Giáo sư Thanh Lãng – Thầy tôi

Giáo sư Thanh Lãng (file photo)

Lời người viết:

Vốn là một cựu môn sinh có nhiều “duyên nợ” với GS Thanh Lãng, người viết muốn ôn lại những kỷ niệm đong đầy lúc còn theo học với Thầy tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn cùng một số sinh hoạt văn hóa khác. Đồng thời nhằm bổ sung, đính chánh một vài sai lầm, thiếu sót về cuộc đời và sự nghiệp của người thầy khả kính. Ước mong nhận được những ý kiến phản hồi với tinh thần xây dựng của các bậc thức giả trong và ngoài nước – đặc biệt của các môn sinh cũ của Thầy. Xin đa tạ.

Trong đời tôi ít khi viết về thầy học cũ của mình mặc dầu thấm nhuần truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo. Tuy vậy, tôi cũng có bài Tết Thầy nói lên lòng biết ơn, sự kính trọng thầy học của mình ở quê nhà. Ngoài ra, các bạn cũng như tôi, đều có những vị thầy khả kính dầu ở Tiểu học, Trung học hay Đại học. Và tình nghĩa thầy trò trước kia đều thắm thiết, đáng trân trọng.

Đặc biệt ở Đại học, tôi còn mang nặng nhiều “món nợ tinh thần” đối với một số thầy ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn (ĐHVKSG). Trong bài nầy, tôi muốn viết những kỷ niệm về thầy Thanh Lãng nhân khi tìm được tấm danh thiếp Thầy chúc mừng nhân ngày Hôn lễ của vợ chồng tôi đúng 50 năm về trước. Đó cũng là cách để trả ơn phần nào đối với thầy học của mình.

Một tháng sau khi thi đậu Cao học Văn chương Việt Nam tại ĐHVKSG, tôi lập gia đình vào ngày 14 Tháng Giêng 1973. Trong số gần hai trăm quan khách đến dự Hôn lễ tại Tửu lầu Sài Gòn, còn có sự hiện diện của GS Phạm Việt Tuyền và phu nhân. GS Thanh Lãng bận việc không đến dự. Người gởi một danh thiếp mừng Hôn lễ của vợ chồng tôi, nguyên văn như sau: “Thăm Thiết và Mai. Mừng Cô và Cậu. Chúc một cuộc đời vui tươi, hạnh phúc, đầy thành công. Thanh Lãng”.

Tôi bồi hồi xúc cảm khi nhận tấm danh thiếp ấy từ vị Thầy khả kính, nguyện sẽ giữ gìn cẩn thận, coi như đó là kỷ vật thiêng liêng. Sau bao cuộc bể dâu, tấm danh thiếp ấy đã bị thất lạc, có lẽ nó cùng chung số phận với một số sách quý trong chiến dịch phần thư của chánh quyền mới. Không ngờ một cái “duyên” lạ lùng đã đưa châu về hợp phố. Đứa em trai tôi đã lén lút cất giấu nó cùng một số sách quý hiếm khác và gởi trả cho tôi sau khi qua định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O.

Tôi nâng niu tấm danh thiếp ấy mà đầu óc suy nghĩ miên man. Từng kỷ niệm xưa chợt hiện về: Cuồn cuộn, trào dâng, xúc cảm… Đối với tôi GS Thanh Lãng là một nhà giáo yêu nghề, một người thầy khả kính. Thầy là tấm gương sáng cho môn đệ noi theo: từ sự cẩn trọng trong cách ăn mặc, sự mềm mỏng, lịch thiệp trong giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, văn thi hữu – đặc biệt niềm đam mê nghiên cứu phê bình văn học với tinh thần nghiêm cẩn khoa học, “nói có sách mách có chứng”.

Tôi có cái phước duyên theo học với GS Thanh Lãng tại ĐHVKSG từ chứng chỉ Văn chương Quốc âm (1967) đến lúc soạn và đệ trình Cao học Văn chương Việt Nam (1972), và sau cùng nghiên cứu sinh Tiến sĩ (1975).

Giáo sư Thanh Lãng, tên khai sanh là Đinh Xuân Nguyên (1924-1988) (1), một Linh mục, một trí thức khoa bảng, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa. GS Thanh Lãng sanh ngày 23 Tháng Mười Hai 1924 tại Tam Tổng, Nga Sơn, Thanh Hóa. Thuở nhỏ Thầy theo học trường làng đến năm 12 tuổi, rồi lần lượt vào Tiểu chủng viện Ba Làng, đậu Tú tài Pháp năm 1945, dạy học hai năm (1947), và học hai năm Triết học tại Học viện Xuân Bích Hà Nội.

Năm 1949, Thầy được cử đi học trường Truyền giáo Roma (Ý) và được thụ phong Linh mục ngày 20 Tháng Mười Hai 1953. Sau đó Linh mục vào Đại học Fribourg (Thụy Sĩ), đậu Tiến sĩ Văn chương năm 1957. Sau khi đậu Tiến sĩ Văn chương, Giáo sư Thanh Lãng về nước và giảng dạy tại Tiểu Chủng viện Tân Thanh (Bảo Lộc, Lâm Đồng); đồng thời giảng dạy tại các Đại học Văn Khoa Huế, ĐHVKSG (1957-1975), có lúc làm Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Hòa Hảo (An Giang). Năm 1958, Linh mục được mời làm Giám đốc ngành Thông tin Công Giáo và Chủ biên tuần báo Việt Tiến rồi Giám đốc Trụ sở Thanh Hoá (Trương Minh Giảng, Sài Gòn).

Có thể nói ngoài công việc giảng dạy tại các Đại học, từ đây cho tới ngày 30 Tháng Tư 1975 là “thời gian hoạt động văn học nhộn nhịp trong cuộc đời Thanh Lãng” (theo GS Nguyễn Văn Trung). Ngoài tờ Việt Tiến, giáo sư còn làm Chủ biên các tạp chí Trách Nhiệm, Nghiên Cứu Văn Học (Bộ cũ và Bộ mới) và Tin Sách (tạp chí  của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do giáo sư làm Chủ tịch). Ngoài bút hiệu Thanh Lãng thường dùng, giáo sư còn ký nhiều bút danh khác, như: Việt Tiến, Hưng Nhân, Nguyễn Hưng Nhân, NDL và nặc danh. Ngoài ra giáo sư còn viết bài cho nhiều nhựt báo ở Sài Gòn, có ngày phải viết đến hai ba bài xã luận cho các báo Hòa Bình, Trắng Đen, v.v…

Là một trong số giáo sư khoa bảng danh tiếng và do tiếp cận với văn hóa phương Tây, với một kiến thức bao la, Thầy giảng thao thao bất tuyệt về Văn hóa dân tộc, về Lịch sử phát triển chữ Quốc ngữ, về Phê bình văn học thế hệ 1932 v.v… khiến sinh viên chúng tôi ghi “cours” mệt nghỉ và bị “mê hoặc” đi vào con đường nghiên cứu!

Như cá gặp nước, như rồng gặp mây, qua bao tháng ngày sôi kinh nấu sử, tôi đã khám phá một chân trời mới, với đầy đủ sắc màu, muôn vàn tinh tú: Đó là chân trời văn học, triết học với những khuynh hướng học thuật mới mẻ, những phong cách độc đáo trong biên khảo, trước tác và dịch thuật. Từ ấy tôi nhận thức được cái vốn hiểu biết trước kia của mình chỉ là những giọt nước; còn những điều mình chưa biết là cả một đại dương bao la bát ngát!

*Theo học Cử nhân: Trở lại đề tài, năm 1967 tôi theo học chứng chỉ Văn chương Quốc âm với GS Thanh Lãng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một Linh mục mặc áo dòng màu đen, mặt xương xương nghiêm nghị với cặp kiếng trắng, gọng màu xám nhạt, dáng người cao ráo. Thoạt nhìn ai cũng “ngán”, nhứt là thi vấn đáp với Thầy, đa số sinh viên chúng tôi đều “khớp”!

Tôi đồng ý với một bạn văn đã viết về Thầy: “Đó là một người cởi mở, dễ dàng trao đổi đối thoại (…). Hình ảnh sợi dây vàng mắc vào khuy áo, đầu sợi dây mắc vào túi áo ngực, hình như mắc vào đó là một cái đồng hồ vàng” (Viên Linh. Nguồn: www.vanthoconggiao.net).

Một môn sinh cũ của Thầy đã viết: “Cha hồn nhiên và vui tính. Cha dùng những ngôn từ bình nhựt, không kiêu sa, không làm dáng trú ẩn trong những câu nói cao kỳ, xa cách cuộc đời với những con người thật lăn lộn kiếm sống từng bữa…” (Nguyễn Văn Sâm).

Thầy lái chiếc xe hơi Volkswagen màu xanh dương nhạt để đi dạy. Sau khi thi đậu chứng chỉ Văn chương Quốc âm, chúng tôi thành lập Nhóm Văn Học Việt Nam do GS Thanh Lãng đỡ đầu. Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, bạn Nguyễn Tấn Vinh là một Ủy viên của Nhóm. Ngoài việc tương thân tương trợ trong học tập, chúng tôi ra mắt được bảy số Tập San Văn Học (in Ronéo) và một Đặc san (in Typo). Nội san do tôi làm Chủ bút; còn Chủ bút Đặc san do anh Bùi Đức Uyên, Tổng Thơ ký của Nhóm đảm trách.

Ngoài mấy bài nòng cốt của một số Giáo sư, hầu hết bài vở do sinh viên chúng tôi phụ trách. Trong Tập San Văn Học số 7, có bài viết tựa đề “Văn hóa dân tộc là gì?” của GS Thanh Lãng. Tôi tập tễnh viết bài nghiên cứu văn học đầu tiên tựa đề “Tư tưởng yếm thế của các nho thần đời Trần”. Bài nầy được GS Phạm Văn Diêu khen ngợi trước lớp Văn chương Việt-Hán đàn em. Ngoài ra, trong Đặc san in typo có một bài khảo cứu của thầy Đông Hồ tựa đề “Vai trò a hoàn trong các truyện thơ nôm bình dân”. Tiếc rằng số báo nầy đã bị thất lạc. Trong phần Tiểu sử của thi sĩ Đông Hồ, chưa ai nói về bài nầy.

*Tầm Sư bảo trợ Cao học và Tiến sĩ:

Như ai nấy đều biết, giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đào tạo theo mô hình kim tự tháp, có nghĩa học sinh lớp dưới thấp thường rất đông và phình to ra; nhưng càng lên cao qua nhiều kỳ thi sàng lọc, nên càng teo nhỏ lại.

Trái lại giáo dục Cộng sản được đào tạo theo mô hình “ống đu đủ”, vào bao nhiêu lùa ra cho bằng hết để đạt “chỉ tiêu”, có trường tỷ lệ học sinh thi đậu 100%! Vì giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đào tạo theo mô hình kim tự tháp nên tỷ lệ trúng tuyển khá thấp.

Chẳng hạn tuyển sinh vào Đệ Thất công lập toàn quốc chỉ đậu 62%; vào Tú tài I chỉ đậu 15% – 30%; vào Tú tài II chỉ đậu 30% – 40%. Tôi không có thống kê tổng số thí sinh thi đậu vào Đại học và ra trường là bao nhiêu, chắc là không nhiều lắm.

Riêng tại ĐHVKSG, sinh viên được tự do ghi danh nhập học và tự chọn phân khoa thích hợp, miễn là có bằng Tú tài II. Nhưng số cô cậu Cử tốt nghiệp ra trường chỉ lác đác, bởi lẽ ngoài số sinh viên thuần túy, phần đông còn lại là công chức, giáo chức hoặc quân nhân (có cả mấy ông tướng) (2) không có nhiều thời gian đi học thường xuyên.

Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa đã khó, đừng nói chi đến Cao học. Thời bấy giờ ĐHVKSG chưa mở Tiến sĩ chuyên khoa, nên đường vào Cao học vô cùng gian nan vì đó là đỉnh điểm của mô hình kim tự tháp.

Để được ghi danh Cao học, sinh viên phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện cần là phải đậu Cử nhân Giáo khoa chuyên ngành mình muốn ghi danh; nếu có Cử nhân Văn khoa trong đó hai hoặc ba chứng chỉ đậu hạng Bình Thứ thì cũng được chấp nhận. Điều kiện đủ là phải được một Giáo sư nhận bảo trợ.

Đa số sinh viên “vướng” phải cái điều kiện đủ nầy. Một số cô cậu Cử than phiền rằng việc tìm thầy bảo trợ Cao học càng khó hơn Tôn Tẫn vượt suối trèo đèo lên non tầm sư học đạo. Bởi lẽ bằng Cao học (Diplôme d’études supérieures) bấy giờ có lúc được xếp tương đương với Tiến Sĩ Đệ tam cấp của các nước phương Tây (Giáo dục Cộng sản gọi là “Thạc sĩ”).

Trước năm 1975, chỉ có hai nghiên cứu sinh đã đậu Tiến sĩ chuyên khoa (Doctorat) ban Địa Lý học đầu tiên và cũng là cuối cùng tại ĐHVKSG (3). Vậy mà từ năm 2020, giáo dục Cộng sản đặt chỉ tiêu đào tạo trên 20 ngàn “tiến sĩ”. Thật đáng sợ!

Sau khi đậu Cử nhân, tôi có cơ duyên được GS Thanh Lãng nhận bảo trợ để soạn Cao học Văn chương Việt Nam với đề tài “TÁNH CÁCH ĐẶC THÙ CỦA CA DAO MIỀN NAM”. Đề tài nầy do sự gợi ý và phối hợp giữa bạn hiền Nguyễn Tấn Vinh và tôi.

Đây là đề tài còn mới mẻ, ít người khai thác một cách có hệ thống, và hợp với tình-yêu-say-sưa-văn-chương-bình-dân của Giáo sư, nên tôi vượt qua “điều kiện đủ” nầy không quá khó. Hơn nữa Giáo sư cũng đã biết sơ về tôi lúc “vác ngà ngoi” cho Nhóm Văn Học Việt Nam, có bài khảo cứu đầu tiên cho tờ Nội san của Nhóm. Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi. Bởi lẽ Giáo sư bảo trợ là một Tiến sĩ chánh hiệu, Trưởng ban Việt văn ĐHVKSG, và là Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Từ ấy tôi yên tâm “Theo thầy nấu sử sôi kinh”, có khi cũng lao đao vất vả, có lúc bị gián đoạn vì chiến cuộc. Đầu năm 1971, tôi đảm trách Tổng Thơ ký Tòa soạn tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (Bộ mới) do Giáo sư làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút (4).

Ngoài cái “mác” Giáo sư Đệ Nhị cấp, tôi còn có thẻ ký giả (do ông Lưu Vĩnh Lữ, Giám đốc Nha Báo chí ký) nên được tạo mọi điều kiện thuận lợi khi thi hành “công vụ”, nhứt là những đợt về miền Tây “công tác”, kết hợp với việc đi “điền dã” sưu tầm ca dao, dân ca. Tôi đã đăng bài “Kỷ Niệm Buồn Vui Nghề Báo” trên tạp chí Ngôn Ngữ.

Từ một nghiên cứu sinh Nam Kỳ “chánh hiệu”, tôi còn là cộng sự đắc lực của một giáo sư Bắc Kỳ thứ dữ không phân biệt vùng miền, không kỳ thị Bắc-Nam, tôn giáo, nên cái mặc cảm trước kia trong tôi giờ đây đã biến mất, nhường chỗ cho sự thân thiết gần gũi, “dễ dàng trao đổi đối thoại” với Thầy nhiều hơn. Tình nghĩa thầy trò thắm thiết thời thơ trẻ được tái hiện. Thầy tận tình dìu dắt, trò tận lực học hỏi làm theo.

Hơn một năm miệt mài, tôi đã viết xong bản thảo Luận án. Sau khi chỉnh sửa một số sai sót dưới sự tận tình hướng dẫn của Giáo sư bảo trợ, tôi đem đánh máy và in Ronéo Luận án Cao học chờ ngày đệ trình trước Hội Đồng thi. Đáng lẽ tôi được đệ trình Luận án ngay sau đó; nhưng, với chữ “nhưng” quái ác, ngày ra Hội Đồng thi của tôi bị dời lại hơn nửa năm, bởi lẽ Giáo sư bảo trợ lâm trọng bịnh phải nằm viện một thời gian, nên mọi việc bị đình trệ.

Có lần nhà văn Song Thao đã viết: “Anh Nguyễn Kiến Thiết là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn từ năm 1966 tới 1975 và là sinh viên ruột của Linh Mục Thanh Lãng. Linh Mục là người Bắc ròng nhưng lại vô cùng yêu thích văn chương miền Nam. Anh Nguyễn Kiến Thiết đã hoàn tất luận án cao học với đề tài “Tính Cách Đặc Thù của Ca Dao Miền Nam”.

*Đệ trình Cao học Văn chương:

Rồi ngày trọng đại trong đời tôi đã đến. Buổi sáng hôm ấy tiết trời mát mẻ, nắng dìu dịu, gió êm êm của ngày 9 Tháng Mười Hai 1972, tôi đã đệ trình Luận án Cao học Văn chương Việt Nam trước một Hội Đồng thi tại giảng đường ĐHVKSG trên lầu I.

Ngoài sự có mặt đông đảo của sinh viên chứng chỉ Văn chương Quốc âm khóa đàn em hôm ấy, còn có sự hiện diện đông đủ của anh em Tòa soạn tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, của Nhóm Văn Học Việt Nam, anh chị Ngọc Tuyền và một bóng hồng Vương Thị Mai (Ngọc Mai) – người tình, người vợ sắp cưới của tôi.

Hội Đồng thi nầy gồm ba Giáo sư danh giá làm Giám khảo. Chủ tịch: GS Thanh Lãng, Trưởng ban Việt văn; nhị vị Hội viên: GS Bửu Cầm, Trưởng ban Hán văn, và GS Nguyễn Văn Trung, Trưởng ban Triết Tây, nguyên Khoa Trưởng ĐHVKSG.

Kết quả Luận án Cao học Văn chương “TÁNH CÁCH ĐẶC THÙ CỦA CA DAO MIỀN NAM” của tôi được Hội Đồng thi chấm hạng Ưu. Chính GS Khoa Trưởng Bùi Xuân Bào đã ký Văn bằng của tôi vào ngày 11 Tháng Mười Hai 1972 (5).

Thật không còn bút mực nào tả hết nỗi mừng vui của tôi cũng như của những người thân yêu ruột thịt và bè bạn tâm giao. Tôi dám chắc Ba Má tôi cũng lấy làm sung sướng và hãnh diện về tôi. Anh chị Ngọc Tuyền – anh chú bác của tôi đã hết lời ca ngợi về “kỳ tích” nầy. Tiếng lành đồn xa. Về sau, không riêng gì ở quận nhà Trà Ôn (Vĩnh Long) mà khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gương hiếu học của cậu bé “đặc sệt” nhà quê như tôi được tỏa sáng, có thể ví “Trong Nam thiên hạ nổi như cồn”.

Đầu năm 1973, trong một lần đến thăm GS Thanh Lãng, Thầy ân cần bảo tôi:

-Cậu muốn vào giảng dạy ở ĐHVKSG không? (Thầy gọi tôi là “cậu”, nhưng xưng “toa”, ”moa” với Nguyễn Văn Sâm).

-Thưa Cha, đó là nguyện vọng của con, tôi mừng rỡ đáp (dầu là người ngoại đạo, nhưng chúng tôi thường gọi Thầy là “Cha”).

-Vậy ngày mai, Cha sẽ đưa Hồ sơ của cậu cho Hội đồng khoa duyệt và lập thủ tục tuyển dụng.

Quá đỗi vui mừng, tôi đáp bằng một giọng xúc động:

-Thưa Cha, con vô cùng sung sướng được Cha thương yêu dìu dắt, cả về học vấn lẫn nghề nghiệp. Con xin ghi khắc ơn sâu vào tâm khảm và nguyện suốt đời noi theo gương sáng của Cha.

Có lẽ công danh chưa mỉm cười với tôi, nên hồ sơ tuyển dụng của tôi được Hội Đồng Khoa ĐHVKSG chấp thuận từ đầu năm 1973 lại bị “ngâm tôm” một thời gian dài. Tôi không biết tại ông Thơ ký ĐHVKSG “ngủ quên”, hay bởi Viện Đại học Sài Gòn không sốt sắng ký Sự Vụ Lịnh tuyển dụng?

Một thời gian sau tôi được tuyển dụng về giảng dạy tại Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Cần Thơ, nơi mà vị Khoa Trưởng có bằng Tiến sĩ Đệ tam cấp Ngôn ngữ Anh ở Hoa Kỳ về; và hầu hết Giảng viên chỉ tốt nghiệp Cử nhân Văn chương. Ì ạch mãi đến năm 1974, sau khi nhận Sự Vụ Lịnh của Viện Đại học Cần Thơ do GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân ký, tôi mới chánh thức nhận việc tại Đại học Cần Thơ.

Tôi đã giảng dạy Văn chương bình dân miền Nam (Ca dao, hò vè) và Thơ văn yêu nước – đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Tôi nghiệm ra rằng trong cái rủi lại có cái may, sau cái họa lại được cái phước, giống như chuyện “Tái Ông thất mã”. Cái rủi vì chưa được giảng dạy tại ĐHVKSG; cái may vì ở Đại học Cần Thơ lại hội đủ ba yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.

*Lập gia đình và nghiên cứu sinh Tiến Sĩ:

Ngày 14 Tháng Giêng 1973, tôi lập gia đình. Lúc ấy Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học đã đình bản sau hai năm hoạt động với 16 số báo xuất bản. Tôi tiếp tục hành nghề “gõ đầu trẻ” các lớp Đệ Nhị cấp.

Bấy giờ ĐHVKSG đã mở Tiến sĩ chuyên khoa. Với sự đồng tình khích lệ của người vợ đầu ấp tay gối, thừa thắng xông lên, tôi đến gặp GS Thanh Lãng xin được bảo trợ để làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Văn chương với đề tài: “TINH THẦN TRANH ĐẤU QUA MỘT SỐ TRUYỆN THƠ BÌNH DÂN MIỀN NAM”. Giáo sư vui vẻ chấp thuận vì tôi hội đủ hai điều kiện cần và đủ như đã kể. Từ ấy, tôi lại tiếp tục “Theo thầy nấu sử sôi kinh” để mai sau “Danh tôi đặng rạng tiếng thầy bay xa” (Lục Vân Tiên).

Trong thời gian nầy, tôi gia nhập Hội Thân Hữu Văn Khoa do GS Phạm Việt Tuyền làm Hội Trưởng và được bầu làm Ủy viên Nghiên cứu trong Ban Chấp hành. Nhân kỷ niệm đúng một năm đệ trình Cao học, được sự phân công của Hội, ngày 9 Tháng Mười Hai 1973, tôi đăng đàn diễn thuyết tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, số 107 Đoàn Thị Điểm, Sài Gòn, với đề tài “Phân tích cuốn Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm”. Mặc dầu đã được phép của Bộ Thông Tin, nhưng không hiểu sao giờ chót lại bị cấm, khiến tôi cùng mấy mươi khán giả đành buồn bã ra về trong sự tiếc nuối!

Như ai nấy đều biết, đã chọn nghề thầy, ai cũng yêu nghề yêu trẻ dầu giảng dạy ở cấp lớp nào, từ Tiểu học, Trung học hay Đại học. Riêng ở Đại học, mỗi thầy thể hiện mỗi cách. Trường hợp GS Thanh Lãng có một cái gì “đặc biệt”, đáng kính, đáng trân trọng và “rất Thanh Lãng!”.

Để thể hiện tình-yêu-say-sưa-văn-chương-bình dân, Giáo sư đã bảo trợ Cao học cho một số sinh viên không phân biệt giàu nghèo, giai cấp xã hội, tôn giáo, địa phương hay chủng tộc, như Trần Đức Rật, Phạm Văn Đang, Lê Văn Chưởng, Nguyễn Kiến Thiết. Về Văn chương miền Nam (Nam Kỳ Lục Tỉnh), bác học cũng như bình dân, Giáo sư đã bảo trợ cho những Nguyễn Thiên Thụ, Nguyễn Văn Sâm và tôi… Tôi không biết có phải tất cả nghiên cứu sinh kể trên đều được Hội Đồng thi chấm Ưu hạng hay không; nhưng có điều đáng nói là đa số đều được Giáo sư đưa vào giảng dạy tại ĐHVKSG cũng như bảo trợ làm Luận án Tiến sĩ, trong đó có tôi.

***

Cuộc đời và sự nghiệp thầy Thanh Lãng (1924-1988) có thể nói “đã dùng hết vốn liếng của tuổi đời đầu tư về giáo dục về văn học”, chẳng hạn đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, trước tác nhiều bộ sách nghiên cứu phê bình văn học có giá trị. Tôi rất đồng ý với Nguyễn Văn Sâm qua nhận định: “Công trình viết lách của Cha Lãng quá nhiều. Thư mục đồ sộ của cha để lại cần phải có thì giờ đọc đi đọc lại nhiều lần và phân tích tỉ mỉ mới thấy hết giá trị công trình”.

Nhưng cuộc đời của Người còn nhiều uẩn khúc, bị tai tiếng. Thầy từng “tranh đấu không mệt mỏi, từ những định chế mới của Đại học đến những điều tự do của dân chúng và báo chí”, “nói lên tiếng nói lương tâm con người trong hoàn cảnh mà con buôn chánh trị đầy rẫy khắp nơi”. Nhưng oái oăm thay, Thầy bị chĩa mũi dùi từ nhiều phía. Người sinh viên được Thầy bảo trợ Cao học và đưa vào giảng dạy ở ĐHVKSG, lại làm đơn kiện Thầy về một vài định chế mới của Đại học. Nhân danh Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Thầy đã từng can thiệp với chánh quyền trả tự do cho một số văn nghệ sĩ mà không phân biệt “bên nầy/bên kia”.

Tài liệu giảng dạy in ronéo của Thầy bị các “đấng văn hóa” đánh cắp đem đi xuất bản và bán chạy như tôm tươi (trường hợp hai “nhà văn hóa” Nguyễn Tấn Long và Phan Canh). Sự việc nầy khiến Thầy và một số anh em Tòa soạn tạp chí Nghiên Cứu Văn Học chúng tôi phải “đáo tụng đình”. Rốt cuộc tiền mất tật mang vì bị tòa án xử huề cả làng!

Chính Viên Linh đã nhận xét: “Như người viết bài này được biết, Thanh Lãng là vị giáo sư Văn Khoa có nhiều tác phẩm (và bài giảng) được mua đọc nhiều nhất – và việc này cũng gây ra – ngoài ý muốn hay sự kiểm soát của ông, những dư luận trên báo chí, truyền thông. Việc giới thương mại xâm lấn vào thị trường sách học ở Sài Gòn trước 75 đã trở thành sự việc phải mang ra trước tòa án công lý”.

Sau Tháng Tư năm ấy, Thầy “được cám ơn để về vườn, từ giã ngôi trường vì lý do không thể để tôn giáo trong Đại học”. Người ta gọi Thầy bằng “anh”. Họ không muốn gọi Thầy là “Cha”, là “Giáo sư”, hay gì gì đi nữa. Có lúc Thầy đi làm tàu hủ ở một hợp tác xã trong ngã tư Bảy Hiền. Thầy xin chuyển ngành sang địa hạt ngôn ngữ ít ra cũng còn hít thở không khí văn chương chữ nghĩa, có thể được đọc, được viết, để cảm thấy đời mình chưa đến nỗi bỏ đi.

Những năm tháng cuối đời, Thầy chìm ngập trong nỗi chán chường, thất vọng, bao nỗi đắng cay dày vò có lúc không còn muốn sống. Thầy buồn chán đến nỗi bỏ hết sách vở, kêu ve chai bán ký lô. Thầy “bế môn” không muốn giao tiếp với văn giới, học giới – kể cả đám môn sinh thân yêu của mình. Thầy trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn ngày 17 Tháng Mười Hai 1988 bởi cơn đau bụng vật vã sau khi đi “làm việc” ở phường về (theo Nguyễn Văn Lục).

Tang lễ của Thầy được cử hành tại nhà thờ họ đạo Chí Hòa (Tân Bình) và an táng tại nghĩa trang họ đạo Fatima (Bình Triệu). Lúc bấy giờ tôi và gia đình đang ở trại tỵ nạn Pulau Bidong nên không hay biết. Sau khi định cư ở Montréal vào Tháng Ba 1989 mới nhận được tin dữ nầy qua một bài báo do GS Phạm Việt Tuyền viết từ Pháp.

Bây giờ Giáo sư Thanh Lãng đã ra đi. Người đã đi rồi, đi thật xa. Thời gian thấm thoát trôi nhanh như giấc mộng. Mới đó mà đã 35 năm. Thầy đã để lại một sự nghiệp giáo dục, văn hóa vô cùng lớn lao đồ sộ – trong đó có một mảng về tôn giáo. Không chỉ dùng lý thuyết suông, Thầy còn dấn thân, nhập cuộc. Nhưng lực bất tòng tâm, Thầy hoàn toàn là người thua cuộc – cụ thể từ sau 1975, bị bỏ rơi và chết trong cô đơn, buồn tủi…

Giờ đây tôi chỉ biết thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến vị ân sư đã về miền tiên cảnh – người thầy đã chắp cho tôi đôi cánh để bay cao, bay xa về phía chân trời mơ ước.

Montréal, Canada – Kỷ niệm húy nhựt lần thứ 35 của Thầy (1988-2023)

____________________

Chú thích:

(1) Tôi xin xác nhận GS Thanh Lãng mất ngày 17 Tháng Mười Hai 1988 tại Sài Gòn để đính chánh những sai lầm của các trang mạng xã hội và của một số tác giả. Các trang mạng như Wikipedia (Vi.m.wikipedia.org) và nguyendinhchuc.Wordpress.com đều ghi GS Thanh Lãng mất năm 1978 là sai hoàn toàn. Trần Hải Yến: Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế Giới, 2004 cũng ghi GS Thanh Lãng mất năm 1978, hoàn toàn sai. Riêng Nguyễn Văn Lục qua bài viết “Thanh Lãng, nhà văn hóa bị bỏ quên” đăng trong DCV Online.net đã ghi: GS Thanh Lãng (1924-1998). Tôi nghĩ ông ghi lộn 1998 (thay vì 1988).

(2) Chẳng hạn Đại Tướng Cao Văn Viên là một trong những “Ông Tướng văn hóa”. Riêng Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, Giám đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, đã đệ trình vào đầu năm 1975 Luận án Cao học Xã hội học, đề tài “Một khía cạnh của vấn đề nhân dụng trong thời hậu chiến”.

(3) Luận án Tiến sĩ Địa lý học do một nghiên cứu sinh tên Liêu Kim Sanh đệ trình vào đầu năm 1975, đề tài “Thủy học sông Cái Phan Rang”. Còn nghiên cứu sinh khác là Ngô Văn Lắm, cũng đệ trình năm 1975, đề tài “Sự biến chuyển và sự phân phối dân số tại các tỉnh bao quanh Sài Gòn – Gia Định”.

(4) Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (Bộ Mới): từ số 1 (Tháng Ba 1971) đến số 16 (Tháng Sáu 1972). Với tư cách Tổng Thơ ký Tòa soạn, tôi có dịp liên lạc và quen biết một số nhà nghiên cứu văn hóa văn học và các văn thi hữu như: Toan Ánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Cửu Long Giang (Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị), Thái Bạch, Nguyên Sa, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Hoài Thư, Hoàng Xuân Sơn, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán v.v… Ngoài một số bài viết linh tinh, tôi có đăng ba bài khảo cứu văn học: Tâm Lý Những Nhân Vật Chánh Trong Truyện Hoa Tiên; Câu Hát Huê Tình Ở Miền Nam; Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam.

(5) Trong DANH MỤC LUẬN VĂN LUẬN ÁN TRƯỚC 1975 (gồm 181 nhan đề) có vài chi tiết ghi sai: Tính cách đặc thù của Ca dao miền Nam: Luận văn Thạc sĩ / Nguyễn Kim Thiết. Sài Gòn – Trường Đại học Văn Khoa, 1972 – Luận văn Thạc sĩ Ký hiệu V3 (IN) Văn chương Việt Nam. [Đáng lẽ phải ghi đúng nguyên văn: Tánh cách (thay vì Tính cách), Nguyễn Kiến Thiết (thay vì Nguyễn Kim Thiết)].

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: