Hoàng Ngọc Tuệ – người suốt đời là chỗ dựa tinh thần của anh em

Nhiều người ở Little Saigon (California) chỉ biết gọi ông là Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, ít người biết đến vai trò của ông trong Công ty Người Việt, lại ít người hơn nữa biết đến ông trong vai trò người khởi xướng Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966 tại Miền Nam Việt Nam.

Hôm Thứ Bảy 15 Tháng Sáu 2024, Ông Hoàng Ngọc Tuệ, “người anh cả,” cựu chủ tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam; cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Người Việt, đã qua đời lúc 6 giờ 58 phút tại Orange Coast Memorial Hospital, thành phố  Fountain Valley, Nam California.

Thập niên 1960, tại Miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Tuệ là một người khá nổi tiếng trong các sinh hoạt thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn. Nhóm hoạt động thanh niên thời đó gồm Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Tăng Bí, Phạm Phú Minh, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, và nhiều người khác. Sau năm 1975, nhóm anh em này lại tiếp tục gắn bó xây dựng tờ báo Người Việt tại Little Saigon, Nam California.

Sau khi tốt nghiệp Dược Sĩ, mặc dù bị đồng hóa vào Quân Dược với cấp bậc Trung Úy Dược Sĩ, Hoàng Ngọc Tuệ vẫn có nhiều đóng góp cho các hoạt động thanh niên và đặc biệt là “Chương Trình Công Tác Hè 65” do ông Đỗ Ngọc Yến làm Tổng Thư Ký. Cũng trong mùa hè 1965, nhóm nhạc Ban Trầm Ca được thành lập với buổi ra mắt chính thức trình diễn tại giảng đường Spellman, Viện Ðại Học Ðà Lạt đêm 19 tháng 12, 1965.

Ban Trầm Ca gồm 7 thành viên: Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Ðức Quang, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh, Ðinh Gia Lập và một phụ nữ duy nhất Ðỗ Thị Phương Oanh. Trong một bài viết năm 2011, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ông Tuệ kể:

“Lúc bấy giờ, vào khoảng 1965, trong dịp Hè, tôi về thăm gia đình ở Ðà Lạt và gặp Quang. Sau đó tôi và vài anh bạn theo dự một kỳ trại công tác (Quang làm trại trưởng) tại một ngôi làng Thượng nằm cách Ðà Lạt khoảng hai, ba chục cây số đường về hướng Nam.”

“Những kỷ niệm hào hứng của kỳ trại công tác đó đã lôi kéo tôi vào cái trào lưu ‘công tác xã hội’ đang lớn mạnh hồi bấy giờ. Tôi về Saigon với Quang và sau đó tham gia trại công tác, gặp gỡ Phạm Duy để rồi bắt đầu bước vào con đường du ca.”

Phong trào du ca tại Miền Nam Việt Nam thời những năm 1960 – Ảnh tư liệu

Sau khi kết thúc “Chương Trình Công Tác Hè 65,” ông Tuệ về làm Bộ Thanh Niên (Bộ trưởng là ông Võ Long Triều) phụ trách kế hoạch và công tác huấn luyện. Dựa vào ngân sách có sẵn, ông Tuệ mời Ban Trầm Ca cộng tác soạn một chương trình huấn luyện cho thanh niên. Các bài ca khai phá của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang được đem vào chương trình giảng dạy.

Do có tầm nhìn về hoạt động thanh niên, có khả năng gắn kết được những thanh niên có nhiệt huyết thời đó, ông Tuệ đã tạo được một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho thanh niên. Sự xuất hiện của Ban Trầm Ca cùng cách tổ chức mới mẻ do các Trưởng thanh niên phụ trách, đã tạo được uy tín cho chương trình.

Vài tháng sau, nhận thấy cần phải có một tổ chức hợp pháp, có uy mô toàn quốc để tiếp tục công việc tác động giới trẻ, ông Tuệ đề ra sáng kiến thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam, và được ông Đỗ Ngọc Yến và Ban Trầm Ca ủng hộ.

Ông Tuệ cho biết sau mấy tháng hợp tác phụ trách 8 Khóa Thanh Ca Tác Ðộng đã đẩy Ban Trầm Ca cũng như các Trưởng vòng ngoài, trong số đó có ông và ông Ðỗ Ngọc Yến đi đến quyết định mau chóng là phải thành lập một tổ chức hợp pháp, có qui mô toàn quốc, để tiếp tục công việc tác động giới trẻ.

Ban Trầm Ca đề cử ba nhân sự đứng tên thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam trong năm 1966:

Chủ tịch đầu tiên: Ðinh Gia Lập

Tổng thư ký kiêm thủ quỹ: Nguyễn Ðức Quang

Thành viên: Hoàng Thái Lĩnh

Mấy năm đầu, hội hoạt động tại nhà ông Tuệ, biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn.

Ngày 24 Tháng Giêng năm 1969, Phong trào Du Ca Việt Nam được bộ Tổng Nha Thanh Niên & Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc qua Nghị định số 319/GDTN/TN/NĐ. Ông Hoàng Ngọc Tuệ được cử làm Chủ tịch chính thức của Phong trào Du ca Việt Nam trong năm đó. Đến năm 1972, ông Đỗ Ngọc Yến phụ trách cho đến 30 Tháng Tư 1975.

Nhà báo Phạm Phú Minh cho rằng ông Hoàng Ngọc Tuệ là người đưa ra sáng kiến thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam, và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là Trưởng Xướng Du Ca đầu tiên của phong trào này.

Du Ca họp mặt tại tư gia Nguyễn Ðức Quang, cuối thập niên 1980, tại California. Từ trái, hàng đứng: Ðỗ Ngọc Yến, Ngô Lê Trọng Tú, Nguyễn Thiện Cơ, Hoàng Ngọc Tuệ, Lý Văn Chương, một thân hữu, Nguyễn Khả Lộc, một thân hữu, Phạm Thị Thân, Trần Văn Ngô, một thân hữu. Từ trái, hàng ngồi: Nguyễn Thị Nhuận, Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng, Võ Thành Ðiểm, một thân hữu (áo sẫm), Nguyễn Ðức Quang (phía trước), Nguyễn Thượng Hiệp, Lê Ðình Ðiểu, một thân hữu, Phạm Quốc Bảo, một thân hữu – Ảnh tư liệu

Vai trò của ông Hoàng Ngọc Tuệ trong Công ty Người Việt

Tại hải ngoại, ông Hoàng Ngọc Tuệ đã từng là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Công Ty Người Việt nhiều nhiệm kỳ. Ông là một trong những người hoạch định ra đường lối, chính sách của Công Ty và Nhật Báo Người Việt. Sau đó, ông cùng nhà báo Lê Đình Điểu đại diện Công Ty Người Việt sáng lập Đài Phát Thanh VNCR. Sau khi ông Điểu qua đời, ông Tuệ tiếp tục điều hành VNCR một thời gian rồi giao lại cho anh em khác phụ trách.

Ông cũng là Chủ Nhiệm Tạp Chí Thế Kỷ 21 từ năm 2001 đến 2004.

Có thể nói hầu hết những năm sống tại hải ngoại đều là những năm ông có mặt trong Hội Đồng Quản Trị Công ty Người Việt, và là nhân vật có những đóng góp rất quan trọng cho sự lớn mạnh của Công Ty trong các lãnh vực báo in, truyền hình, truyền thanh. Ông làm việc không biết mệt mỏi, nhưng luôn lùi lại phía sau, nên mọi người chỉ biết ông là một dược sĩ thôi chứ không biết ông hoạt động báo chí như thế nào.

Nhà báo Phạm Phú Minh nói ông Tuệ là một người có viễn kiến và có đầu óc tổ chức. Khi làm ở Bộ Thanh Niên, ông biết nên đưa thanh niên vào những hoạt động nào, dưới hình thức nào để đạt hiệu quả nhất. Những chương trình do ông đề ra rất hiệu quả trong việc đào tạo thanh niên trở thành người hữu dụng cho đất nước, cho dân tộc, chứ không phải chỉ tập trung thanh niên hát hò, làm những trò vô bổ. Nhà báo Phạm Phú Minh nói tiếp:

“Ở Công ty Người Việt, tuy không phải là nhà báo, nhưng nhờ có đầu óc của một thương gia, anh Tuệ biết cách tổ chức sao cho bộ máy hoạt động đạt được hiệu quả cao nhất. Anh là người không thể thiếu trong Hội Đồng Quản Trị Công ty Người Việt. Với nhóm anh em đã từng sinh hoạt thanh niên trước năm 1975, chúng tôi luôn xem anh Tuệ như một đàn anh đáng kính.”

Sự ra đi của ông dù đã được đoán trước vì thời gian sau này, ông đã phải chiến đấu với nhiều căn bệnh của tuổi già, nhưng cuối cùng không chỉ gia đình ông, mà cả những người gắn bó hay quen biết ông đều bàng hoàng, hụt hẫng trước tin ông ra đi.

Bởi từ lâu, ông đã là chỗ dựa tinh thần của nhiều người.

Cầu chúc ông ra đi thanh thản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: