Vietnamese Culture Night (Đêm Văn Hóa Việt) sẽ được University of California, Los Angeles (UCLA) tổ chức vào tối 16 Tháng Giêng.
“Hàng năm, với những chủ đề khác nhau, các sinh viên chúng em tổ chức các đêm văn hóa truyền thống Việt Nam, và năm nay đã là năm thứ 43,” Kelly Trúc Nguyễn, sinh viên năm cuối, trong ban tổ chức Đêm Văn Hóa Việt của UCLA nói với Saigon Nhỏ.
Thông thường, Đêm Văn Hóa sẽ có các tiết mục hát, múa dân gian, múa đương đại, tiều phẩm kịch, xuyên suốt theo một chủ đề được chọn trước. Kelly cho biết chủ đề năm nay là “Can I ask you”, được dịch thoát nghĩa ra tiếng Việt: “Để được thấu hiểu”.
Kelly giải thích:
“Các bạn sinh viên Việt như tụi em mà sinh ra ở Mỹ thường không được ông bà, cha mẹ nhắc gì về quá khứ đau thương, nhất là với các bậc phụ huynh từng trải qua hành trình gian khổ, nguy hiểm khi phải vượt biên tìm miền đất tự do để sinh sống, nên các bạn ấy sẽ không hiểu rõ được đời sống văn hóa của cộng đồng Việt ở đây. Riêng em, có may mắn là trở thành công dân Mỹ khi đã học trung học, rất rành tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt, và được ba mẹ giải thích, kể chuyện, nên rất phấn khích khi được tham gia Đêm Văn Hóa Việt từ khi mới là sinh viên năm nhất của UCLA cách đây bốn năm.”
Thành viên ban tổ chức cũng bật mí về nội dung câu chuyện của chủ đề năm nay. Đó là chuyện một cô sinh viên tên Minh Ánh về nhà trong ngày giỗ một năm của mẹ, bất ngờ gặp một người chưa từng quen biết mà xưng là “dì”. Lúc đầu, Minh Ánh bất ngờ và tức giận vì sao là em của mẹ, mà cô chưa từng gặp mặt, lại không dự đám tang khi chị mình mất.
Mọi thứ xoay chuyển và khúc mắc được tháo gỡ sau khi Minh Ánh đọc được quyển nhật ký mà mẹ cô để lại, trong đó, nói rõ những ngày mẹ cô phải hy sinh, vượt biên ra ngoại quốc hòng tìm cách gửi tiền về nhà. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, vất vả, khiến bà không dám liên lạc gia đình. Chị em cắt đứt mối dây từ đó. Cho đến khi người em tìm được chị, thì người chị đã về nơi chín suối.
“Khi biết rõ ngọn ngành, người em gái không còn trách cứ vì sao chị mình ‘biệt vô âm tín’, người con là Minh Ánh hiểu thêm được mối quan hệ gia đình và không oán giận dì của mình nữa,” Kelly nói. “Đó là do tại sao có chủ đề ‘Để được thấu hiểu’.”
Năm ngoái, trở lại sau một năm gián đoạn vì COVID-19, chủ để của Đêm Văn Hóa Việt lần thứ 42 liên quan đến cộng đồng LGBT, cũng là một trong những vấn đề “khó nói”, nhất là những gia đình Việt còn giữ truyền thống xưa. “Những Đêm Văn Hóa Việt sẽ là cơ hội chia sẻ văn hóa và là dịp để các bạn trẻ nói chuyện với các bậc phụ huynh, với gia đình; cũng là cách để chúng em cảm ơn, và tôn vinh các thế hệ ông bà, cha mẹ đã hy sinh cho cuộc sống con cháu mình tốt đẹp hơn,” Kelly cho biết.
Hội Sinh Viên Việt Nam tại UCLA (Vietnamese Student Union, VSU) là nơi tổ chức và duy trì Đêm Văn Hóa Việt suốt mấy chục năm qua.
