Đọc “Tàn Rụng Trái Mơ Đời” của tác giả Thanh Hà

Ảnh: sixteen-miles-out-unsplash

Thanh Hà là một trong những ngòi bút tôi thích đọc. Trong blog trung học Kiên Thành do Hoa Trần biên tập, cô thường viết về tản mạn. Trong đó có những chuyện về đời thường, những chuyến du lịch, những người thân trong gia đình và cả những tâm sự riêng của cô về người chồng, về lúc cô bị nhiễm covid… Cô viết rất chân thật, rất thực tế, nên dễ gây xúc động cho người đọc, và từ đó chiếm nhiều tình cảm trong giới thưởng ngoạn văn chương.

Tôi là một người trong giới thưởng ngoạn văn chương, được tác giả cho phép, xin viết đôi dòng cảm nghĩ về tác phẩm đầu tay của cô: Tàn Rụng Trái Mơ Đời.

Thật ra, Tàn Rụng Trái Mơ Đời chỉ là một truyện ngắn trong cuốn sách. Nhân vật Tường Vi trong truyện, tôi đoán, đó chính là tác giả. Dù là truyện ngắn, nhưng tác phẩm mang dấu vết của một hồi ký. Hồi ký về thời học trò, lúc cô gái độ tuổi trăng tròn, đang “thắc mắc” về nan đề TÌNH YÊU. Yêu làm sao? Yêu như thế nào? Và có phải “tình chỉ đẹp những khi còn dang dở?”

Bởi hồi ấy tâm hồn cô gái hãy còn non nớt trong veo như ly nước nhìn xuyên thấu từ mặt đến tận đáy”… (TRTMĐ)

Vì bởi tâm hồn tác giả còn trong veo như ly nước, nên dễ hòa tan với bất cứ chất màu nào của thế gian. Màu đẹp thì ly nước đẹp. Màu tình thì ly nước tình. Và màu độc thì ly nước độc. Tường Vi vùi đầu vào sách để tìm cho mình một chất màu của tình yêu. Từ những quyển sách Việt xa xưa nổi tiếng như: Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… đến các tiểu thuyết mới sau này của nhóm Tự Lực văn đoàn… Cuối cùng, những chuyện tình bi thương của các tác giả ngoại quốc như: Romeo và Juliette, Love Story, Cánh Buồm Đỏ Thắm, Madame Bovary, Trà Hoa Nữ… đã nhuộm “chất đỏ dang dở” vào ly nước trong veo của Tường Vi.

Và nàng “… nhận ra cuộc đời sao phù du thoáng chốc quá. Cái đẹp thì mong manh, dễ vỡ nên cần phải nâng niu bảo vệ. Rồi cô nghiệm ra một điều, rằng: “Những chuyện tình đẹp, khắc ghi mãi trong tâm là những chuyện tình dang dở không có đoạn kết” (TRTMĐ).

Thanh Hà còn có một truyện ngắn nữa: Người Đàn Bà Ở Vườn Luxembourg. Tác giả gặp một người đàn bà ngoại quốc tình cờ ở vườn Luxembourg Paris. Người đàn bà tên là Madeleine, có tình nhân là người Việt, nay đã xa cách nghìn trùng. Vì biết tác giả là người Việt nên chợt nhớ người tình của bà, từ đó bà bộc bạch tất cả tâm cảm của bà. Thanh Hà đã đưa tâm cảm của người đàn bà ngoại quốc đó vào truyện ngắn. Và đó cũng là truyện tình dở dang, hình như là sở trường của cây bút Thanh Hà. “… Tôi chờ… tôi chờ… nhưng ngày ấy không bao giờ đến...” (NĐBOVL).

Quyển sách có thêm bốn tùy bút. Tùy bút Những Dòng Sông Tôi Đã Đi Qua kể lại những dòng sông tác giả có dịp ghé qua. Ở Việt Nam có sông Hồng, sông Hương và Cửu Long. Tác giả cũng từng du lịch ở nước ngoài, từng đặt chân đến những dòng sông nổi tiếng trên thế giới như Danube, Seine… Tác giả tả từng chi tiết, từng chiếc cầu, từng thành phố, từng danh lam thắng cảnh, từng kỳ quan nổi tiếng… Lồng vào đó là những cảm tưởng, những suy nghĩ của tác giả ở mỗi thời điểm. Tuy nhiên, khi kết luận, dòng sông ăn sâu vào tâm thức Thanh Hà là dòng sông tuổi thơ nằm ngay quê hương tác giả.

Hai tùy bút khác: Bông hồng cho NgoạiNén hương cho Má. Như bao cây bút khác, người viết không thể quên hình bóng thân yêu của Ngoại và đấng sinh thành ra mình.

Tùy bút cuối: Đóa trà mi trắng. Truyện tình Trà Hoa Nữ của nhà văn Alexandre Dumas-con là một truyện tình dở dang đẫm nước mắt, lại một lần nữa rơi vào ngòi bút của Thanh Hà. Phải chăng đau thương này là điềm báo trước cho nỗi đau thương khác, nên sau một thời gian hạnh phúc bên chồng, người chồng đột ngột từ giã cõi đời, để lại cho tác giả biết bao tiếc thương khôn xiết.

“… Anh đã chết theo ý nghĩa ở dương gian, nhưng để sống trong cõi vĩnh hằng. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ gặp lại anh nơi cõi ấy” (ĐTMT).

Trong phần Văn của quyển sách, chỉ duy nhất có một hồi ký: Tưởng Chừng Như. Đây là hồi ký tác giả viết riêng cho chồng với tất cả lòng yêu thương ngút ngàn. Không ai không rơi nước mắt trước cảnh tượng chia lìa của đôi uyên ương từng gắn bó với nhau không rời. Một lần nữa, chúng ta thấy sự thủy chung của tác giả:

Bao giờ thì em sẽ đến chặng dừng cuối con đường của mình để chúng mình tái ngộ hở anh?

Nỗi đau chìm lặng đáy hồn

Tim đem cất giữ vào trong ngăn sầu

Từ em mất lối bên cầu

Ánh dương chưa rạng đã phai mầu chiều đông

(thơ Th.H)

(Tưởng Chừng Như)

Ảnh: freestocks-unsplash

Ký sự Hai Con Bướm Đen Cánh Viền Vàng là một loại du ký. Nhân chuyến về thăm Việt Nam, tác giả rủ người nhà cùng đi thăm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Thánh địa Mỹ Sơn và cố đô Huế. Trên đường đi, tác giả bắt gặp có con bướm đen cánh viền vàng nằm chết bên cạnh bước chân của tác giả đến hai lần. Cuối cùng, tác giả bị tai nạn phải vào bệnh viện. Hãy nghe tác giả ước đoán:

“… Vậy có đúng là linh hồn chồng tôi nhập vào xác bướm cảnh báo tôi biết hãy coi chừng tai hoạ sắp xảy đến để tôi đề phòng? Nhưng vẫn không tránh thoát được?” – (HCBĐCVV)

Còn Tuổi Nào Em Đã Biết Yêu là một tản mạn phóng khoáng, trữ tình nhất, so với tuổi đời của tác giả. Một cô bé mười một tuổi khi nghe chú lính hát một bài tình ca mà đã rung động, mà đã có những khái niệm về tình yêu.

“… Có phải khái niệm về Tình Yêu bắt đầu phôi thai trong tôi từ buổi tối ngồi nghe chú hát? Trời ơi, mười một tuổi mà đã đồng cảm về một mối tình si chưa vẹn!” (TNEĐBY)

Cuối cùng là nhật ký Tôi Bị Nhiễm Covid. Tác giả ghi lại ngày tháng bị nhiễm Covid, và nguyên do bị lây nhiễm.

Ảnh: ben-white-unsplash

Đọc phần văn của Thanh Hà, tôi có thể xác định đây là một ngòi bút giàu tình cảm. Tác giả đã đọc nhiều, đi nhiều, có một vốn kiến thức phong phú để sáng tác. Có thể nói Tàn Rụng Giấc Mơ Đời là một tác phẩm thủy chung, viết bằng ngôn ngữ trái tim cho chồng, cho những người thân trong gia đình, kể cả những mối tình dở dang, ngang trái.

Bây giờ, xin có vài cảm nghĩ về thơ Thanh Hà. Khi đưa thơ cho tôi lay-out thành sách, tác giả có cho biết cô đã sắp thơ theo từng giai đoạn của cuộc đời. Đầu tiên là thơ trong giai đoạn học trò, kế đó là thơ trong giai đoạn có chồng và sau cùng là giai đoạn hiện tại.

Đọc ba giai đoạn thơ Thanh Hà, phải nói thơ làm tôi rung động nhất, khiến thốt lên lời khen là thơ ở giai đoạn tuổi học trò.

Mùa đông về gục mặt

Khóc trên bờ vai xuôi

Hay:

Bàn tay như cẩm thạch

Tóc huyền như khăn tang

(Đông Xám)

Lời thơ rất đẹp. Ẩn dụ rất sâu sắc. Và hình bóng người chồng trong ngày hôn lễ trọng đại được tác giả ghi lại bằng thơ:

… Anh là vị tiên với chiếc gậy thần

Biến em từ nơi mờ mịt tối tăm bước ra vùng sáng

(Ngày hôn lễ)

Khi chồng qua đời, thơ cũng đầy nước mắt:

Ngày anh đi linh hồn em khâm liệm

Gói khối sầu nén chặt tận đáy tim

(Nói cùng anh)

Thời gian trôi qua, tác giả vẫn khư khư ôm kỷ niệm chồng:

Không anh đời vĩnh cửu mùa thu

Không anh ta lạc lối sương mù

Hoặc:

Nghe tiếng lá rơi sầu lay lắt

Khóc đến trăm năm lệ vẫn thừa

(Mùa thu không anh)

Tôi thích những bài thơ trong hai giai đoạn đầu đời của tác giả. Những bài thơ đẹp của tuổi học trò hồn nhiên và những bài thơ đẫm nước mắt khi người chồng thân yêu của tác giả không còn trên dương thế.

PHẠM HỒNG ÂN

(Núi Tiểu Thư, 08/Feb/2022)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: