“Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”
(Trần Tế Xương)
Nhân dịp đầu năm 2025, tròn nửa thế kỷ năm mất nước với Chuyện Vãn: Pháo Tống, Pháo Chuột & Nổ. Năm 1975 Quân Cán Chính VNCH vào chốn lao tù không có pháo tống, pháo chuột để đốt nhưng lại nghe pháo nổ đinh tai nhức óc phát ra từ miệng!
Trong bài viết Khi Việt Cộng Nói Phét của Người Lính Già Oregon (người bạn cùng đơn vị với tôi) trước đây: “Trong một trại tù cải tạo ngoài Bắc, tên cán bộ răng đen mã tấu, không biết sinh đẻ ở vùng nào mà ngọng đặc, ngọng líu ngọng lô, đang hăng say lên lớp:
-Các anh biết không, nịch sử lước ta toàn nà anh hùng. Cứ ra ngõ nà gặp anh hùng. Nạ thật. Bắt đầu nà anh hùng Nạc Nong Quân nấy bà Triệu Ẩu đẻ ra một bọc trứng…
Cả hội trường cười ồ. Mất hứng, hắn có vẻ bực mình, quắc mắt, hỏi tại sao cười.
Một “cải tạo viên” (người tù) đứng lên, lịch sự trả lời thay cho tất cả:
-Thưa cán bộ, vua Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, chứ không phải bà Triệu Ẩu.
Hắn khó chịu, im lặng vài giây, và quay sang “hội ý” với tên cán bộ phụ tá, hai thằng rủ rỉ rù rì với nhau một hồi, rồi thằng phụ tá ngẩng đầu lên, dõng dạc nói:
– Nạc Nong Quân nà vua, ông ấy muốn nấy gái lào mà chả được. Bà Âu Cơ hay bà Triệu Ẩu gì cũng đều nà gái tốt cả, nao động tốt cả…
Trong hội trường của một trại tù cải tạo khác, lại một tên răng đen mã tấu, thao thao bất tuyệt:
-Các anh biết không, đất nước ta giàu có cực kỳ, tiền rừng bạc bể, mỏ dầu vô kể. Mà lạ quá, nhiều nơi trên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của ta, chỉ cần cắm ống nứa xuống đất là dầu hỏa phụt lên, thế là ta cứ việc mang thùng ra hứng đem về tha hồ đốt.
Cả lớp im lặng. Hắn hứng chí tiếp:
– Ngoài mỏ dầu, miền Bắc còn có đủ các loại mỏ khác như mỏ than, mỏ vàng, mỏ xăng, mỏ nhớt…
Mọi người cười ồ. Một anh tù già, gốc Bắc kỳ 9 nút, ưa xỏ xiên, giơ tay xin hỏi:
-Thưa cán bộ, có một thứ mỏ mà không biết miền Bắc có không, nhưng miền Nam nghèo đói của chúng tôi thì chắc chắn không thấy, đó là mỏ lết.
Hắn bỉu môi:
-Anh nói gì, mỏ lết hả? Cái gì chứ mỏ lết thì miền Bắc thiếu giống gì. Đảng và nhà nước ta đang có phương án khai và thu hoạch đấy.
Cũng lại một tên răng đen mã tấu nữa. Ngoài chuyện (quá nhàm) máy bay MIG 21 tắt máy phục kích trong mây, chờ B52 của đế quốc đến, chiến sĩ lái nhảy ra bắt sống, hắn kể một chuyện khác, ly kỳ hơn: “Năm 1962, Bác Hồ bị ốm. Nước Cuba anh em lúc ấy đang bị đế quốc Mỹ đe dọa bắn tên lửa. Tuy thế, nghe tin Bác ốm, đồng chí Fidel Castro cũng đã lấy máy bay đi thăm. Đến Hà Nội, để khỏi tốn thì giờ, đồng chí nhảy dù xuống quảng trường Ba Đình, và chưa kịp tháo dù, đã vội vàng chạy vào phòng Bác, hỏi thăm sức khỏe, và ôm hôn Bác thắm thiết. Bác liền trách đồng chí, như sau: ‘Nước chú đang bị đế quốc Mỹ đe dọa, sao chú lại bỏ đi thăm tôi? Chú nên về ngay đi.’ Đồng chí Castro tuân lệnh, ra về.”
Đến đây thì tên cán bộ không nói Castro về bằng cách nào. Bị cải tạo viên vặn hỏi, nó đáp tỉnh bơ:
-Máy bay bay ngang qua đón, và đồng chí Castro đã nhảy dù lên máy bay chứ còn làm gì nữa mà hỏi lôi thôi…
Một tên cán bộ khác, một hôm đang lên lớp về bài học “Đất nước ta giàu mạnh, tiền rừng bạc bể” phun ra một hơi:
-Các anh biết không, mỏ than đá Hòn Gay của nước ta là tốt nhất, chất lượng số một trên thế giới. Các nước trên thế giới thèm lắm, gửi phái đoàn đến xin thương lượng khai thác, nhưng Đảng quang vinh của ta dứt khoát từ chối. Vừa rồi, nước Pháp cử đại diện đến xin mua than của ta, đem về làm khí đốt cho đầu máy xe hỏa, vì than của họ kém chất lượng, nhưng Đảng ta không bán…
Rồi hắn huyênh hoang tiếp:
-Bị từ chối, đại diện Pháp lại năn nỉ ta cho phép họ cạo lấy những lớp mọ hóng (bồ hóng) bám vào các ống khói xe hỏa của ta đem về vo thành viên than để đun nước, nấu ăn.
Một tên quản giáo đang kể lại trận đánh đồn Tây tại Điện Biên Phủ, năm 1954:
– Đồng chí anh hùng Núp bị thương nặng, ruột đổ ra ngoài, nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Đồng chí đặt súng liên thanh vào ổ châu mai, vừa bắn vừa ném lựu đạn vừa ấn chùm ruột vào bụng trở lại, giết không biết bao nhiêu là địch…
Một cải tạo viên lên tiếng hỏi:
-Thưa cán bộ, như thế thì anh hùng Núp lấy tay nào bắn, tay nào ném lựu đạn, tay nào ấn chùm ruột vào bụng?
Tên cán bộ cười đắc chí:
-Thế mới tài chứ lị. Cái gì khó khăn, anh hùng ta đều khắc phục, làm được tất…
Một tối, tại K5 trại tù cải tạo Vĩnh Phú cho chiếu phim Liên Xô “Thép đã tôi thế đấy”. Trong phim, nhân vật chính, Pavel, là một thanh niên “phấn đấu” hết mình để trở thành một đảng viên. Về sau, giựt vợ của một đồng chí. Chiếu xong, trại trưởng muốn biết phản ứng cải tạo viên về cuốn phim. Ai cũng phải khen, cho có lệ. Nhưng một anh, gốc Quảng, giơ tay thắc mắc:
– Thưa coáng bộ, tui thấy đoảng viên mà đi lấy vợ người khoác lòa không được, kỳ quóa.
Trại trưởng hứa ngày mai sẽ trả lời. Hôm sau, hắn nói:
-Lấy vợ lại (tiếng lóng, hắn ám chỉ lấy vợ người khác) đó là tập tục thông thường của Liên Xô và Tây Phương nên ta có thể chấp nhận được. Lại nữa, công lao của anh hùng đảng viên Pavel quá lớn, đồng chí muốn lấy ai cũng không vi phạm đạo đức…
Hết ý kiến. Trong hàng, một anh bạn thân rỉ vào tai tôi:
-Tiên sư cha chúng nó. Nói xuôi cũng nó, nói ngược cũng nó. Thằng X bạn tao ở đội C được thăm nuôi. Vợ nó là đầm lai. Thấy nhau, hai đứa vừa chạy lại ôm hôn nhau chùn chụt như xi-nê thì bị tên quản giáo đến tách ra, mắng mỏ: “Cách mạng rồi mà anh chị vẫn không chịu bỏ cái thói văn hóa đồi trụy khốn nạn của Mỹ ngụy”…
(Ngưng trích)
Còn nhiều mẩu chuyện nữa xảy tương tự như vậy, không hiểu được tuyên truyền thế nào mà các trại tù từ Bắc và Nam cán ngố đều nổ như nhau!
*
Với nghĩa thông thường trong dân gian thì “nổ” ám chỉ cho người nào tán phét, cương ẩu, nói điêu (nói những điều không có), khoác lác (nói hươu nói vượn), nói ngoa (phóng đại), nói nhăng nói cuội, nói đất nói trời (ba hoa chích chòe), nói lếu nói láo, nói thánh nói tướng, nói trời nói đất… nên khi nghe thì ví von “kho đạn Long Bình”. Nói nôm na là phịa, bựa!
Kho vũ khí Long Bình (diện tích khoảng 24 km vuông) nằm ở Biên Hòa (cách Sài Gòn khoảng 20 km), được Mỹ xây dựng từ giữa năm 1965. Đây cũng là kho bom, đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Xung quanh kho được bảo vệ rất kỹ, canh gác cẩn mật, có từ 7 đến 12 lớp hàng rào, ngoài ra có các lũy đắp bằng đất hoặc thùng phuy, container đổ đầy đất. Bên trong là đường tuần tra với nhiều tháp canh, lô cốt có đèn pha chiếu sáng. Giữa các khu kho cũng có hàng rào thép gai ngăn cách. Kho được quy hoạch một cách khoa học và ngăn nắp. Các kho trên mặt đất được lắp ghép bằng nhà thép tiền chế, lợp bằng tôn. Các kho dưới tấng đất rất kiên cố, tất cả các cửa với mã số đặc biệt. Để ra vào tổng kho có 12 cổng mở theo nhiều hướng khác nhau, được kiểm soát rất kỷ bảo vệ an ninh. Vài nguồn tin cho biết, sau khi VC cưỡng chiếm miền Nam không thể nào mở được các tầng hầm vì không có mã số, nếu phá cửa sẽ xảy ra những vụ nổ lớn. Khi VC nhờ Liên Xô nhưng cũng bó tay.
Vì vậy khi nghe ai nổ sảng, chỉ ví von nhà gần kho đạn Long Bình hay nhân viên kho đạn nầy!
Nổ như tạc đạn phát xuất từ hình ảnh súng liên thanh gắn băng đạn, khi siết cò nổ cả băng đạn trong tích tắc. Nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác Après moi le Déluge nằm trong Série Noire với tựa đề Nổ Như Tạc Đạn đăng feuilleton trên báo Ngôn Luận và ấn hành năm 1964. Với lối hành văn dí dỏm, châm biếm nên quyển sách nầy rất ăn khách. Sau nầy trở thành câu nói thông dụng cho các “xạ thủ bất đắc dĩ” nổ sảng, nổi dai.
Trong nhiều lần ngồi quán cà phê tán gẫu với bạn hữu, bỗng dưng có xạ thủ mò đến “nổ như tạc đạn” làm cụt hứng, điếc con ráy nhưng vì tế nhị không bỏ đi chỗ khác, tội nghiệp cho lỗ nhĩ bị sách nhiễu hành hạ!
Về sách, sau ngày “bên thắng cuộc” có những cuốn sách “nổ như tạc đạn” ra đời coi “mục hạ vô nhân” tùy tiện phét lác còn hoang tưởng hơn trong truyện hư cấu kiếm hiệp.
Về văn bằng với “lò ấp tiến sĩ,” nhan nhản trong nước với biếm họa, bài viết về cái lò nầy, chưa xong trung học phổ thông vào “lò ấp” đầy dẫy tai to mặt lớn có ngay tiến sĩ giấy và cả thành phần giáo sư đại học… Ngoài ra với bằng mua ở Mỹ từ vài trăm đô trở lên để lộng kính treo tường… nổ cho thiên hạ lóa mắt.
Bài viết của Thành Lâm trên BBC ngày 11 tháng 5 năm 2022 “Thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam?” cho thấy về cái lò trong nước:
“Những năm gần đây, vấn nạn “lò sản xuất tiến sĩ” và “tiến sĩ giấy” khiến dư luận Việt Nam quan tâm và đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước.
Trao đổi với BBC, Tiến Sĩ Đào Minh Hồng, Đại Học Kinh Tế Tài Chính (ở Sài Gòn) thẳng thắn đánh giá: “Thực trạng đào tạo tiến sĩ ở VN cho đến năm nay từ sau vụ ‘lò sản xuất tiến sĩ’ vẫn không hề thay đổi, mà càng ngày càng tệ hơn… Và cũng theo ông nguyên nhân dẫn đến sự “thụt lùi” của đào tạo tiến sĩ ở trong nước, cụ thể là trong chuyên ngành khoa học xã hội như: những người cầm cân nảy mực là những người chỉ “mua danh tiến sĩ.”
Câu nói dân gian mỉa mai “vô tiến sĩ bất thành nhân” vì vậy tiểu sử quan lớn, quan nhỏ từ thủ đô đến thành phố, huyện xã “thất học… nhảy bàn độc tiến sĩ”!
Cụ Tam nguyên Yên Đổ – nhà thơ Nguyễn Khuyến – giễu người đời “dại”, đốt pháo, pháo nổ, chó sợ chạy trốn, có khi trốn mất không về.
“Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm khoèo”
Pháo có từ ngàn xưa, đại khái có rất nhiều loại thông dụng:
Các loại pháo lớn: Pháo tống, pháo cối, pháo đại, pháo đùng (to bằng cổ tay) khi nổ âm thanh rất lớn, xác pháo tung lên cao với hằng trăm mẩu giấy đỏ như hoa đào tung bay. Pháo đất, làm bằng đất nặn thành một cái nồi trống miệng. Pháo nâng lên cao rồi thảy xuống đất. Hơi nén trong nồi phá vỡ đáy nồi phát ra tiếng nổ. Pháo trúc nhồi thuốc súng vào đốt tre để làm pháo, treo cùng bùa trên cây nêu, đốt trong ngày Tết để trừ ma quỷ.
Các loại pháo nhỏ: Pháo chuột, pháo tôm, pháo tép… tiếng nổ nhỏ “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột” (Trần Tế Xương)
Tràng pháo còn gọi là pháo phong, pháo bánh, pháo cuộn, pháo dây… thường kết với vài cái pháo tống cho đủ tiểu, đại để khi đốt nghe rộn ràng hơn.
Ngoài ra còn có pháo hoa, pháo bông, pháo thăng thiên… và cả pháo điện tử có remote điều khiển (Tôi có phong pháo nầy, ngày Tết đốt trước cửa rồi và đem vào backyard để khỏi có xác pháo dơ nhà, sử dụng từ năm nầy sang năm khác).
Đốt pháo không những trong ngày Tết mà trong các dịp cưới hỏi, khai trương business… Người Việt định cư tại Mỹ, điển hình như thành phố Westminster ở Little Saigon, trong những thập niên qua mang phong tục nầy ngày xưa trên xứ người, chính quyền địa phương cho phép cộng đồng người Việt đáp ứng theo điều kiện hợp pháp.
Trở lại chuyện vãn về “nổ” với pháo mang lại niềm vui và nghe khoái lỗ tai nhưng phát ra từ miệng thì chán ngấy!
Từ thời cổ đại, triết gia Platon đã nói: “Cái vỏ rỗng kêu to nhất, nên người ít thông minh nhất cũng lắm lời nhiều nhất”. Triết gia Jean Jacques Rousseau nói: “Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói ít”. Văn hào William Shakespeare nhận xét: “Cái vỏ rỗng tạo ra âm thanh lớn nhất”. Ivan Petrovich Pavlov, người đã đoạt giải Nobel sinh lý và y khoa năm 1904 với lời khuyên: “Đừng bao giờ kiêu ngạo. Bởi vì khi bạn kiêu ngạo, bạn sẽ trở nên cố chấp. Khi bạn kiêu ngạo, bạn sẽ từ chối những lời khuyên và sự giúp đỡ của người khác. Khi bạn kiêu ngạo, sự khách quan sẽ bị mất.” Thành ngữ ta có câu: “Thùng rỗng kêu to.” Ngẫm cho cùng tư tưởng của các bậc vĩ nhân trên thế giới rất hữu lý.
Ông bà ta thường nói “Bệnh từ ngoài vào, bệnh từ miệng ra” và “nổ” coi như bệnh từ miệng ra, vì vậy những kẻ hay “nổ” coi như bệnh – bệnh nổ – hết thuốc chữa! Thiện tai! Bán trời không văn tự.
Little Saigon, January 2025