Thầy Quyên Di, giảng sư UCLA từ hơn 20 năm, là người tư vấn cho VSU tổ chức các Đêm Văn Hóa Việt, nói với Saigon Nhỏ: “Khi tôi vào dạy ở UCLA, trường đã tổ chức được nhiều Đêm Văn Hóa Việt rồi. Các bạn làm việc rất độc lập. Mục đích của các bạn trẻ này rất tốt, là muốn giữ gìn văn hóa Việt.”
Giảng sư Quyên Di là người dạy về ngôn ngữ, nhưng khi được hỏi văn hóa và ngôn ngữ, phần nào quan trọng nhất, ông cho biết: “Nếu chỉ cho chọn nên giữ văn hóa hay ngôn ngữ, tôi chọn văn hóa, vì văn hóa là cái hồn, là trái tim của mình.
Nói như vậy không có nghĩa ngôn ngữ không quan trọng, vì ngôn ngữ là thuyền, chở văn hóa – là điều mà các em quyết giữ. Do đó, chương trình các em làm, hầu hết thể hiện không bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng chuyển tải ý tưởng, suy nghĩ, văn hóa, nếp sống của người Việt, và tôi vẫn cho đó là điều rất đáng quý.”
Đêm Văn Hóa ở UCLA hàng năm đều do các bạn sinh viên tự đứng ra tổ chức. Theo Kelly, từ mùa Hè năm trước, VSU đã có kế hoạch, bắt đầu tuyển người tham gia, các nhóm kịch, nhạc và múa của sinh viên gốc Việt và nhiều sắc dân khác như VSU Modern Dance, Moditional Dance, Tranditional Dance (múa truyền thống) trên 130 sinh viên, lên lịch tập luyện,…
Tuy nhiên, việc tổ chức một đêm văn hóa mang tính nghệ thuật là không đơn giản, nhất là về tài chính. “Chi phí thuê sân khấu Royce Hall trong khuôn viên trường năm nay là $41,000, tăng hơn so với năm ngoái,” Kelly thổ lộ. “Tuy nhà trường có tài trợ và VSU cũng mời gọi mọi người yểm trợ, cả trên GoFundMe nữa, nhưng tụi em vẫn đang lo thiếu nợ. Đến hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra Đêm Văn Hóa, mà GoFundMe chưa được $5,000 chị ạ.”
“Đúng vậy, tuy làm trong khuôn viên nhà trường, nhưng các em đều phải thuê chuyên viên,” giảng sư Quyên Di cho biết. “Các nhân viên ánh sáng, âm thanh, sân khấu, soát vé, hướng dẫn,… đều phải thuê, mà họ đều là những người chuyên môn, nên chi phí không rẻ. Qua đây, tôi mong cộng đồng, các em cựu sinh viên UCLA và các bậc phụ huynh, tùy theo cách nào đó yểm trợ bằng tài chánh cho các em, để VSU duy trì được hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa này.”
Theo VSU, sự thành lập đêm văn hóa là ước muốn gìn giữ lòng yêu lịch sử, dân tộc, văn hóa và con người Việt Nam trong thế hệ sinh viên trẻ. Các chương trình không những đánh dấu vẻ đẹp trong tình người, trong phong tục của nước nhà, mà còn góp phần tô vẻ thêm nền văn hóa Việt Nam trong lòng người Việt xa xứ. Ngoài ra, VSU mong đem vẻ đẹp thuần túy Việt Nam, làm gia tăng sự đa dạng về dân tộc trong cộng đồng UCLA, nhằm tìm hiểu thêm về văn hóa của dân tộc khác, cùng với niềm tự hào về văn hóa nước nhà.
Đêm Văn Hóa Việt lần thứ 43 diễn ra tại hội trường Royce Hall, UCLA, tối ngày 16 Tháng Giêng, 2023. Vé vào cửa miễn phí.