và ông Tàu Hỷ – chủ câu lạc bộ. Không rõ tình trạng của các ông này ra sao?
Tới trưa thì có tin chiến xa Việt Cộng nối đuôi nhau chạy rầm rầm giữa trung tâm thị xã. Mọi cuộc đàm thoại vô tuyến bị đứt đoạn vì không có đài tiếp vận.
Liên lạc giữa Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân từ Gia Nghĩa với tiền cứ Ban Mê Thuột bằng các hệ thống máy tầm xa như VRC 67 và PRC 74 cũng đột nhiên chấm dứt.
Ðêm đó Đài BBC loan tin Ban Mê Thuột thất thủ. Tôi và cả ban tham mưu tiểu đoàn bàng hoàng, vì tiền cứ của tiểu đoàn tôi cũng như gia đình binh sĩ đều ở thành phố này.
Ngày 11 Tháng Ba năm 1975, tôi nghe được tiếng Ðại Tá Phạm Duy Tất trên tần số. Ông Tất đang bay trên trời Ban Mê Thuột, và gọi tôi. Tôi hỏi ông về địch tình, về phản ứng của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường. Ðại Tá
Tất buồn rầu trả lời: “Ông Tường không đủ sức ngăn chúng nó toa ơi! Bây giờ chỉ còn hy vọng thằng Dậu cố gắng cứu vãn tình thế. Không biết có được hay không?”
(“Thằng Dậu” là Trung Tá Lê Quý Dậu, Liên Đoàn Trưởng Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân).
Ông Dậu mới lên chỉ huy liên đoàn được hai, ba tháng, thay thế cho Trung tá Nguyễn Lang (Lang Trọc) vừa giải ngũ.
Tôi cố nài nỉ ông chỉ huy trưởng: “Trường An cho phương tiện bốc tôi về Ban Mê Thuột đi! Trường An ơi! Vợ con tôi ở đó! Vợ con lính của tôi ở đó!”
Trường An là danh hiệu truyền tin của Ðại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2.
Lúc đó tôi nghẹn lời. Bên tôi, người sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn, Trung Úy Trần Văn Ðăng mắt cũng đỏ hoe.
Tôi tỉnh người khi nghe ông Tất hứa hẹn, “Rồi! Ta sẽ nói lại với Số 1 (Thiếu tướng Phạm Văn Phú) để bốc Thái Sơn về!”
Thái Sơn là tên riêng của tôi, tôi mang tên này từ khi còn phục vụ ở Tiểu Ðoàn 11/ Biệt Ðộng Quân, Pleiku, thời 1967-1969.
Ðược lời như cởi tấm lòng. Tôi quyết định rút trung đội tiền đồn của Ðại Ðội 4/82 trên đồi Bù-Row cách 3 cây số hướng Bắc về.
Tôi cũng gọi sĩ quan đại đội trưởng một đại đội của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân đang tăng cường cho tôi lên gặp tôi.
Tôi dặn dò anh kỹ càng những điều phải làm để phòng thủ Ngã Ba Kiến Ðức thay cho Ðại Ðội 1/82 Biệt Ðộng Quân của Thiếu Úy Ðặng Thành Học, nếu chúng tôi có trực thăng bốc đi.
Tiếp đó tôi cho tiểu đoàn chuẩn bị hai ngày cơm vắt, vũ khí, đạn dược sẵn sàng.
Sau khi lệnh chuẩn bị hành quân của tôi được thông báo tới mọi cấp trong đơn vị, tôi nghe tiếng bàn tán xôn xao trong các túp lều và bên giao thông hào.
Niềm háo hức hân hoan lộ rõ trên những khuôn mặt sạm nắng. Những người lính gốc Rhadé, Jarai dưới quyền tôi đã lâu, nên qua nụ cười, ánh mắt của họ, tôi hiểu rằng lúc đó họ đang vui sướng vô cùng.
Suốt ngày 12 Tháng Ba 1975, tuy không nghe tiếng Ðại Tá Tất trên máy, nhưng tôi liên lạc được một phi công đang quan sát trên trời Ban Mê Thuột.
Tôi nhờ anh ghi nhận và chuyển cho tôi những gì anh nhìn thấy dưới chân anh.
Tôi mô tả con đường Hàm Nghi cạnh nhà thờ Vinh Sơn, là nơi gia đình tôi cư ngụ và khu tiền trạm của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.
Sau hồi lâu quan sát, anh cho tôi biết rằng cả hai nơi đều nằm trong màn khói đen mù mịt.
Buồn quá, tôi ngồi trước cửa hầm, ôm cây đàn guitar. Tay tôi chỉ bấm một cung Mi Thứ, lần mò một bài tình ca buồn.
Nhớ lại lần đầu, sáu năm trước, tôi và người bạn cùng đơn vị đi đón em gái anh ta lúc học sinh Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột tan trường.
Sau đó mẹ tôi từ Hội An vào gặp bố mẹ cô, xin cô ta về làm dâu họ Vương. Bây giờ nàng đang bị kẹt trong vùng đạn lửa, một nách ba đứa con thơ, lại thêm bụng mang dạ chửa.
Tôi ngồi thừ người trước cửa hầm trú ẩn của tiểu đoàn trưởng. Tôi không cảm thấy cái lạnh của sương đêm. Trời sáng lúc nào tôi không hay.
Vừng dương bắt đầu le lói. Lại thêm một ngày.
Bên tôi là những cây hoa móng tay.
Mấy ngày rồi không ai tưới, hoa lá đã vàng vọt úa màu.
Bên những cây hoa này, hai đứa con gái tôi đã đứng chụp hình. Con tôi cũng chỉ xấp xỉ cao cỡ những cây hoa đó.
Sau Noel 1974 tôi đã đón vợ tôi và hai đứa con gái lớn lên tiền đồn này chơi vài ngày. Hai đứa bé suốt ngày chỉ quanh quẩn bên những cây hoa móng tay.
Chợt những bông hoa móng tay trước mắt tôi như mờ dần đi. Một giọt nước mắt nóng rơi trên mu bàn tay. Ðầu óc tôi phừng phừng.
Hai bàn tay tôi xoắn vào nhau, giày vò lẫn nhau. Tôi muốn đập phá, la hét, kêu gào để trút bỏ niềm đau đớn, phẫn uất đang nung nấu tâm can.
Nước mắt cứ tiếp tục lăn trên má, qua môi, xuống miệng.
Tôi oán trách ông Trời; tôi oán trách Ðại Tá Tất; tôi oán trách Tướng Tường; tôi oán trách Trung Tá Dậu; tôi tự oán trách tôi.
Chuẩn Úy Lê Văn Phước (Ban 3) len lén đến bên tôi. Phước đưa cho tôi cái khăn bông ướt, “Bình tĩnh lại thiếu tá! Ðài BBC nói Ban Mê Thuột thất thủ rồi! Ðánh nhau nhanh như vậy chắc là ít người chết. Nhà hai bác ở xa khu quân sự, hy vọng chị và các cháu không hề hấn gì.”
Cái khăn ướt làm mặt tôi bớt nóng. Tôi đứng lên bước hững hờ xuống khu pháo binh cũ, hướng Bắc của bộ chỉ huy tiểu đoàn.Từ đây tôi có thể nhìn thấy một vùng rừng rậm xanh rì trải dài về hướng chân trời.
Xa lắm, nơi chân mây hướng Ðông Bắc là Ban Mê Thuột, nơi đó có gia đình tôi, gia đình của những người lính Kinh, Thượng, Jarai, Rhadé, Bana dưới quyền tôi.
(Trích hồi ký Ngày ta bỏ núi, của Thiếu Tá Vương Mộng Long, TĐT/TĐ 82 BĐQ)