Thằng Tí là con cầu con khẩn của ông bà Năm. Trong xóm ai cũng biết. Tía má nó cầu khẩn mãi mới có được nó. Bởi vậy, bao nhiêu kỳ vọng, tiền bạc, của ăn của để, tía má nó giành hết cho nó. Mà được cái, thằng Tí thông minh, học giỏi. Nó chẳng phải ngồi mòn đít mỗi ngày trên cái ghế gỗ để làm bài tập như bọn con nít trong làng. Mỗi ngày, chỉ khoảng tiếng đồng hồ là nó xong hết. Nó học thuộc bài cũng nhanh hơn người khác.
Cứ mỗi lần mấy ông bạn già rủ nhau cà phê đánh cờ tướng, ông Năm vừa rít thuốc lào vừa tự hào khoe “thằng Tí nhà tui là nhân tài.” Ông chẳng giấu mấy ông bạn việc đã bàn với má nó từ lâu, là đợi ngày nó đỗ đại học sẽ bán hết mấy sào ruộng, bán luôn miếng đất ông bà để lại, chuẩn bị sẵn sàng cho nó vô Xì Gòn học bác sĩ.
Nan giải ở chỗ, từ hồi nhỏ, thằng Tí đã ấp ủ mộng làm hoạ sĩ. Ngày ngày đi học về là nó hí hoáy những nhân vật nó tưởng tượng từ trong các tác phẩm văn học dạy ở trường. Mặc cho ông già tía của nó than trời than đất, nó hùng hồn tuyên bố: “Con sẽ trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng. Tía má sẽ nở mặt nở mày. ”
Tía má nó, nói gì thì nói, cho dù cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng cũng “một bụng” thơ văn. Mấy buổi tối tía nó bù khú với mấy ông chú hàng xóm, nó nghe tía nó ca cải lương ngọt lịm. Má nó thì mỗi khi giận tía đi nhậu về khuya, sáng ra má nó vừa thổi lửa, vừa ngâm:
“Hỡi chàng ôi hỡi chàng ôi,
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”
Không biết là nếu nó tuyên bố “trở thành ca sĩ” thì tía nó có ưng không, chứ khi nó nói muốn làm hoạ sĩ, thì ông Năm đùng đùng: “Làm hoạ sĩ cho nghèo à nha. Vẽ vời”. Dưới mắt của ông Năm, thằng Tí là “sao Bắc Đẩu” của cả cái xóm quê này. “Mày làm bác sĩ ở Xì Gòn, bà con ở quê mình cũng được nhờ. Ai bệnh gì lên Xì Gòn tìm mày, mày phải hết lòng giúp đỡ nha Tí”. Ông Năm nói y như sáng mai ngủ dậy, thằng Tí là ông bác sĩ rồi.
***
Mùa hè năm nay, để chuẩn bị cho năm học cuối cấp căng thẳng sắp tới, ông Năm bàn với bà Năm, dẫn thằng Tí lên Xì Gòn chơi vài ngày đến một tuần, “cho nó thoải mái tinh thần” – ông nói vậy. Thật ra mục đích chính là ông “ngó trước ngó sau”, rồi gửi gắm người bạn cũ nhờ trông giúp thằng con khi nó lên phố thị học bác sĩ.
Thằng Tí ngại lắm, vì nó đã thi đâu? Nhưng chiều lòng tía nó, vả lại đi Xì Gòn, ai mà chẳng ham. Thế là bà Năm mất mấy ngày để chuẩn bị quần áo cho cha con thằng Tí. Bà không quên làm thêm vài món ăn quê để ông Năm mang theo biếu bà con, bạn bè.
***
Xì Gòn đối với thằng Tí là một vùng đất của người giàu có. Nó đã được nghe tả về cảnh xe cộ dập dìu, khói bụi mịt mù, còi bấm inh ỏi nhưng vẫn mắt tròn mắt dẹt khi tận mắt thấy. Chú Ba Tân, tía nó bảo nó gọi như thế, đã chờ sẵn để đón. Ra khỏi bến xe, có cỡ gần chục người chạy theo níu áo hỏi chú Ba về đâu. Chú lắc đầu, kêu tía với nó đi nhanh ra khỏi bến xe. Chú nói với tía nó:
– Em đi taxi ra đây. Ông tài lớn tuổi, chạy đàng hoàng nên em nói đứng chờ để đón người rồi đi lượt về luôn.
Chú Ba nói lúc này là giờ cao điểm nên sẽ kẹt xe lắm. Kệ, nó thích thế, để nó có dịp ngồi ngắm đường phố lâu hơn. Nó tưởng tượng sắp tới đây, nó ngồi trên một chiếc xe máy, vi vu trên đường phố này. Sau lưng nó, là cái balo chứa đầy bút, cọ vẽ, màu, giấy… À, nó sẽ để tóc dài nghệ sĩ nữa. Chiếc áo sơ mi nó mặc, chắc chắn phải dính những vệt màu loang lổ…Thế mới oách!
Đang thả hồn theo giấc mơ hoạ sĩ thì xe đã đến nhà. Nhà của chú Ba Tân nhỏ xinh, có giàn hoa giấy trước sân. Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm rất im vắng, thơm nồng mùi sả. Chú nói chú thường mua sả về, dập nát rồi nấu nước sôi, để trong góc nhà. Mùi sả làm cho tinh thần thoải mái, không khí cũng sạch hơn.
Ông Năm và thằng Tí nghỉ ngơi một chốc rồi dùng cơm chiều do chú Ba Tân đã nấu sẵn. Chú Ba xa quên hơn mười năm, nhưng nó thấy chú nấu cơm vẫn đậm đà vị quê. Không dễ gì tía nó quên chai rượu đế mang theo. Chú Ba Tân cười vang, nói: “Rượu gì cũng không qua được rượu này.”
Vừa ăn cơm, tía nó vừa nói về “kế hoạch” mà tía má nó đã chuẩn bị trước, cũng như mục đích của chuyến đi này. Chú Ba nheo nheo mắt nhìn nó, hỏi: “Mày thích làm gì Tí?”
Nó ngập ngừng…dạ..dạ…liếc nhìn ông Năm. Ông Năm hất hàm: “Làm hoạ sĩ đó. Mày thấy sao? Mày nói nó đi.”
Chú Ba Tân bật cười ha hả, vỗ vai nó nói:
– Nghệ sĩ hả Tí? Cũng được mà anh Năm. Quan trọng là em nó thích. Nếu thằng Tí có tài hội hoạ, có nhận thức đúng đắn về nghệ thuật, văn học, cảm tác thẩm mỹ tốt, và nhất là em nó biết em nó muốn gì thì mình ủng hộ thôi anh Năm. Vai trò của nghệ sĩ quan trọng trong xã hội lắm đó nha anh Năm.
Ông Năm đăm chiêu:
– Tao hiểu. Hồi xưa, cũng vì mấy tuồng cải lương mà tao cưới được má thằng Tí. Tao cũng mê bả vì nghe bả đọc xuất thần mấy bài thơ cổ. Nhưng rồi sao? Cả đời ta với bả cũng gắn với chim cò, ruộng lúa. Tao muốn đời nó phải khác.
Chú Ba Tân uống cái ực hết ly đế, nói với ông Năm:
– Anh đừng lo. Đời nó còn dài. Hãy để nó tìm hiểu thêm rồi quyết định không muộn đâu. Áp đặt nó, nó làm những việc không thích, thì thành công không thấy, chỉ thấy thành ma.
Rồi chú quay sang nói với tôi:
– Thằng Tí, ngày mai tao dẫn mày với anh Năm đến một nơi. Tao nghĩ là mày sẽ thích.
Thằng Tí muốn hỏi đó là nơi nào, nhưng thấy không khí hơi căng thẳng nên thôi. Nó ăn nhanh rồi vào phòng. Hình như tối đó, tía nó và chú Ba Tân ngồi rất khuya.
***
Sáng hôm sau, thằng Tí dậy rất sớm. Một phần là nó háo hức, một phần nó quen với giờ dưới quê rồi. Buổi sớm, sân nhà của chú Ba Tân trong veo. Có chim hót, có mùi hương của sả. Thằng Tí đứng trước cổng, ngước cổ lên cao. Nó ráng rướn hết sức, thiếu điều muốn ngã ra phía sau. Nó thấy trời bầu trời xanh ngắt, cao vời vợi, không thấp như ở quê của nó. Nó nghe tiếng ông Năm và chú Ba trong nhà. Hai người đã thức dậy.
Sau khi xong ly cà phê sáng, chú Ba ngoắc nó:
– “Đi Tí. Đi sớm, xem thoải mái hơn. Mày muốn xem lâu cũng có nhiều thời gian.”
Hôm nay tía nó cũng đi cùng. Ông Năm chọn bộ đồ mới do bà Năm chuẩn bị sẵn. Thằng Tí ít khi thấy tía nó mặc quần tây áo sơ-mi như vậy.
Đi bộ ra đến đầu ngõ, nó thấy ông bác tài xế taxi hôm qua đã chờ sẵn. Chắc chắn chú Ba Tân đã hẹn trước. Đường phố Xì Gòn vẫn hối hả như chiều qua.
Khoảng nửa tiếng sau, xe dừng trước một ngôi nhà lớn, có bảng hiệu in chữ “Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam.” Thằng Tí sung sướng, cảm ơn chú Ba Tân đã dẫn nó đến đây. Nó lén lén nhìn qua tía nó. Ông Năm điềm nhiên. Hình như ông đã biết trước.
– Anh Năm với Tí vào trong xem nha. Cứ xem thoải mái, bao lâu cũng được. Em đi vòng vòng bên ngoài. Cái này em xem rồi.
Thằng Tí với ông Năm vào bên trong nhà triển lãm. Nó bước từng bước nhẹ, như mấy hiệp khách dùng nội công đi trên mặt nước trong phim kiếm hiệp mà nó xem ở dưới quê. Nó cảm giác nghe được cả hơi thở của mình. Nhà triển lãm mát lạnh, sáng choang. Thằng Tí ngất ngây, ngây ngất. Nó lại tưởng tượng một ngày…
– Cái gì vậy trời?
Nó nghe tiếng tía nó la lên ở góc phòng. Nó chạy tới, thấy mặt của tía nó đỏ bừng. Đôi mày nhíu lại. Nó nhìn theo hướng mắt tức giận của tía nó. Đến lượt nó há hốc mồm. Nó cảm giác gương mặt của nó cũng đang đỏ rực. Lần đầu tiên nó nhìn thấy cơ thể của người phụ nữ rõ mồn một như thế.
Người phụ nữ trong bức tranh đang viết chữ. Mũi cao dọc dừa, môi mọng đỏ. Hai bầu ngực căng tròn, rõ từng chi tiết nhỏ. Nó muốn hỏi tía nó là sao viết chữ phải cởi hết quần áo, nửa nằm nửa ngồi như thế? Nhưng nó không dám. Nhìn ánh mắt của ông Năm, thằng Tí biết tía nó đang giận.
Nó bước sang bức tranh bên cạnh. Cũng người phụ nữ trong bức tranh khi nãy, giờ trong tư thế như anh Lê Văn Tám cầm ngọn đuốc mà nó thấy minh hoạ trong sách văn học của trường. Người đó đang viết chữ gì nó hổng biết, chỉ thấy mảnh vải duy nhất, nhỏ xíu trên người của cô đó sắp rớt xuống. Phía sau lưng cô đó là những mảng màu như “lửa cháy thành Đại La.”
Thằng Tí bước ra xa, phía giữa phòng một chút. Nó muốn nhìn tổng thể. Tí phát hiện ra một điều: Đó là nhân vật nữ trong những bức tranh ở đây có cùng một xì tai mặc quần áo. Họ có nhiều nét trên cơ thể giống nhau. Họ cùng thích đọc sách, viết chữ. Đặc biệt, họ thích đọc và viết khi trên người chỉ có tấm vải nhỏ che chỗ phải che.
Tí bắt đầu thấy hoa mắt. Máy điều hoà trong phòng triển lãm vẫn chạy đều đều mà nó thấy nóng ran cả người. Mồ hôi rịn ra trên cổ, trên hàng ria mép lún phún của nó. Tí quay tìm ông Năm nhưng không thấy đâu cả. Nó ráng từng bước cho hết một vòng căn phòng. Mỗi lần dừng trước một bức tranh, nó thấy nó kéo hơi lên càng khó hơn.
Bức tranh cuối cùng treo ở gần lối vào. Hai người phụ nữ trong bức này khác với những bức kia. Tí thấy cây quạt giấy rất rõ nên biết họ đang múa quạt. Nhưng sao nét mặt đanh thép, cái miệng mím chặt của người đó làm Tí hoảng sợ. Những khối màu nguệch ngoạc như hất tung người xem ra khỏi vị trí đang đứng.
Thằng Tí bước nhanh ra khỏi căn phòng rực lửa đó. Ông Năm và chú Ba Tân đang ngồi ở quán nước cạnh nhà triển lãm. Tán cây cổ thụ mát rượi, che lấp gần cả khoảng sân to. Thằng Tí thấy gương mặt tía nó không còn đằng đằng sát khí như khi nãy. Nó bước tới, ũ rũ ngồi xuống cái ghế nhựa. Chú Ba Tân nheo mắt, ranh mãnh nhìn nó.
– Sao, mày xem tranh thấy sao? Liệu mày có đủ tài năng để thể hiện như thế không?
Thằng Tí thẫn thờ, giương mắt nhìn tấm băng rôn: Triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương”. Tự dưng nó thấy giận thầy dạy Văn của nó ghê gớm. Thầy đã lừa dối tụi nó. Thầy dạy tụi nó là thơ Hồ Xuân Hương thể hiện sự thông cảm và niềm tự hào đối với vẻ đẹp và tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Thằng Tí rất tự hào về má của nó. Đối với nó, má của nó là người phụ nữ Việt Nam đẹp, rất đẹp.
Ông Năm rít hết một hơi ống thuốc lào, từ tốn nói:
– Chú nói đúng chú Ba à. Sĩ gì thì sĩ, phải có nhận thức đúng đắn về văn học nghệ thuật.
Thằng Tí im re. Nó còn giận lắm. Nhưng tía nó không biết là nó đang có một “kế hoạch lớn.”
Đó là, sau buổi đi xem tranh, thằng Tí quyết tâm: Nó sẽ là một hoạ sĩ CÓ NHẬN THỨC đúng đắn.
—
ĐỌC THÊM: