Ngược dòng thời gian gần 80 năm về trước, ngày 6 Tháng Sáu 1944, khi màn đêm còn bao trùm lên khắp vùng Normandy ở miền Tây Bắc nước Pháp thì lính dù Mỹ, Anh đã lao mình ra khỏi những chiếc vận tải cơ AC-47 Skytrain (tức loại máy bay cánh quạt mà người Sài Gòn trước quen gọi là DC-3) ào xuống.
Và khi Mặt trời vừa ló dạng thì quân Đồng Minh đã đổ bộ từ những “tàu há mồm”. Cuộc chiến giải phóng châu Âu khỏi sự xâm lược của Đức Quốc Xã bắt đầu.
Đến khi Normandy hoàn toàn sạch vắng bóng lính Đức, tính vào ngày 21 Tháng Tám 1944, riêng thiệt hại của quân Đồng minh đã lên đến trên 226,000 lính tử vong và bị thương. Thiệt hại của quân Đức còn cao hơn – 240,000 người chết và bị thương; cùng 200,000 tù binh. Việc đếm xác của cả hai bên thật đáng sợ.
Chiến trường Normandy vào mùa hè 1944 đã trở thành đề tài của nhiều phim, nổi bật nhất, hấp dẫn nhất là The Longest Day vào năm 1962 với dàn diễn viên hùng hậu (và ca khúc hào hùng cùng tên, một sáng tác của Paul Anka, đã lưu vào trí nhớ của hàng triệu triệu người). Bộ phim cũng đáng nhắc nữa là Saving Private Ryan của Steven Spielberg khởi chiếu năm 1998.
Thời gian từ D-Day ở Normandy đến ngày những ngày máu lửa cuối cùng tại Berlin vào Tháng Tư 1945 cũng là đề tài của nhiều phim chiến tranh hấp dẫn khác, có phim bám sát thực tế lịch sử, chẳng hạn như Battleground (1949), A bridge too far (1977), Schindler’s List (1993), Downfall (2004)…
Và cũng không thiếu các phim hoàn toàn hư cấu, điển hình là The Inglourious Basterds của Quentin Tarantino hồi năm 2009. Đây là một phim rất cuốn hút, là bệ phóng cho nam diễn viên Christopher Waltz được vinh dự nhận Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc nhất đồng thời lăng-xê tài tử điển trai Brad Pitt vào quỹ đạo những tay súng oai hùng trong thể loại phim Thế chiến 2 (Brad Pitt còn vào vai lính Mỹ trong Fury năm 2014 và sau đó lại được giao vai chính trong Allied năm 2016, đóng với cô đào Pháp cũng từng đoạt Oscar Marion Cotillard).
Xét về góc độ “đếm xác”, một đề tài được không ít dân ghiền phim ảnh chú tâm theo dõi, thì The Inglourious Basterds thật đáng nể. Có thể đây cũng là một yếu tố khiến cho Peter Thorwarth, một đạo diễn người Đức, tung ra Blood and Gold trên màn ảnh Netflix vào Tháng Năm 2023.
Bối cảnh Blood and Gold diễn ra vào những ngày áp cuối của chiến trường châu Âu, Hitler sắp tự sát và Liên Xô chiếm gần trọn Berlin. Có Heinrich, anh lính Đức đào ngũ (tài tử Robert Masser) vì muốn tìm đứa con gái nhỏ mà anh mới chỉ biết mặt qua ảnh do vợ gửi trước khi bị chết. Và có đám lính SS Đức dưới sự chỉ huy của một tên đồ tể khát máu đeo lon trung tá Von Staffer (diễn bởi Alexander Scheer) truy lùng anh ta nhưng thực ra đang săn tìm khối vàng thỏi của một gia đình người Do Thái chôn giấu trong một ngôi làng. Và có Elsa, cô gái nông thôn Đức bỗng dưng trở thành nạn nhân (diễn bởi Marian Hacke).
Từ đầu đến cuối, khán giả chứng kiến không biết bao nhiêu người bị chết bằng đủ loại vũ khí, từ chiếc xẻng nhọn xúc rơm, thuốc độc cyanide giấu trong chiếc nhẫn, lửa, tường đá đến đạn súng trường trong tay xạ thủ, đạn tiểu liên, trung liên, đại liên trong tay những tên lính SS và có cả khẩu panzerfaust diệt xe tăng! Khán giả nào từng xem Where eagles dare (chiếu năm 1968, do Robert Zemeckis chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Allistair McLean) chắc còn nhớ đây là phim mà tài tử Clint Eastwood được cho là bắn chết nhiều lính Đức nhất. Tuy nhiên, so với Blood and Gold thì Where eagles dare thua xa!
Xem Blood and Gold, không thể không khiến nhớ lại The Inglourious Basterds của Quentin Tarantino. Cả những chi tiết bi mà hài pha bạo lực cũng khiến người xem cảm nhận “hình như đã thấy rồi”. Đó là những khoảnh khắc chớp lên trong cả The Inglourious Basterds lẫn phim cao bồi da trắng giải phóng cho nô lệ da đen Django Unchained cũng do Tarantino bấm máy.