Hình minh họa: thái nhàn-pexels

Tháng Chạp gió lùa về se lạnh, nhất là vào những buổi tối, đèn chong lấp lóe suốt các con đường ngắn quanh chợ. Người qua, kẻ lại mua bán ồn ào, náo nhiệt. Đèn sáng nhất là ở dãy vựa, dưa hấu được chất đầy trên các ụ rơm còn thơm mùi rạ mới. Dãy tiệm chạp phô thường khi mở cửa đến quá nửa đêm trong mấy ngày cận Tết, nhưng tối nay quanh khu chợ hầu hết đều đóng cửa sớm từ chiều. Còn trong nhà lồng chợ thì đèn lại thắp sáng choang. Người ta sắp ghế đẩu chật cứng không còn lối đi và bên ngoài từng đống ngổn ngang các sạp gỗ của chủ sạp trong chợ đã được đem ra ngoài chất cao thành từng cụm.

Chưa tối lắm mà dân chúng đã bu quanh chợ đông nghẹt. Gánh hát cải lương đang chuẩn bị che màn, dựng sân khấu ở cuối dãy nhà lồng, để diễn tuồng liên tiếp trong ba đêm cận Tết. 

Năm nay gánh hát không diễn ở trong đình mà lại dời về nhà lồng chợ, vì ông chủ tiệm thuốc bắc An Tế Đường đã mua bao giàn và muốn cho bà con ở xa tụ về có chỗ rộng rãi để coi tự do, khỏi phải mua vé. Đến giờ khai diễn, khán giả tràn lấn, xô đẩy các hàng ghế phía sau, đứng ngồi lẫn lộn, chỉ còn lại mấy chỗ ngồi danh dự ở phía trước.

Hôm ấy, ông Lý mặc một chiếc áo bành-tô rộng thinh, màu mỡ gà sáng óng. Điệu bộ trông rất nhanh nhẹn, vui tươi. Chốc chốc lại quay ra nói lớn cho đám “lính kín” đang đứng dang tay làm hàng rào cản bên hông nhà lồng chợ, không cho khán giả tràn lấn vào sát bên sân khấu. Bất ngờ khi day qua bên phải, ông Lý bắt gặp một cặp mắt sáng, khuôn mặt thanh tú, vóc người thon gọn cân đối.

Trên sân khấu, người ta bắt đầu giới thiệu tuồng hát và không quên cảm ơn sự tiếp đãi hào phóng của ông chủ tiệm An Tế Đường. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng ông Lý hồn đang ở tận đâu đâu… Hình như ông đang hướng về khán giả phía bên phải. 

Chờ đến hồi phân đoạn ngưng tuồng hát, đèn sáng lên và người phu kéo màn che kín sân khấu, ông nhanh nhẹn đi ra phía hông nhà lồng, để giáp tận mặt cô gái có cặp mắt sáng như sao đang hồn nhiên rướn người về phía sân khấu.

Trước khi vãn hát, ông Lý thì thầm to nhỏ với bọn lính kín vốn là đám tay chân bộ hạ chịu nhiều ân nghĩa của ông ở chợ Tầm Vu. Kịch bản cũ rích lại bắt đầu được đem ra diễn lại. Ông Lý đóng vai người dang tay nghĩa hiệp cứu kẻ gặp nạn, bảo lãnh người cô thế. Chỉ có trời mới biết ông đã đóng vai nầy bao nhiêu lần rồi. Nhưng lần nầy lại khác… 

Vào một buổi sáng sớm bình thường như mọi ngày ở chợ, ông Lý đang ngồi đọc báo, bỗng có một thiếu nữ còn trẻ đẹp bồng con đến trước cửa tiệm, khóc uất nghẹn xin giao đứa nhỏ còn quấn tã cho ông. Thiếu phụ nói ít lời, rồi đặt đứa bé xuống chiếc ghế bành làm bằng mây có lót gối đệm vải bông gòn nằm sát bên ông. Ngỡ ngàng đến chết điếng, ông Lý không còn nói được lời nào. Người tài phú bước ra, vặn hỏi cớ sự và có ý muốn xua đi nhưng ông đã ngăn lại, mời vào bên trong tiệm hỏi han cho rõ nguồn cơn. 

Hồi năm ngoái, sau khi vãn hát ở chợ ra về, cô gái có đôi mắt sáng như sao băng đã bị bọn lính kín tìm cớ xét giấy tờ tùy thân không có, nên tình nghi áp giải về đồn trong đêm tối. May nhờ ông Lý tình cờ đi ngang qua, thấy tội nghiệp nên bảo lãnh đem về nhà.

Rồi từ cái đêm hôm ấy, là cả một quãng đời cơ khổ, nhục nhằn, mang tiếng “chửa hoang” nên cô đã phải bỏ xứ ra đi, xin tá túc ở nhà người anh họ trong “xóm miễu” Kim Liên tận bên Chợ Cũ, Mỹ Tho để chờ ngày sinh nở. Chỉ có vậy thôi.

Thường khi gặp cảnh nầy thì hai bà vợ của ông Lý, một bà cả là người Hoa, một kế là người Việt quán xứ bên chợ Ông Văn, đều phân giải bằng cách trợ cấp cho một ít tiền, rồi khuyên thiếu phụ nên bồng con về xứ. Nhưng lần nầy, hai bà thấy động lòng vì thiếu phụ còn quá trẻ và nhất là đứa nhỏ lại là bé trai kháu khỉnh, mặt mày sáng trưng. Còn phần ông Lý, coi mòi muốn lập thêm phòng ba cho nên câu chuyện chưa thể kết thúc như trước. Bỗng chưng hửng giữa chừng, thiếu phụ đứng lên xin ra về và nhất quyết chỉ giao con, không nhận tiền cũng như không nói gì thêm. Dứt khoát bỏ đi không hề ngoái lại.

Ngoài kia gió Tết đang về, gánh hát cải lương cũng về chợ hát như mọi năm. Nắng vẫn lên cao, người đi chợ cuối năm vẫn rộn ràng tấp nập và trong dòng người ấy, có một thiếu phụ đang lầm lũi bước đi bên lề đường mà nước mắt như mưa.

Hình minh họa: Pexels

* * *

Thế rồi mọi sự cũng yên ổn, đứa bé không mẹ ngày càng lớn khôn, lanh lợi, thường hay lẽo đẽo theo ông Lý giờ đã chống gậy đi quanh phố chợ ngày thường, còn khi có dịp đình đám nó luôn được ngồi cạnh bên ông. Tuổi già đã mỏn, con nhiều dòng nên ông Lý phải lo mọi việc trước ngày ra đi. Giao tiệm thuốc bắc cho vợ chồng người con trai trưởng đồng thời phân chia tài sản, đất đai cho tất cả các con, trai cũng như gái đã trưởng thành, có gia đình hay chưa cũng đều được ông quyết định có phần. Riêng đứa nhỏ có giấy thế vì khai sanh là con của ông và mẹ ghi là vô danh. Thật khó cho ông.

Đắn đo suy nghĩ kỹ, ông quyết định viết di chúc trích phần huê lợi đất hương hỏa 20 giạ thóc cấp dưỡng cho đứa nhỏ tới năm 18 tuổi. Thường gia đình giàu có về tiền bạc thì còn có thể chia đều được, chứ đất đai thì rất khó. “Nhất hậu hôn, nhì điền thổ.” Khi cha mẹ qua đời, con cái khó lòng mà giải quyết êm thắm. Gia môn vô phúc đáo tụng đình là vậy.

Sau nhiều năm dò hỏi, ông qua tận bên Chợ Cũ, Mỹ Tho tìm tới nhà người anh họ bên vợ, nhưng họ cũng không biết hiện nay mẹ đứa nhỏ ở đâu. Cuối cùng, ông Lý quyết định là sau khi ông mất, người con trai trưởng có nhiệm vụ sẽ đem giao đứa bé cho người anh họ nuôi nấng cùng với giấy tờ ghi nhận phần huê lợi 20 giạ thóc hằng năm cho đến lúc trưởng thành. Phần gia bảo được giữ kín cho đến khi đứa nhỏ khôn lớn, do chính ông giao cho người anh vợ giữ dùm là một con triện nổi bằng gỗ, in chữ Tàu “An Tế Đường” để đóng dấu đỏ nguyên gốc lên trên bao bì gói thuốc, ba toa thuốc gia truyền và một cái thúng mây lớn dùng để rây thuốc thành viên.

Dòng đời trôi nổi, sau nầy đứa nhỏ không cha, không mẹ sống với người cậu, lớn lên ở xóm miễu Kim Liên trong khu nhà lá, mà ngay đầu hẻm có cội me già, tàng lá che phủ gần hết ngõ xóm. Ngày ngày tới trường bình thường không ai biết. Cho tới một hôm, trong lớp thầy dạy vẽ cho ra đề bài “tả chân”, học sinh tự vẽ bất cứ cái gì ở trong nhà, người hay đồ vật cũng được.

Hôm kiểm tra, thường thì các em vẽ giống nhau. Có em vẽ con gà, chó, mèo hay vật dụng, cũng có một ít đứa vẽ chân dung người trong gia đình. Kết quả người đứng đầu sổ điểm danh trong lớp có điểm cao nhất. Bức vẽ bằng viết chì là một cái đèn dầu để bàn rất đẹp và nổi bật hình ba chiều, nhưng đặc biệt là có cái ống khói dài lại bị bể một miếng ở phía trên cùng. Thầy hỏi.

– Sao em lại vẽ cái đèn như vậy?

– Thưa thầy, đèn nhà em bị bể ống khói lâu rồi.

Cả lớp cười vang. Nhất là mấy đứa lớn hay tinh nghịch. Thầy cũng cười. Nhưng từ sau đó một số đứa khâm phục tài vẽ của hắn, nên bắt đầu kết thân trò chuyện và lần hồi tò mò biết được câu chuyện đầy bi thương ở chợ Tầm Vu hồi mười mấy năm về trước…

Thế rồi vào một buổi sáng sớm, trời còn sương đục, mặt trời chưa lên. Xe cộ và người qua lại đông đúc như mắc cửi, nhất là xe gắn máy Honda nữ cánh nhựa sơn hai màu xanh, trắng lướt rất đẹp nổi bật trên đường phố. Hôm ấy là ngày tựu trường, từng nhóm nhỏ học sinh áo quần tươm tất, đang tụ tập dọc theo lề đường, líu lo trò chuyện chờ mở cổng. 

Mấy đứa rất vui tươi, gương mặt rạng rỡ vì mới thi đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp và đang hy vọng chỉ còn hai, ba năm nữa thôi là tới bậc Tú tài. Nếu đi lính sẽ là sĩ quan còn thi đậu vô trường y khoa sẽ là bác sĩ. Nghĩ tới đó mà lòng rộn vui, quên hết mọi sự đời. Nhìn xéo qua bên kia ngã tư là trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân, thấy các nữ sinh dập dìu áo dài trắng, nón lá phất phơ rồi mơ màng “Gió sân trường lồng lộng áo ai bay …” Cả bọn cùng tự hãnh diện ngước mặt lên trời cười vang.

Bỗng từ xa xa, trên con đường đất phủ đầy lá me khô và dưới các tàng me cao, trái chín rụng lác đác trong lề đường, xuất hiện hai vị sư khất thực, kẻ trước người sau đang lầm lũi đi tới. Cả bọn ngạc nhiên khi nhìn thấy vị sư đi trước còn trẻ măng và hình như là đứa bạn học cùng lớp hồi năm ngoái. Không dám vô lễ nên chỉ dõi mắt nhìn theo riết cho đến khi các vị sư đi khuất rồi mới bàn tán. Nhìn quanh quất để tìm xem có ai giống không. Đến khi vào lớp học hỏi thăm các bạn ở khắp các ban ABC cũng không ai thấy. Mấy hôm sau, có đứa bạo dạn chạy theo vị sư đi trước.

– Thưa thầy có phải thầy là …

– Mô Phật. 

Từ sau đó không thấy hai vị sư đi ngang qua đường trước cổng trường như trước nữa.

Hình minh họa: sippakorn-yamkasikorn-Pexels

Mãi đến sau nầy, trong một dịp theo mẹ lên chùa cúng Phật ở Tịnh xá Ngọc Tường, tình cờ tôi gặp lại sư, lúc đó mới có cơ duyên chuyện vãn nhiều hơn và biết đúng thật vị sư đi trước là người bạn học cùng lớp có tên đứng đầu sổ điểm danh trong lớp. 

Có một lần tôi lên Tịnh xá vãn cảnh chùa, ăn cơm chay với một số bạn học cùng lớp. Gặp sư cũng hỏi han cho biết vậy thôi. 

– Thầy cũng thi đậu sao không học tiếp mà lại đi tu? 

– Bần đạo thí nguyện “khất thực” mười phương tìm mẹ.

Nghe thấy thế, mọi người xúc động dâng tràn. Đời chắc là bể khổ. Người thiếu phụ giao con ở tiệm thuốc bắc An Tế Đường năm xưa đã thí phát qui y, không liên lạc với gia đình từ đó. Chấm hết mọi sự đời. Nay tới lượt con cũng gởi thân nơi cửa Phật. Thật ngậm ngùi.

Trong thời gian khất thực đi khắp mọi nơi, sư có thời kỳ được nhập môn với Thượng tọa Thích Tâm Ấn và học được nghề châm cứu tới nơi tới chốn. Sau đó thường đi khắp các tịnh xá mở chẩn chữa bệnh cho nhiều người, với lời nguyện cùng thầy khi nhập môn là nếu được tinh tấn, đạt thành sở nguyện thì sẽ phát tâm hành hiệp không nhận thù lao. Cứ thế mà vui cùng đạo pháp giúp đời.

Năm năm sau cơ trời dong ruổi, sư tìm được mẹ đang trụ trì ở chùa Ni Cô tận ngoài Vũng Tàu. Kể từ sau đó, sư lại cởi bỏ áo cà sa trở về đời thường với danh xưng là Đạo Hiệp, chuyên châm cứu và bán thuốc “cao đơn hoàn tán” trong vùng Mỹ Tho – Long An. 

Đạo Hiệp cất một gian nhà lá trong hẻm “Cây Dái Ngựa” gần khu chợ Vòng Nhỏ, Mỹ Tho. Ông Đạo qui tụ dân lao động trong xóm tới nhà lãnh bao bì về nhà dán và cho thuốc tán hoặc thuốc viên vào trong hộp giấy, được tính công theo số lượng giao nộp hằng ngày. Cả xóm già trẻ bé lớn… thinh không được trời ban cho công ăn việc làm tại nhà rất dễ dàng.

Thuốc của Đạo Hiệp lại nổi tiếng khắp trong vùng là thuốc trị ban nóng hiệu “Lão Hòa Thượng” có đóng dấu “An Tế Đường” bản gốc và hai loại thuốc khác là thuốc tiêu và thuốc tán rơ miệng trị đẹn sữa, hoặc lác đồng tiền cho trẻ em. Thuốc chế tại nhà thuộc loại thủ công gia truyền rất thông dụng.

Ngoài ra, Đạo Hiệp lại còn có tài châm cứu trị bệnh không lấy tiền. Tiếng lành đồn xa. Một hôm bà vợ của ông Trưởng ty Cảnh sát nửa đêm bị phong trúng gió nên cho người tới rước Đạo Hiệp về châm cứu. Hết bệnh bà muốn trả ơn, nhưng ông Đạo mới ngoài hai mươi tuổi, không nhận gì hết trừ hương hoa cúng Phật. Nài nỉ mãi Đạo Hiệp mới chịu nhận lời đề nghị của bà, cất một ki-ốt ngay bên dốc cầu Quay, cho dân chúng dễ dàng tìm thấy chỗ để rước về châm cứu lúc nửa đêm, nửa hôm. Mọi người buôn bán ở phố cũng như cảnh sát địa phương đều biết rõ lai lịch của căn ki-ốt mới nầy. 

Khi mọi việc tương đối ổn định, Đạo Hiệp không quảng cáo gì về thuốc gia truyền hay châm cứu ở ki-ốt, mà trái lại cho trương bảng hiệu là Phòng vẽ “Anh Tuấn”,  ghép tên thật của mình và tên đứa em bà con. Điều đặc biệt là phòng vẽ có ghi chú rõ, chỉ chuyên họa hình thờ, không vẽ hay họa bất cứ thứ hình nào khác.

Lâu dần, phòng vẽ trở thành tiệm họa hình thờ chuyên nghiệp. Ở thôn quê, người ta mang ra chợ những tấm hình bị hoen ố do thấm nước hay giữ gìn không kỹ của người thân mất đã lâu hoặc người thân đã mất, nhưng không có hình ảnh lưu lại. Dù có hình hay không, nam hay nữ chỉ cần dẫn theo một người thân nào có gương mặt giống nhất ra tiệm “Anh Tuấn” là sẽ họa được hết.

Có đủ loại mẫu, hao hao giống ông hội đồng đang mặc áo dài khăn đóng ngồi trên ghế đai hay sĩ quan, binh lính chết trận chỉ cần gắn chân dung lên là thành vị tướng rất oai nghiêm. Thiên hạ đồn rằng, Đạo Hiệp có tâm nên họa hình rất có thần đem về nhà thờ rất linh, do đó tiệm họa hình ngày càng đông khách, thường khi chờ cả tháng trời hình mới họa xong. 

Cả tỉnh đều biết ông Đạo Hiệp trẻ tuổi tài cao, hành hiệp cứu nhân độ thế, nhưng cũng có người thắc mắc vì sau nầy tuy mang danh xưng là ông Đạo, nhưng lại ăn mặc thường phục và để tóc dài như một thanh niên đời thường. Thỉnh thoảng gặp bạn thân hay đi dự đám giỗ cũng ăn mặn, uống rượu mạnh hay bia như các thực khách khác, không kiêng cữ gì cả hay ít nhất cũng chay lạt như các cư sĩ tại gia. Nhất là còn trong độ tuổi thanh niên, về tình trạng quân dịch ra sao?

Sau nầy mới biết Đạo Hiệp có giấy tờ hoãn dịch vì lý do tôn giáo, thuộc danh sách ở chùa Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn. Mỗi năm lên chùa làm giấy tờ gia hạn một lần và được chùa cấp giấy chứng nhận là “Sứ Giả Như Lai” đi công tác Phật sự ở các địa phương. Có nghĩa là được sinh hoạt ngoài đời bình thường, ít nhất là trên giấy tờ hợp pháp. Hơn nữa, với các hoạt động thực tế giúp đời vô vị lợi, đôi khi miễn phí hoàn toàn nên được hầu hết mọi người thông cảm. 

Đa tài có khi lại đa mang. Đạo Hiệp còn biết thổi sáo mà lại thổi rất hay. Có những đêm trăng sáng, từ ki-ốt ở phố bờ sông đường Trưng Trắc, khi nước sông dâng đầy, gió thổi lan xa hòa lẫn với tiếng tiêu sầu của Đạo Hiệp thì dù cho có Mỵ Nương tái thế cũng phải xiêu lòng.

Quả thật, có người con gái trẻ đẹp ở xã Mỹ Phong ra tiệm họa hình “Anh Tuấn” để họa hình thờ, thỉnh thoảng có tới chơi ở lại nhà người bà con gần ki-ốt của Đạo Hiệp đem lòng yêu mến thầm. Đào hoa cũng có số.

Hồi mới mở tiệm họa hình được một vài tháng, có một cô gái quê, nhà nghèo ở Cồn Bà, Gò Công lên chợ Mỹ Tho xin làm mướn, thấy tiệm họa hình đắt khách nên thử dò hỏi muốn làm người giúp việc. 

Túc nghiệp là đây. Đạo Hiệp cưu mang đem về căn nhà lá ở hẻm “Cây Dái Ngựa” nhờ giúp việc nhà và phụ trông coi việc mua bán thuốc gia truyền. Được một thời gian, cô gái mang bầu và để tránh tiếng cho người đã ra ơn, cô bỏ về xứ mang theo giọt máu rơi của Đạo Hiệp. 

Hình minh họa: Pexels

* * *

Bẵng đi mười năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Không biết lúc nào và quan hệ ra sao mà Đạo Hiệp nay đã có năm đứa con với người đẹp năm xưa quê ở xã Mỹ Phong. Khi toàn bộ khu phố nằm ven bờ sông đường Trưng Trắc bị giải tỏa làm khu đi bộ hóng mát và ở cuối con đường người ta cho xây một tượng đài cao nghệu, ngang ngửa, ngoảnh nhìn ra ngã ba sông nước mênh mông, thì phòng vẽ “Anh Tuấn” cũng cùng chung số phận và được dời về một xẻo đất nhỏ nằm gá dưới chân cầu Bạch Nha, đối diện gần khu bến xe đò cũ. Cũng lại chỉ họa hình thờ.

Vật lộn với đời sống mới, Đạo Hiệp đang trong hồi túng quẫn. Người sống còn không lo nổi, huống hồ chi người đã mất. Tiệm họa hình ế ẩm. Thuốc gia truyền bị cấm mua bán. Châm cứu không được phép đăng ký. Cả gia đình sống chen chúc trong căn nhà sàn nhỏ hẹp, chật cứng vừa làm phòng vẽ vừa sinh hoạt gia đình. Cùng đường, Đạo Hiệp bắt đầu gia nhập tổ chức vượt biên, vượt biển, chuyên đi móc nối khách. Tù tội nhiều phen nhưng cũng không đi lọt.

Sau cùng, may mắn có người quen ân nghĩa nhờ châm cứu chữa bệnh thời trước, nay định cư ở nước ngoài về nước thăm và cám cảnh trước khó khăn của gia đình, nên đã giúp vốn cho Đạo Hiệp sang tiệm vẽ, dời gia đình về bến xe mới thuộc xã Đạo Thạnh, mở quán ăn ven quốc lộ để lập nghiệp. Mấy đứa con lớn lên không học hành chữ nghĩa gì cả, ra đời sớm làm lụng nghề chân tay hay rửa xe để sống qua ngày. 

Hình minh họa: wouter-de-jong-Pexels

Được một thời gian, không cạnh tranh nổi với các quán ăn, nhà hàng thời đại mới có nữ tiếp viên xinh đẹp, nên Đạo Hiệp sang tiệm, lui về quê vợ xã Mỹ Phong làm rẫy trồng rau sinh sống.

Gần hơn nửa đời người, Đạo Hiệp cũng dang tay hành hiệp cứu đời và thương người khốn khổ. Cuối cùng rồi cũng sa vào vòng tục lụy, nghiệp đời lẩn quẩn. Lúc sau nầy thường hay nhắc đến gia đình ông thợ mộc mù ở xứ đạo Cồn Bà, Gò Công có người con gái xin giúp việc nhà năm xưa tên Nhạn, người tình của Đạo Hiệp và đứa con nhỏ bây giờ thất lạc không biết ra sao? Nhớ đến câu chuyện kể ở chợ Tầm Vu hồi mấy chục năm về trước. Thăng trầm thế sự cũng nhiều, Đạo Hiệp quyết định rũ áo đi tu trở lại.

Hôm làm lễ xuất gia khất thực dưới sự chứng kiến của một ít người thân. Đạo Hiệp xuống tóc và rơi nước mắt khi tận tay đốt ba toa thuốc gia truyền và con triện in mộc đỏ hiệu “An Tế Đường.” Sư thầy thấy thế bèn buột miệng:

– Họa phúc khôn lường. Dứt nghiệp từ đây.

Đạo Hiệp chậm rãi, từ từ đi sâu vào trong hậu liêu rồi khuất dạng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: