Hôm nay, có chút thì giờ rảnh rang, tôi quyết tâm làm một chuyện… trọng đại là dọn dẹp căn phòng của tôi. Nó không rộng rãi chi cho lắm mà riêng mục sách với báo không thôi, trông cũng đã muốn mệt xỉu mất rồi. Tủ kính đã kẹt cứng. Kệ lớn, kệ nhỏ cũng hết chỗ xếp. Thôi đành xếp cả vào hộp, để chỗ này, nhét chỗ kia cho nó khuất mắt dễ coi. Đã thế chỗ nào có sách bán sale mà mình ưng ý là cũng mua cho bằng được. Vào tiệm sách Mỹ, sách Việt Nam thấy cuốn nào ưng ý là lượm liền. Sách Việt Nam lắm khi mắc dễ sợ, hai ba chục đô, mà đô Mỹ đàng hoàng chớ đâu có phải đô Hồ như ở Sài Gòn với Hà Nội.
Tôi cứ lẩm cẩm cho rằng sách Việt Nam không có nhiều khách hàng để tiêu thụ cho nên phải nâng giá lên cao cao một chút cho bõ công in ấn, phát hành này nọ, nhưng bởi cái giá thường cao như vậy cho nên vô số sách cứ có cơ hội… ngồi chơi xơi nước hay nằm ngủ trong tủ kính, trên kệ bán sách tiệm lớn, tiệm nhỏ hoài hoài. Vậy mà với tôi, năm 2022 này đã 91 tuổi, thuộc loại gần đất xa trời quá xá rồi cho nên mua vẫn cứ mua, kẻo mai mốt… may mắn được lên Thiên Đàng, liệu có tìm ra tiệm sách để mà mua hay không.
Thời đại Internet này mà tôi vẫn cứ thích chơi sách y như cái hồi trước năm 1975 vậy. Hồi mùa Xuân cái năm không quên đó, ngoài nỗi đau mất nước như bao nhiêu người, tôi còn bị mất hết trơn cả cái “thư viện Gia Đình” nho nhỏ, hơn 500 cuốn sách đáng giá, đã đóng dấu, đánh số đàng hoàng từ cuốn sách số 1 là bộ sách gồm hai cuốn Kim Vân Kiều do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch và chú thích bằng Pháp Ngữ, mua tại Nhà sách… (già cả, quên mất tên rồi) ở Đại lộ Paul Bert thành phố Nam Định hồi năm 1953…
Do cái vụ dọn dẹp nhà cửa đó mà lúc này tôi mới có dịp đọc thấy một bản tin hay hay, kèm theo nhiều hình ảnh, trên tờ báo Mỹ The San Diego Union Tribune, đã cũ mèm vì nó được cho ra đời từ ngày 10 tháng 4 năm 2000 lận. Đọc xong, ngẫm nghĩ một tí, tôi tự nhủ… Ai cấm mình viết thành một câu chuyện, và gửi cho báo chí của phe ta nhỉ. Chỉ cần thêm vô chút gia vị: Xì dầu, hành tiêu, tỏi ớt… nữa là ngon số một. Bởi cái lẽ đó cho nên mới có câu chuyện “Hạnh phúc là đây” như thế này:
Cách đây hơn 30 năm, Gail và Lee Phipps ở vùng Nam California, tổ chức đám cưới ngay trên tầng lầu thứ 9 đang xây dở dang cho một khách sạn thuộc vào loại… 4,5,6,7 sao chi đó. Đám cưới mà tổ chức ngay trên một khu vực đang xây dựng, ngổn ngang sắt, thép, xi măng, gạch đá này nọ, mà lại ở trên cao, lộng gió, công nhân đang làm việc hùng hục như điên thì nhất định là chỉ có ở Mỹ mới có người dám chơi đám cưới kiểu này…
Chắc là họ yêu nhau lắm vì có yêu nhau thì mới như ông bà chúng ta hay nói “Yêu nhau mọi việc chẳng nề, dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. A mà văn hào Shakespeare đã chẳng có lần nói rằng “The course of true love never did run smooth – Bước đường của tình yêu chân thật không bao giờ bằng phẳng cả”. Vậy thì, trong hôn nhân, tình yêu thương chân thật là điều quan trọng, cốt yếu, để mà ăn đời ở kiếp với nhau. Còn cái chuyện cử hành đám cưới, hôn lễ ở đâu, nơi nào, nhất là vì tình thế bắt buộc, chỉ là vấn đề phụ thuộc, chuyện nhỏ.
Một làn gió từ ngoài Vịnh San Diego thổi vào, làm lật tung chiếc khăn voan che mặt cô dâu trong bộ đồ cưới trắng tinh theo đúng nghi thức thời đại. May mà cô dâu không đến nỗi hốt hoảng, mất bình tĩnh trước bao nhiêu con mắt đang chăm chú nhìn vào mình vì cô đang khoác tay chú rể, một nhân viên ngành xây dựng, to con, đẹp trai, khoẻ mạnh, trong bộ đồ cưới tuxedo đúng mốt thời trang: Quần đen, áo trắng, nơ đen, nhưng trên đầu lại là cái mũ nhựa mầu trắng của… giai cấp công nhân xây dựng nhà ta.
Đôi bạn trẻ, sắp chính thức thức trở nên vợ chồng, đi tới địa điểm cử hành hôn lễ, trong tiếng nhạc vui tươi của mấy cây guitars điện, do một ban nhạc tài tử góp vui. Đi ngay bên cạnh, đằng trước, phía sau là thân nhân, bạn bè của hai họ. Còn chung quanh, xa xa là những công nhân đang làm việc, nhưng cũng tạm dừng tay để nhìn về cặp vợ chồng mới, để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với hai tâm hồn bắt đầu kết lại thành một, dù là với hai thân xác khác nhau.
Lễ cưới được cử hành theo nghi thức tôn giáo, do một vị mục sư đảm nhiệm. Vị mục sư thông cảm cho đôi bạn trẻ này, trong hoàn cảnh đặc biệt, chú rể không thể nghỉ việc dù là chỉ một ngày vì công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn thiên hạ kêu bằng… khẩn trương cao độ. Vì thế hôn lễ mới được cử hành trong một khung cảnh hoàn toàn không giống ai, và có lẽ chỉ ở nước Mỹ này mới có như thế chăng. Vì ở trên cao, gió lộng cho nên xấp tài liệu, giấy tờ trong tay vị mục sư, dùng trong việc cử hành hôn lễ (không được đóng kẹp lại với nhau) bất thình lình bị gió giật mất một tờ, bay tung lên cao, lơ lửng trên không trung…
Mọi việc rồi cũng kết thúc trong vui mừng, tốt đẹp trong bầu không khí tràn đầy yêu thương. Khi đôi bạn trẻ được long trọng công bố chính thức trở nên vợ chồng thì nhóm phóng viên quay phim, nhiếp ảnh cuả một số cơ quan báo chí, truyền hình cũng rộn ràng làm việc trong khi những công nhân khác đang tạm ngưng tay làm việc để theo dõi đám cưới đặc biệt này, cũng reo hò vang dậy và tung những chiếc mũ nhựa mầu trắng cuả giới công nhân xây dựng lên trời như để chia sẻ niềm vui nồng nhiệt của cặp vợ chồng mới cưới cũng như những người chung quanh.
Mọi nghi thức long trọng đã xong xuôi, đoàn người tham dự đám cưới khá lạ lùng, cứ gọi là độc đáo ở Mỹ này, kéo nhau xuống tầng dưới cùng để dự tiệc cưới, tục kêu là “wedding party”. Thôi thì vui vẻ quá chừng. À, khi xuống tới nơi, người ta thấy chỉ có một cụ lão ông đã chờ sẵn ở đó. Thì ra đó là ông nội của chú rể, vì đã cao tuổi, lại nghe nói phải lên tận tầng lầu thứ chín, còn đang xây dựng dở dang, vật liệu xếp đống tùm lum, mới có thể tham dự cái wedding ceremony thì cụ ngán quá. Cụ bèn xin được… miễn lễ, để cụ ngồi chơi… xơi nước một mình ở tầng dưới cùng một cách cô đơn như thế này.
Chú rể, trước đây đã định tổ chức đám cưới trong khung cảnh rất chi là thơ mộng bên cạnh hồ Tahoe, nhưng khi ý định được nêu ra thì giới chức có thẩm quyển trong công trình xây dựng trả lời rằng việc xây dựng đang trong đà “tiến hành khẩn trương” dễ sợ lắm, mà chú rể lại thuộc vào loại nhân viên không thể vắng mặt. Thế là đám cưới được thay đổi kế hoạch, thay vì tổ chức ở bờ hồ thơ mộng, với cảnh thiên nhiên tuyệt vời, lại được mần ngay ở trên tầng lầu thứ chín của một khách sạn 4,5,6,7… sao, đang xây dựng, ngổn ngang dụng cụ, máy móc, vật liệu, tùm lum đủ thứ trên đời…
Trông trên trang báo, tôi thấy tấm hình chụp cặp vợ chồng Gail và Lee Phipps, từng cưới nhau trong khung cảnh chẳng giống ai trên cõi đời này, chắc chỉ ở Mỹ mới… dám chơi đám cưới kiểu đó, hơn 30 năm sau, sống rất êm đềm hạnh phúc, trong ngôi nhà khang trang đẹp đẽ. Họ đã có hai người con trai: Steven 27 tuổi và Patrick 20 tuổi, cùng hai cháu nội, một trai và một gái.
Lúc này, chú rể Lee Phipps đã 60 tuổi, không còn làm việc trong ngành xây dựng nhiều khó khăn vất vả nữa, nhưng làm công việc thoải mái hơn với một job khác. Còn cô dâu Gail Phipps nay tuổi cũng đã ngoài 50. Bà có một công việc thích hợp với mình: Phục vụ việc ăn uống cho học sinh tại trường Trung học Mt. Miguel.
Lúc này, tức là 30 năm sau, chú rể Lee Phipps, mái tóc đã ngả mầu… bàng bạc, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và đầu óc vẫn vui tươi với niềm hạnh phúc gia đình, bên cạnh nàng tiên Gail Phipps. Chẳng vậy mà lúc này, 30 năm sau ngày cưới trên từng lầu thứ 9 của cái khách sạn đang xây dở dang, ngổn ngang, tùm lum đủ thứ trên đời, chàng Lee Phipps vẫn còn tính tới chuyện làm cho bà xã ngạc nhiên một cái chơi, bằng cách tổ chức một chầu kỷ niệm 30 năm kết hôn ở chính từng lầu thứ 9 cái khách sạn xây dựng hồi xưa, bây giờ mang tên Holiday Inn.
Lúc này thì cái khách sạn đó có tới 14 tầng, và tầng lầu thứ 9 nơi họ đã làm đám cưới lại là một tầng đặc biệt, có sân thượng với mái che. Nếu tổ chức một cái reception ở đây với cái ý nghĩa “kỷ niệm 30 năm kết hôn” thì thật tuyệt vời.
Ai cũng biết xã hội Mỹ có nhiều tự do, đời sống vật chất đầy đủ, sung sướng vào hàng cao của thế giới, nhưng riêng về khía cạnh hôn nhân gia đình thì, theo luật bù trừ (law of compensation), nó lại là môi trường trong đó hạnh phúc của hôn nhân gia đình rất dễ dàng tan vỡ, có khi chỉ vì những nguyên nhân hay lý do vớ va vớ vẩn, không đâu vào đâu cả.
Đó là chưa kể đến chuyện tan vỡ hạnh phúc gia đình vì thiếu lòng chung thủy của người này hay người kia, hoặc có khi của cả hai vợ chồng, ông ăn chả, bà ăn nem liên tu bất tận, mà khi về nhà vẫn có thể đóng kịch vui vẻ, êm đềm, mùi mẫn với nhau hơn cả tài tử trên màn bạc lớn nhỏ. Đến khi tài đóng kịch hết sách, hết vở thì… thôi đành ra toà ký giấy: Anh đi đằng anh, em đi đằng em, không phải chỉ một lần mà có khi 3, 4, 5 6, 7, 8 lần (thứ thiệt cũng như không thiệt), như cô đào chiếu bóng Elizabeth Taylor vang tiếng một thời…
Bả cho anh chồng thứ 8 giải nghệ, trở về nghề cũ, lái xe tải, lương 24 đô Mỹ/giờ, sau vài ba năm, ngày đêm phục vụ bả hết mình, vừa làm chồng, vừa làm bodyguard. Có điều đáng khen bà này là ngoài vẻ đẹp lộng lẫy, tài đóng phim mùi mẫn ra, bả còn có lòng tốt ở cái chỗ: Theo giao kèo hôn nhân, khi hết xài, anh chồng không phục vụ ngon lành nữa, bả sẽ cho anh chồng thứ 8 này giải nghệ, khỏi làm chồng bả, trở về nghề cũ lái xe tải cho ngành xây dựng, nhưng bả sẽ tặng cho một triệu đô để về làm vốn trong thời gian đi kiếm “giốp” mới, khỏi lo cảnh lang thang homeless. Cuối cùng khi bả cho anh chồng thứ 8 này giải nghệ, bả cho thêm 3, 4 triệu đồng chi đó, vì bả thương tình anh ta đã phục vụ bả hết mình…
Ba mươi năm hạnh phúc, chung thủy, dầu cho cuộc sống thăng trầm, dâu biển, quả thực đôi vợ chồng Gail và Lee Phipps đáng được quý trọng và đáng làm gương cho người khác, dù đang sống trong một xã hội tự do, khoa học, văn minh vật chất xếp trong nhóm cao nhất hành tinh này, nhưng về mặt lương tâm, luân lý, đạo đức… thì lại rất nhiều yếu kém.
Mong rằng xã hội chúng ta đang sống ngày càng có thêm thật nhiều những kẻ yêu nhau và sống với nhau chung thủy, tốt đẹp, không hơn thì ít nhất cũng được như cặp vợ chồng Gail Phipps và Lee Phipps…
San Diego, California