Việc ngồi nhà học online đối với học sinh phổ thông Mỹ đã mang lại “cơ hội” xuất hiện tràn lan tiểu xảo gian lận. Điều đáng nói là trong khi nhà trường bất lực trong ngăn chặn thì cũng có phụ huynh ủng hộ hiện tượng này…
Wall Street Journal (22-12-2020) kể, Lucie Flagg, một học sinh cuối cấp trung học ở Wexford (Pennsylvania), cho biết: “Em biết nhiều bạn dùng ứng dụng FaceTime để cùng làm bài kiểm tra, hoặc đơn giản hơn là hỏi “thầy Google” để trả lời câu hỏi. Mọi người đều biết điều này không đúng nhưng đó cũng là lối thoát dễ dàng khi mà việc học không có động lực”. Lucie Flagg nói thêm, dù giáo viên không phải hoàn toàn không biết gì, thậm chí cảnh báo rằng họ biết tuốt nhưng làm thế nào để ngăn chặn thì họ bất lực.
Một số giáo viên áp đặt giới hạn thời gian cho các bài kiểm tra, với hy vọng việc gian lận trở nên khó hơn. Lucie cho biết giáo viên trường mình không yêu cầu học sinh bật camera khi làm bài kiểm tra. Một số trường khác thì có. Vài học khu sử dụng công nghệ phức tạp hơn để khóa trình duyệt truy cập internet. Colleen Morris, giáo viên tiếng Anh tại trường North Allegheny của Lucie, đã thay đổi cách đánh giá học sinh trong nỗ lực hạn chế gian lận. Cô Morris cho biết gian lận vốn lan tràn trước đại dịch nhưng dù sao vẫn có thể kiểm soát được dễ hơn so với hiện tại. Những biện pháp răn đe thông thường, chẳng hạn “cấm túc”, bây giờ không thể áp dụng. Cô Morris quyết định chuyển từ thi trắc nghiệm sang thi viết và thi vấn đáp. Cô sử dụng Flipgrid, ứng dụng video dành cho các nhà giáo dục, trong đó cô gửi cho học sinh một câu hỏi về bài tập đọc và cho các em 15 phút để ghi âm lại câu trả lời. Ấy vậy, tuần trước, cô vẫn bắt quả tang hai học sinh đạo văn trong một bài kiểm tra viết.
Vấn đề là, theo Wall Street Journal, có không ít phụ huynh tảng lờ đi tác hại lâu dài của việc gian lận. Một bà mẹ ở Nam California kể rằng cả hai đứa con trai tuổi teen của mình gần đây đã không “lương thiện” khi làm bài. Tuy nhiên, bà không phản bác lại hành vi sai trái của chúng, với lập luận rằng hai đứa con của bà học tại một trường có tính cạnh tranh cao, nơi có nhiều học sinh thi đậu vào các đại học hàng đầu, và một điểm F (fail) – như trường hợp con của mình gặp phải trong một bài kiểm tra – là điều không thể chấp nhận. Điều đó ảnh hưởng đến tương lai của chúng – bà phụ huynh này giải thích. “Tôi không nghĩ việc gian lận là chính đáng” – bà nói – “nhưng tôi không nghĩ cơ hội vào đại học của con tôi phải chịu ảnh hưởng bởi một khoảnh khắc nào đó trong thời gian đầy thử thách như thế này”.
Phụ huynh Jen Norton, ở ngoại ô Fort Worth, Texas, nói rằng đây là một niên khóa hỗn loạn, khi nhiều giáo viên tại trường của con gái mình bỏ nghề. Jen Norton cho biết con gái của bà, học sinh lớp 5 trình độ nâng cao (Advanced), có một số giáo viên tuyệt vời nhưng có một vị chỉ đưa bài tập lên mạng, yêu cầu học sinh làm, mà không hề giảng. Điều đó khiến học sinh dễ chán nản, dẫn đến việc xảy ra gian lận khi chúng có tâm lý làm bài cho xong.
Curriculum Associates, nhà cung cấp giáo trình và đánh giá trực tuyến cho hơn tám triệu học sinh tiểu học và trung học khắp nước Mỹ, đã phân tích dữ liệu và nhận thấy học sinh học online ở tất cả các cấp đều đạt điểm môn đọc cao hơn học sinh những năm trước. Một số nhóm tuổi cũng đạt điểm cao hơn trong môn toán. Kristen Huff, phó chủ tịch phụ trách đánh giá và nghiên cứu của Curriculum Associates, tin rằng có điều gì đó “không bình thường” trong hiện tượng này.
Theo Steven Mintz, giáo sư danh dự tại Đại học California Polytechnic ở San Luis Obispo: “Vấn đề đáng nói ở chỗ nếu gian lận có thể chấp nhận được thì đây là biểu hiện của sự trượt dốc về đạo đức. Gian lận trong một kỳ thi có thể dẫn đến gian lận trong các kỳ thi khác và sau này là gian lận tại nơi làm việc”. “Gian lận có thể trở thành thói quen. Trong khi đó, chúng ta luôn muốn giúp các em phát triển những thói quen tốt để chúng có thể áp dụng vào các tình huống sau này trong cuộc sống” – giáo sư Steven Mintz nói. David DeCosse, giám đốc đạo đức học đường tại Trung tâm Đạo đức Ứng dụng Markkula (Markkula Center for Applied Ethics) của Đại học Santa Clara, nói thêm điều quan trọng đối với người lớn là phải mẫu mực về đạo đức. Ông nói: “Giáo viên và người lớn phải đặt ra các tiêu chuẩn và duy trì sự kỳ vọng về đạo đức ở mức độ cao”.