Năm 1957, khi bố tôi kết thúc khóa đào tạo sĩ quan tham mưu truyền tin từ New Jersey trở về Sài Gòn, trong hành trang của ông mang về không phải là những tờ greenback như những đồng nghiệp khác mà là một cái pick-up và chồng đĩa 45 vòng, 33 vòng ghi những bài ca hay nhất của những Nat King Cole, Frank Sinatra, Dean Martin và… Elvis Presley!
Rất đáng nể là 45 năm sau ngày ngôi sao rock đầu tiên này qua đời ở tuổi 42 (sinh ngày 8 Tháng Một 1935, qua đời ngày 16 Tháng Tám 1977), Elvis Presley vẫn tiếp tục làm ra tiền. Mà lạ một điều là khi ông vĩnh viễn ra đi năm 1977, tài sản của ông gần như bằng không, vì ông sống rất phóng khoáng, từ dành dụm, tiết kiệm hầu như không có trong tự điển của cá nhân ông. Từ ngày Elvis không còn đến nay, đều đặn mỗi năm “ngành kinh doanh” mang tên Elvis Presley cứ hái ra tiền.
Theo tuần báo kinh tế Forbes, cái tên Elvis đủ lực để thu về $40 triệu trong năm 2019; gần $30 triệu năm 2020 và dù bị COVID-19 quậy phá nhưng cũng đã thu $30 triệu trong năm 2021. Năm 2022, con số này chắc sẽ tăng cao hơn nhiều khi mà lần đầu có Elvis, một phim ca vũ nhạc về cuộc đời của ông, thực hiện bởi đạo diễn tài danh người Úc Baz Luhrmann. Từ rất nhiều năm qua, Elvis Presley, biệt danh The King, Vua Rock’n’Roll thuộc nhóm những nghệ sĩ quá cố mà vẫn làm ra nhiều tiền, chỉ thua Prince và Michael Jackson (năm 2021 đạt $70 triệu).
Thủ vai Elvis là chàng diễn viên trẻ đang lên Austin Butler, còn sắm vai ông bầu Colonel Parker, người đã dẫn lối chỉ đường cho tài năng Elvis tỏa sáng chính là diễn viên gạo cội đã hai lần đoạt tượng vàng Oscar Tom Hanks. Được giới phê bình tán thưởng (khi trình làng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2022 hồi Tháng Năm qua, Elvis đã được khán giả đứng vỗ tay suốt 12 phút, một thời lượng dành để tôn vinh tưởng thưởng hiếm có trong lịch sử liên hoan phim này). Bộ phim cũng được vợ quá cố của Elvis, con gái của Elvis và cháu ngoại của Elvis không tiếc lời khen. Rất có thể Elvis sẽ là một phim tiểu sử nghệ sĩ quá cố thành công ngoạn mục về doanh thu phòng vé như phim Bohemian Rhapsody về Freddie Mercury, cột trụ nhóm rock Anh The Queen đã đạt được hồi năm 2018.
Và sẽ còn là tiền thu từ việc bán đĩa, quần áo và vật lưu niệm, quảng cáo ăn theo trên đủ các kênh giải trí trực tuyến… Netflix đã vào cuộc với việc thực hiện một series hoạt hình về Elvis; dự án Elvis On-Chain sẽ là địa chỉ hội tụ các fan già thủy chung lẫn các fan trẻ mới lần đầu khám phá thần tượng của tầng lớp cha ông. Chưa hết, tiền sẽ tiếp tục ùa vào két của Graceland, tại thành phố Memphis, giang sơn riêng của Elvis năm xưa mà sau khi ông qua đời thì đã được chuyển thành một bảo tàng, địa chỉ phải đến tham quan một lần trong đời của hàng triệu, triệu người hâm mộ. Lúc bình thường, Graceland thu trên $10 triệu mỗi năm, tiền vé tham quan dành cho người lớn dao động từ $48 đến $196!
Nói tóm lại danh xưng Elvis có hấp lực rất lớn, thành nguồn thu liên tục, dồi dào của nhiều “chủ sở hữu” khác nhau. Tiền bản quyền ghi âm thuộc về Sony Music, tiền phát hành các công cụ nghe nhìn thì trả cho Universal Music. Quyền sử dụng hình ảnh và những thứ linh tinh khác thì thanh toán cho tập đoàn Authentic Brands Group (ABG, cũng quản lý mảng kinh doanh hậu vận của những Marilyn Monroe, Mohamed Ali…), giữ đến 85% cổ phiếu Elvis Presly Enterprises với nhiều cơ sở, tài sản, trong đó nổi tiếng nhất là Graceland, Memphis, tiểu bang Tennessee.
ELVIS VUA… HOANG PHÍ
Suốt nhiều năm, toàn bộ kho tàng lớn này thuộc về gia đình của “Nhà vua” quá cố, chủ yếu nhờ công sức quản lý và bảo vệ của người vợ góa Priscilla Presley, tức mẹ của Lisa Marie, cô con gái duy nhất của Elvis. Bà góa đã biết tận dụng danh thơm của chồng vì khi Elvis nhắm mắt xuôi tay ngày 1977 thì tài khoản ngân hàng của ông chẳng còn bao nhiêu dollar. Elvis sống quá hoang phí mà nguồn thu thì cứ teo tóp theo thời gian (để trả nợ, ông ta đã nhượng một phần lớn quyền lợi được hưởng từ tiền bản quyền ghi âm cho hãng đĩa RCA). Chỉ cần ghé ngắm dàn xe sang đắt tiền và những chiếc môtô Harley mà Elvis sưu tập thì đủ rõ ông tiêu xài đúng như một ông vua.
Tài sản duy nhất còn giá trị là khu biệt thự Graceland, được định giá khoảng $5 triệu vào thời ấy, nhưng chi phí bảo quản cũng rất tốn kém. Là người thừa hành thực thi đúng theo di chúc của Elvis Presley, bà góa Priscilla đã thành lập EPE (tắt của Elvis Presley Enterprises) để tung ra các kế hoạch làm ăn dựa vào danh thơm của chồng. Và bà đã thành công trước sự ngạc nhiên của giới showbiz. Được tư vấn bởi một ê-kíp chuyên gia đầu tư tài chính, bà đã ký kết và quản lý các hợp đồng khai thác hình ảnh của người chồng quá cố, biến Graceland thành một địa chỉ du lịch rất hấp dẫn, có doanh thu lớn. Để rồi khi con gái Lisa Marie của họ đến tuổi trưởng thành, chính thức thừa kế gia tài của bố thì Graceland được định giá lên đến $100 triệu.
Tuy nhiên, do không được tư vấn tốt, giang sơn này bị lỗ nặng vào năm 2005 dẫn đến việc Lisa Marie phải bán 85% con gà đẻ trứng vàng này cho một công ty và sau đó thì trở thành tài sản của ABG. Đây là một tính toán sai lầm mà Lisa Marie phải hối tiếc mãi. Hiện nay cô chỉ còn được hưởng 15% từ những nguồn lợi mà danh thơm của bố cô đem lại.
Bốn thập niên đã trôi qua kể từ khi Graceland đi vào hoạt động như một bảo tàng kiêm khu du lịch cuốn hút những người yêu thích tiếng hát của Vua Rock. Nhưng không phải khách tham quan nào cũng được bước vào một vài “lãnh địa” riêng tư nhất của “nhà vua”, chẳng hạn như phòng ngủ của ông, nơi bất khả xâm phạm, chỉ mở cho những thành viên thân tín nhất trong gia đình và vài người bạn thâm giao. Nhóm người này gọi Elvis Presley là “Memphis Mafia”.
Khi dọn vào Graceland sống năm 1957, việc đầu tiên của “nhà vua” là cho dựng lên một bức tường ở ngay đầu cầu thang trên tầng cao. Tường có gắn kính soi mà chỉ người bên trong mới nhìn thấy được ai đang đứng trước. Sau bức tường là nơi thầm kín bí mật nhất của “nhà vua”, gồm phòng ngủ, phòng làm việc, buồng tắm. Chính trong buồng tắm này mà vào ngày 16 Tháng Tám 1977 Elvis Presley đã gục chết trên bồn toilet. Một cách nào đó, khu vực cấm người không thân này cũng chính là “ghetto” riêng của Elvis Presley, như tựa ca khúc In the ghetto của Mac Daviss mà ông đã ghi âm hồi năm 1969.
Theo yêu cầu của Lisa Marie, đó là nơi không mở cửa cho ai bước vào tham quan và mãi cho đến nay, mọi vật vẫn được giữ nguyên trạng ngày “nhà vua” băng hà, từ chăn gối trên giường qua cái đĩa vinyl mà Elvis đang nghe dở (một ca khúc demo mới tinh của JD Summer and the Stamps) cho đến cái ly bằng nhựa styrofoam đặt trên cái kệ sách. “Không xê dịch bất cứ thứ gì, để nguyên vẹn, cứ như Elvis vừa mới thức giấc và bước đi ra khỏi,” bà Angie Marchese phụ trách quản lý Graceland cho biết. Theo vài thành viên “Memphis Mafia” còn sống sót, từng có nhiều lúc ngồi cạnh Elvis trong lãnh địa này, thì Elvis không mở đèn và vặn nhiệt độ xuống rất thấp, lạnh đến độ có thể treo thịt nhiều ngày mà không hư thối! Bạn nào không chịu được lạnh thì “nhà vua” đưa cho áo len, áo jacket để mặc cho ấm.
Ngày nay, những chiếc áo len, áo jacket, nón và vô số kỷ vật có in chữ Elvis vẫn bán chạy. Chiều cuối tuần này, gia đình tôi sẽ đến rạp xem, nghe Elvis. Ai đã từng nghe ông hát, xem ông rock trên sân khấu và hát tình ca trên màn ảnh lớn thì không thể quên. Can’t help falling in love… With Elvis.
ELVIS PRESLEY VÀ MÀN ẢNH LỚN
Với phim Elvis dài 2 tiếng và 40 phút của đạo diễn Baz Luhrmann. Nam diễn viên Austin Butler gia nhập câu lạc bộ những nghệ sĩ từng thể hiện ngôi sao rock Elvis Presley mà nổi nhất đến nay là Don Johnson (phim Elvis and the Beauty Queen), Kurt Russell (phim Elvis của đạo diễn John Carpenter), Bruce Campbell (Bubba Ho-Tep) và Nicolas Cage (Tiny Elvis, SNL)…
Riêng với Elvis Presley, trong 13 năm, ông đã đóng qua 31 phim, từ phim cao bồi thời nội chiến Mỹ Love me tender năm 1956 đến phim xã hội bi Change of Habit năm 1969 (vai một bác sĩ trẻ đang lên bỗng phát cuồng vì yêu một nữ tu, diễn bởi Mary Tyler Moore). “Ngày nay nhiều người lầm tưởng rằng Elvis Presley chỉ quen đóng một loại phim tình cảm nhưng thực ra ông đã có một sự nghiệp điện ảnh phong phú và nghiêm túc. Ông luôn thuộc lời thoại của nhân vật mình thủ diễn lẫn của những diễn viên diễn chung. Và rằng ông cũng không hề “ngạo mạn” ta đây. Khi diễn cùng những nghệ sĩ hàng đầu, ông không hề ngại ngùng hỏi han, xin ý kiến, xin lời khuyên bảo – bà Susan Doll, tác giả hai cuốn Elvis for Dummies và The Films of Elvis Presley, nói với tạp chí Vanity Fair.
Top 10 phim giá trị nhất của Elvis Presley theo Vanity Fair
10/ Wild in the Country (1961);
9/ G.I. Blues (1960);
8/ Flaming Star (1960);
7/ Blue Hawaii (1961);
6/ Roustabout (1964);
5/ Girl Happy (1965);
4/ Follow That Dream (1962);
3/ Viva Las Vegas (1964);
2/ Jailhouse Rock (1957);
1/ King Creole (1958)