Cõi tạm của Phương ‘Kều’

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương (1941-2023) – Ảnh: Lê Giang Trần cung cấp

Cõi Tiên, Cõi Tục, hai nơi 

Cớ sao Em vướng nợ đời thế gian?

(Ngọc Hoài Phương)

___________

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương là một người tôi xem như là anh ruột của mình cũng giống như nhà thơ Du Tử Lê. Hai người “Anh” này đã hết sức đặc biệt dành cho tôi một tình thương từ khi mới quen biết đến mãi mãi về sau, luôn gần gũi, dịu dàng, an ủi mỗi khi tôi lâm vào hoàn cảnh thương khó. Mãi đến khi đã dàn trang xong cuốn sách “những tấm lòng chữ nghĩa” sắp in ấn, tôi mới dừng lại để đọc những dữ liệu về Ngọc Hoài Phương mà tôi đã nhờ anh cung cấp khoảng hơn năm về trước để tôi biết về quá khứ chữ nghĩa của anh mà viết một bài cho ông anh quý thương này của mình.

Tôi bắt đầu làm công việc layout cho tuần báo Tay Phải của anh Du Tử Lê vào năm 1985 nên nhờ đó và từ đó được tiếp xúc quen biết dần những bậc đàn anh thi nhân văn sĩ, và như thế tôi biết anh Ngọc Hoài Phương, mà, tôi còn nhớ mãi lần bất ngờ anh biếu tôi hai thùng sách, toàn sách giá trị, trong đó quý nhất là bộ “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Leon Tolstoi do NXB Lá Bối phát hành trước 1975 được NXB Văn Nghệ của Thầy Tuệ Mẫn in lại (ở Little Saigon), bộ sách này vẫn luôn nằm trên kệ sách của tôi đến nay.

Bấy giờ anh Ngọc Hoài Phương chỉ xem tôi như một cậu em làm thơ mới xuất hiện, anh cảm mến vậy thôi. Nhưng với tôi thì tôi thật xúc động tấm tình anh tặng sách, vì thời gian này tôi thường ngày đọc sách say mê. Đây là nhân duyên khiến tôi đem lòng trân trọng ông, nhà thơ nhà báo Ngọc Hoài Phương.

Thế rồi tôi trải qua bao tờ báo với việc dàn trang, đều có gặp anh Phương thỉnh thoảng. Đến khi làm cho nhật báo Việt Herald của anh Đỗ Tăng Bí, anh là một thành viên trong ban quản trị nên gặp anh đều đặn mỗi ngày làm việc. Một hôm ở tờ báo Việt Herald, anh kéo tôi ra sân hút thuốc rồi nói Việt Dzũng bây giờ quá bận việc cho đài phát thanh, nên không thể tiếp tục làm cho nguyệt san Hồn Việt của anh, vậy em giúp anh nhé. Do tấm tình anh tặng sách khi xưa, tôi vui vẻ nhận việc và làm cho đến khi Hồn Việt buộc phải đình bản vì cạn tài chánh, chịu đựng lỗ lã mấy năm liên tục cuối cùng. Việt Herald đóng cửa, hết thường xuyên nhưng anh vẫn thường ghé nhà tôi, hai anh em ngồi ngoài sân sau tán dóc hoặc có khi anh chở đi ăn trưa. Và cứ thế.

1. NGỌC HOÀI PHƯƠNG: LỤC TIỂU PHỤNG Ở CÕI TẠM SÀI GÒN NHỎ

“Cõi tạm” được Ngọc Hoài Phương dùng đặt tựa cho tập thơ mà hầu hết gom lại thơ đăng qua một thời gian trên nguyệt san Hồn Việt của ông, do Việt Dzũng thực hiện và xuất bản năm 1992. Rồi đến năm 1999 in thêm một tập thơ, Ngọc Hoài Phương chỉ thêm vào hai chữ “vẫn còn”, là thi tập “Vẫn Còn Cõi Tạm”.

Như vậy, Cam thành nơi ông chọn định cư đến cuối đời vẫn bị nhà thơ này coi là cõi tạm, hay nói cách khác, cái “cõi không còn tạm nữa” vẫn là một ước vọng của người xa quê hương, sẽ có ngày rời cõi tạm nương náo trở về lại nơi cõi quê hương thật sự của mình. Ngoài ra đối với tôn giáo, cõi tạm ám chỉ cõi trần gian tạm bợ trăm năm, cũng tiềm ẩn trong hai chữ cõi tạm mà thi nhân nói về thổ ngơi tạm dung thân của người tha hương lưu vong.

Nhà báo Lâm Tường Dũ ký bút hiệu Lục Cốc DT viết một bài đăng trên VietWeekly ngày 3 tháng 2, 2004, ví von nhà thơ Ngọc Hoài Phương là “Lục Tiểu Phụng” của “Bônsa” (Bolsa), dí dỏm duyên dáng đưa ra những luận thuyết cho thấy tương đồng giữa Ngọc Hoài Phương công tử với tuyệt đại hào hoa Lục Tiểu Phụng, khiến cho họa sĩ GUC hứng chí vẽ công tử Ngọc Hoài Phương minh họa kèm trong bài, mặc áo hàng hiệu với cổ áo kiểu lãnh tụ, thi sĩ thuận tay trái nên điếu thuốc kẹp ở bàn tay trái khói bay lên hình con thỏ, tiêu biểu cho chàng đào hoa, vì logo đầu thỏ là của báo Playboy nổi tiếng, dành cho giới “thiếu gia cự phách”.

Lục Tiểu Phụng là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Cổ Long (Hàn Giang Nhạn dịch), tựa sách là tên nhân vật truyền kỳ này. Tôi là một độc giả say mê bộ truyện này. Trước năm 1975, truyện Lục Tiểu Phụng đăng mỗi ngày một kỳ trên báo, tôi không nhớ báo nào, mỗi ngày tôi phải đọc cho bằng được; phần truyện đăng đến ngày lịch sử 30 tháng 4, là lúc Lục Tiểu Phụng đi thuyền ngoài biển bị bão vỡ thuyền, anh ta nhờ ôm một tượng Phật Di Lặc bằng gỗ, sóng đưa vào một đảo xứ Phù Tang. Lục Tiểu Phụng mê mẩn cô em gái của chàng chúa đảo, nhưng đấu kiếm không lại nên chưa có cơ hội… Qua Mỹ, tôi gặp lại bộ truyện này, mua đọc cho thỏa mãn cốt truyện bị ngắt ngang còn ấm ức.

Bolsa là đường phố buôn bán chính của thị tứ Little Saigon (Sài Gòn Nhỏ), thuộc thành phố Westminster nằm trong quận Cam (Orange County). Tên phố Bolsa do có chữ “sa” nên thi sĩ Lữ Mộc Sinh ở khoảng 1985 gọi là con phố Cát, một phần nữa, thị tứ này cứ mỗi năm đôi lần gió từ sa mạc tung về nóng bức, có khi cuồng nộ; về sau người Mỹ đặt tên khu thị tứ thương mại Bolsa là Little Saigon.

Tôi đã nhìn ra một Ngọc Hoài Phương công tử ngay từ vài lần đầu gặp mặt; với tôi, “công tử” là một phong thái, phong cách, toát ra thanh lịch, hấp dẫn nhìn vào bằng thiện cảm; hoàn toàn không phải kiểu công tử nhà giàu kênh kiệu sinh ra đã ngậm thìa vàng muỗng bạc. Chàng luôn diện kẻng, áo quần sang trọng bảnh bao, nếp ủi bén ngót; và nào phải chỉ qua diện âu phục, chàng luôn ăn nói dịu dàng, phong cách thơ thới tự tại, khiêm cung nhưng thể hiện phong độ chững chạc tự tin.

Nói chung anh có tính hiền lành với mọi người, đến người em nhỏ tuổi như tôi, anh chưa bao giờ tỏ thái độ kẻ cả. Suốt 37 năm từ ngày biết anh, tôi chưa bao giờ nghe anh “nói xấu” hay “kêu ca” bất cứ ai. Anh đã trong nghề báo chí 50 năm, từ Việt Nam rồi tiếp tục ở Mỹ, từng một thời là công tử Sài Gòn, thì Sài Gòn Nhỏ bên trời lận đận này cũng thế, vẫn là một công tử thứ thiệt: hào hoa, trang nhã, lịch sự, phong cách, đầy bằng hữu, đầy sự quý mến của mọi người, và anh không bao giờ cao ngạo. Đức tính thiện lành của anh, thơ của anh, bài viết báo của anh, tất cả minh bạch một tâm hồn cao thượng, một con người nhân bản.

2. MỘT SỐ THƠ CHƯA CHIÊU TẬP THÀNH TÁC PHẨM

Từ trái: Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019), nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021), nhà thơ Lê Giang Trần, và nhà thơ Ngọc Hoài Phương (1941-2023) – Ảnh: Lê Giang Trần cung cấp

Thi hữu ai cũng biết biệt tài “thơ bốn câu” của Ngọc Hoài Phương. Những bài thơ bốn câu và hai câu mà ông làm rải rác sau hai tập “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm” đã in ấn, theo thời gian mãi đến hiện tại ông vẫn chưa chiêu tập lại để in thành thi phẩm. Đã có rất nhiều thi nhân xướng họa thơ với ông, đã có nhiều bài thơ tặng ông, nhiều bài thơ ông được phổ nhạc hay chuyển ngữ sang tiếng Anh. Đặc biệt đáng ngạc nhiên là Ngọc Hoài Phương được rất nhiều họa sĩ vẽ chân dung, nhiều hơn bất cứ thi sĩ nào. Trong giới hạn, tôi chỉ đưa ra một số bài tiêu biểu được thu thập, để người yêu thơ biết thêm về dòng thơ của người thi sĩ này.

Nếu để ý, 90% thơ Ngọc Hoài Phương là Lục Bát bốn câu, và thi thoảng “kẹo” lại chỉ hai câu. Lục bát là thể thơ dễ làm mà khó hay, cho nên người làm thơ thường tránh né. Thế mà chàng thơ Ngọc Hoài Phương tỉnh bơ con sáo sậu và đã tạo ra sự chú ý và yêu thích đối với thi hữu, bởi vì tạo được ngạc nhiên cũng như thấm thía mấy câu thơ ngắn ngủn của nhà thơ này. Chữ nghĩa nhẹ nhàng, đôi khi đượm bi hài hay khôi hài, mà sao giống như bị con ong chích cho một mũi tê tái, buột miệng la oái, cái con ong Phương Kều này rình rình thích kim vô tim đen lưu vong một phát đau ra phết! Hãy lấy một bài sau 14 năm xa quê hương của nhà thơ:

GIAO MÙA

Nằm nghe gió chuyển giao mùa 

Quê xưa còn đó sao mờ dấu chân 

Nỗi buồn vẫn ở thật gần 

Nửa đời lưu lạc 

Mùa Xuân chẳng về…

(Kỷ Tỵ 1989)

Và tháng Tư lịch sử vẫn dài theo bước đời lưu vong bên trời tạm dung lận đận, nơi mà Phương thi sĩ gọi là “Cõi Tạm”:

Mỗi năm có một thángTư,

Ngồi ôn chuyện cũ cũng dư nỗi buồn…

*

Tháng Tư trời vẫn nhiều mây

Có hoa nở rộ quanh đây, vẫn buồn

Có hiu hắt ở trong hồn

Kể từ giã biệt quê hương buổi nào.

 

Tháng Tư, đếm tuổi đã cao

Bao nhiêu năm vẫn sóng gào biển xanh

Chim quyên lạc bạn trên cành

Đêm đêm ta vẫn một mình ta say.

 

Tháng Tư, vẫn tháng Tư này

Cố quên, vẫn nhớ chuỗi ngày lưu vong

Một năm có bốn mùa đông

Bốn mùa hâm nóng máu hồng trong tim.

*

Tháng Tư, Phật Đản đó Em, 

Vào chùa lễ Phật, 

Ngoài hiên anh chờ.

Ngoài “tháng Tư”, lòng người phương khách còn có thêm một nỗi buồn nhớ về quê nhà ray rứt vào ngày CUỐI NĂM. Cái ngày cuối năm và đêm giao thừa này, bất kể người có gia đình hay người đơn chiếc, người còn thân nhân bên nước nhà hay người không còn ai nơi chốn quê xa, nhưng quê hương và kỷ niệm dù chỉ còn trong quá khứ tâm tưởng, vẫn hiện về làm cho trái tim mình dâng lên bao nỗi xót xa đau buồn vọng tưởng… Người phương khách Phương thi sĩ không ngoại lệ, cám cảnh qua hai bài thơ “Cuối Năm” và “Nắng Xuân”:

CUỐI NĂM

Từ lâu ta bỏ làm thơ 

Chạy biu từng tháng cũng mờ mịt thôi 

Cuối năm ngồi đếm tuổi đời 

Cái ta còn nhớ thì người lại quên 

Bao giờ buông hết nghiệp duyên…

(Mậu Dần 1998)

_______

NẮNG XUÂN

Nắng xuân còn vướng ngoài hiên 

Ngó mây lãng đãng qua triền núi xa 

Bao nhiêu năm biệt quê nhà 

Trái tim vẫn đập, 

Và ta vẫn buồn…

(Ất Hợi 1995)

Và, những ngày Xuân thả hồn bay vu vơ về miền hồi niệm, cũng đã qua rồi một thời hò hẹn với mùa Xuân. Xuân bây giờ khác nào cánh hạc vàng rời bỏ hoàng hạc lâu, chỉ còn lại bài thơ Thôi Hiệu đề trên vách, để Lý Bạch ngày kia bỗng ngậm ngùi:

THEO CÁNH HẠC BAY

Một chút vu vơ gió đuổi mây 

Dấu xưa còn đậm nét. Ô hay 

Mùa Xuân lại đến, không hò hẹn 

Đời cũng vàng theo cánh hạc bay. 

(Little Saigon, Cali 2011)

Hai tập thơ “Cõi Tạm” và “Vẫn còn Cõi Tạm” của nhà thơ Ngọc Hoài Phương

Đời người ai cũng hưởng thụ mùa Xuân hồng tươi rồi chợt một ngày đã thấy mùa Thu vàng úa. Có lẽ vì thế màu thu vàng, trăng vàng, hoàng hạc, những màu vàng ưu tư nỗi tàn phai được thi nhân biến thành một vẻ đẹp mông lung vời vợi trong thi ca Đông phương. Đặc biệt nỗi thấm thía này lại được một họa sĩ ở phương Tây cảm niệm, đó là Vincent Van Gogh, những bức họa đẫm màu vàng của ông đã trở thành tuyệt tác, tiêu biểu là bức hoa hướng dương gục đầu tàn.

Phương thi sĩ đã thấy Đời cũng vàng theo cánh hạc bay”, không những thế, vàng phai đời người còn ám vàng giấc mơ mà ông gọi là “giấc mơ Hoàng”. Hoàng này là mật ngữ của thi nhân, mặc tình ức đoán: hoàng hôn chiều vàng hay huy hoàng xuân thắm hay vàng đã mất son hay hoàng triều cương thổ hay hoàng đế hoàng gia hay bàng hoàng hoàng hạc… tất cả cũng đều là một nỗi vàng đau:

Đêm về trong giấc mơ Hoàng

Thấy bè bạn đã xếp hàng. Đi đâu?

Chẳng ai biết chuyện ngàn sau 

Chỉ xin ghi lại, chút đau bây giờ 

Nỗi đau nào cũng là mơ…

Tuy nhiên, buồn đau chi cũng nén lại chào năm Mới, nhắp ly tửu đào mừng Xuân tươi, nghe tình sông núi dậy sương khói, gói lại trăm năm cất vô túi, món lì xì này mỗi năm mỗi ít mỗi vơi, gói lại cho còn nguyên ngàn đời, con số mà Phương thi sĩ coi chẳng là bao!

TỬU ĐÀO

Ta gói trăm năm vào một túi 

Thì ngàn năm cũng chẳng là bao. 

Hỡi ai còn nặng tình sông núi 

Xin hãy cùng nâng chén tửu đào…

Cái đau của nỗi nhớ như kim châm tên bắn làm cho đôi khi đau quá đến mất cảm giác đau. Có khi đau đến bực mình bèn vờ đi cái đau; giống như nỗi cao ngạo phủ lên niềm mặc cảm, điều mà thi nhân với tâm hồn nhạy cảm “bắt gặp tại trận”, Phương thi sĩ đưa ra cáo trạng “chọc quê” trái nhớ treo trên cành quên:

CỨ VỜ NHƯ QUÊN

Ai treo trái nhớ trên cây 

Và ai ngồi đếm tháng ngày vụt qua 

Hạc vàng mất hút trời xa

Lầu xưa sót lại mình ta ngồi. Buồn!

Bạn bè trăm nhánh, mười phương 

Kẻ còn, người mất, 

tủi hờn chất cao  

Thuyền trôi ra biển, bến nào?

Bến nào rồi cũng tan vào hư vô.

Ừ. Ta 77, không ngờ 

Dù quên hay nhớ, cứ vờ như quên…

(Little Saigon, CA 18/10/2017)

Đời trai ai cũng một thời tráng niên dũng mãnh như ngựa rừng, hung hăng như phi mã, xông pha như chiến mã xông vào trận mạc. Rồi một ngày ngựa hoang vô cương trở thành ngựa yên cương thuần thục, bất hạnh thì làm ngựa xe thổ mộ chịu lằn roi xà ích. Ngựa nản chân bon. Ngựa già kiệt sức, vô dụng sống nhờ máng cỏ, xót xa một thời oanh liệt, ngước nhìn mây cuối chân trời:

NGỰA GIÀ

Ngựa già sau chặng đường dài 

Bước trong xa vắng 

Bước ngoài lẻ loi. 

Ngập ngừng… bước nữa hay thôi?

Ngước nhìn, 

Mây cuối chân trời vẫn xa. 

Con người đến một lúc nào đó trong đời sống không còn ngó về tương lai mà ngó lên trời, bỗng thấy sao quê nhà mù khơi cuối chân mây. Người phương khách chợt đếm lại tuổi tác, ôi bao nhiêu năm tuổi phi thường rồi cũng vàng phai như bóng tà huy, như mặt trời lặn khuất núi, như hoàng hôn chìm xuống biển sâu.

NGÓ TRỜI

Chiều nay ra biển, ngó trời 

Chân mây nào vẫn mù khơi quê nhà 

Ta ngồi đếm lại tuổi Ta

Bao nhiêu 

Thì cũng bóng tà huy, bay. 

Sao mà màu vàng lại ám ảnh thi nhân đến thế? Dù đã chuyển hóa màu vàng biến thành màu rừng Thu rực rỡ, nhưng rực rỡ huy hoàng đó tượng trưng cho những giây phút đi về suối vàng. Cái gì làm cho bâng khuâng ngồi đợi lá vàng? Cái gì làm cho rung động nhìn Thu chớm về? Cái gì làm cho nhìn cây nhang vàng tiễn người đi còn lưu luyến chưa tàn? Nào phải tâm hồn thi nhân ủy mị, mà đó chính là một nét đẹp ĐANG LÀ, nó đang linh hiện và được thi nhân chiêm ngưỡng trang trọng.

CHỚM THU

Ừ thì Thu mới chớm về 

Còn đây nhang tiễn người đi, chưa tàn 

Bâng khuâng ngồi, đợi lá vàng 

Dấu xưa vẫn đậm trên hàng thơ, rơi. 

Thi sĩ đôi khi giống như người Thiền sư, tất cả mọi cảnh vật đối tượng mà nhà thơ THẤY rồi NHÌN NGẮM đều giống như một tấm gương phản ánh chính họ với lăng kính ấy, như trường hợp một Thiền sư Nhật Bản bất chợt bàng hoàng khi bất ngờ bắt gặp một bông hoa dại bên rào giậu một căn nhà bỏ hoang mà ông đi ngang, cái sự sống hoang dại nhỏ nhoi ấy đã làm dừng chân người Thiền sĩ và trở thành một bài thơ bất hủ trong thi ca Thiền của nước Nhật.

Khi tâm thức nội tại trong sáng đạt đến mức không bị kinh nghiệm của tiềm thức quy chiếu thì sẽ THẤY đối tượng như thật như thị như như, là điều mà đức Phật Thích Ca sau khi giác ngộ cho biết về “cái thấy” của ngài đối với vạn hữu. Nói một chút ở đây để chỉ muốn nói rằng “cái thấy” của tâm hồn thi nhân trong sáng thiện lành khác hẳn với cái thấy của tâm trí một con người bình thường, và đã minh chứng qua ngôn ngữ thi ca tự ngàn xưa ở phương Đông.

Từ năm 1985 mãi cho đến năm 2021, Phương Kều thi sĩ chợt bỗng nhiên “thấy lạ chính mình”, những 36 năm dài nơi “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm”! Khi thấy mình LẠ, mình đã khác, nghĩa là mình đã tự chuyển hóa tâm thức mình trở nên trong sáng thiện lành, đã bước chân ra khỏi cái trí não vô minh, tối thiểu có thể nói, đã tu tập thành được là một con người thiện tri thức, từ đây sự THẤY và NHÌN NGẮM của tâm hồn mình sẽ bằng một lăng kính phục sinh, không còn tối tăm mà đầy ánh sáng.

Thực ra thì khi một tâm thức lưu vong rời con thuyền bước lên bờ, con người ấy đã khác, đã mới lạ. Từ đó cuộc đời là một cuộc chơi khác lạ mà thi nhân này đã thể hiện qua dòng thơ trôi dài theo năm tháng; và, sự khác lạ luôn đổi mới từng sát-na, cái khác lạ chính mình “đang là” không còn giống với cái lạ cũ kỹ, những bậc thang đời mà mình đã bước qua.

THẤY LẠ CHÍNH MÌNH

Ngàn năm sao tóc chưa dài 

Nỗi sầu biệt xứ vẫn hoài vây quanh 

Soi gương thấy lạ chính mình 

Sương Thu còn đọng trên vành mi xưa. 

(Little Saigon, Thu 2021)

Và thêm hai bài lục bát hai câu, không đề:

Cõi Tiên, Cõi Tục hai nơi 

Cớ sao Em vướng bụi đời thế gian…

*

Riết rồi đá cũng nở hoa 

Vợ tu thành Phật, 

Riêng ta bụi đời.

Với người kính Phật, Phật Đạo là một đường hướng ảnh hưởng sâu đậm để sống một đời sống thiện lành và ngoài ra còn kính tin vào sự mầu nhiệm linh diệu của vũ trụ, của thiên nhiên, của đạo huyền, những thứ mà trí óc con người bình thường không thể hiểu biết. Nên con người tín ngưỡng vào tôn giáo, tu hành tìm con đường “giải thoát”. Thi nhân là một con người kính ngưỡng ĐẠO mà không cuồng đạo. Phu nhân của thi sĩ Ngọc Hoài Phương là một Phật tử thuần thành, nên Phật thỉnh thoảng xuất hiện trong thơ của chàng, một cách nhẹ nhàng… tiêu biểu như hai bài thơ dưới đây:

PHẬT ĐẢN

Em còn lễ Phật trong chùa 

Ta ngồi chờ ở cuối bờ trần gian 

Một mai hết chuyện hợp-tan 

Câu kinh Bát Nhã âm vang cõi Trời.

______

TỈNH, SAY

Một góc rừng hoang, Phật ở đây 

Trải bao năm tháng chẳng ai hay 

Thế gian rối rít trò điên đảo 

Ai tỉnh, ai vờ ngất ngưởng say!

Từ trái: Hai nhà thơ Ngọc Hoài Phương và Lê Giang Trần – Ảnh: Trần Triết

Thi nhân nào hầu như đều có một “Cõi Riêng”. Cái Cõi-Một-Mình này là một thế giới cô độc, cõi nhập thiền, động tịnh khẩu, không gian tịnh tâm, ví von sao cũng trúng. Cái cõi mình-ên này bạn có bước vào đó thì bạn sẽ giống như không khí vô hình, bạn không hiện hữu trong mắt tịnh nhãn của thi nhân. Trong một ý nghĩa nào đó, cõi lập riêng này, hang động của trái tim này, thế giới tự do nghiêm mật này, bạn còn có thể gọi nó là cõi-bản-ngã-thi-sĩ. Tại sao Đức Phật đã chứng minh “vô ngã” thì làm gì có “cõi ngã?” Vấn đề đã bị gúc mắc!

Tự-Ngã là một danh xưng do lý trí đặt ra để nói nó là chủ nhân của thân thể vì nó điều động tất cả mọi thứ trong cơ thể hoạt động. Nó nói đúng quá trời nên thân thể chịu sự sai khiến của nó, thân trở thành nô lệ, trí trở thành vị vua. Nhưng rồi khi Phật thành đạo, ngài tách rã nó ra từng vật liệu mà nếu ráp-chúng-lại (PHÁP) thí dụ sẽ thành một chiếc phi thuyền không gian vĩ đại, để chứng minh “chiếc phi thuyền tự ngã” là do DUYÊN HỢP, nghĩa là tập hợp bởi vô số thứ và hằng hà điều kiện, chứ không có TỰ TÁNH, nghĩa là, không thể nào tự nó mà thành ra nó được, nên nói “Pháp này” là GIẢ TƯỚNG!

Nhưng đại danh xưng NGÃ chỉ là danh từ của thế tục, được dùng như PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO, mà Phật buộc phải sử dụng để giải trình về “một cái tiêu biểu” cho người thế gian có thể tạm hiểu được ý nghĩa huyền diệu mà bậc giác ngộ muốn nói về “cái không thể tư nghì”!

Nếu đồng ý như vậy thì đơn giản “cái được gọi là” NGÃ chỉ là “cái nhà” hoàn thành bởi tất cả vật liệu cấu trúc nên “cái hình tướng” của nó, tòa cao ốc trọc trời “hiện đại” hay một căn nhà tranh vách đất thô sơ bé nhỏ. Như vậy thì có “cái gọi là” Ngã Phật, Ngã Trời, Ngã vũ trụ, ngã con siêu vi trùng, ngã thi sĩ v.v. Bạn cứ coi luận cứ trên là một câu chuyện khôi hài cho vui, nếu bạn không biết gì về KINH KIM CANG, Đức Phật phá tất cả MÊ LẦM CHẤP TRƯỚC CỦA TỰ NGÃ! Và đây, “gọi là” cõi-bản-ngã-thi-sĩ của Ngọc Hoài Phương:

CÕI RIÊNG

Cõi Riêng còn lại chút này 

Từng đêm với những cơn say, một mình 

Muộn phiền nào dễ qua nhanh 

Bến thương có lỡ cũng đành vậy thôi  

Một mai xa dấu chân người 

Cõi riêng ta vẫn rượu mời, riêng ta.

Tuy nhiên, chàng thi sĩ Phương cũng có CÕI ĐÔI, đó là cái cõi Hạnh Phúc, cái cõi Uyên Ương, mà người đàn ông nào may mắn hay có phúc đức mới có được đến cuối đời. Hiếm có người đàn ông biết nhìn nhận mình “thật may mắn” khi có được một “hiền thê” chung tình chung thủy sống kề cận với mình, yêu thương chăm lo cho mình cho đến khi mình nhắm mắt lìa đời. Nhất là đàn ông Đông phương, chính vì họ không biết “kính nữ” nên họ không “đắc thọ”.

Nếu như người đàn ông biết chấp nhận mình từ người đàn bà sanh ra, thì họ sẽ hiểu vì sao mà Quán Âm Bồ Tát phải hóa thành thân nữ để chỉ còn Bà Quán Âm chứ nào có Ông Quán Âm. Hiểu như vậy thì biết sống theo phương châm “kính nữ đắc thọ” và bật ngửa thấy tại sao người Tây Phương họ thức tỉnh sớm, sau khi đặt nữ phái lên hàng đầu, từ đó thế giới Tây phương nhanh chóng trở nên văn minh, giàu mạnh, sống thọ, sinh sản con cái thông minh, tự do và nhân bản phát triển theo chiều hướng tích cực.

Thi nhân thấu đáo lẽ này, nên Rabindranath Tagore trở thành một thi hào về thơ tình yêu. Thi sĩ Du Tử Lê thời cận đại của nước Việt cũng để lại một dòng “Thơ Tình” đáng yêu đáng nể; cũng như trường thi “Lên non tìm động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư thật là tuyệt đẹp! Cậu Ngọc Hoài Phương hạnh phúc ở tuổi về chiều, nói đơn giản, như một nụ cười nhẹ nhàng tri ân hạnh phúc bên nàng bằng hai câu thơ:

Cuối đời còn lại đôi ta 

Hai con Khỉ già 

Quanh quẩn bên nhau…

Giống như Lục Tiểu Phụng trôi dạt đến đảo Phù Tang, Ngọc Hoài Phương cũng luân lạc đến “Cõi-Tạm-Dung” Huê Kỳ; để rồi chàng thơ ví von mình qua bài thơ “Con cá mắc cạn” vì có lẽ Phương Triều ví Phương Kều là “kình ngư ngó biển”, nhà thơ cho là cá ngó ra biển nghĩa là cá mắc cạn trên bờ, khác nào người mắc cạn nơi “cõi tạm” ngó về “nguồn cội quê xa!”

Ta như con cá xa nguồn

Bao nhiêu năm

Vẫn chẳng hờn trách ai.

Cuộc đời

Bớt một

Thêm hai

Thế cho nên

Chuyện dông dài

Vậy thôi…

Đó là một thời biển Đông dậy phong ba làm cho tâm trạng người Việt lưu vong u sầu tan nát, khiến Ngọc Hoài Phương diễn tả bằng hai câu thơ, gây cảm xúc cho họa sĩ Babui vẽ gương mặt nhà thơ này rớm hai giọt lệ to tướng chứa đựng hai câu thơ:

Biển Đông còn nổi phong ba

Quê người hiu hắt

Quê nhà tang thương

Để dừng lại những luận bình bi hài hay bi sầu của thơ Ngọc công tử, xin giới thiệu một bài thơ xướng họa và một bài thơ chuyển ngữ, để thưởng lãm thêm về dòng thơ của “Lục Tiểu Phụng” Ngọc Hoài Phương.

Long Ân:

BÀI THƠ NGẮN CHO N.H.P.

Giữa sông nhìn chẳng thấy bờ 

Nửa chai rượu cạn mịt mờ cơn say 

Một mình điếu thuốc trên tay 

Bao diêm quên ở bãi này ghềnh kia.

Rồi trăm năm nữa đi về 

Lại quên lãng hết cõi mê hoặc người. 

Bạn ngồi chơi cuộc vui chơi 

Băn khoăn cũng một nụ cười nhẹ tênh.

(Long Ân- tháng 12/2002)

___________

Ngọc Hoài Phương:

NẾU NGƯỜI CÒN ĐỢI…

Cơm chay ăn chực ở chùa 

Cạn ly trà nóng

Trời vừa vào khuya. 

Mưa rơi nặng hạt đường về 

Nếu người còn đợi  

Ta chia chút buồn…

(Tháng 12/2002)

 

Nhưng người chẳng đợi, đi luôn…

(9 tháng 1/2003 Long Ân mt)

*

CHUYỆN GIỜI ƠI… VẪN CÒN

Người đi, đâu chẳng thấy sông 

Loanh quanh bến đợi cũng không thấy bờ. 

Người đi, thơ vẫn còn thơ 

Nửa chai rượu cạn nằm trơ giữa đời. 

Người đi, bỏ dở cuộc chơi 

Và quanh đây chuyện giời ơi vẫn còn.

(NHP gửi Long Ân – Feb 2003)

________

NỬA VỜI

Tác giả: Ngọc Hoài Phương

Chập chờn đếm tháng ngày qua

Người đi, đi tuốt,

Người xa, nửa vời.

Người xưa “bán muối” nhiều rồi

Ta còn ở lại ngó trời bâng quơ.

___________

THE HALF-HEARTED WAY

Translated by: Nguyễn Thị Bích Nga

Dully I count the days and months passing by

Somebody goes away – forever,

And the other is very far with the half-hearted way.

All of the old people has gone – for good,

But I still stay alone, look up the sky aimlessly.

*

Cũng để dừng lại thi luận của tôi về một số bài thơ Ngọc Hoài Phương, không gì bằng bài thơ về quê hương biền biệt của người phương khách Phương Kều. Quê nhà mà chúng ta đau lòng rời đi, và đã gần nửa thế kỷ, lớp thanh niên bấy giờ nay đã tuổi hoàng hôn, dường như không còn hy vọng có ngày quy cố hương như hằng mơ ước trong kiếp lưu vong đang sống. Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam chưa biết bao giờ được quang phục để người dân nước Việt ngẩng mặt cùng thế giới Tự Do?!

QUÊ HƯƠNG BIỀN BIỆT PHƯƠNG NÀO

Lầu xưa, Hoàng Hạc còn đây 

Người xưa giờ đã xa bay, cuối trời 

Dặm ngàn bến cũ mù khơi 

Ngàn năm mây trắng à ơi ru buồn!

Hán Dương nào phải cội nguồn 

Cỏ thơm Anh Vũ tủi hờn thêm cao

Quê hương biền biệt phương nào 

Ở đây xứ lạ, ra, vào ngẩn ngơ. 

Coffee Factory, nơi bạn bè gặp gỡ đầu ngày – Ảnh: Facebook Ngọc Hoài Phương

Sau cùng, Ngọc Hoài Phương vắn tắt tiểu sử của ông trong bài phỏng vấn của Du Tử Lê:

NHP: Tôi là dân “Bắc Kỳ Di Cư” 1954 sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào Quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ.

Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua hai đời Mẹ (cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là “Cậu Cả”. Tôi bị ám ảnh bởi cái chức “Cậu Cả” này suốt nhiều năm sau khi khám phá ra một chi tiết khá lạ lùng về gia đình mình. Số là Cụ Cố của tôi vốn không phải là người con trưởng mà, anh của cụ mất sớm, cụ mới được đôn lên làm con trưởng.

Rồi đến đời Ông Nội tôi cũng vậy, Ông Bác tôi mất sớm nên Ông Nội tôi thành Con Cả. Rồi Bác Thành của tôi, nghe nói đã qua đời khi mới hơn mười tuổi nên Bố tôi thành Cậu Cả… Và đến đời tôi… rét, chẳng biết sẽ “ở lại” hay “ra đi” vào tuổi nào? Nhưng rồi, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Bố tôi quyết định rời bỏ Hà Nội, đưa gia đình di cư vào Nam. Đúng là một cuộc đổi đời: nhà cửa, tài sản, ruộng vườn… bỏ hết! Và dĩ nhiên tôi cũng xin gửi trả lại đất Bắc hai tiếng “Cậu Cả” vì ở miền Nam, người con trai trưởng được gọi là “Anh Hai”.

Cho đến nay, khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi đã lướt qua hai cuộc đổi đời để đến mốc “Thất Thập Cổ Lai Hy”, vượt qua bờ “Bảy Bó” rồi thì, cái chuyện – nói theo thơ Du Tử Lê – “đi với về cùng một nghĩa như nhau”.

Về nghề nghiệp, trong bài phỏng vấn của báo Sóng Văn, phu nhân ông cho biết: “Ông nhà tôi ham vui thơ phú, văn chương từ hồi còn ở trung học. Sau đó chính thức gia nhập làng báo Việt Nam năm 1964 (đặc phái viên kiêm phụ tá Tổng Thư Ký nhật báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện). Sau biến cố 1975, tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục nghề cũ với chức vụ Phụ Tá Tổng Thư Ký tuần báo Trắng Đen của ông Việt Định Phương. Tiếp theo đó là phụ tá chủ nhiệm tạp chí Hồn Việt (1979-1989). Chính thức trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút từ năm 1990 đến nay, 1997.”

Nhà báo Phương Triều bổ túc, “ký giả Ngọc Hoài Phương trước năm 1975 cộng tác với: Nhật báo Thời Thế; Tiếng Vang, bút hiệu Lê Phương; Cấp Tiến, bút hiệu Lê Việt Phương; Việt Nam Nhật Báo v.v. và các tuần báo: Màn Ảnh, Kịch Ảnh, Minh Tinh, Hồng… Cũng nên biết, Ngọc Hoài Phương là một trong những người sáng lập Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam.

Nhà thơ Thái Lâm tặng bốn câu thơ về 35 năm làm báo của Ngọc Hoài Phương:

NGỌC đã dũa mài nên giá cao

HOÀI hương văn khí nét anh hào

PHƯƠNG danh càng ngát trong làng báo

HỒN VIỆT ngày thêm tiếp nở hoa.

3. KẾT LUẬN

Vợ chồng nhà thơ Ngọc Hoài Phương – Phương Dung – Ảnh: Facebook Ngọc Hoài Phương

Những vị tiền bối tiền phong như Ngọc Hoài Phương đến hiện tại, không còn là bao, ngay cả thế hệ trẻ hơn gia nhập vào thế giới cầm bút bấy giờ ở tuổi thành niên, thì bây giờ như tôi, cũng đã “thất thập cổ lai hi”. Đã có một số bộ sách dầy cộm biên soạn mang tính “văn học sử”, ghi lên những nhà cầm bút tiếp tục ở nước ngoài, hay khởi sự và thành danh, với những tác phẩm của họ, tính từ mốc năm 1975.

Nhưng cho đến nay chưa ai khởi xướng việc tập hợp những bài viết về tác phẩm – tác giả để tập trung làm một “bộ sách trường kỳ” mang tính văn học nghệ thuật của người Việt Nam trong từng giai đoạn, ở khắp thế giới. Đó là mơ ước của riêng tôi, khi chợt nhận thấy từ việc làm quyển sách “những tấm lòng chữ nghĩa” nhỏ bé của mình, còn có rất nhiều những người đã làm công việc tương tựa, giới thiệu về “tác giả tác phẩm”, trải dài từ thời phôi thai tái hiện “trăm hoa đua nở” văn chương hải ngoại.

_____________

Trích từ bài “Đôi uyên ương Thơ và Đạo: Cõi Tạm của Phương Kều – Cõi Đạo Phật của Phương Dung” trong tác phẩm “Những tấm lòng chữ nghĩa” của nhà thơ Lê Giang Trần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: