Nhà tâm lý học trẻ em Ivy League chia sẻ cách hiệu quả nhất, nhưng không phổ biến, để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc.
Theo Tovah Klein, nhà tâm lý học trẻ em và là tác giả của cuốn sách “How Toddlers Thrive”, chìa khóa để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc là cho phép chúng bất hạnh. Điều này nghe có vẻ phản quan, nhưng nó rất hiệu quả.
“Tất cả chúng ta đều nghĩ cách nuôi dạy con cái hạnh phúc là làm cho chúng hạnh phúc,” Klein, giám đốc Trung tâm Phát triển Trẻ mới biết đi của đại học Barnard College, nói với CNBC Make It. “Nhưng thật ra, trẻ con biết vui, biết tìm niềm vui. Đó không phải là cảm giác lúc nào cũng có. Barnard là trường cao đẳng nữ thuộc Columbia University.
Cô nói thêm, các bậc cha mẹ thường khó chấp nhận “trẻ em được phép tức giận, buồn bã, không vui theo một cách nào đó”. Khi một đứa trẻ buồn bã, theo bản năng, cha mẹ thường tìm cách làm chúng vui lên hoặc khiến chúng mất tập trung. Họ có thể chp chúng ăn chocolate, hoặc chở đến công viên để chạy loanh quanh. Klein nói rằng không có gì sai khi làm những điều tốt đẹp cho con bạn khi chúng không vui, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng giải quyết được nguồn gốc của những điều khiến trẻ khó chịu.
Điều đó đặc biệt đúng khi sự bực tức của trẻ xuất phát từ những nguyên do bình thường, như không được phép xem một tập phim truyền hình chúng ưa thích, hoặc bánh quy trên đĩa tráng miệng không thuộc loại “khoái khẩu” của chúng.
Klein cho biết, ngay cả trong những trường hợp đó, đứa trẻ vẫn tin rằng cứ khóc ré lên, hoặc giận dỗi thì sẽ được cha mẹ chiều và chúng cần học cách giải quyết cũng như quản lý những cảm xúc đó – điều mà chúng không biết cách làm bằng trực giác.
Các chuyên gia cho biết, bạn có thể yêu cầu một đứa trẻ đang buồn bã hít một hơi thật sâu và cố gắng diễn đạt cảm xúc của chúng thành lời. Hoặc, thừa nhận cảm xúc của trẻ, ngay cả khi bạn phải giữ vững lập trường, bằng những câu như “Mẹ ước chúng ta có thể làm điều đó. Thật không may, chúng ta không thể ngay bây giờ,” Klein khuyên. “Sức mạnh đến từ việc có thể có những cảm xúc khá mãnh liệt này, chẳng hạn như tức giận, rồi sau đó là giải quyết nỗi tức giận đó, và để trẻ biết rằng ‘Mẹ hoặc bố vẫn ở đó với mình, bố mẹ không khó chịu và sẽ không bỏ rơi mình sang một bên,” cô nói.
Quan trọng nhất, hãy hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực của đứa trẻ sẽ luôn qua đi, trừ khi có bất kỳ sự kiện đau thương lớn nào. Klein cho biết: “Nếu cuộc sống của trẻ vẫn ổn, chúng sẽ hạnh phúc.”
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ học cách quản lý cảm xúc tiêu cực một cách hiệu quả có nhiều khả năng phát triển khả năng phục hồi mà chúng cần có khi trưởng thành rất thành công.
Klein cho biết, nỗi sợ hãi về những cảm giác tiêu cực đó có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi lâu dài. Trẻ có thể trở nên xấu hổ về những cảm xúc đó và có những suy nghĩ thiếu tự tin như “Con đang tức giận, chắc là con rất tệ. Vậy là con sai rồi!.” Đó chính là lý do tại sao cha mẹ cần chấp nhận rằng con cái họ không thể lúc nào cũng vui vẻ.
Cô nói thêm: “Đó là phần khó khăn nhất của chúng ta, với tư cách là cha mẹ, vì chúng ta hạnh phúc nhất khi con cái mình hạnh phúc.”