La Paloma, cánh buồm xa xưa

GÓC NHẠC XƯA
Minh họa: priscilla-du-preez-unsplash

“La Paloma” (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “chim bồ câu”) là một bài hát Tây Ban Nha. Bài hát đã được phổ biến và cải biên ở rất nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhiều dòng nhạc khác nhau trên toàn thế giới và đã được ghi âm hơn 140 năm trở lại đây.

“La Paloma” được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Sebastián Iradier người Tây Ban Nha sau khi Iradier trở về từ chuyến du lịch tới Cuba năm 1861. Có tư liệu cho rằng Iradier đã sáng tác “La Paloma” vào khoảng năm 1863, chỉ hai năm trước khi ông từ trần. Và tất nhiên, ông không hề biết “đứa con tinh thần” của mình trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế giới.

“La Paloma” được ảnh hưởng bởi dòng nhạc “habanera” của người dân Cuba, vì thế đã có những đặc trưng và giai điệu rất riêng biệt. Nhân đây xin nói thêm một chút về “habanera”. “Habanera” là một điệu nhạc, điệu vũ được hình thành vào tiền bán thế kỷ thứ 19 với bản “habanera” xưa nhất được viết vào năm 1835. Tới năm 1870, thể điệu “habanera” đã phổ biến khắp châu Mỹ Latin, và ở cả Anh, Pháp. Riêng tại Tây Ban Nha, “habanera” đã được các thủy thủ mang theo về, và rất được phổ biến, yêu chuộng.

Điều thú vị là tuy phát xuất từ Cuba, nhưng tại hòn đảo này, “habanera” lại được gọi là “contradanza”, hay đầy đủ hơn, là “Cuban contradanza”. “Contradanza” nguyên là chữ “contredanse” trong tiếng Pháp để gọi một điệu nhảy dân gian đặt căn bản trên những bước nhảy của người Phi Châu. Còn “habanera” là tên mà người Tây Ban Nha đặt cho thể điệu “Cuban contradanza”. Chỉ sau khi “habanera” đã trở nên phổ biến trên trường quốc tế vào cuối thế kỷ thứ 19, người Cuba mới sử dụng chữ “habanera” cho đồng nhất.

Minh họa: marieke-koenders-unsplash

Trở lại với “La Paloma”

Không lâu sau khi ra đời, “La Paloma” đã trở nên rất thịnh hành ở Mexico và sau đó lan sang nhiều nước khác trên thế giới. Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Afghanistan, Tây Ban Nha, Hawaii, Philippines, Đức, Rumani… bài hát trở thành một bài bán dân ca của khu vực đó. Nhiều năm trôi qua, mức độ phổ biến của “La Paloma” cũng trải qua nhiều thăng trầm nhưng nó chưa bao giờ bị quên lãng. Có thể nói “La Paloma” là một trong những bài hát đầu tiên được nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới và lôi cuốn nhiều ca nhạc sĩ thuộc các dòng nhạc khác nhau.

Chủ đề của bài “La Paloma” nói tới câu chuyện có nguồn gốc từ cuộc xâm lược xứ Hy Lạp của vua Darius I nước Ba Tư vào năm 492 trước Công nguyên. Lúc đó, hạm đội Ba Tư đã gặp phải một trận bão ngoài khơi đỉnh Athos, khiến nhiều thuyền chiến đã bị đắm trong trận bão này. Người Hy Lạp đã nhìn thấy nhiều chú chim bồ câu bay ra khỏi các xác tàu Ba Tư bị đắm và cho rằng những chú chim này mang về đất liền những thông điệp tình yêu cuối cùng của những thủy thủ đã bỏ mình giữa biển cả.

Dù nội dung bản nhạc gốc nói về mối liên hệ cuối cùng của tình yêu để vượt qua cả cái chết và sự chia ly đã được nhắc tới trong bài “La Paloma”, nhưng dù lời bài hát ở các phiên bản ngoại ngữ có thể không đúng so với nguyên bản, nhưng tinh thần đó của bài hát vẫn được gìn giữ sau nhiều lần thu âm. Dù dưới dạng nào, bài hát vẫn thể hiện được kịch tính, mâu thuẫn giữa sự chia ly với nỗi cô đơn, giữa cái chết uổng oan và tình yêu bất tử.

Nếu “Blue Danube” (tựa tiếng Pháp: “Le Beau Danube Bleu”) của Johannes Strauss được ghi nhận là bản hòa tấu phổ biến nhất thế giới, thì “La Paloma” là một trong những ca khúc được ưa chuộng nhất trên địa cầu!

Ngày nay, do thị hiếu của người nghe nhạc cũng như nhu cầu của giới khiêu vũ, bản “La Paloma” đã được một số ban nhạc và ca sĩ trình bày theo thể điệu tango, trong khi trên thực tế, nửa thế kỷ sau khi Sebastian Iradier viết bản “La Paloma”, thể điệu tango mới ra đời. Nhưng âm nhạc vốn không có biên giới, và trong trường hợp của bản “La Paloma”, thể điệu “habanera” phối hợp với giai điệu độc đáo, đã có sức thu hút ngay tự nét nhạc của nó. Ngoài dạng ca khúc trữ tình, “La Paloma” còn được trình diễn dưới nhiều hình thức khác, như opera, nhạc jazz, nhạc rock, nhạc quân hành…

Trong cuốn video tựa đề “La Paloma: The History and Mystery of the World’s Most Popular Song” có những thông tin khá thú vị: Trong khi tại Zanzibar, “La Paloma” được ban nhạc chơi vào cuối tiệc đám cưới thì tại Romani, nhạc khúc này lại được sử dụng vào cuối đám tang. Tại Mexixco, “La Paloma” là nhạc thiều của cách mạng; nhưng tại Đức, “La Paloma” là bản nhạc than vãn của các thủy thủ xa nhà…

Riêng tại thiên đường hạ giới Hawaii, “La Paloma” được xem là bản nhạc “nằm lòng” của các tay đàn guitar Hawaii; đến nỗi, người ta cũng không thể khẳng định nhờ tiếng guitar Hawaii dìu dặt mà “La Paloma” thêm nổi tiếng, hay nhờ giai điệu thu hút của “La Paloma” mà có thêm nhiều người thích đàn guitar Hawaii. Có lẽ cả hai điều này đều đúng.

SEBASTIÁN DE IRADIER

Sebastián Iradier (1809-1865), là một nhà soạn nhạc nổi tiếng người xứ Basque thuộc Tây Ban Nha – một vùng nằm sát biên giới Pháp – từng đứng lên chống lại nhà cầm quyền để đòi tự trị ở Tây Ban Nha.

Sebastián Iradier qua đời trong lặng lẽ vào năm 1865, khi ông mới 56 tuổi. Thật đáng tiếc là ông đã không sống thêm một thời gian nữa để thấy kiệt tác La Paloma của mình trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế giới.

Chính vì Sebastian Iradier chỉ nổi tiếng sau khi đã qua đời, cho nên người ta cũng chẳng được biết nhiều về thân thế của ông. Đặc biệt, ông có cái tên khá dài và khó nhớ là Sebastian de Iradier y Salaverri, nên để thuận tiện trong việc in ấn các bản nhạc, các nhà xuất bản ở Paris đã thuyết phục ông sửa đổi và rút ngắn thành Sebastian Iradier cho dễ đọc, dễ nhớ.

Có tư liệu nói rằng Sebastian Iradier đã tới Cuba vào năm 1861 và chỉ sống ở đó một thời gian ngắn thôi, nhưng cũng là đủ dài cho một mối tình yên ắng giữa ông và một cô giúp việc người dân địa phương. Năm 1863, sau khi trở về Tây Ban Nha, Iradier vẫn không thể nào quên được người tình của mình, nên đã gửi gấm tâm sự qua bản “La Paloma” mà chúng ta đã biết.

PHIÊN BẢN “LA PALOMA” NÀO HAY NHẤT?

“La Paloma” được dịch lời hát hoặc đặt lời hát mới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đa số những phiên bản ngoại ngữ đều có lời hát khác với nguyên bản, nhưng dù khác lời, tinh thần của những phiên bản ấy đều đề cập tới tình yêu, chia ly, cô đơn, và cái chết.

Trong những bản dịch, “La Paloma” lời tiếng Anh do nam danh ca Mỹ Dean Martin thu đĩa, không chỉ được xem là sát nghĩa nhất, mà phần nhạc đệm còn trung thành với thể điệu “habanera” trong nguyên tác của Iradier.

Năm 1961, giai điệu của “La Paloma”, trên nền nhạc với tiếng đàn guitar Hawaii, Elvis Presley đã lên tới một đỉnh cao mới với ca khúc “No More” (phiên bản tiếng Anh của “La Paloma”) trong cuốn phim “Blue Hawaii”. So với bản “La Paloma” lời Anh do Dean Martin hát trước đó 15 năm, bản “No More” này đã thay đổi toàn bộ lời hát trong các phiên khúc, và trong điệp khúc cũng chẳng hề nhắc tới hình ảnh con chim bồ câu đậu trên thành cửa sổ trong nguyên tác. Nhưng cũng chính lời hát trữ tình và dễ hiểu ấy, qua giọng hát trầm ấm của Elvis Presley, La Paloma càng thêm phổ biến, nhất là với hình ảnh của ông hoàng nhạc pop… ở trần, mặc quần bơi, ngồi trên thuyền vừa đàn vừa hát, quyến rũ vô cùng!

“La Paloma” với bản gốc tiếng Tây Ban Nha, được thể hiện qua nam danh ca Julio Iglesias, khiến người nghe như bị hớp hồn. Với nữ danh ca người Pháp Mireille Mathieu, qua phiên bản tiếng Pháp “La Paloma Adieu”, ai nghe qua cũng cho rằng nó có nội dung sầu thảm và lời hát bi lụy vô đối! Năm 2004, một ban hợp xướng vĩ đại nhất thế giới gồm 88,600 người đã hợp ca bản “La Paloma” tại thành phố Hamburg, nước Đức, và đã được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness Book of World Records.

CÁNH BUỒM XA XƯA

Tại Việt Nam trước năm 1975, “La Paloma” đã được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Cánh Buồm Xa Xưa”. Lời hát trong ca khúc này hoàn toàn khác với nguyên tác “La Paloma” của Iradier, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy vẫn thể hiện được tinh thần chung của ca khúc nguyên thủy, đó là chia ly và hoài niệm, có khác chăng là nỗi nhớ bâng khuâng man mác được khắc ghi đậm nét hơn là những tình cảm thảm sầu bi lụy.

Vi vu đồi thông reo xao xác lá chiều nay thu về
Em ơi cánh buồm xa ngày xưa còn vương bao lời thề
Xa xa đàn chim ưng dang cánh biếc trời mây tung hoành
Sương lam lắng chìm trong hoàng hôn khi tâm tư tan tành.

Thuyền ai đang lênh đênh vượt sóng biếc cho tan vơi cơn sầu
Ai đang đắm đuối trên lưng muôn con sóng xanh bạc đầu?

Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt tóc xanh nay phai màu
Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu.

Yêu em qua chuỗi ngày thơ
Mà giờ lòng còn vương thương nhớ
Nhớ người xưa chiều nay mình ta bao ước mơ
Niềm riêng se sắt bên lòng.
Thu ơi gieo mấy lần tang
Mà lòng người tàn theo năm tháng?
Ý thu vương trách sao lòng người mau lãng quên
Chiều nay thu vẫn mơ màng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: