Ngày 31 Tháng Bảy tới đây, người Bỉ, Anh, Úc, và New Zealand sẽ lại cùng tưởng nhớ một sự cố bi thương nhất trong lịch sử đất nước họ: Tròn 105 năm diễn ra trận chiến Passchendaele lần thứ ba (gần Ypres), một trong những trận địa chiến giao thông hào ác liệt nhất thời Đại chiến thế giới lần thứ I.
Tiếng Pháp gọi chiến trận giao thông hào là “guerre de tranchées”, từ đó người Việt trước đây có từ “tăng-xê”. Sau hai tuần pháo kích rền vang, vào ngày cuối Tháng Bảy 1917, trận chiến Ypres lần thứ ba chính thức bắt đầu (hay còn gọi là trận Passchendaele). Các đơn vị quân Đồng minh cùng vực mình lên khỏi các tăng-xê, tiến về phía quân Đức trú đóng trên các sườn đồi cao. Mục tiêu đề ra bởi tướng chỉ huy người Anh, Sir Douglas Haig, chính là đánh bật lính Đức ra khỏi vùng cao nguyên quanh Ypres để phá thế bí mà quân Đồng minh đã lâm vào từ năm 1914; chiếm trạm nối kết hệ thống đường sắt ở phía Đông thành phố mà tiến về các hải cảng Bỉ đã bị quân Đức chiếm đóng.
Nhưng những cơn mưa to kéo dài khiến quân Đồng minh bị sa lầy, hàng ngàn chiến sĩ gục ngã khi cuộc tấn công và phản công tiếp nhau kéo dài lê thê đến ngày 6 Tháng Mười Một 1917. Đó là 100 ngày máu lửa dưới trời mưa tầm tã, bùn lầy nhão nhẹt và cả những cơn mưa đạn pháo của quân Đức và quân Đồng minh (Anh, Canada, Úc, Pháp, New Zealand). Tổng số đạn đại bác của hai bên bắn ra là 4,250,000! Chừng đó viên rải xuống mặt trận chỉ dài có 8km, thật kinh khủng.
Trận chiến tại làng Passchendaele diễn ra cách thị trấn ven biển Dunkirk chỉ 60 km và cách Paris 250 km, là một trong bốn trận chiến giao thông hào “sát thương nhất” thời Thế chiến I. Chỉ trong 105 ngày giao chiến, đã có 220,000 lính Đức và 275,000 lính Đồng minh thiệt mạng. Nhưng con số thương vong của cả hai bên chắc chắn cao hơn nhiều. Ba trận kia là trận chiến Somme, trận Verdun đều ở Pháp và trận Gallipoli bên Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào những ngày cuối Tháng Bảy hàng năm, Bảo tàng Tưởng niệm 1917 (Memorial Museum Passchendaele 1917) là điểm đến thăm của thân nhân những người lính Bỉ, Anh, Pháp, Canada, Úc và New Zealand đã tử thương. Nơi đây có tất cả những gì ông, cha, anh, chồng… của họ đã nếm trải cách nay 105 năm, từ giao thông hào, hầm trú ẩn đào sâu vào lòng đất, giường gỗ cho đến các bộ quân phục, thư tín, gà mên, lò than nấu nướng, đun nước nóng pha cà phê…
Và hầu như năm nào, bảo tàng tưởng niệm này cũng đón tiếp nhiều gia đình người New Zealand bay đến từ Auckland, Christchurch, Queenstown… Vì Chiến địa Ypes lần ba chính là ngày đau buồn đen tối nhất trong lịch sử đất nước ở tận cùng phía dưới địa cầu. Chỉ trong một ngày duy nhất – ngày 12 Tháng Mười 1917 – đã có trên 960 sĩ quan và binh sĩ New Zealand thiệt mạng khi họ ào lên tấn công mỏm Bellevue. Mưa lớn kéo dài đã biến toàn vùng này thành một vũng bùn trơn trợt, cản sức di chuyển của các tay súng thuộc Sư đoàn New Zealand nên họ bị các họng súng đại liên của quân Đức đốn ngã thật dễ dàng.
LÊN PHIM NHỰA
Những câu chuyện bi thương của trận chiến kinh khủng ấy cách nay 105 năm cũng đã được chuyển thành phim ở những góc độ tiếp cận khác nhau. Khoảng hơn chục năm trở lại đây có vài phim rất đáng xem. Bạn có thể hình dung rõ mồn một cuộc chiến giao thông hào kinh hoàng chừng nào khi xem War horse (một thanh niên người Anh và con ngựa yêu quý) được Steven Spielberg chuyển thể từ tiểu thuyết thành phim và trình chiếu cách nay sáu năm. Năm 2013, điện ảnh Úc cũng trình làng một phim về quân lính Úc trong cuộc chiến giao thông hào thời Thế chiến I rất hay là Forbidden Ground.
Nhưng đậm chất thực tế lịch sử năm xưa hơn là Beneath Hill 60 của Jeremy Sims, một đạo diễn người Úc, phát hành năm 2010. Nhân vật chính là trong phim này là Đại úy Oliver Woodward, thuộc Đại đội công binh chiến đấu chuyên đào hầm của quân đội Úc. Tại mặt trận Ypres, viên đại úy này lập thành tích đào hầm sâu trong lòng đất phía dưới đồn quân Đức ở trên Đồi 60, gài vào đó 24,000 kg thuốc nổ và phá nổ. Oliver Woodward là người thật, việc thật, qua đời Tháng Tám 1996 ở tuổi 80. Trong phim Beneath Hill 60 được thể hiển bởi tài tử Úc Brendan Cowell (vai thuyền trưởng trong series phim truyền hình Game of thrones mùa 7, chiếu năm 2017).
Năm 2008, đạo diễn kiêm kịch tác gia kiêm diễn viên Paul Gross người Canada trình làng phim về trận chiến Ypres ở một góc độ khác. Đó là Passchendaele, một phim tình bi thời chiến có lồng vào một “truyền thuyết” rất đáng sợ: Lính Đức dùng bayonet (lưỡi lê) đóng đinh một lính Canada vào hai thanh gỗ và dựng nó lên giữa vùng no man’s land. Phim cho thấy cảnh chết chóc của cả quân lính Canada thuộc CEF (Lực lượng quân đội Viễn chinh Canada) lẫn quân Đức khi hai bên thi nhau tung ra các cuộc tấn công và phản công. Và mới hồi mùa Hè 2017, tuy không trực tiếp mô tả trận địa chiến ở Ypres nhưng cũng có nhiều trường đoạn về Thế chiến I là phim Wonder Woman với người đẹp Israel Gal Gadot.