Đứng đầu danh sách “thú cưng” phải nói đến mèo mặc dù “chú mèo” hay “o mèo” có vẻ “khinh khỉnh”, không “thân thiện” với chủ như chó. Mèo lại có tính hay “ăn vụng” nên ta mới có câu “chó treo, mèo đậy” dù thật tình mèo ta vẫn nổi tiếng với câu “nam thực như hổ, nữ thực như miu”!
Trong vòng tuần hoàn theo Âm lịch, con mèo cũng chiếm một chỗ đứng trong 12 con giáp tượng trưng cho các năm. Dễ gì được liệt vào danh sách “phong thần” khi có đến cả trăm loài động vật phải chịu “lọt sổ”, mèo ta chắc phải “meo meo” một cách kiêu hãnh!
Sống quanh quẩn trong nhà nhưng mèo có “tuổi thọ” từ 14 tới 20 năm. “Cụ mèo” già nhất thế giới được sách vở ghi chép đã sống đến 35 năm. Có thể vì mèo là những “vận động viên điền kinh”, đạt tới tốc độ 30 dặm một giờ hay cũng có thể dư sức phóng qua một bức tường cao gần hai mét. Mèo là sinh vật ưa “làm đỏm”, để làm vệ sinh cho cơ thể, mèo thường thè lưỡi và tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể. Hành động này cho thấy mục đích muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó.
Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác. Thời gian ngủ hàng ngày thường là 12 đến 16 giờ. Một số mèo có thể ngủ 20 giờ trong ngày… Chả thế mà nhà thơ Nguyên Sa đã tả chân “cô mèo” của ông như thế này:
“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!”
Tuy vậy, nhiều nền văn hóa lại có cái nhìn tiêu cực về mèo, điển hình là niềm tin về việc một con mèo đen băng ngang đường, người nào đang đi thì người đó sẽ gặp xui xẻo! Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo rộng khắp Châu Âu thời Trung cổ. Việc tiêu diệt mèo đã làm tăng số lượng chuột, góp phần gây ra “Cái Chết Đen” lây lan bởi bọ chét trên người những con chuột bệnh.
Chắc các bạn cũng có đôi lần nghe tiếng “mèo gào” trong đêm khuya vắng vẻ từ trên mái tôn của một nàng mèo… gọi đực. Tiếng gào thổn thức giữa đêm tựa như tiếng gọi thống thiết của người tình và chỉ một lúc sau là tiếng sột soạt trên mái tôn của cặp tình nhân trong cơn yêu dấu! Cũng trên mái nhà ở xứ Cờ Hoa, năm 1958 xuất hiện phim con mèo trên mái tôn nóng bỏng, Cat on a Hot Tin Roof, do hai tài tử gạo cội của Hollywood thủ vai: Elizabeth Taylor và Paul Newman. Phim dựa theo tác phẩm từng đoạt Giải Pulitzer của Tennessee Williams.
Thật ra thì chẳng có con mèo nào xuất hiện trong phim vì phim nói đến các vấn đề của nước Mỹ, như cái chết, sự cô đơn cũng như tình trạng đồng tính luyến ái, nghiện rượu. Có chăng cô vợ Margaret, thường được gọi là Maggie hoặc “Maggie the Cat”… nhưng thế cũng đủ cho con mèo hãnh diện được xuất hiện trong văn chương và điện ảnh!
Trở lại Việt Nam, ngày xưa có một bài học thuộc lòng mang tên “Con Mèo” mà nhiều người trên đầu hai thứ tóc nhưng vẫn còn nhớ như in:
“Chị ơi em có con mèo
Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ
Hôm qua dưới gậm bàn thờ
Có con chuột nhắt nó vồ được ngay…
Meo meo nó hát cả ngày
Em yêu nó lắm luôn tay bế bồng…”
Kể cũng lạ, mèo và chuột là “khắc tinh” của nhau nhưng lại chiếm hai trong 12 con giáp. Lạ hơn nữa là “dần, thân, tỵ, hợi” được coi là “tứ hành xung” chứ không phải là “dần, thân… tý, mẹo”. Không ai hiểu nổi các chiêm tinh gia có ý gì khi loại mèo và chuột khỏi danh sách các tuổi không hạp!
Phái yếu đa số đều thích mèo còn phái mạnh thì phần lớn chỉ thích… “mèo hai chân”! Các bà, các cô coi việc dan díu với “mèo hai chân” chẳng khác gì chuyện xấu xa, “mèo mả, gà đồng”. Thế cho nên, ông chồng nào lỡ có “mèo hai chân” phải lo giấu cho kỹ như “mèo dấu c…ứt?”. Lỡ mà “sư tử Hà Đông” biết được thì… “cơm không lành, canh không ngọt”! Tuy nhiên, phụ nữ cũng chính là… con mèo thích chơi trò “mèo vờn chuột”. Bắt được chuột rồi mèo ta không “thanh toán” ngay mà cứ đùa giỡn với chú chuột cho bõ ghét.
Trên phim ảnh, phim hoạt hình nhiều tập “Tom and Jerry” đã mang đến cho người xem những màn cười ngả nghiêng về hai con vật này. Theo một thống kê trong 163 tập phim, chuột Jerry đã giành chiến thắng 123 lần; còn mèo Tom chỉ chiến thắng tám lần. Có 32 lần cả hai bắt tay nhau để chiến đấu với những đối thủ khác, với 20 lần giành chiến thắng và 12 lần thất bại. Trong hầu hết trận chiến, Tom chẳng bao giờ hãm hại thành công chú chuột Jerry, do chú mèo quá ngốc nghếch, chủ quan. Mặc dù loài mèo thường săn đuổi chuột để ăn thịt chúng, nhưng rất hiếm khi Tom thực sự cố gắng ăn thịt Jerry mà thường chỉ để trả thù hoặc trêu chọc chú chuột.
Lời chúc đầu năm dành riêng cho các cặp vợ chồng trẻ là hãy đối xử với nhau như… Tom và Jerry, giận đấy nhưng cũng thương đấy! Mèo và chuột còn “sống chung hòa bình” được thì vợ chồng không thể nào không… “niệm tình tha thứ”. Có như thế cuộc sống vợ chồng mới tìm được hạnh phúc dù đôi lúc bất hòa…