Hoàng Xuân Sơn bắt đầu nghiệp thơ từ hơn nửa thế kỷ nay. Ngoài tên thật – bút hiệu, anh còn ký dưới nhiều bút danh khác như Hoàng Hà Tĩnh, Sử Mặc, Vô Định…
Trong nước trước 1975, thơ anh xuất hiện trên Văn, Chính Văn, Nghiên Cứu Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập, Nhà Văn… Sau khi định cư tại Montréal, Canada (từ tháng 11/1981), cái tên Hoàng Xuân Sơn bắt đầu tỏa sáng trên thi đàn.
Tại hải ngoại, thơ anh đăng trên các báo Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Chủ Ðề, Sóng, Sóng Văn, Nắng Mới, Saigon Times, Hợp Lưu, Phố Văn, Canh Tân, Ði Tới, Ngôn Ngữ, Văn Học Mới, v.v… Thi phẩm đã xuất bản: Viễn Phố (Việt Chiến, 1988); Huế Buồn Chi (Tự ấn hành, 1993); Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (Thư Ấn Quán, 2004); Thơ Quỳnh (Tủ Sách T. Vấn & Bạn Hữu, 2017). Về cuộc đời và thi nghiệp của anh, bạn đọc có thể tham khảo qua các trang mạng xã hội cũng như những bài viết đăng trong số báo chủ đề nầy.
Tôi “biết” anh Hoàng Xuân Sơn lúc còn phụ trách tòa soạn tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (1971-1972). Trong số hàng trăm bản thảo đánh máy và viết tay gởi về tòa soạn hằng tháng, tôi “cảm” được bài thơ tám chữ “khi còn sống” của anh nên đã chọn đăng trên NCVH số 4 tháng 6/1971.
Từ đó tôi đã “quen” anh qua mục Tin Thơ của báo, rồi Thư đi tin lại vài lần, nhưng vẫn chưa “kiến kỳ hình”. Bẵng đi một dạo, từ khi NCVH bị đình bản và cho tới sau biến cố Tháng Tư năm ấy, chúng tôi đã hoàn toàn mất liên lạc nhau. Nhờ một duyên may lạ lùng, chúng tôi được dịp gặp lại nhau trong một kỳ Đại hội Giáo chức Québec tại Montréal.
Hôm ấy tôi đi từ ngạc nhiên nầy sang ngạc nhiên khác vì mục kích được một Hoàng Xuân Sơn bằng xương bằng thịt đang cất cao giọng hát khỏe khoắn, nồng ấm như hớp hồn người nghe. Đó là “giọng hát khi đầy khi vơi, khi lên núi khi xuống đồi” như một nhà thơ xứ Huế khác đã nhận xét (Hồ Đình Nghiêm).
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện cũ chuyện mới chúng tôi tha hồ hàn huyên tâm sự. Hoàng Xuân Sơn không chỉ biết làm thơ, còn hát hay nữa. Từ ấy chúng tôi đã nung đúc cái tình văn nghệ giữa những người cùng mang nặng nghiệp dĩ văn chương. Tôi vốn sống khép kín, ngại giao tiếp nên ít bạn bè, kể cả bạn Facebook. Do vậy tôi và Hoàng Xuân Sơn mặc dầu cùng sống trên đảo Mộng mà chưa hề gặp gỡ riêng tư để trà dư tửu hậu. Nhưng tình bạn giữa chúng tôi vẫn nồng ấm. Tôi viết về nhà thơ xứ Huế như để gợi nhớ tới kỷ niệm tuy ngắn ngủi nhưng rất đẹp bởi cái tình văn nghệ vừa mới đơm bông, giữa người phụ trách một tạp chí văn học với một cộng tác viên – một nhà thơ-ca sĩ.
Hoàng Xuân Sơn làm thơ gồm đủ mọi thể loại: khởi đầu từ thơ năm chữ, sáu chữ đến thơ lục bát, rồi thơ bảy chữ, tám chữ và về sau rất “sính” dùng thơ tự do, thơ tân hình thức. Hình như anh không mặn mà với thơ Đường luật (tứ tuyệt, bát cú) vốn đòi hỏi phải tuân thủ các quy luật nghiêm ngặt như niêm, luật, vần, đối. Đặc biệt về thơ lục bát, ngoài những câu tròn trịa sáu tám, anh chọn cách ngắt nhịp như một thứ “trò chơi chữ nghĩa tùy hứng” (Du Tử Lê). Chẳng hạn bài:
Chương Sông
(Áo trắng dài như biển
như sông lồng lộng nước hờ. Chau)
đi đi mây phất tang. Đâu
còn chi mong, ngó
sầu âu một mình
rớt xuống ngôi đời chùng chình
mưa mưa
chiều. xó – làm thinh bữa, rời
Cách ngắt nhịp thơ sáu tám theo trường phái Hoàng Xuân Sơn và cả Hà Nguyên Du mà chúng tôi gọi là lục-bát-cắt-vụn nhằm cắt đứt mạch thơ để diễn tả hoặc nhấn mạnh đến nhiều dạng cung bực khác nhau của tình cảm. Hình như cách ngắt nhịp bỏ lửng, mạch thơ bị đứt thường diễn tả tâm trạng uất nghẹn, tức tửi, con đường thơ trở nên khúc khuỷu, gập ghình. Nhưng đối với nhà thơ họ Hoàng, đó là tiếng lòng của người yêu thơ, là tình cảm chân thật nhưng vô cùng cảm động của con người được thể hiện bằng ngòi bút tài hoa của thi nhân!
Cũng trong một lần họp mặt giáo chức (2007), sau khi nghe tôi trình diễn tiết mục Vọng cổ “Nhớ Mẹ” nhằm đề cao tình mẫu tử thiêng liêng, Hoàng Xuân Sơn đến gặp tôi và nói: “Bản vọng cổ anh hát khiến tôi lại nhớ đến mẹ tôi nay không còn nữa…”
Khoảng 1993-1994, tôi có đăng một số bài thơ gồm nhiều thể loại trên báo Nắng Mới ấn hành tại Montréal, chính Hoàng thi sĩ đã chịu khó đọc và nhận xét: “Tôi rất thích bài thơ bảy chữ Đồng Muối của anh”... Ngần ấy thứ chứng tỏ nhà thơ họ Hoàng đã dành cho tôi bao mối cảm tình nồng hậu. Tôi nghĩ đem cái tình để đáp lại cái tình thì cái tình sẽ nhân lên, nhân lên mãi. Chúng tôi đã thể hiện văn hóa “cho” và “nhận” một cách cân xứng, hài hòa, xuất phát từ đáy lòng, không xởi lởi môi mép.
Để đáp tạ tấm lòng của nhà thơ, trong bài “Tổng Kết Về Diễn Đãn Giáo Chức Thời Corona” tôi đã viết về Hoàng Xuân Sơn: “Giữa anh và tôi đã có mối duyên văn nghệ từ những năm 1971-1972 lúc tôi phụ trách Tòa soạn Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học ở Sài Gòn. Tôi đã “cảm” được bài thơ 8 chữ “Khi còn sống” của anh đăng trên NCVH số 4 từ đó. Qua mấy bài thơ trong DĐGC như “Cần thiết”, “Bóng thơ”, “Đạp thanh” người đọc như bị cuốn hút bởi từng lời từng chữ điêu luyện, mượt mà, thấm đẫm tình cảm, đầy tính nhân văn: “Chúng ta cần có nhau”: Ta cho nhau chính mình / tình cho ta rộng mở / cánh tay, và trái tim / lúc này, từng cộng khổ (Cần thiết)…”.
Sau biến cố tháng 4/1975, trải qua bao cuộc bể dâu, tôi không còn giữ được bất cứ số báo Nghiên Cứu Văn Học nào. Nhờ một duyên may, GS Nguyễn Văn Trung còn giữ được và đã mang đầy đủ các số báo từ Việt Nam qua rồi giao cho ông Trịnh Viết Đức, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Nam Sơn lo việc sao chụp xuất bản tại Montréal, năm 2000. Tôi nhận được tương đối đầy đủ báo Nghiên Cứu Văn Học sao chụp lại (chỉ thiếu các số 3, 8 và 13, bạn nào còn giữ xin vui lòng nhượng lại. Rất cám ơn).
Có báo trong tay, tôi dò được bài thơ “khi còn sống” của Hoàng Xuân Sơn đăng trên Nghiên Cứu Văn Học số 4 tháng 6/1971 nên đã sao chụp và gởi đến anh để lưu niệm. Bài thơ tám chữ hai mươi bốn câu ấy như sau:
khi còn sống
khi anh về hãy cầm tay mà nói
em còn lại gì trong nỗi thương đau
trong đôi mắt sâu và tiếng thở dài
hãy nói hết cho lòng anh chai đá
hỏi giùm anh cây hoàng lan trước ngõ
hoa còn thơm như thuở mới yêu người
lối đi nào khi tựa ngực kề vai
khi anh nếm mùa xuân hơi thở ngọt
em hãy nói vì sao cha đã mất
mẹ thấy đời già trên tóc điểm sương
nói cho anh nghe những chuyện tầm thường
dù nhỏ nhặt như đầu rơm cọng cỏ
chỉ giùm anh con sông mùa nước lũ
chẩy về đâu và trôi mất về đâu
ôi chút bình yên tuổi nhỏ phương nào
hồn khép lại lênh đênh đời sách vở
khi trở về dù cuộc tình bỡ ngỡ
cầm tay anh mà nói chuyện yêu thương
để một mai trên trái đất không còn
những giọt nước, từ hồn em rất khẽ
thôi tất cả hãy bắt đầu em nhé
ta bước đi từ những luống đất khô
từ con đê xưa – hạt lúa mơ hồ
và tập tểnh vào đời khi còn sống
hoàng xuân sơn
*Để ý sẽ thấy nhà thơ họ Hoàng kiệm viết chữ hoa tên họ và những chữ đầu câu; cũng không thấy một dấu chấm câu nào suốt 24 câu bài thơ 8 chữ.
Ngay sau khi nhận được món quà tinh thần nầy, Hoàng Xuân Sơn đã viết: “cảm tạ anh Nguyễn Kiến Thiết đã sưu tầm lại.”
Tôi còn nhớ trong một điện thư gởi Hoàng Xuân Sơn và thân hữu để chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2013 kèm tấm lịch 12 tháng (ảo), anh đã cảm tác hai câu lục-bát-cắt-vụn với lời cám ơn và chúc mừng như sau:
Đầu năm. ngắm một cành đào
chớm. lung linh nụ
hớt nhào
thinh không
Cám ơn anh Nguyễn Kiến Thiết . Chúc mừng giáng sinh và năm mới quý thân hữu và bửu quyến.
HoàngXuânSơn/KimLân
2012/12/21”
Một vài kỷ niệm nhỏ lưu lại cái tình văn nghệ với nhà thơ đất Thần kinh mà tôi yêu mến “Chúng ta cần có nhau.”
(Montréal, 2024)