Phim về Đệ nhị Thế chiến đã có rất nhiều. Phim về Holocaust cũng không thiếu và nhiều phim giá trị, mô tả cỗ máy tàn sát diệt chủng mà Quốc xã Đức lập ra trong các trại tập trung-hủy diệt tại Ba Lan, Đức còn lưu mãi trong trí nhớ của người xem, đáng kể nhất có The Schindler’s List; Shoah; The Pianist; Life is Beautiful; Son of Saul; The Boy in the Striped Pyjamas…
Và mới đây lại có thêm một tác phẩm đáng kể, được Giải thưởng lớn và giải FIPRESCI (Fédération Internationale de la Presse Cinématographique) tại Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 76 kết thúc cuối Tháng Năm qua.
Như mọi gia đình khác ở các nước châu Âu, khi mùa Hè đến thường kéo nhau ra bờ sông, bờ suối hóng mát, cắm trại, bơi lội, vui đùa… Gia đình mà camera thu hình cho phim The Zone of Interest cũng vậy. Bố mẹ, các con, bạn bè, người hầu cùng nhau khuấy động cả một sân cỏ sát bên sông. Chiều đến, họ lục tục về nhà, một ngôi nhà hai tầng, khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ. Tối đến, ai nấy về phòng riêng của mình, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ sâu. Cuộc sống thường nhật thật là êm đềm, bình an.
Như nhiều phụ nữ bình thường, người vợ Hedwig (thể hiện bởi diễn viên Đức Sandra Huller) ái ngại với chiếc váy dài của mình quá rộng, thoáng buồn khi nghĩ mình không “đẳng cấp” bằng các bạn đồng trang lứa. Cô ta còn lo ngại hơn khi nghe tin chồng có thể sẽ sớm bị điều về vị trí mới ở nước nhà. Và cô ta hỏi “Khi nào anh lại đưa em đi spa ở Ý?”
Người chồng khoác lên mình cái áo vest. Camera thu hình ở khoảng xa nên chỉ khi tập trung cận cảnh thì khán giả mới sững sờ nhận ra đó là bộ quân phục của sĩ quan quân đội Đức thời Đệ nhị Thế chiến. Xem kỹ hơn mới nhận ra rằng phía sau ngôi nhà là hàng rào kẽm gai, xa hơn nữa thì là ống khói cao tít lúc nào cũng xả ra luồng khói đen kịt, dày đặc.
Thì ra, người chồng, Rudolph Hoss (diễn bởi Christian Friedel) là viên sĩ quan SS chỉ huy trại tập trung, tàn sát khét tiếng Auschwitz mà Adolf Hitler, Heinrich Himmler đã dựng lên tại Ba Lan từ năm 1940 để thực thi cuộc diệt chủng Do Thái – một chiến dịch quy mô, kéo dài mà chúng gọi là “Giải pháp cuối cùng”!
The Zone of Interest là phim mới nhất sau 10 năm im hơi lặng tiếng và chỉ là phim thứ tư trong sự nghiệp của đạo diễn Jonathan Glazer. Ít nhưng chất lượng, phim nào của nghệ sĩ người Anh Glazer (sinh tại London năm 1965) cũng giá trị, từ Sexy Beast năm 2000 với tài tử gạo cội Ben Kingsley rồi Birth năm 2004 với cô đào từng đoạt Oscar Nicoke Kidman đến Under the Skin hồi năm 2013 với diễn xuất chính của nữ minh tinh tài hoa Scarlett Johansson. Giới phê bình tụ họp xem và chấm điểm những tác phẩm điện ảnh quốc tế được chọn lọc dự tranh giải Cành cọ Vàng Cannes 2023 đã định nghĩa The Zone of Interest là một phim kinh dị ám ảnh người xem một cách rất bất thường.
Vì còn gì đáng sợ hơn khi chứng kiến những hình ảnh của một cặp vợ chồng cố gắng làm thật tốt phần việc của mình, luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình để có được cuộc sống lý tưởng, hy vọng các con sau này được nên người trong một xã hội hoàn hảo… Và họ sống như thế, ngày qua ngày ngay sát bên trại tàn sát tập thể, sát bên lò thiêu người! Rất hãnh diện vì vườn hoa xinh tươi quanh nhà, Hedwig dẫn mẹ đi tham quan, chỉ vào bức tường gạch đỏ mà nói, “Phía sau là bọn Do Thái! Tụi con sẽ trồng thêm nhiều gốc nho cho nó vươn lên che phủ kín tường.”
Còn người chồng bàn với thuộc cấp về việc cần gấp rút xây thêm một lò thiêu, “Thiêu, để nguội, hốt thải rồi lại tống vào thiêu tiếp!” Cứ như là nướng bánh mì! Và hắn tiến đến bồn rửa mặt để hỉ mũi. Nước nhờn nhớp từ mũi hắn phọt ra, đen kịt vì bụi tro của hàng ngàn nạn nhân mà hắn đã ra lệnh thiêu rụi!
Đạo diễn Jonathan Glazer đã lấy cuốn tiểu thuyết The Zone of Interest của Martin Amis, phát hành năm 2014 để làm thành phim. Không may là tác giả Amis qua đời ngày 19 Tháng Năm, chỉ một ngày sau khi phim được chiếu ra mắt tại LHP Cannes 2023. Glazer đã biến những nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết thành nhân vật sống và làm việc tại trại tàn sát. Rudolph Hoss chính là tên sĩ quan SS chỉ huy trại Auschwitz đầu tiên và nhiều năm nhất và bị kết án tử hình (treo cổ) vào năm 1947 khi 47 tuổi.
Theo các sử gia, chỉ sau chưa trọn năm năm tồn tại, trại tập trung-tàn sát Auschwitz (quen gọi là Auschwitz-Birkenau) ở miền Nam, gần Krakoc, một trong những thành phố lớn nhất Ba Lan đã là nơi sát hại khoảng 1.1 triệu người, nhiều nhất là người Do Thái (1 triệu); người Ba Lan (70,000 – 75,000 người); người Gypsies (khoảng 20,000); tù binh Soviet (khoảng 15,000) và 10,000 – 15,000 tù binh các sắc dân khác từ Tiệp Khắc, Belarus, Nam Tư, Pháp, Đức, Áo…