Khi bạn phải thường xuyên xuất hiện trước công chúng, bạn cần có nhiều tự tin và phải biết cách “tự giới thiệu mình”. Sau diện mạo, trang phục, tư thế, điều gây ấn tượng tiếp theo với người đối diện là giọng nói. Vô hình và không thể hiện năng lực, tài năng hay kiến thức, nhưng giọng nói có thể quyết định tương lai chính trị và sự nghiệp của bạn. Điều này đã được chứng minh tại bất cứ quốc gia nào và nền văn hóa nào trên thế giới.
Giọng nói, yếu tố quan trọng đối với “người của công chúng”
“Đôi khi chỉ cần một thay đổi nhỏ về giọng nói cho ấm áp hay truyền cảm hơn, rõ ràng hơn cũng đủ tạo ra bước nhảy lớn trong sự nghiệp” – một huấn luyện viên giọng nói nhận định. Nhận định này đặc biệt đúng đối với những “người của công chúng”. Họ làm những công việc hay giữ các vị trí mà giọng nói đóng vai trò quan trọng. Giọng nói có thể đưa họ lên cao trong nấc thang sự nghiệp hoặc trở thành yếu tố kìm hãm. Điều này thấy rõ hơn ở nữ so với nam giới.
Lấy ví dụ của phát thanh viên truyền hình Cheryl Wills, người có 24 năm phụ trách chương trình tin tức của kênh 24 giờ NY1 tại New York City. Bà tâm sự: “Tôi sẽ không thể trụ được lâu đến thế và được nhiều giải thưởng nếu tôi không bỏ ra hơn một năm luyện giọng. Thanh âm của tôi không được tốt trong những ngày đầu vào nghề. Nó giống như giọng nói của một đứa bé. Tôi không biết cách kiểm soát hơi thở nên có lắm tạp âm. Tôi cũng không biết kiểm soát liều lượng của âm thanh và nói sao cho uy lực để người khác phải lắng nghe”. Wills còn nhớ rất rõ những lần luyện thanh với “bà thầy” Joanne Stevens cách nay 20 năm và những lời khuyên của bà: Ngồi thẳng khi đọc tin, thở bằng bụng, cách làm chủ âm vực giọng nói và tốc độ nhả chữ.
“Người ta chỉ thẩm định đúng bạn khi người ta hiểu bạn. Nguyên tắc của tôi là tuyệt đối không được đưa cách nói chuyện với bạn bè hoặc trên điện thoại ngoài đời vào chương trình tin tức. Gửi một thông điệp đến khán giả hoàn toàn khác với gửi thông điệp đến những người thân thiết trong đời thường” – bà nhớ lại. Amy Stoller, một huấn luyện viên giọng nói và phát âm tại New York City cho biết: “Không phải phụ nữ nào cũng cần luyện giọng với huấn luyện viên mà có thể tự luyện. Không chỉ có nữ mà luyện giọng cũng hiệu quả ở cả nam giới”.
Khi một phụ nữ gặp Stoller và cho biết muốn thay đổi giọng nói của mình, Stoller hỏi ngay lý do tại sao. “Ai đã phê bình giọng nói của chị ta và phê bình ở điểm nào? Nếu lời phê không chính đáng tôi sẽ đề nghị chị ta cứ để giọng nói như thế mà chỉ cần điều chỉnh chút ít, như nói rõ hơn hay to hơn. Đây là những thứ ai cũng có thể làm được mà không cần người hướng dẫn. Các trường hợp chỉ trích không đúng thì chẳng cần điều chỉnh – Stoller nhớ lại – Phụ nữ thường hay bị nhận xét về giọng nói hơn đàn ông. Và có nhiều nhận xét mang tính bài bác cá nhân, không đúng sự thật”.
Câu chuyện của Jessica Procini
Đối với Jessica Procini, 28 tuổi, một chuyên viên về lối sống tại Philadelphia thì giọng nói cũng là nguyên nhân của nhiều vấn đề gặp phải. “Có người khuyên tôi là với giọng nói ở âm vực cao như thế thì tôi nên làm nghề lồng tiếng cho phim trẻ em là hợp nhất. Có người hỏi tôi bao nhiêu tuổi rồi mà có giọng nói giống trẻ con. Họ làm tôi mất tự tin vào bản thân mình và rất ngại nói chuyện trước đám đông” – Procini kể lại về giọng nói đã trở thành dĩ vãng của mình. Nay giọng của chị đã thấp hơn và ấm áp hơn.
Nhưng để có được một giọng nói đầy sức thuyết phục như hôm nay, chị phải bỏ ra hơn một năm luyện thanh gian khổ với một chuyên viên giọng nói. “Cách bạn nói có thể quyết định mức độ thăng tiến của bạn tại nơi làm việc. Những người có giọng nói trẻ con, yếu ớt thường ít được chú ý. Họ không được đề bạt vào những cương vị cao hơn – Procini bộc bạch – Giọng nói là một yếu tố không thể thiếu trong công việc. Nó cột chặt với số phận của mỗi người. Vì vậy, việc học cách làm chủ giọng nói của mình; dừng, lên giọng, xuống giọng đúng lúc là hết sức cần thiết.
Giọng nói là biểu hiện của sức mạnh và năng lực giao tiếp cá nhân. Mức độ tin cậy và sức thuyết phục cũng đến từ giọng nói”. Giáo sư Casey Klofstad, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Miami là người có nhiều năm nghiên cứu về giọng nói và ảnh hưởng của nó. Mỗi giờ luyện giọng tại Anh tốn trung bình khoảng $100. Tại các trung tâm đô thị như New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh) giá còn cao hơn. Khi được hỏi về những hồi đáp nhận được sau ngày luyện giọng, Procini nói: “Khoản tiền tôi bỏ ra cho khóa luyện giọng là khá cao nhưng lợi ích nó đem lại là tích cực”.
Chị phải mất đến ba tháng luyện giọng, một giờ mỗi tuần và một năm thực hành mới có được giọng nói hiện nay. “Khổ công nhưng rất xứng đáng vì tôi thấy tự tin và thoải mái hơn khi phải nói chuyện trước nhiều người”. Mới đây, Procini được mời nói chuyện tại một sự kiện có hơn 100 người dự khán. Chị cũng lên truyền hình để kể về trải nghiệm của mình. “Triển vọng nghề nghiệp của tôi đã sáng sủa hơn từ khi có giọng nói mới. Khi bạn đã làm chủ được giọng nói của mình bạn sẽ thấy thoải mái rất nhiều. Tôi thật sự biết ơn huấn luyện viên, người đã giúp tôi có một giọng nói mới mẻ hoàn toàn”.
Dùng giọng nói để mở rộng ảnh hưởng
Giáo sư Casey Klofstad còn có một số nghiên cứu nữa về cách giọng nói của một người ảnh hưởng đến việc đánh giá và ra quyết định của người khác. Ví dụ như người xin việc và người tuyển dụng, người đi vay và người cho vay. Ông phát hiện những người có giọng nói ấm áp, dễ nghe, trầm, thường được đáng giá cao về sức mạnh và năng lực điều hành. Nói chung là họ dễ thuyết phục người khác hơn, nhất là trong nền văn hóa phương Tây. Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng theo học một khóa diễn thuyết để làm cho giọng nói của bà thấp hơn và ấm áp hơn.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy một giọng nói khó nghe do khuyết tật bẩm sinh hay chấn thương thanh quản có thể hủy hoại cơ hội tiến thân của phụ nữ trong sự nghiệp. Trong nghiên cứu của Klofstad, khi cho 800 người tham dự nghe những giọng nói bình thường của nam, nữ sau đó cho nghe tiếp các giọng nói nữ lí nhí thì phụ nữ có ý kiến tiêu cực với giọng nói này nhiều hơn nam giới.
Người nói giọng lí nhí, nói quá nhanh được xem là không đáng tin cậy vì nó bộc lộ sự thiếu tự tin. Những giọng nói âm vực cao hơn thường được ưa thích tại các nước Đông Á, như Nhật Bản. Thời Thế chiến II, giới quân phiệt Nhật đều có giọng nói nhấn nhá để phô trương quyền lực. “Tại Nhật, hiện nay vẫn còn nhiều phụ nữ thích nói bằng giọng mũi để tạo sự khác biệt – Nikki Ng, người có tài khoản YouTube chuyên luận bàn về dị biệt văn hoá Đông Tây nói – Kiểu giọng nói này không chỉ thấy ở cửa hàng bán lẻ mà còn trong các cửa hàng, cơ sở dịch vụ khác”.
Ở thời điểm hiện tại, khi trào lưu podcast đang bùng nổ, việc điều chỉnh giọng nói sao cho hấp dẫn và lôi cuốn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.