‘Ông ngoại đã về trời’
Hai tiếng “về trời” được viết ra nhẹ như ánh nắng đầu thu xuyên khung cửa, ngơ ngác như ánh mắt nàng Scarlett O’Hara lúc nhìn chàng Rhett Butler và hỏi “Ôi anh yêu dấu, em biết làm gì nếu anh đi?”. Vậy, mà không phải vậy! Cái thanh huyền trầm nhẹ nhàng của hai tiếng đó vậy mà tựa nghìn âm trĩu nặng.
Hai năm rồi, kể từ ngày bà viết lên hai chữ “về trời” để báo với cỏ cây, nhân thế, rằng, ông đã tạm biệt chỗ “nhân gian không thể hiểu”, nhưng thật sự ông chưa từng đi xa. Vì:
“quê hương ta, đã vốn là người đó
hấp hối mãi với mối tình xót xa!”
Ngày đó, ông ở một nơi cách xa bà nửa vòng trái đất. Ông “lang thang cảnh tình lữ thứ” giữa lúc “người xa xôi người bên kia trời.” Một người thân của bà vượt biển đến được bến bờ tự do. Với hy vọng mong manh, bà gửi gắm lá thư cho ông nếu có chút tin tức nào biết được. Thế mà, một ngày nọ, lá thư đã đến được với ông, từ nửa vòng trái đất.
Nhưng, thư nằm trong ngăn tủ một thời gian, rồi lạc mất. Biệt ly rồi lại ly biệt. Thăm thẳm nghìn trùng. “Quê hương là người đó” được ông viết ra trong cảm xúc chơi vơi hụt hẫng tựa mất đi phần máu thịt. Ông đăng báo tìm người ngay trên đất khách, với hy vọng ai đó quen biết với bà đọc được, sẽ nói với bà giùm ông.
Câu chuyện này, mãi tận về sau, khi cầu Thê Húc không còn ngăn cách, ông “kể” lại bằng chữ, bà mới biết.
Bà không phải đoá hồng đài các trong một tư gia sang trọng ở Sài thành. Bà không có tiếng hát ma mị cuốn hồn người. Bà chỉ là đoá sen bình dị ở một góc thành nội Huế xa xôi, yêu ông Lê Cự Phách qua những vần thơ Du Tử Lê.
Đoạn đường xa thăm thẳm Huế – Sài Gòn đã được rút ngắn lại sau năm 1974 khi bà chọn về Pleiku dạy học, một nơi xa lạ không người quen biết, với lý do lớn nhất là thâu ngắn khoảng cách giữa hai người. Ông không còn phải xin đi nhờ máy bay quân đội có “hai thằng ngồi mà ba thằng nằm” để bay từ Sài Gòn ra Huế, và bà cũng không còn phải ngồi xe đò mấy ngày trời đằng đẵng để vào Sài Gòn thăm ông.
Rồi Tháng Tư định mệnh của dân tộc, cũng là Tháng Tư định mệnh chia cắt ông và bà thêm mươi năm nữa.
***
Ông nổi tiếng với những sáng tác từ quê nhà ra đến hải ngoại. Ông rực rỡ trên thi đàn Việt Nam với những bài thơ về quê hương, về thân phận, về cái chết, về tình yêu. Ba tiếng “Du Tử Lê” là hiển hiện cho một nghệ thuật thơ cách tân, biến hoá các vật thể trần trụi, vô tri trở nên sống động, thậm chí chứa đựng tâm linh của cõi nhân sinh. Ông lãng mạn trong thơ và cả trong đời. Ông “tình” đến mức “Xót nhau bật máu chỗ nằm / Vết răng Tháng Chạp dấu bầm Tháng Hai.”
Thơ ông uyển chuyển, nhẹ nhàng thế nào thì cách ông đối diện cuộc đời và con người cũng thế. Không trách, người yêu thơ và cả…yêu ông, nhiều như núi như sông. Khó mà phân ranh rạch ròi để biết người ta yêu ông hay yêu thơ của ông, khi mà tình yêu trong thơ Du Tử Lê vừa vĩ đại, vừa thế tục, vừa thánh thiện với “trong tay thánh nữ có đời tôi.”
Ai cũng có thể là “người” trong “K Khúc của Lê”. Ai cũng có thể tự cho là một “bóng trăng ngà” để ông “chỉ nhớ người thôi đủ hết đời.”
‘Quê hương là người đó’
Nhưng, có ai biết được, trong văn chương, cũng như trong đời thường, ông luôn có câu: “Anh có lỗi với T. nhiều quá…”
Chỉ một câu: “Quê hương là người đó” cũng đủ để thấy ông tôn thờ tình yêu dành cho bà, và trân trọng tình của bà dành cho ông. Quê hương là gốc rễ, là di sản, là máu chảy trong cơ thể, là nguồn gội của yêu thương, là chốn đi về miên viễn.
Quê hương của ông, chính là bà.
Gần ba mươi năm cuối đời, ông “lớn lên” bên “ngực ngải môi trầm”. Thơ ông được chăm chút, gọt giũa hơn giữa “quê hương thu nhỏ” của ông – chính ông đã viết bốn chữ này lên mặt đất trong sân nhà của mình, như con chim lưu lạc tìm được về tổ ấm. Nơi đó, là tình yêu của ông. Một tình yêu không có sự thoả hiệp và sở hữu từ những ngày đầu tiên xuất hiện. Một tình yêu nhận lại từ hạnh phúc cho đi.
Ông để lại cho nhân gian 77 tập thơ. Nhưng gia tài thật sự ông để lại cho bà, cho “quê hương thu nhỏ” của ông là hàng trăm lá thư viết tay lẫn điện tử. Ông viết, viết, và viết. Bà nhận, đọc, và giữ. Ông đi hàn huyên cà phê sáng với bạn bè, ông viết thư cho bà. Ông về đến nhà, ông viết thư cho bà hay. Ông giận bà, ông viết thư… hờn dỗi. Ông quên làm theo lời bà dặn trước khi ra khỏi nhà, ông viết thư xin lỗi.
Cứ thế, gia tài của bà là thư của ông.
Quê hương của ông, chính là bà.
“người nay xa xôi người bên kia trời
người nay xa xôi người bên kia đời
chân người có vui, những chiều cuối phố
mắt người có nguôi, những chiều mưa rơi” (Quê hương là người đó – 1981)
Và, ông đã viết mãi, viết mãi, đến ngày 7 Tháng Mười năm 2019, ông “về trời.” Như, ông đã từng dự đoán, và viết trước đó:
“Tôi mới nhận ra, càng ngày công việc viết của tôi, càng quá mức tổn hao khí lực.
Hoá ra, mỗi lần ngồi vào máy, hoặc trước trang giấy, tôi luôn phải nỗ lực, tận lực “đo ván” chính tôi. Chính tôi thôi, không hề có một kẻ nào khác!
Và, xin các bạn đừng ngạc nhiên, một ngày nào, tôi vĩnh viễn ngừng bút. Đó là ngày tôi không còn sức lực, để “đo ván chính tôi!” (Jan.17.09)