Câu chuyện “vườn đào Washington DC”

Share:
Ảnh: Al Drago/Getty Images

Trung tuần Tháng Ba 2024, Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (National Park Service – NPS) cho biết họ sẽ chặt bỏ khoảng 300 cây anh đào (trong đó có 158 cây mang tính biểu tượng) xung quanh Tidal Basin và West Potomac Park. Việc đốn bỏ hàng trăm cây anh đào thuộc khuôn khổ một dự án kéo dài ba năm nhằm sửa chữa và gia cố dãy bờ kè (sea wall) cũ kỹ mục nát quanh bờ hồ.

Sau khi dự án hoàn thành, NPS sẽ trồng 455 cây mới, trong đó có 274 cây anh đào. Tổng cộng hiện có khoảng 1,700 cây anh đào Yoshino quanh công viên National Mall. Lễ hội hoa anh đào quốc gia năm nay tại Washington DC vẫn được tổ chức bình thường. Dự kiến “vườn đào DC” sẽ nở rộ (peak) vào ngày 23 Tháng Ba 2024. Lễ hội thường kéo dài ba tuần với sự tham dự của khoảng 1.5 triệu du khách. Năm nay, chương trình được tổ chức từ ngày 20 Tháng Ba đến ngày 14 Tháng Tư. Người phát ngôn NPS, Mike Litterst, kêu gọi mọi người đến ngắm “vườn đào DC” lần cuối trước khi dự án chỉnh trang bờ kè được thực hiện trong thời gian dài.

Chương trình lễ hội hoa anh đào là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của Washington DC hàng năm. Ảnh: “Cherry Blossom” festival, Washington DC, ngày 15 Tháng Tư 2023 (Photo by Celal Gunes/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong những cây bị chặt bỏ, tiếc nhất là cây “Khẳng khiu” (“Stumpy”) 25 tuổi ở Tidal Basin. Với bộ dạng còi cọc trông thậm chí xấu xí, “Stumpy” lại là một trong những cây anh đào duyên dáng nhất “vườn đào DC”. Dù trông chẳng khác gì như một cây khô đang chết, Stumpy vẫn nở hoa đều đặn hàng năm. Mike Litterst cho biết, sau khi bị chặt, những cành vụn từ Stumpy sẽ được lấy để ươm ủ và sau này sẽ được trồng quanh Tidal Basin. Với những cây bị đốn khác, “chúng sẽ được ủ thành mùn rồi được phủ lên rễ những cây sống, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây vừa đóng vai trò bảo vệ cây khỏi sự giẫm đạp của du khách”.

Cây “Stumpy” (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Cần nhắc lại, khi thực hiện dự án Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr (hoàn thành năm 2011), người ta cũng phải chặt bỏ một số cây anh đào; sau đó, 100 cây mới được trồng lại. Với dự án mới (chỉnh trang và tái tạo bờ kè), việc chặt bỏ cây sẽ bắt đầu vào cuối Tháng Năm 2024. Các bờ kè dọc theo Tidal Basin, nơi có đài tưởng niệm Martin Luther King Jr cũng như các Tổng thống Franklin Roosevelt và Thomas Jefferson, đã mục nát nhiều. Năm 2010, một dự án sửa chữa trị giá $12.4 triệu đã gia cố khu vực bờ kè quanh Đài tưởng niệm Jefferson.

Theo NPS: “Nhiều phần của bờ kè đã lún sâu tới 5 feet (khoảng 1.5m) kể từ lần đầu tiên được xây dựng từ cuối những năm 1800 đến đầu những năm 1900… Do mực nước biển dâng cao, nước chảy qua các phần của bờ kè hai lần một ngày trong điều kiện thủy triều bình thường, các bờ kè không còn có cấu trúc vững chắc và đe dọa sự an toàn của du khách cũng như cảnh quan lịch sử của khu vực, trong đó có những cây anh đào quanh Tidal Basin”.

Do vậy, dự án $113 triệu này được thiết kế để bảo vệ những cây còn sót lại và khu vực đài tưởng niệm của Washington DC trong 100 năm tới. NPS cho biết thêm, một số cây anh đào khỏe mạnh sẽ không bị đốn vì việc dời chúng rất tốn kém. NPS có kế hoạch trồng hơn 270 cây anh đào mới sau khi công trình bờ kè mới được hoàn thành vào năm 2027.

Một chương trình lễ hội anh đào hàng năm ở Washington DC (ảnh: Celal Gunes/Anadolu Agency via Getty Images)

__________

Lịch sử “Vườn đào DC”

“Vườn đào DC” được hình thành vào năm 1912, với khoảng 3,000 cây ban đầu được tặng cho Washington DC, nhờ công sức của bốn người: Tiến sĩ Jokichi Takamine (nhà hóa học nổi tiếng thế giới và người sáng lập Công ty Sankyo – Daiichi Sankyo); Tiến sĩ David Fairchild thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ; Eliza Scidmore (thành viên nữ đầu tiên của hội đồng quản trị thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia); và Đệ nhất phu nhân Helen Herron Taft.

Ngày 27 Tháng Ba 1912, Đệ nhất phu nhân Taft và Nữ tử tước Chinda Iwa trồng hai cây đầu tiên ở bờ Bắc Tidal Basin thuộc West Potomac Park. Hai cây nguyên bản này đến nay vẫn còn, nằm gần Đài tưởng niệm John Paul Jones, tại Đường 17 SW. Từ đó, “văn hóa anh đào” nảy nở ở Washington DC. Mỗi năm, vào mùa anh đào nở, nhiều chương trình văn hóa-nghệ thuật được tổ chức, với sự tham gia của nhiều đời đệ nhất phu nhân tổng thống Hoa Kỳ. Trong suốt những năm 1900, bang giao Mỹ-Nhật luôn nồng ấm. Trong khi Mỹ tặng Nhật cây dương đào (dogwood) vào năm 1915, Nhật đáp lễ bằng việc tặng thêm 3,800 cây anh đào vào năm 1965…

Gia đình một viên chức ngoại giao Nhật tại DC, khoảng năm 1924 (ảnh: Buyenlarge/Getty Images)

Trong lịch sử “vườn đào DC”, người có công lớn nhất là David Fairchild thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Những cây anh đào ở Tidal Basin là kết quả của một kỷ nguyên khám phá thực vật được chính phủ Hoa Kỳ cổ xúy, nhằm làm tăng vẻ đẹp và đa dạng hóa thế giới thực vật của một nước Mỹ  vào đầu thế kỷ 20 vẫn còn cảm giác non trẻ. Thời điểm đó, nông dân Mỹ chỉ chuyên chú trồng các loại cây giống nhau, chủ yếu là ngô, yến mạch và lúa mì.

Thế là Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cử nhà thực vật học David Fairchild đi khắp thế giới tìm kiếm những loại cây trồng mới nhằm phục hồi nền nông nghiệp quốc gia. Khi trở về Mỹ, David Fairchild mang theo bơ, xoài, chà là, bông vải (cotton) Ai Cập và hàng trăm loại cây giống khác, trong đó có cây hoa anh đào.

Hoàn toàn không mang lại chút gì gọi là “hiệu quả kinh tế” và vô dụng đối với người làm nông nhưng cây anh đào có thể mang lại vẻ đẹp quý phái và sang trọng, đặc biệt cho thủ đô của một nước Mỹ đang bừng bừng sức sống. Đầu thế kỷ 20, Washington DC khao khát có một diện mạo mới, đặc biệt khi nhiệm kỳ tổng thống của Teddy Roosevelt mang lại niềm hứng khởi tinh thần của một quốc gia đang trỗi dậy.

Năm 1848, công trình Đài tưởng niệm Washington bắt đầu được dựng trên bờ sông Potomac, nằm giữa cánh đồng bùn cùng những cơn sóng vỗ hai bờ Potomac. Nhìn chung, Washington DC trông buồn và chán ngắt. Năm 1910, nhà văn Thomas Nelson Page, trong một bài phát biểu, thốt lên rằng Washington DC là một nơi đơn điệu đến phát khóc. Bằng ngôn từ dữ dội, Thomas Nelson Page nói, “Đáng lý chúng ta có cơ sở để tuyên bố rằng Washington là thành phố đẹp nhất đất nước và là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.” Nhưng không phải vậy, ông bày tỏ, Washington DC trông u buồn, không khí chán ngắt đến thảm hại, và rằng những điều vô nghĩa như vậy hoàn toàn “không xứng đáng với một dân tộc vĩ đại”.

David Fairchild (file photo)

Yêu say đắm vẻ đẹp của cây anh đào khi phát hiện nó lần đầu tiên ở Nhật năm 1902, David Fairchild đưa ra ý tưởng trồng cây anh đào, để Washington DC “xứng đáng với một dân tộc vĩ đại”; đặc biệt, để làm đẹp cho cái gọi là “đường cao tốc” (“speedway”), khu vực ngày nay được gọi là Tidal Basin, nơi xe cộ từng chạy qua với tốc độ “kinh hoàng” thời điểm đó là 30 dặm một giờ. Trước đó, trong nhiều năm, nhà văn Eliza Scidmore cũng từng đưa ra ý tưởng trồng cây anh đào ở Washington DC.

Tuy nhiên, David Fairchild mới là người thúc đẩy ý tưởng và biến nó thành hiện thực. Năm 1908, tân Đệ nhất phu nhân Helen Taft bị vẻ đẹp của hoa anh đào chinh phục; trong khi đó, chồng bà, William Howard Taft, Tổng thống thứ 27 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, cho rằng việc trồng cây anh đào là một cơ hội ngoại giao, giúp xóa bỏ sự thù địch bắt nguồn từ sự mất cân bằng thương mại và chính sách nhập cư của Mỹ với Nhật. Thật là một tình cờ thú vị, đó cũng là thời điểm người Nhật đang tìm cách tri ân Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến Nga-Nhật kết thúc năm 1905, một số đại gia Mỹ từng cung cấp tài chính giúp Nhật mua vũ khí đánh bại Nga.

Gia đình một đại sứ Nhật thưởng lãm mùa anh đào nở tại Potomac Park, năm 1928 (Getty Images)

Washington giao cho David Fairchild nhiệm vụ làm việc với Tokyo. Những háo hức ban đầu nhanh chóng biến thành sự kiện không vui cho cả hai bên, khi (vào năm 1910) những người làm vườn Nhật – vì háo hức muốn thấy một trong những biểu tượng văn hóa dân tộc của nước mình hiện diện tại thủ đô Hoa Kỳ – đã gửi một lô hàng gồm những cây hoa anh đào trưởng thành (sakura) đầy côn trùng và nấm.

Nổi giận, các nhà côn trùng học tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) yêu cầu đốt cây. Để tạo “hiệu ứng truyền thông” và để người Nhật thấy hậu quả sự tắc trách của họ, USDA mời một nhiếp ảnh gia đến chứng kiến cảnh đốt cây. Vụ việc được tường thuật trên trang nhất tờ The New York Times. Những tưởng Nhật phẫn nộ vì hành động của người Mỹ nhưng ngài thị trưởng Tokyo đã khiến mọi người ngạc nhiên khi chân thành xin lỗi David Fairchild.

Sau đó, David Fairchild cùng ngài thị trưởng Tokyo sắp xếp một lô hàng khác. Lần này, cây anh đào được chọn cẩn thận. Đó là những cây được trồng trên những cánh đồng chọn lọc và được lựa bởi những người làm vườn giỏi nhất Nhật Bản. Khi chuyến hàng thứ hai vượt Thái Bình Dương và sau đó, trên một toa tàu, băng qua nước Mỹ, chúng được kiểm tra kỹ lưỡng lần nữa. Một buổi lễ nhỏ tiếp nhận lô hàng được tổ chức bên bờ sông Potomac.

Một chương trình lễ hội anh đào hàng năm ở Washington DC (ảnh: Celal Gunes/Anadolu Agency via Getty Images)

Đệ nhất phu nhân Helen Taft trồng cây đầu tiên. David Fairchild và nhà văn Eliza Scidmore cũng cầm xẻng. Thật tréo ngoe, những cây anh đào đầu tiên được trồng tại địa điểm sau này là Đài tưởng niệm Đệ nhị Thế chiến, nơi đánh dấu một chương đen tối trong mối quan hệ Mỹ-Nhật (sau sự kiện Trân Châu Cảng, những cây anh đào này suýt bị đào lên!)

Cây hoa anh đào thường sống khoảng 30 năm. Do vậy, những cây đầu tiên đã bị chặt, sau đó được nhân bản và ghép cành để tạo ra khoảng 3,750 cây mà ngày nay du khách đến Washington thưởng lãm mùa anh đào nở rộ hàng năm. Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm “vườn đào DC”, Ngoại trưởng Hillary Clinton loan bố Hoa Kỳ tặng Nhật 3,000 cây dương đào (dogwood), loài hoa nổi tiếng của tiểu bang Virginia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: