Một cái nhìn về giáo dục khai phóng: Khi học trò không phải là tờ giấy trắng

Ảnh: pexels-engin-akyurt
Share:

Xuất phát từ thực tiễn giáo dục và những trải nghiệm, quan sát của bản thân trong công tác dạy học, tôi đã không nguôi trước những câu hỏi luôn xuất hiện trong mình về chất lượng giáo dục, về năng lực tinh thần của người học, như:

Tại sao trải qua mười mấy năm học đằng đẵng và nhọc nhằn mà học sinh vẫn không thể trình bày được những suy nghĩ của mình một cách mạch lạc?

Tại sao với bao nhiêu tri thức vô giá của nhân loại được trao truyền mà người học vẫn không thoát khỏi tình trạng vị thành niên để trưởng thành?

Tại sao với bao nhiêu bài học đạo đức đẹp đẽ và thiêng liêng được dạy dỗ mà người học vẫn lệch lạc trong nhân cách, và thậm chí chúng ta còn phải chứng kiến những suy tàn của nền móng luân lý một cách nhức nhối?

Tại sao có quá nhiều những khuôn mặt mệt mỏi vô hồn trong những lớp học? Tại sao, và tại sao….

Sau những tìm kiếm và phản tư, với sự đối sánh về giáo dục của ta và người, và từ những gợi ý của những nhà triết học giáo dục lừng lẫy như Socrates, J. J. Roussell, I. Kant, Humboldt, J. T Mill, J. Deway… trong những công trình vĩ đại vô giá đã trở thành nền tảng tinh thần của các quốc gia văn minh phương Tây của họ, tôi dường như thấy được chút ánh sáng từ bức tranh thực tế nhức nhối của giáo dục nước nhà; nhìn lại cách thức giáo dục từ Đông Tây kim cổ, từ Hy Lạp tới Ấn Độ, từ Socrate đến Đức Phật, từ giáo dục cổ đại Socrate đến hiện đại thực dụng của Deway, tôi thấy được những điểm chung đáng kinh ngạc về tư tưởng đối thoại và sự phủ nhận quyết liệt trước sự rao giảng có tính giáo điều trong giáo dục.

Đặt tên cho bài viết này là GIÁO DỤC KHAI PHÓNG, với quan niệm rằng, đây là vấn đề nền móng, có tư cách là một triết lý giáo dục sẽ đóng vai trò dẫn đạo cho mọi thao tác và bước đi trong hành trình của giáo dục. Bài viết của chúng tôi tập trung trả lời ba câu hỏi lớn: Tại sao, Để làm gì và Như thế nào – tương ứng với ba phương diện nòng cốt của giáo dục là Nội dung, Mục đích và Phương pháp của giáo dục khai phóng. Bây giờ xin đi vào trả lời câu hỏi thứ nhất.

Ảnh: pexels-pixabay

1/. GIÁO DỤC KHAI PHÓNG – Tại sao?

Tôi cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất cho mọi sự giáo dục, nếu nó muốn thành công, là sự hiểu biết về con người. Anh phải biết bản chất của con người với những thiên tính bao gồm trong nó cả những rồng phượng và rắn rết, những thiên thần và ác quỷ… Anh phải hiểu con người có khả năng gì và có thể học được điều gì trước khi nói tới câu chuyện về phương pháp. Do đó, Tiền đề cho tất cả mọi sự luận giải dưới đây của chúng tôi là một tư tưởng có tính có tính tiên đề, rằng Con người vốn hàm chứa vô tận những những khả năng để thành tựu những giá trị cao cả của nhân sinh. Đó là một một hiểu biết căn bản về con người để làm xuất phát điểm cho những luận cứ và thao tác có tính thực hành trong giáo dục.

Một câu hỏi được đặt ra, là tư tưởng này có ý nghĩa gì? Theo tôi, đó là một nhận thức trọng đại, có tính cách mạng, bởi nó đã đánh tan đi sự lầm lạc của những người làm giáo dục, rằng con người là một tờ giấy trắng và người thầy phải gánh vác sứ mạng viết lên nó một đồ án đẹp nhất theo lý tưởng của anh ta. Cái quan niệm này đưa tới những hệ lụy tai hại, bởi người ta sẽ bằng mọi cách để cố tạc nên mẫu hình con người như tạc một bức tượng sống động từ một khúc gỗ vô tri. Và như thế, thay vì khơi dậy những tiềm tàng đang ủ sẵn trong mỗi người, người ta sẽ cố rót vào con người những gì mà họ cho là cần thiết và chưa có.

Cách thức giáo dục “rót đầy” này chỉ chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết về những nền tảng căn bản nơi thiên tính của con người. Và cũng vì thế, nó sinh ra vô số những hệ lụy về phương pháp giáo dục và tình trạng hủy hoại tinh thần người học. Cụ thể, người ta sẽ thực hành một đường lối giáo dục áp đặt, duy ý chí có tính cách nô lệ; nó giết chết những thiên tư nơi người học với tư cách là một thành tố quan trọng bậc nhất của con người cá nhân; nó gây ra những gánh nặng tâm lý do tình trạng cưỡng bách; nó làm cùn mòn tư duy độc lập, làm cạn kiệt nguồn năng lượng tinh thần của chủ thể, làm khô héo nguồn sinh khí, khiến tiêu ma niềm vui sống nơi mỗi người…

Một khi giáo dục đã thức tỉnh cái chân lý thiêng liêng về bản tính viên mãn nơi mỗi người, thì như một tất yếu, nó phải hành động theo con đường của khai phóng, tức tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ thể được tự do phát lộ những phẩm chất đang ngủ quên trong họ. Và vì thế, thay vì cưỡng bách và áp đặt, giáo dục phải dựa trên nguyên tắc đào luyện thông qua đối thoại, thông qua giải quyết vấn đề, thông qua tư duy phản biện. Những tiềm năng đang ủ dấu sẽ được đánh thức trong sự va chạm sống động của các quan điểm và các đường lối tư duy.
Tuy nhiên, có một nhận thức thứ hai cũng không kém phần hệ trọng mà chúng ta buộc phải thấu hiểu, rằng mỗi người là một nhân vị độc đáo! Con người là muôn sai ngàn biệt, không thể tìm thấy hai người nào có thế giới tinh thần giống hệt nhau trong cả nhân loại gần 8 tỉ con người này! Những loài cây khác nhau cần một môi trường sống khác nhau với chất đất, với khí hậu không giống nhau để có thể phát triển lành mạnh nhất.

Con người cũng không phải là một ngoại lệ. Mỗi người có những phẩm chất, những thiên tư, những năng lực, những xung năng và tình cảm không giống nhau. Việc áp dụng đồng loạt một đường lối, một chương trình giáo dục cho tất cả để mong tạo ra những sản phẩm đa dạng với những tài năng khác nhau sẽ mãi chỉ là một ảo tưởng.

Vì thế, một yêu cầu có tính mệnh lệnh đối với giáo dục là cần có đa dạng các tình huống thực tiễn với các môi trường và điều kiện khác nhau để những cá tính và thiên tư độc đáo nơi mỗi người có thể tìm thấy môi trường lý tưởng cho sự hình thành và trưởng thành của nhân cách mình. Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt, phải tạo mọi điều kiện cho những sự khác biệt lành mạnh được nuôi dưỡng tốt nhất. Học sinh phải được quyền cất lên tiếng nói của mình và tiếng nói ấy cần được ghi nhận, dù cho có những sai lầm. Bởi sự “dung thứ” cho sai lầm trong thảo luận là điều kiện đầu tiên để người học lấy lại dũng khí tư duy và thể hiện quan điểm. Chúng ta chấp nhận sự sai lầm để làm thành bước đệm cho một chân lý sẽ được xướng lên ở ngày mai bởi kẻ đã từng sai lầm ấy, còn hơn là không bao giờ được thấy cái ánh sáng của sự thức ngộ.

Như vậy, việc mà người làm giáo dục giác ngộ về năng lực tiên thiên nơi người học là bước đầu và cũng là bước quan trọng nhất để chúng ta hình thành tâm thế, xây dựng chương trình, tổ chức dạy học với đa dạng các phương pháp mà không bao giờ sợ đi trật đường ray giáo dục. Sự giác ngộ này, tất yếu đưa tới cách hành xử rằng chúng ta cần tôn trọng và đưa học sinh vào vị trí chủ thể, đồng thời thôi coi học sinh là những đối tượng. Sự giác ngộ này, cũng tất yếu dẫn tới lối hành xử dân chủ trong giáo dục như Deway đã tuyên ngôn. Và sự giác ngộ này cũng một lần nữa cảnh tỉnh chúng ta một điều hệ trọng, đó là, anh không thể dùng sự chuyên chế để chống lại bản nguyên nơi con người, vì trước sau gì điều ấy cũng đưa tới những đổ vỡ.

Như vậy khai phóng là khai minh con người để giải phóng nó. Giải phóng những tiềm năng ẩn tàng nơi mỗi người, giải phóng con người để nó trở nên tự do, thoát khỏi tình trạng ấu thơ và nô lệ tinh thần.

Trong đề thi thi lập đội tuyển quốc gia môn ngữ văn của tỉnh Bình Phước có câu rằng “Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn”. Hai chữ “can đảm” này, tôi nghĩ, chỉ có thể có được khi chúng ta, những người làm giáo dục, đã thấu suốt bản chất của giáo dục và lãnh ngộ được triết lý ở chiều sâu của bản chất con người. Đó là một tiền đề quan yếu, có tính quyết định cho công cuộc đào luyện con người trong giáo dục.

Ảnh: pexels-pixabay

2/. GIÁO DỤC KHAI PHÓNG – Để làm gì?

Con người tự do như một thành tố của an sinh. Mục đích của giáo dục là con người tự do chứ không phải con người công cụ! Con người lấy chính nó làm cứu cánh tối hậu. Tại sao? Vì mọi thiết chế xã hội từ quốc gia, thể chế, tổ chức… được sinh ra và tồn tại là vì an sinh của mỗi cá nhân. Nếu mỗi người không hạnh phúc, hoặc không được sống như chính nó mong muốn thì tất cả những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo v.v… đều trở nên vô nghĩa.

Con người công cụ là gì? Con người công cụ là con người không có hoặc có rất ít bản sắc cá nhân, được coi như một bộ phận nhỏ bé trong cả một hệ thống lớn, hướng đến một mục tiêu lớn, thường là rất trừu tượng. Vì thế, cách đào tạo chủ yếu là nhồi nhét một chiều. Phương pháp đào tạo là lấy giáo viên và giáo trình làm trung tâm, dạy và học theo kiểu đọc chép. Không có phản biện, không có sáng tạo, không có lật ngược vấn đề (Giáp Văn Dương).

Con người tự do là con người biết lựa chọn các giá trị mà mình theo đuổi và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Chữ “biết” được nhấn mạnh ở đây là điều không được phép xem nhẹ. Giáo dục phải giúp con người tìm ra chính mình, nhìn thấy chính mình và sống là chính mình. Con người phải được tự do trở thành như một đòi hỏi thiêng liêng, bởi cùng một hoàn cảnh, với người này là hạnh phúc vô bờ, nhưng ở người khác thì có thể là một gánh nặng bi thiết. Chúng ta không được tước mất đi cái hạnh phúc thuộc về mỗi cá nhân mà bản thân ta không có quyền năng để bù đắp.

Cuộc sống của mỗi người được lo lắng và vun đắp nhiều nhất bởi chính họ, chúng ta dù sao vẫn chỉ là kẻ đi bên lề cuộc đời họ, bởi thế, thay vì muốn cưỡng bức người khác bằng hạnh phúc mà bản thân ta tin tưởng thì hãy tạo điều kiện cho họ được hạnh phúc theo cách của chính họ. Chúng ta, những người làm giáo dục, tôi nghĩ, gần như chỉ có duy nhất một sứ mệnh là tạo ra một môi trường lý tưởng cho mỗi người được tự do trở thành con người mà họ thuộc về và mong muốn.

Con người tự do là một thành tố quan yếu của an sinh, hiểu như là an sinh tinh thần và an sinh xã hội. Lại hỏi “Tại sao”. Bởi một xã hội có những công chức giỏi, có những nhân viên ngân hàng giỏi, có những thầy giáo giỏi, có những thợ hớt tóc giỏi, có những những người phu quét đường tận tụy…, tóm lại là ai cũng được làm công việc mà mình có sở trường và yêu thích, tất yếu xã hội ấy sẽ an định và phồn vinh. Đó là một sự phân công lao động tự nhiên mà minh triết, không cần đến sự can thiệp quá nhiều từ bàn tay hoạch định của người quản lý. Hay nói cách khác, là hãy quản lý cái gốc là giáo dục. Đến lượt mình, giáo dục lại lặp lại cái nguyên tắc tối hậu ấy, nguyên tắc tự do, để thực hiện lý tưởng của an sinh tinh thần.

Tóm lại, vai trò của cá nhân không những quan trọng đối với sự phát triển của xã hội mà còn là thiêng liêng với cuộc đời của chính nó. Giải phóng con người cá nhân, tức đạt tới con người tự do, không những là lý tưởng của một cộng đồng mà còn là điều kiện quan trọng bậc nhất để bảo đảm cho an sinh xã hội và hạnh phúc cá nhân. Vì thế, con người tự do cần trở thành mục đích theo đuổi của tất cả chúng ta, những người làm giáo dục.

Ảnh: pexels-polina-zimmerman

3/. GIÁO DỤC KHAI PHÓNG – Như thế nào?

Chúng ta đã trả lời hai câu hỏi lớn về bản chất con người và mục đích của giáo dục phát xuất từ bản chất ấy. Vấn đề còn lại là cách thức nào để đạt được mục đích đã nêu. Tôi cho rằng phương pháp không phải là điều quan trọng nhất và cũng không phải là duy nhất. Một khi chúng ta đã thấu hiểu con người và đặt ra lý tưởng về con người tự do thì có nhiều cách để đi tới cái lý tưởng ấy như tổ chức dạy học theo nguyên tắc đối thoại Sorcrates, dạy học trải nghiệm theo thuyết kinh nghiệm và thực dụng của Deway, theo thuyết tự nhiên như của J.J. Roussell, hay dạy học theo tình huống thực tiễn trên quan điểm của Humboldt v.v…

Nhưng dù theo phương pháp nào thì nguyên tắc chủ động và tự mình đi đến sự thức ngộ chân lý ở học sinh phải luôn luôn được quán xuyến. Việc cung cấp kiến thức, cho dù đó có là những chân lý được nhân loại thừa nhận một các phổ quát, mà không thông qua hành trình tự trải nghiệm bằng tư duy của chính người học thì cái chân lý ấy chỉ là một giáo điều. Cái giáo điều ấy không những không có ích lợi đối với người học mà ngược lại còn trở thành một gánh nặng đối với họ.

Chân lý được phán truyền chứ không thông qua tư duy và thảo luận thì chỉ là một thứ chân lý chết. Chân lý ấy không những không được nhận thức đúng nghĩa, mà tệ hại hơn, nó không thể tác động gì lên tình cảm và hành động của con người. Cho nên, việc rao giảng và học thuộc bao nhiêu bài học đạo đức thánh thiện nhưng, như chúng ta đã thấy, cũng không làm cho nền tảng xã hội trở nên lành mạnh hơn.

Phương pháp giáo dục vì thế, phải lấy học sinh làm chủ thể trong hành trình đến với tri thức của họ. Và người thầy chỉ nên đóng vai trò cố vấn, giúp đỡ thậm chí có lúc cần trở thành “lực cản” với tư cách là người phản biện để học sinh có thêm cơ hội tìm ra chân lý ở chiều kích sâu hơn của nó.

Với tinh thần khai phóng ấy, những tiềm năng nơi mỗi người sẽ được giải phóng và trở thành nguồn sức mạnh chung của xã hội; đến lượt mình, mỗi cá nhân, vì được sống là chính mình mà trở nên hạnh phúc. Một viễn tượng như thế, tôi cho rằng đáng để chúng ta mơ ước mà dấn thân hành động!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: