Khi tôi trở về Cai Lậy từ trại Mỹ Phước được vài tháng thì trong thị trấn bắt đầu rộ lên tin đồn sắp có chương trình xuất ngoại dành cho những người thuộc chế độ cũ đã đi cải tạo trên ba năm. Ban đầu chỉ nghe lơ mơ, bán tín bán nghi mãi cho đến khi ở Sài Gòn có người nộp đơn được phái đoàn Mỹ qua phỏng vấn và đang chuẩn bị ra đi thì anh em mới rủ nhau năm, ba người xuống Sở Xuất Nhập Cảnh tỉnh Tiền Giang để dò hỏi và nộp đơn xin xuất cảnh. Công an chỉ hỏi có một câu duy nhất:
– Các anh biết tin từ đâu?
– Do thân nhân ở Sài Gòn cho biết là họ sắp đi.
Đến lúc đó chúng tôi mới biết đến chương trình HO và nộp đơn chính thức xin ra đi có trật tự. Khoảng sáu tháng sau ở Sài Gòn bắt đầu có người ra đi theo diện HO1. Lúc bấy giờ mới tin là thật và tôi nhận được giấy báo thuộc diện HO19.
Sau khi có người ra đi đợt đầu tiên, số đơn nộp càng ngày càng nhiều và mỗi năm chỉ giải quyết chừng bốn, năm đợt cho nên HO19 theo ước đoán thời gian có lẽ chờ chừng khoảng hơn ba năm. Đến lúc nầy công an Sài Gòn xuất hiện một bộ phận dịch vụ xuất ngoại, giá cả tùy theo, nếu muốn lo tại Sài Gòn hay đích thân họ mang ra Hà Nội để đôn lên cho sớm. Ngoài ra một số gia đình còn được môi giới để ghép người đi theo diện vợ chồng hay con cái. Riêng tôi cứ theo qui định và yên tâm chờ vì không muốn xảy ra những trường hợp rủi ro “tham một tấc mất một thước” khi bị phát hiện và rớt phỏng vấn. Tại thị trấn cũng đã có trường hợp gian dối và bị từ chối phỏng vấn vĩnh viễn.
Trong thời gian chờ đợi, tin tức từ bên Mỹ gởi về tràn ngập cùng với số lượng quà và đôla tuồn về rất nhiều cho các gia đình có thân nhân xuất cảnh đi trước theo diện HO làm cho mọi người đều nghĩ chuyện đi Mỹ như lên thiên đàng, nhất là điều kiện kiếm sống còn rất khó khăn trong xã hội. Bấy giờ đôla đổi qua tiền Việt rất cao.
Một trăm đôla có thể nuôi sống thoải mái cả một gia đình hàng tháng. Gia đình nào có thân nhân đi Mỹ cũng nhận chính thức mỗi lần lên đến hàng ngàn đôla cho nên rất dư dả để mở tiệm mua bán làm ăn hay sửa chữa, xây cất nhà cửa. Nói chung niềm hy vọng đi Mỹ làm cho mọi người vô cùng phấn khởi.
Ngoài phương diện vật chất đầy hứa hẹn, tinh thần của những gia đình sắp đi Mỹ cũng được nâng cao. Hàng xóm, láng giềng hay bạn bè thân thuộc đều rất hâm mộ và đối đãi rất tử tế. Không có niềm hạnh phúc nào bằng khi được kỳ vọng đến như vậy. Tuy chúng tôi vẫn mua bán bình thường ở cửa hàng ngoài chợ nhưng sinh hoạt lại rất vui và thú vị vì mọi người đều biết rằng chúng tôi sắp đi Mỹ nên việc mua bán cũng thuận lợi, cửa hàng ngày càng đắt khách hàng.
Cùng lúc bấy giờ bắt đầu có Việt kiều lác đác về nước từ các quốc gia như châu Âu, châu Úc… nhưng sau đó chỉ có Việt kiều Mỹ về nước là đông nhất và sinh hoạt ồn ào nhất, đồng thời họ mang theo sự hào phóng “Made in USA” làm nức lòng những người chuẩn bị sắp đi Mỹ.
Cứ thế thời gian trôi đi, đôi ba năm qua nhanh không ngờ rồi cũng đến ngày tôi được gọi lên phỏng vấn, tuy có chút trở ngại nhưng cũng xong xuôi mọi thủ tục. Trong thời gian chờ đợi đăng ký chuyến bay tại quê nhà, chúng tôi đi dự tiệc từ giã liên miên cho đến tận ngày đi. Nói chung tất cả đều mong muốn là sẽ còn liên lạc với nhau khi chúng tôi qua bên đó. Hy vọng sẽ có quà về từ Mỹ.
Hôm tiễn chúng tôi đi gồm hai vợ chồng và một đứa con gái 4 tuổi, ngoài gia đình thân nhân còn có nhiều bạn bè đủ mọi thành phần có đến vài chục người thuê hẳn hai chiếc xe khách đi từ Cai Lậy đến phi trường Tân Sơn Nhứt. Mọi người chờ đợi quấn quít nhau suốt mấy tiếng đồng hồ cho đến tận khi chúng tôi vào phòng cách ly. Tất cả đều chúc mừng “thượng lộ bình an.” Rồi cũng đến lúc chia tay thật sự, chân bước đi nặng nề mà đầu còn ngoảnh lại, chỉ thấy ánh đèn đêm phi trường mờ nhạt dần trong sương mù buổi tối…
Sau gần 20 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay đi từ Sài Gòn sang Nhật rồi nhập cảnh vào Mỹ tại phi trường Seattle, sau đó đáp máy bay của hãng hàng không nội địa Southwest đi Los Angeles để về thẳng nhà người bảo trợ ở thành phố Long Beach. Ra đón gia đình chúng tôi tại phi trường LAX là người đứng tên bảo trợ chính thức. Ngoài ra còn có các bạn bè đi trước đại diện cho Hội Quốc Gia Hành Chánh ra rước và gia đình người em vợ gọi người bảo trợ bằng cậu bên chồng.
Cơ thể mệt nhoài và cảm giác như người còn ở trên mây, tôi chỉ cười khi mọi người bắt tay chúc mừng. Chung quanh ồn ào đủ thứ tiếng nói. Người đi như trẩy hội. Tiếng loa phát thanh nhắc nhở hành khách vang vang từ đủ mọi phía. Tôi theo đoàn người chen ra ngoài hành lang đứng bên lề đường chờ xe đến rước.
Dọc đường xa lộ, xe chạy kín mặt đường dài mút tầm nhìn cỡ chừng hơn hai cây số. Trời tối thẫm không thấy gì ngoài vệt sáng của đoàn xe nối đuôi nhau như một con rắn khổng lồ đang trườn mình bò quanh co trên lớp nhựa đen chảy dài theo vệt sáng đèn pha. Khoảng gần một giờ sau chúng tôi về đến nhà. Văng vẳng đâu đây có ai đang mở nhạc bolero lời Việt nghe rất mùi.
Chủ nhà đãi bữa ăn tối đầu tiên toàn là đùi gà chiên giòn lót trên sà lách và cà chua xắt lát đựng trong ba mâm lớn bằng nhôm mỏng trông rất ngon lành. Điều đặc biệt là chỉ có đùi gà, không có cánh gà hay thịt ức. Thấy tôi có vẻ như bỡ ngỡ, chủ nhà nói ngay:
– Chợ Mỹ bán đùi, cánh và thịt ức riêng. Đùi gà là rẻ nhất.
Tôi thật tình nghĩ là chủ nhà khiêm nhường nên nói vậy.
Hai anh bạn rước gia đình tôi ở phi trường cũng được gia chủ mời ở lại dùng cơm luôn với gia đình. Thức uống là bia Budweiser, mùi bia lon thơm phức. Các câu chuyện bắt đầu qua lại đủ mọi điều. Nói chung mọi người đều mừng cho gia đình tôi tới được bến bờ tự do.
Hôm sau, người bảo trợ nói cho gia đình tôi biết ngay là được ăn ở “free” trong tháng đầu tiên, sau đó nếu muốn tiếp tục ở thêm vài tháng nữa thì đóng góp theo số người, mỗi người $200. Gia đình tôi ba người góp $600. Vậy thôi. Sau nầy tôi mới biết là ít có ai được cá nhân người bảo trợ tốt như vậy, vừa được free tháng đầu tiên rồi sau đó lại góp tiền chỉ là tượng trưng.
Anh H., người bảo trợ cho gia đình tôi, trước đây là lính Không quân. Hồi năm 1965 anh là người đầu tiên chế tạo được chiếc máy bay nhỏ loại một cánh quạt (tương tự như chiếc Cesna) rồi xin cấp chỉ huy ở Phi trường Tân Sơn Nhất cho bay thử nhưng không được. Anh bèn định mang ra xa lộ Đại Hàn bay lên nhưng vì nhiều lý do an ninh cũng như rất nguy hiểm cho nên đơn vị trưởng của anh cấm bay.
Lúc bấy giờ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ biết chuyện bèn gọi anh lên cho biết sự tình. Thiếu tướng Kỳ khen ngợi nhưng cũng cấm bay. Sau đó không lâu ông gởi anh sang Mỹ theo học ngành bảo trì máy bay. Sang tới Mỹ ngoài việc học theo ngành nghề, anh lại thấy thích ngành tiện và thấy triển vọng rất lớn của ngành nầy trong lãnh vực chế tạo cũng như duy trì và sửa chữa máy móc, cho nên anh xin trường cho phép học thêm ngành tiện vào ban đêm.
Về nước phục vụ được mấy năm trong ngành bảo trì máy bay phản lực anh rất thích thú và luôn luôn có nhiều sáng kiến đóng góp nâng cao hiệu suất trong ngành, đến nỗi có người nói mỉa mai rằng:
– Chờ trình lên Thiếu tướng.
Anh thừa biết lúc bấy giờ ông Kỳ đã bị thất sủng, nhưng không sao, anh vẫn làm đúng theo lương tâm và chức nghiệp của mình. Lần sau cùng, anh phát hiện ra sự sai phạm trong việc sử dụng dầu bảo trì máy bay và trình lên cấp trên. Kết quả tốt đẹp đâu không thấy, chỉ thấy anh bị cho ra khỏi ngành từ đó.
Sau ngày 30 Tháng Tư một ít lâu, anh vượt biển sang tới Phi Luật Tân và sau đó được đi định cư tại Mỹ. Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, anh theo đuổi ngành tiện, làm thợ mãi cho đến năm 1990 mới mở được một hãng tiện (machine shop) hợp đồng với hãng Boeing chuyên sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay. Hãng của anh rất uy tín và linh kiện xuất xưởng thuộc loại tốt nên hãng của anh chẳng những đứng vững mà còn phát triển ngày càng qui mô.
Điều đáng nói ở đây là anh có đăng ký nhiều bằng sáng chế, trong đó có mấy loại về linh kiện của máy tiện gọi là “tay gắp” (bar puller) độc quyền chuyên cung cấp cho các hãng sản xuất máy tiện (CNC Lathe). Cơ xưởng của anh trị giá hàng triệu đôla.
Từ ngày sang Mỹ đến giờ, anh chưa bao giờ về Việt Nam và có ai hỏi thì anh cũng chỉ cười nói “không muốn về.” Anh không bao giờ giải thích lý do. Sau nầy khi trong cộng đồng phản ứng dữ dội và bàn luận việc ông Kỳ tuyên bố linh tinh ở Việt Nam, tôi hỏi anh nghĩ sao. Anh không nói gì cả. Khi ông Kỳ qua đời, anh có đi dự đám tang.
– Thiếu tướng Kỳ là người ơn của tôi. Anh chỉ nói có vậy.
Ban đầu anh H. muốn tôi về làm chung với anh ở xưởng tiện đang hồi phát triển lớn mạnh với cơ xưởng mới tân trang, gồm 4 máy CNC đời mới cùng với toàn bộ lập trình tự động hóa các linh kiện (part) xuất xưởng. Công ty của anh có hợp đồng ổn định với các công ty lớn trong vùng Nam California. Tôi có lên xưởng chơi quan sát gần hai tuần lễ. Sau đó tôi từ chối khéo, chỉ thấy không thích. Vậy thôi.
Sau gần ba tháng, gia đình chúng tôi dọn ra riêng mướn nhà cũng ở gần đó, trong vùng Long Beach. Việc ăn ở tương đối ổn định, hai vợ chồng được trợ cấp của chính phủ trong sáu tháng để đi học nghề. Cơ quan thiện nguyện (USCC) cấp giấy giới thiệu đi học ở trường dạy nghề trong vùng gần nhà.
Nhân viên USCC gợi ý là lần lượt chỉ cần một người đi học thôi còn người kia có thể ở nhà trông con nhỏ chờ người trước đi học xong thì đến lượt người kế tiếp. Trước tiên, nhà tôi ở nhà trông con nhỏ mới 4 tuổi và đồng thời theo hướng dẫn của gia đình người bảo trợ lãnh đồ đem về nhà may. Mọi việc đều tiến triển tốt đẹp. Thu nhập cũng khá có dư giả gởi tiền chút đỉnh về giúp cho gia đình và quà cáp cho người quen, thân thuộc ở Việt Nam.
Trong thời gian nầy tôi cũng đi đây, đi đó thăm hỏi và xem xét tình hình sinh hoạt xã hội ở Mỹ như thế nào. Giới trẻ thì không nói tới, vì đất Mỹ là nơi đầy triển vọng và nhiều cơ hội cho người trẻ có chí tiến thân trong bất cứ lãnh vực nào. Còn người lớn tuổi, đi theo dạng đoàn tụ gia đình hay HO, ngặt một nỗi là khi sang đây hầu hết đều ở tuổi xấp xỉ gần 50 trở lên cho nên đa phần mọi người đều mong sao cho có việc làm ngay để ổn định gia đình “hy sinh đời bố củng cố đời con.”
Hơn nữa ở khu vực Little Saigon và vùng phụ cận, mọi sinh hoạt vẫn còn mang đậm tính cách của một xã hội thuần Việt. Ngôn ngữ tiếp xúc là tiếng Việt, công việc làm ăn mua bán đa số cũng theo lối người Việt là thích sử dụng tiền mặt cho tiện lợi. Do đó mà một số ngành nghề thường tuyển nhân viên trả lương công nhật. Tuy thấp nhưng là lợi tức ròng, cũng tính theo giờ nhưng làm bao nhiêu giờ lãnh bấy nhiêu tiền, không có trừ cấn khoản nào hết. Đến cuối năm khai thuế sẽ nhận được tiền bồi hoàn (tax refund) ít hay nhiều tùy theo điều kiện gia cảnh.
Thứ hai là tìm công việc gì dễ dàng và ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp như phụ giúp cho các công ty xây cất, dịch vụ sửa chữa tư nhân, trợ giúp các văn phòng dịch vụ đủ loại. Hoặc dự tuyển vào làm lao công trường học hay bệnh viện không đòi hỏi khả năng học vấn hay lưu loát Anh ngữ mà lại được hưởng đầy đủ quyền lợi của người đi làm ở Mỹ. Ngoài ra, xin đi làm công nhân lao động phổ thông cũng tương đối dễ kiếm. Còn về trợ cấp xã hội thì tùy theo từng tiểu bang mà sự trợ giúp của chính phủ trong giai đoạn đầu mới định cư có thể khác nhau. Tiểu bang California có chương trình trợ cấp xã hội rất tốt và đầy đủ.
Theo đúng chương trình trợ cấp học nghề, tôi theo một anh bạn hàng xóm người Việt mới quen, qua đây từ năm 1975 hướng dẫn lên trường học nghề mà anh đã từng học trước đây khi mới qua Mỹ, trường ATC (Associate Technology College) ở thành phố Anaheim. Trường chỉ dạy hai nghề là điện thoại và vi tính. Nghĩ là có thể học được và nhẹ nhàng hơn, tôi chọn ngành vi tính.
Hôm đầu tiên đến trường cũng hơi lúng túng vì không quen với sinh hoạt của trường ở Mỹ, phần khác vì lâu lắm rồi có trên 20 năm tôi đã thôi học. Đọc thì hiểu nhưng nghe và nói còn ngờ nghệch. Được mấy hôm lại muốn thôi, định đi xuống khu người Việt kiếm việc làm “chui” lãnh tiền mặt.
May thay, lúc đó có một người Việt duy nhất đang là nhân viên của trường chuyên trách “tuyển sinh” đi ngang qua lớp, thấy có sinh viên người Việt nên đến giờ giải lao ra ngoài hiên hút thuốc, ông la cà đến làm quen và hỏi thăm trò chuyện phiếm. Tự nhiên ông có cảm tình, dĩ nhiên ông cũng đoán ra là tôi mới qua Mỹ theo diện HO và khi hỏi chuyện lại biết trước đây tôi tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh (QGHC) ông bèn hỏi:
– Anh có biết ông Hoàng Đình Giang không?
– Thưa tôi có biết. Ông ấy là Chánh sở Nhân viên, Bộ Nội vụ VNCH.
– Tôi là Kỹ sư Hoàng Đình Khôi, em ruột của ông ấy.
Khi nghe tôi nói muốn nghỉ học để đi kiếm việc làm ngay. Bác Khôi bảo hãy cố gắng đi học khoảng vài tuần nữa rồi bác sẽ giúp cho có việc làm tại trường, từ từ rồi cũng sẽ quen dần và học được. Quả thật, chỉ mới được hơn một tuần bác gọi tôi lên văn phòng lập thủ tục phỏng vấn đi làm bán thời gian vào buổi chiều và dời lớp học vào ban đêm. Công việc cũng dễ dàng chỉ có mỗi một việc là tắt, mở toàn bộ hệ thống các máy vi tính trong lớp thực tập. Tan lớp dọn vệ sinh, nếu có cà phê hay nước uống đổ tháo trên bàn hay dưới sàn nhà. Vậy thôi. Lương trả cao hơn gấp rưỡi so với sinh viên thực tập (work study).
Ban đầu thật sự là tôi thấy rất khó trong việc học. Trước đây lúc còn trẻ đang độ tuổi còn đi học tôi cũng có nghe nói đến hệ thống điện toán IBM trong các công sở, nhưng chưa bao giờ thấy chứ đừng nói chi đến việc tiếp cận máy. Cho nên đến lúc nầy tuy là ở Mỹ nhưng ngành vi tính cũng vẫn còn mới mẻ, máy móc còn xa lạ đối với người tị nạn mới nhập cư. Màn hình nhỏ đen trắng chỉ thấy toàn là chữ chi chít xếp thành hàng khó nhớ. Lập trình sử dụng trên máy là DOS 6.22 chưa có Windows như sau nầy. Nhưng từ khi làm việc có nhiều cơ hội phụ giúp giảng viên tiếp cận máy nên học hỏi thêm được rất nhiều và ngày càng thêm thích thú.
Bên cạnh đó, bác Khôi giúp đỡ hết lòng, được vài tháng bác đề nghị cho tôi được chuyển sang làm việc ở phòng Lab của trường, phụ trách kiểm soát máy móc thu, phát cho sinh viên đem về thực tập ở lớp. Nghề nghiệp thăng tiến là ở chỗ nầy. Khi thu, phát linh kiện điện tử dùng máy test biết cái nào tốt, cái nào hư thật nhanh vì sinh viên xếp hành chờ rất đông khi bắt đầu cũng như khi tan lớp. Thời giờ còn lại là sửa chữa các linh kiện vi tính kể cả màn hình với các kỹ sư hay nhân viên kỹ thuật lành nghề trong trường.
Sau gần 9 tháng ra trường, nhờ làm việc ở phòng Lab nên rất chuyên nghiệp và cũng chính nhờ bác Khôi đề nghị tuyển dụng ở lại trường để tiếp tục làm việc ở phòng Lab chính thức. Lương bổng ổn định, công việc quen hằng ngày tương đối dễ dàng. Chữ nghĩa, giao tiếp cũng bắt đầu trôi chảy và càng ngày càng thích ngành vi tính hơn nên tôi quyết định ghi danh theo học buổi tối ở trường gần nhà, Long Beach City College.
Từ khi đặt chân lên đất Mỹ tôi chỉ tham gia hoạt động trong hội Quốc Gia Hành Chánh và hội Đồng hương là chính. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng có tham dự vào các sự kiện hay lễ hội được tổ chức trong cộng đồng người Việt tại địa phương. Hằng tuần đi lễ và sinh hoạt trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở nhà thờ Saint Lucy, Long Beach.
Sau khi đứa con gái thứ hai sinh ở Mỹ được 5 tuổi, nhà tôi không còn lãnh đồ về nhà may nữa vì bận rộn đưa, rước hai đứa đi học ở hai trường khác nhau và công chuyện nhà bề bộn choán hết thời giờ. Một thời gian sau, nhà tôi có một người bạn quen hướng dẫn theo học hai buổi do thành phố Long Beach tổ chức để lấy chứng chỉ chăm sóc trẻ em tại nhà. Từ đó nhà tôi lãnh chăm sóc cho mấy đứa cháu họ ban ngày, tiền thù lao cũng góp phần ổn định cho thu nhập gia đình.
Dần dà rồi cũng tới, tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng và chuyển lên Đại học Long Beach (California State University, Long Beach.) Lúc bấy giờ ngành vi tính phát triển rất mạnh, nhất là kể từ khi có hệ điều hành Windows 95. Ông giám đốc trường dạy nghề ATC rời trường chuyển qua kinh doanh bằng cách mua lại một hãng vi tính ở thành phố Anaheim. Môt hôm tình cờ ông về lại trường cũ có một ít công việc, sẵn dịp ông đi quanh thăm các phòng, ban trong trường. Khi ra đến phòng Lab thấy tôi vẫn còn làm việc ở đó, sau khi chuyện trò xã giao, ông hỏi tôi:
– Anh còn tiếp tục đi học không?
– Thưa vâng. Tôi vẫn đang theo học ở Cal State Long Beach.
– Anh theo học ngành gì?
– Ngành Computer Science.
Vậy thôi. Không có gì thêm. Thế nhưng, một tuần lễ sau từ văn phòng giám đốc công ty VPC Computers ông gọi điện thoại cho tôi làm một cuộc hẹn tại văn phòng. Tôi có hỏi ý kiến của bác Khôi, bác chuẩn bị lên làm giảng viên chính thức của trường và đang đề bạt tôi sẽ thế chân bác trong văn phòng tuyển sinh. Bác bảo:
– Đi ngay.
Tôi còn đang lưỡng lự, vì dù sao công việc ở trường học tuy lương bổng không cao lắm nhưng ổn định. Cứ như thế nầy trước cái đã và chưa biết đường nào tốt hơn. Bác Khôi bảo:
– Tau xem tử vi của mi “Thái Dương tọa Thiên Di” đắc địa nên mi luôn sống và làm việc gần Mặt trời. Ra đời đi xa là có quới nhân giúp đỡ.
Tôi đến văn phòng công ty đúng hẹn và ông giám đốc chỉ thăm hỏi xã giao theo như thường lệ. Không có phỏng vấn hay hỏi han gì về nghề nghiệp mà chuyển ngay xuống phòng tuyển dụng để biết thêm chi tiết giấy tờ cần nộp và chinh thức đi làm trong tuần tới. Không có huấn luyện hay thử tay nghề gì cả.
Sau đó tôi bắt đầu nhận việc ở phòng kỹ thuật của công ty, chuyên lắp ráp hệ thống máy chủ (server builder) và phục hồi dữ liệu (data recovery). Được vài tuần, kỹ sư trưởng phòng đề nghị tôi theo học các lớp thi lấy các chứng chỉ hệ điều hành (Microsoft) và phần mềm chuyên môn (Software App) cũng ở trường Đại học Long Beach. Vừa học vừa làm công việc rất ổn định và thú vị. Lương bổng tăng dần với đầy đủ quyền lợi dành cho người đi làm nên tôi quyết định mua nhà ở Long Beach.
Lúc bấy giờ kể từ khi bắt đầu có hệ điều hành Windows XP thì ngành vi tính phát triển trở nên thông dụng, máy tính cá nhân là nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong mọi sinh hoạt xã hội. Mạng lưới Internet bao phủ toàn cầu. Công ty bắt đầu phát triển mua bán và cài đặt phần mềm (software) cho khách hàng. Tôi lại phải tiếp tục ghi danh học thêm về Networking và Web trong các lớp học buổi tối, có hôm về tới nhà gần 10 giờ đêm.
Dần dà mọi việc đều ổn định, đứa con gái lớn học hành tấn tới, thắng giải học bổng toàn phần Bill Gates và đi New York theo học ngành Dược. Đứa nhỏ học rất giỏi và rất chịu khó phụ giúp mẹ công việc nhà. Sinh hoạt gia đình tương đối đi vào nề nếp, tôi đỡ bận tâm và bắt đầu dành hết thì giờ cuối tuần để tham gia vào các hoạt động xã hội cùng với anh em trong các tổ chức mà mình thuộc về trước đây. Thật ra, từ lúc sang Mỹ đến giờ tôi vẫn sinh hoạt chung với anh em nhưng mức độ đóng góp còn rất khiêm nhường, chỉ chủ yếu là góp tiền để giúp đỡ những người cần được giúp đỡ còn ở lại Việt Nam.
Tôi bắt đầu tham gia đứng tên bảo trợ trong vùng Long Beach cho người Việt đi định cư theo diện tỵ nạn đến Hoa Kỳ cần có người hướng dẫn lập thủ tục cần thiết để được hưởng các quyền lợi căn bản ban đầu, y hệt như hồi tôi mới sang Mỹ. Đưa đón, giúp đỡ thuê nhà chung cư và nạp đơn xin trợ cấp của chính phủ. Đa số thuộc chương trình HO qua trễ. Trước hết, họ ở tạm nhà tôi trước khi ra mướn nhà riêng, tôi cũng theo tiền lệ rất tốt là “free” tất cả trong tháng đầu tiên. Mọi việc đều diễn tiến tốt đẹp mãi cho đến khi chương trình HO chấm dứt.
Vui nhiều và cảm thấy rất hào hứng khi làm công việc thực tiễn nầy. Có lần tôi bảo trợ cho gia đình một anh bạn gốc hạ sĩ quan Quân cảnh ở cùng quê Cai Lậy trước đây. Trong lúc chờ đợi hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh, anh em có liên lạc thư từ, điện thoại thường xuyên. Anh ta gần như cả đời chôn chặt ở miền quê Cai Lậy, nay quyết định bỏ tất cả để đi Mỹ nên có rất nhiều câu hỏi liên quan đến đời sống và sinh hoạt ở một đất nước xa lạ, khác màu da và tiếng nói.
Nói chung là lo sợ với tình hình gia đình một vợ ba con chưa tới tuổi trưởng thành liệu có sống nổi hay không? Rồi còn về đất đai, thổ nhưỡng có khắc nghiệt lắm không? Ra đi nên mang theo những thứ gì?…v…v… Tôi thường trả lời chung chung là thời tiết, khí hậu ở đây cũng gần giống như ở Sài Gòn nhưng mát hơn vì có gió biển thổi vào. Tóm lại không cần mang theo những thứ không cần thiết, bên nầy có đủ thứ hết “không nên chở củi về rừng”. Ra đi cho gọn nhẹ, an toàn là được.
Khi sang tới Mỹ, cũng như bao gia đình khác tôi rước về nhà và phải mất gần hai tuần lễ chở đi làm các thủ tục giấy tờ định cư. Chưa xong thì anh lại đổi ý. Một buổi sáng anh hỏi tôi xem có quán cà phê nào ở gần nhà không. Tôi nói:
– Có quán cà phê bán kèm bánh ngọt (donut) ở cách nhà khoảng chừng 10 phút đi bộ.
Chúng tôi ra đó, cà phê rẻ 80 cent một ly, đường, cream lấy pha tự do. Sau khi tìm một góc bàn nhỏ nhìn ra đường xe cộ qua lại đông vui, anh bắt đầu hơi lúng túng nói với tôi rằng anh muốn cùng với gia đình chuyển xuống quận Cam, khu người Việt và đã liên lạc được với một vị mục sư Hội thánh Tin Lành ở dưới đó bảo trợ. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Sao vậy?
Anh trình bày rằng nghe nhiều người quen bảo rằng ở dưới đó đông người Việt dễ làm ăn và sinh hoạt cũng thuận tiện hơn cho những người Việt chân ướt, chân ráo mới qua Mỹ như gia đình anh. Tôi im lặng chưa kịp nghĩ xem có điều gì làm anh buồn hay lấn cấn không thì đột nhiên anh hơi nhỏ giọng vừa đủ nghe rồi nhìn thẳng vào mặt tôi nói:
– Sao tới nay anh vẫn chưa nói gì về số “tiền lương truy lãnh” của gia đình tôi?
Tôi như người từ trên trời rớt xuống:
– Tiền lương gì?
Anh kể rằng hồi mấy năm còn ở Việt Nam chờ đi Mỹ có nghe nhiều người đồn đại rằng những người thuộc chế độ cũ khi sang đây theo diện HO sẽ được chính phủ Mỹ trả tiền lương truy lãnh trong 10 năm kể từ sau ngày 30 tháng 4. Tôi còn chưa kịp nói điều gì, anh mạnh dạn nói tiếp:
– Hầu như mọi người đi HO sang đây chưa đi làm một ngày nào mà cũng được lãnh tiền, mỗi tháng cả ngàn đôla gởi về ngay cho gia đình hay người thân còn ở lại Việt Nam.
Chẳng những thế họ còn gởi kèm theo rất nhiều quà cáp có trị giá tương đương với lương bổng. Thậm chí có người còn nói rằng họ sẽ được lãnh tiền như thế đến suốt đời. Thế nếu không phải tiền lương truy lãnh thì là tiền gì?
Tôi không thể giải thích chi tiết ngay cho anh hiểu mà chỉ nói đó là trợ cấp xã hội cho người định cư theo diện nhân đạo. Chứ không phải lương, tiền gì cả. Trường hợp của anh cũng có thể được lãnh tiền trợ cấp sáu tháng ban đầu, đầy đủ tiền mặt và trợ cấp tiền thực phẩm khoảng gần một ngàn đôla hàng tháng. Sau đó, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, nếu có đi làm lợi tức thấp thì anh cũng sẽ được lãnh thêm trợ cấp tiền thuê nhà, bảo hiểm sức khỏe và trợ cấp cho gia đình có con nhỏ cho đến khi đứa nhỏ nhất trên 18 tuổi.
Sau khi nghe tôi trình bày đại khái như thế anh có vẻ hiểu ra nhưng còn hơi mơ hồ:
– Có thật vậy không?
– Thật…
Thế rồi một năm sau, từ Little Saigon anh đến thăm và chúc Tết gia đình tôi. Mọi việc đều ổn định, gia đình anh sống rất hạnh phúc. Trong lúc hào hứng anh còn nói thêm, hiện nay gia đình anh được chính phủ trợ giúp còn nhiều hơn là tiền lương truy lãnh mà anh đã nghe đồn đại trước đây. Con cái đều được đi học đàng hoàng, được phục vụ ăn trưa miễn phí và không phải trả bất cứ một khoản tiền nào.
Anh chọn một cuộc sống bình thường, không có đi học lại nên xin đi làm công nhân cho một hãng bánh bột bắp, vợ anh sau khi học xong một khóa mấy tháng, thi đậu ra trường đi làm tóc và móng tay. Đời sống gia đình tương đối đầy đủ, còn về tinh thần thì tự do thoải mái không hề bị chính quyền sách nhiễu hay gây khó khăn vô cớ. Anh nói:
– Đất Mỹ đúng là nơi “đất lành chim đậu.”
Tôi cũng thầm nghĩ như vậy. Thật là may mắn.
Ngoài kia gió xuân đang về, nghe thoảng đâu đây giọng ca quen thuộc “xuân nầy con không về” nhè nhẹ lan xa…