‘Chân trời tím’, bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam

Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
‘Chân trời tím’, bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam
Loading
/

Truyền thông trong nước liên tục viết về doanh thu “cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam” với những phim Bố già Nhà bà Nữ của Trấn Thành và gần đây là Lật mặt 6 của Lý Hải. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phước Châu, Chân trời tím mới thật sự là bộ phim đạt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam tính đến nay. Trong bài viết mới đây, đạo diễn Phước Châu cho biết…

Tổng kinh phí sản xuất bộ phim này là 14 triệu đồng – một số tiền rất lớn ở thời điểm đó; và phim đã thu về 94 triệu đồng doanh thu phòng vé, nghĩa là lời gấp gần bảy lần so với số vốn bỏ ra. 14 triệu đồng bạc VNCH ngày đó tương đương 33 tỷ VNĐ bây giờ; còn nếu tính mức lạm phát từ đó đến nay thì số tiền này tầm khoảng 1.600 tỷ VNĐ – hơn rất nhiều so với khoảng 400 tỷ của Bố già, hơn 500 tỷ của Nhà bà Nữ; và khoảng 200 tỷ của Lật mặt 6 (tính từ ngày khởi chiếu 28 Tháng Tư đến nay). Theo tỉ giá năm 1971 thì 1 USD ăn 277 đồng VNCH. Vàng lúc đó là 35usd/oz. Vị chi mức chi phí làm phim này hồi ấy là khoảng 50kg vàng.

Được quay ròng rã ba tháng trời, với 100 xe tăng, 45 máy bay trực thăng, 300 xe cơ giới đủ loại, 600 diễn viên chính phụ…, Chân trời tím thuộc thể loại lãng mạn-sử thi chiến tranh, do đạo diễn Lê Hoàng Hoa biên dựng, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên ấn hành năm 1964 của tác giả Văn Quang. Bộ phim được ra mắt lần đầu vào năm 1971 tại Sài Gòn, sau đó đã bị thất lạc hơn bốn thập niên mới được tìm lại. Một bản 35mm của bộ phim vẫn còn sót lại trong thư khố của xưởng phim Nhật Bản Imagica Lab. Sau đó, bản này đã được phục chế bằng công nghệ số bởi một hậu duệ của Mỹ Vân Phim và bản mới đã được trình chiếu lần đầu tiên tại Canada vào ngày 11 Tháng Sáu 2016.

Lúc ban đầu, chủ của tờ Kịch Ảnh, ông Quốc Phong đã có ý định chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Vân Quang thành phim, nhưng vì không muốn biến nó trở thành một bộ phim thị trường hời hợt nên ý định đã bị dập tắt. Sau đó chờ đợi đầu tư một số vốn thật lớn cùng với bối cảnh và nội dung để biến nó trở thành một bộ phim kinh điển. Hiển nhiên điều đó không hề dễ dàng.

Chân trời tím thoạt đầu có mức kinh phí thực hiện lên đến 14 triệu đồng – là con số rất lớn thời bấy giờ, và tất nhiên, không có một hãng phim riêng lẽ nào đủ sức gồng gánh nên hãng Mỹ Vân Phim đã phải kêu gọi sáu hãng phim khác hợp tác thực hiện. Liên doanh bảy hãng đó lấy tên chung là Liên Ảnh film (gọi tắt của Liên Hiệp Điện Ảnh Việt Nam). Bộ phim quy tụ rất nhiều diễn viên nổi tiếng của miền Nam Việt Nam thời điểm đó như Hùng Cường, Kim Vui, Bảo Ân, Mộng Tuyền, Ngọc Đức, Ngọc Phu, Tùng Lâm, Khả Năng, Xuân Phát, Bà Năm Sa Đéc…

Phim không chỉ thành công về mặt doanh thu mà còn đạt được giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1971 của phủ Tổng thống. Minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đã chia sẻ rằng: “Bộ phim quay xong là một thành công lớn, được khắp các báo Sài Gòn ca ngợi. Phim được giải Tổng thống năm 1971. Đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng Nữ diễn viên xuất sắc, trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.”

Chân trời tím là một bộ phim Việt Nam nhưng có thêm phần phụ đề Pháp ngữ, bản đầu tiên đã được gửi đi trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh ở Dianard (Anh Quốc) năm 1971. Trong cùng thời điểm đó, bộ phim cũng được mời tham gia Liên hoan phim Á châu tổ chức tại Đài Bắc và đạt giải nhất về nghệ thuật (Best Artistic Expression Award from the Asian Film Festival).

Hùng Cường trong “Chân trời tím”

Bối cảnh xã hội trong phim Chân trời tím:

Đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nền Đệ nhất và Đệ nhị cộng hòa thời VNCH, trong đó đỉnh điểm là cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Không gian là vài cảnh chiến trường chủ yếu tại miền Nam thời bấy giờ, ngoại cảnh chính yếu là thủ đô Sài Gòn và cảnh quan biển ở Vũng Tàu. Phim huy động được cả sự hỗ trợ của quân lực, cảnh trận đánh tại một tiền đồn miền duyên hải đã có sự tham dự của không quân, bộ binh và thiết giáp thật, cùng một màn hành quân trực thăng vận công phu.

Bầu không khí Sài Gòn bấy giờ sôi sục từng ngày với những cuộc xuống đường, biểu tình của sinh viên, Phật tử. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng sau sự kiện nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ngay giữa trung tâm đô thành Sài Gòn. Một số tướng lĩnh do Trung tướng Dương Văn Minh đứng đầu quyết định đảo chính Tổng thống. Chiến xa và những đoàn quân hùng hậu được các tướng phe đảo chính đưa về bao vây và tấn công Dinh Độc Lập. Khi cuộc đảo chính ngày 1 Tháng Mười Một 1963 xảy ra, Phủ Tổng thống phát lệnh khẩn điều động những đơn vị trung thành tức tốc về bảo vệ dinh, trấn áp lực lượng đảo chính.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả dõi theo cuộc hành trình của hai số phận: Một người là ca sĩ, một người là quân nhân giữa thời binh lửa, đặt để trong bối cảnh chính biến đẫm máu của lịch sử. Họ yêu nhau, nhưng trời cao lại bắt họ trải qua không ít sóng gió nên cuộc tình chẳng mấy tươi sáng…

Theo lời danh ca Hùng Cường, bức ảnh ghi lại cảnh ông và bạn diễn Kim Vui nằm hôn nhau ngoài bãi biển Vũng Tàu trong phim Chân trời tím đã bị chính quyền cộng sản phóng to và trưng bày ở cửa vào khu triển lãm “Tội ác Mỹ-Ngụy” bỉ bôi “văn hóa đồi trụy” của phim ảnh Sài Gòn cũ.

Chân trời tím chứa nhiều giá trị to lớn, cả về tư liệu lẫn ý nghĩa lịch sử: Nội dung tổng quát của bộ phim đã ghi nhận lại phần nào những diễn biến thời sự – xã hội, khái quát những giai đoạn liền trước và sau biến cố đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1963. Bên cạnh đó, bộ phim còn mang đến những thước ảnh quý về ánh nhìn văn hóa, nếp sống, sinh hoạt, cảnh vật, trang phục, tính tình con người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Tất cả đều đậm giá trị nhân văn khi được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Văn Quang.

Ý tưởng để thực hiện là đưa nội dung cuốn tiểu thuyết Chân trời tím của nhà văn Văn Quang lên màn bạc, nhưng yêu cầu không phải là một sản phẩm mì ăn liền mà phải là một bộ phim mang tầm vóc kinh điển. Không hãng phim riêng lẻ nào đủ sức gồng chi phí làm phim dự kiến sẽ rất lớn lao, nên việc huy động lập liên doanh chung vốn được sáng kiến và đồng thuận sau thời gian ngắn bàn bạc.

Trọng trách đạo diễn cuốn phim được nhắm cho ông Lê Hoàng Hoa, một tên tuổi hàng đầu trong làng điện ảnh VNCH thời ấy, còn hai vai chính nam nữ sẽ mời Hùng Cường và Kim Vui, hai ca sĩ thanh sắc vẹn toàn bấy giờ. Bên cạnh đó, Liên Ảnh còn tính toán chu đáo đến từng chi tiết, khi mời hầu hết gương mặt nghệ sĩ nào có tiếng tăm tại Sài Gòn vào các vai phụ để đảm bảo sức thu hút khán giả diện rộng và đạt mức doanh thu lớn nhất có thể. Ngoài ra, còn là sự kỹ lưỡng đến cả phần viết lời đối thoại khi Liên hiệp phim mời chính nhà văn Văn Quang cùng Mai Thảo, một nhà văn khác biên thoại. Hai tác phẩm Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy và Người đi qua đời tôi của Phạm Đình Chương đã được dự kiến làm nhạc nền cho cuốn phim, sau còn có cả Trần Thiện Thanh soạn thêm bài Chân trời tím bám sát nội dung câu chuyện phim.

__________

Xem ra điện ảnh Việt thời nay vẫn chưa thể theo kịp gót chân của Liên Ảnh năm xưa, về đường hướng và cách thức làm phim kiểu hùn hạp lớn tầm. Nghe nói là gần đây có một dự án phim điện ảnh Việt (về trùm tình báo cộng sản Phạm Xuân Ẩn) cũng ôm mộng lớn tầm, với mức ngân sách làm phim dự trù là phải tầm $10 triệu (USD) thì mới có thể thực hiện. Phim Việt chiếu rạp có mức đầu tư lớn hiện tại ở Việt Nam chỉ vào khoảng $2 triệu là hết nấc. Tuy nhiên, đề tài phim này là điều khiến tôi cảm thấy bất an, do thiếu lòng tin về khả năng nhìn nhận thẳng thắn của những người làm phim đối với bối cảnh và nhân vật liên quan – về “nhà báo” Phạm Xuân Ẩn, một trùm tình báo mà Bắc Việt cài cắm nằm vùng ở miền Nam thời VNCH. Phim dự kiến được thực hiện bởi đạo diễn Charlie Nguyễn.

Với bối cảnh diện rộng không kém Chân trời tím, nếu kể chuyện “một chiều” (trong tình cảnh kiểm duyệt có khuynh hướng “tô hồng bôi đen” này nọ) thì dự án này có nguy cơ lập lại vết-xe-đổ của bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vốn dĩ cũng có lối kể chuyện “một chiều” kiểu văn công binh vận thời chiến.

Nếu bộ phim về Phạm Xuân Ẩn cũng “nhìn” kiểu vậy chắc chắn sẽ mất đi một lượng lớn khán giả miền Nam ngày cũ, trong khi doanh thu phòng vé phim Việt hiện nay thì miền Nam luôn chiếm lĩnh ¾. Kinh phí lớn thì nhất thiết “đầu ra” phải mở băng thông rộng mới hy vọng giải quyết được bài toán bế tắc từ bấy lâu nay của điện ảnh Việt về những dự án phim lớn (blockbuster). Giới đầu tư điện ảnh không thiếu tiền cho phim Việt “bom tấn”, nhưng khó thể bỏ tiền cho cái kiểu hệ tư duy “gà què ăn quẩn cối xay” hoặc loại phim “cúng cụ” được thực hiện chỉ để tuyên truyền hoặc làm vừa lòng chế độ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: