Làm phim về những nhân vật có thật bao giờ cũng khó, làm phim về những nghệ sĩ nổi tiếng – bất kể là nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên điện ảnh, sân khấu… càng khó hơn. Thứ nhất là phải chịu sự phán xét của quần chúng nói chung và khối lượng fan đông đảo nói riêng, của người nghệ sĩ ấy. Ngay trên thế giới, hiếm có bộ phim nào làm về một nghệ sĩ nổi tiếng mà đạt được sự hài lòng, thỏa mãn của dư luận cả.
Thứ hai, nghệ sĩ thì cũng là những con người, và đã là con người thì khó mà hoàn hảo, cũng có những thói hư tật xấu, những điểm yếu điểm mạnh, góc sáng góc tối như mọi con người bình thường khác, lắm khi còn nhiều thói tật hơn, nhiều góc khuất hơn.
Chính vì vậy, có những người từng nói nếu yêu tác phẩm của một nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ nào đó thì cứ đứng xa mà thưởng thức tác phẩm của họ, đừng tìm hiểu sâu về cuộc đời của họ để khỏi thất vọng, càng không nên đi xem những bộ phim làm về họ làm gì, vì hình ảnh, hình tượng về người nghệ sĩ sau khi được diễn giải qua lăng kính của biên kịch, đạo diễn, lại được “sáng tạo” lần nữa bởi người diễn viên, liệu có còn bao nhiêu phần trăm là chân thực?
Mới đây, các nhà sản xuất phim ở Việt Nam đã cho ra rạp tới hai bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là “Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”, cùng một đạo diễn và có chung dàn diễn viên. Như thông tin từ báo chí, “Hai phim vốn là một trên kịch bản và trong quá trình quay, nhưng khác biệt ở khâu hậu kỳ. “Em và Trịnh” có thời lượng 135 phút, hay được gọi là bản dài. Trịnh Công Sơn với thời lượng 96 phút, thường được gọi là bản ngắn”.
Sau một tuần ra rạp, phim “Trịnh Công Sơn” dừng chiếu, còn phim “Em và Trịnh” tiếp tục phục vụ khán giả. Và cả hai phim đều nhận về những luồng dư luận trái chiều.
Người khen thì khen bốc tận mây xanh-thường là khán giả trẻ, thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn và một số người miền Bắc, thích “nhạc Trịnh”, thích “văn Trịnh” qua những lá thơ nhạc sĩ viết cho người yêu Dao Ánh, nhưng không hiểu về môi trường, bối cảnh, hoàn cảnh cũng như con người phức tạp của Trịnh Công Sơn. Người chê, thường là những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975, ít nhiều biết về nhạc sĩ ngoài những bài hát, và cũng chê đến mức không còn gì để nói.
Không có gì lạ. Ngoài thách thức chung của việc làm phim về người nghệ sĩ nổi tiếng như vừa nói ở trên, thì những người làm phim về Trịnh Công Sơn còn gặp thêm một thách thức khác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Duy, thiền sư Thích Nhất Hạnh hay một số nhân vật khác của miền Nam, là những con người gây tranh cãi về quan điểm, thái độ chính trị. Nếu muốn làm phim về họ phải tìm hiểu kỹ, khách quan, đa chiều và phải dũng cảm đặt sự trung thực lên trên hết.
Với một môi trường làm phim như ở Việt Nam làm sao làm được điều này? Làm sao thể hiện khách quan về chế độ VNCH, về cuộc sống và những con người dưới chế độ ấy? Làm sao thể hiện được toàn bộ bối cảnh lịch sử phức tạp giai đoạn đó, sự tàn bạo của cuộc chiến không chỉ nằm ở một bên, sự kiện Mậu Thân 1968 với tội ác kinh hoàng của Việt Cộng là cơ sở để cho ra đời hàng loạt bài hát như “Hát trên những xác người”, “Bài ca dành cho những xác người”, “Ngày dài trên quê hương”…? Và sự phức tạp, nghiêng ngả, ngộ nhận về chính trị, những ảo tưởng, sai lầm trong giai đoạn này nhưng lại yếu đuối, “tiến thoái lưỡng nan”, tự quay lưng lại với hiện thực xã hội trong giai đoạn khác, ở người nghệ sĩ?
Có người cho rằng hãy chỉ làm phim về khía cạnh âm nhạc của nhạc sĩ, đừng bàn về khía cạnh khác. Nhưng nếu nói về Trịnh Công Sơn thì không thể chỉ nói về âm nhạc, và ngay cả âm nhạc thì Trịnh Công Sơn cũng không chỉ sáng tác tình ca mà còn nổi tiếng hơn ở dòng nhạc phản chiến. Trong những tháng năm mà mỗi ngày mở mắt ra là nhìn thấy bom rơi đạn nổ, thịt nát xương tan, chia ly tử biệt, trừ những “thợ” hát, “thợ” vẽ, “thợ” làm nhạc, có người nghệ sĩ đúng nghĩa nào lại không có những suy tư, trăn trở về thời cuộc, xã hội, thân phận con người, vận mệnh đất nước? Cho nên nếu chỉ đánh giá Trịnh Công Sơn ở góc độ âm nhạc thôi thì cũng phải nói đến quan điểm, tư tưởng của dòng nhạc phản chiến.
Không chỉ có thế, Trịnh Công Sơn là một nhân vật văn hóa, lịch sử, sinh ra trong một bối cảnh lịch sử-chính trị cụ thể của miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, nên không thể tách rời Trịnh Công Sơn khỏi cái bối cảnh đó, cũng như những lời Trịnh Công Sơn nói, những việc Trịnh Công Sơn làm ở góc độ nhân vật lịch sử. Và điều này là hoàn toàn bất khả trong một chế độ độc tài toàn trị như ở Việt Nam. Bao nhiêu nhân vật lịch sử cận hiện đại như các vua nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh… đều bị bóp méo, và cả cuộc chiến Việt Nam là bị viết lại hoàn toàn dưới quan điểm của nhà nước cộng sản thì làm sao mà thể hiện Trịnh Công Sơn cho trung thực?
Những người làm phim, do vậy, chỉ còn chọn lựa hoặc né tránh sự thật lịch sử hoặc thể hiện theo cái nhìn đã được “giáo dục” bao nhiêu năm, còn về con người nhạc sĩ, khi không thể xây dựng một cách trung thực, đa chiều thì đành chuyển qua khai thác khía cạnh tình cảm và ở đây, như nhiều người đã chỉ ra, những người làm phim cũng lại hạ thấp con người Trịnh Công Sơn trong tình yêu, khi thể hiện Trịnh Công Sơn cứ hết đuổi theo cô này lại si mê cô khác, sống chỉ để đuổi theo gái, kể cả những “chuyện tình” mà từ lâu người trong cuộc đã đính chính là tình người, tình tri kỷ, tình nghệ sĩ, tình anh em-thầy trò chứ không phải là tình yêu trai gái.
Nếu những người làm phim đáng trách một vì không đủ kiến thức, hiểu biết, không đủ dũng cảm mà vẫn lao vào làm phim về Trịnh Công Sơn; thì gia đình Trịnh Công Sơn còn đáng trách hơn nhiều lần vì đã đồng ý để người ta làm phim về người đã khuất như thế. Một bộ phim trung thực về Trịnh Công Sơn, nếu chưa làm được bây giờ thì đợi đến ngày có thể làm được, đâu có gì phải vội vã. Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau…