Còn người Sài Gòn

Hôm nhà đang che rạp để chuẩn bị đám cưới chị D, chị họ của tôi, ba tôi đến hỏi cậu mợ có cần xe đưa dâu không, nếu cần ba tôi sẽ sắp xếp công việc để đi đưa dâu. Sau đó, ba chở tôi đi dò danh sách thí sinh đậu Tú tài một, tôi hồi hộp giả đò đi chậm hơn ba. Ba tôi là người dò thấy tên tôi trước. Lần đầu tiên tôi và ba ôm nhau mà tôi có cảm nhận được tình cha con.

Anh rể họ của tôi học sĩ quan Thủ Đức. Ra trường anh về Tiểu đoàn 50 chiến tranh chính trị. Ở đại đội của anh có mấy chiến hữu nhậu rất cừ. Tôi nhớ hôm thôi nôi con đầu lòng của chị họ, các chiến hữu đến nhà cậu mợ nhậu tưng bừng. Không hiểu sao trung úy E lại ngã đài phải ở lại. Gần sáng, chùa ở đầu ngõ công phu dộng chuông ngân vang, trung úy E tỉnh giấc, cứ ngỡ mình đã chết rồi. Anh rể kể, nhà trung úy E có treo thanh kiếm dành cho thủ khoa của trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt.

Năm học đệ nhất, bạn bè tôi đa phần là người yêu của lính. Người yêu của tôi cùng khóa sĩ quan Thủ Đức với anh rể. Khi tôi thi đậu tú tài một, anh gửi tặng tôi một mặt dây chuyền con cá lóc. Gần ngày thi, con cá lóc tự nhiên bị đứt đuôi. Tôi lo mình sẽ thi rớt, nhưng không ngờ tôi lại nhận được lá thơ của mình gửi người yêu, bìa thơ ghi: Chuyển hoàn, đương sự chết ngày 2/5. Tôi giữ bí mật tin buồn cho đến khi thiên thần của M bị gãy cánh. M xin được để tang người yêu đến mộ.

Bước chân vào đại học với nỗi buồn mất người yêu, chỉ có tôi đồng cảm nhưng vẫn không an ủi được M. Một hôm, M họp mặt bạn bè của nhóm dành ghế ở Luật khoa. Nó thông báo sẽ đăng mục tìm bạn bốn phương chỉ dành cho lính và ưu tiên cho Thiên Thần mũ đỏ. Đồng bọn phải chia phần trả lời thơ cho hết. Tôi chỉ chọn hai lá thơ, một của trung sĩ Trâu Điên, hai của một người lính Hải Quân. Hai chiến sĩ này có nét chữ đẹp và viết thơ hay. Anh Trâu Điên người Huế có giọng văn ngọt ngào, nhẹ nhàng. Một lần anh về phép thăm nhà ở Huế, anh gửi tặng tôi một xấp card postal danh lam thắng cảnh của Huế.

Một ngày, tôi nhận được thơ anh. Anh kể chuyện mình bị thương đang nằm điều trị ở bệnh viện Cộng Hòa. Tôi chạy như bay đến nhà M, đưa cho nó đọc thơ. Nó nói: “Đi liền bây giờ, mầy đi mua trái cây đi, tao thay đồ rồi mình đi lên bệnh viện Cộng Hòa”. Hai chúng tôi tìm đến khoa ngoại. Trời ơi! Chiến tranh là đây chứ đâu! Ôi! Chiến tranh giữa thủ đô Sài Gòn! Bên ngoài đầy những thương binh ngồi ngóng chờ người thân, tôi đoán như vậy, nhưng sau những tiếng réo gọi: “Em ơi! Anh ở đây nè”; “Người yêu ơi, anh đây, anh đây nè!”. Chúng tôi biết các anh đang rất cô đơn. Những người hy sinh xương máu của mình cho chúng tôi hưởng sự thanh bình, hằng ngày được vui chơi, xem phim, ngồi cà phê Brodard tán dóc mỗi tuần. Họ đang mong chờ người thân ở phương xa đến thăm, chờ chiến hữu cùng đơn vị đến đón trở về với cuộc chiến. M hỏi thăm phòng trực, biết Trâu Điên của tôi đã cưa mất một chân, anh vừa xuất viện sáng hôm qua. Như vậy là Trâu Điên của tôi đã giã từ cuộc chiến về với gia đình. Anh viết lá thư cuối cùng báo tin anh đã xong nhiệm vụ với tổ quốc. Tôi biết anh không cần sự thương hại của ai hết, nên anh không viết cho tôi địa chỉ ở quê nhà.

Anh B, người lính Hải quân, có giọng văn man mác buồn, dù nhận được thơ tôi hay không, anh cũng viết thơ kể chuyện ở địa danh tàu anh cặp bến. Anh là người yêu văn thơ nên viết thơ cực hay. Lá thơ cuối cùng tôi nhận được của anh khi tàu sắp rời bến Tô Châu, trong thơ anh có chép một bài thơ, tôi chỉ còn nhớ được mấy câu cuối.

Tìm mắt em trong vòm sao Bắc đẩu
Tìm tóc em trong biển động phong ba
Cho tin yêu rớt giữa khoảng trời xa
Anh đánh cướp đại dương làm Hải khấu.

Tôi cố nghĩ tại mình viết thơ không hay nên anh Hải quân đã chán đọc thơ tôi rồi!

Những ngày cuối tháng Tư, trời oi bức, cậu tôi ngồi ôm cái radio, hết nghe tin tức trong nước rồi nghe tin tức đài nước ngoài. Nếu như năm Mậu Thân, vùng này luôn vang rền tiếng súng, tiếng đạn rocket vang dội, tiếng lựu đạn nổ gần bên, tiếng khóc hoảng sợ của người dân chạy giặc. Gia đình cậu mợ bị lạc nhau. Chị D và mợ bị thương, cậu dìu qua hướng đi nhà thương; chị T, bà ngoại và tôi chạy ra hướng Xa cảng miền Tây. Trên đường tôi đã thấy kẻ thù cầm AK chạy phía bên kia đường, thấy người dân bị thương máu thấm đỏ người. Đó là lần đầu tiên trong đời người Sài Gòn chạy giặc.

Lần này, ai cũng bình tĩnh, mỗi người chỉ cho một số đồ dùng cá nhân vô cái túi để nơi mình dễ lấy nhất. Tin tức thất thủ mỗi ngày, nỗi buồn hiện rõ trên gương mắt của cậu. Cái không khí oi bức, cái vắng vẻ theo lệnh giới nghiêm, nét lo âu của cậu làm cho tôi căng thẳng như đang xem phim phản gián, tôi không đoán được đoạn kết, hay nói đúng hơn tôi không muốn kết phim như lòng đang lo lắng, nên cứ hoang mang, nôn nao chờ đợi một phép màu cho cuộc chiến gần kết thúc.

Ngày 30 tháng Tư, trời mưa lất phất. Chúng tôi như người mộng du, không dám tin đó là sự thật. Nhìn đoàn xe chở bộ đội chạy ngang, chúng tôi thấy xa lạ như những vật thể từ trên trời rơi xuống, cả xóm ai cũng chạy ra đường để tận mắt nhìn kẻ chiến thắng, dù họ cũng là người Việt Nam mà sao ai cũng muốn coi mặt.

Cậu kêu mọi người xếp quần áo mới, áo dài, quần tây nên gói lại. Tôi và chị khó chịu nhưng nhìn ánh mắt u buồn của cậu, tôi biết cậu đang giúp chúng tôi hòa nhập cuộc sống mới. Ngày anh rể đi học tập, má anh và ba dượng cũng lên chia tay. Ông nói với anh: “Con cứ đi, ở đây ba sẽ lo cho con”. Trước đó, chị D chỉ biết ba ruột anh đi kháng chiến chống Tây, bị Tây giết khi anh còn nhỏ. Bây giờ biết thêm ba dượng anh là cán bộ nằm vùng. Ông chạy lo giấy xác nhận ba anh là liệt sĩ chống Tây, còn ông cũng viết đơn bảo lãnh cho anh.

Chắc nhờ hai cái giấy đó và sự quen lớn của ba dượng nên anh chỉ đi học tập có 18 tháng. Ai cũng nói anh may mắn. Khi được về, anh liên lạc bạn bè đang ở nước ngoài, nhờ họ cho tin tức, anh làm đơn xin tị nạn rất sớm, rồi có chương trình HO, anh làm đơn sớm hơn các chiến hữu, vì họ vẫn còn đang đi học tập. Vậy mà người về sau lại được đi trước, còn gia đình anh vẫn cứ ở Việt Nam. Nghe chị họ nói tại cái may mắn được về sớm của anh nên anh không được đi. Anh rể càng ngày uống rượu càng nhiều, sau một chầu nhậu anh lái xe bị tai nạn cụt mất một bàn tay. Bây giờ anh chỉ là người tàn tật. Anh không phải là thương phế binh của cuộc chiến.

Sau 30 tháng Tư, tôi mới biết mình là thành phần tiểu tư sản học sinh, tuy ở chung nhà với cậu là giai cấp công nhân nhưng lý lịch của tôi vẫn được đánh dấu con tư sản, đi làm ở đâu cũng có cuộc họp của chi bộ ở đó xem xét lý lịch. Tôi quyết định vượt biên, ba lần đi ba điểm khác nhau nhưng không ra được hải phận quốc tế. Tôi quyết định ở lại. Đứa em gái muốn đi thêm lần thứ tư với người yêu. Hôm đám giỗ ông ngoại, ba tôi báo tin mừng em đã đi được mấy hôm. Ai cũng chúc mừng cho ba, nhưng sau mấy mươi năm em vẫn chưa có tin về, ba không cho thờ cúng em vì nghĩ em vẫn còn sống, gần đây, sau hơn ba mươi năm, tôi đề nghị nên làm giỗ cho em để em được yên nghỉ.

Ngồi cà phê Brodard, nó bĩu môi nói: “Không phải Brodard của tụi mình. Hèn gì thằng Ngh. nó nói không bao giờ về Việt Nam nữa, nó về để tìm lại ký ức nhưng tụi nó xóa gần hết rồi”. Tôi nói: “Tao thích cho tụi nó xóa mọi thứ của Thủ đô Sài Gòn, vì chỉ có người Sài Gòn mới được sống ở Thủ đô Sài Gòn. Mà mày nên nói với nó, ở đây vẫn còn người Sài Gòn nghen!”.

Tháng Tư, 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: