Tôi đẩy cửa bước vô nhà. Chị Ngà trán lấm tấm mồ hôi, đang rượt hai đứa con nhỏ:
-Trời ơi! Mi về sớm hơn chừng năm phút là gặp hắn rồi.
-Ðám bạn em tới tìm hả?
-Không, nhớ Phiên không? Hắn nói chuyện qua điện thoại cả buổi. Tao nghĩ mi ra chợ chút về liền, nên cứ tán hươu, tán vượn với hắn. Phiên hỏi đủ thứ chuyện, hỏi mi chừ ra sao. Phiên đọc bài thơ, nói tặng mi. Lúc đó, hai đứa nhỏ xáp lá cà đánh nhau. Tao phải can, nghe chữ được, chữ mất. Chừ thì không nhớ chữ chi nữa hết trơn.
Chị Ngà nói một tràng, không thèm để ý mặt tôi đớ ra, chẳng hiểu mô tê gì.
-Ủa, mà Phiên là ai?
-Chớ mi quên hắn rồi à! Hắn học ngang lớp tao, mà ban C, trưởng ban báo chí. Hồi đó lớp tao làm bích báo, hắn tới nhà mình làm giúp đó.
Chi tiết này chẳng giúp tôi sáng suốt thêm được chút nào. Ngày xưa, chị Ngà có lẽ vì ham làm bích báo mà “đúp” năm lớp 11. Thuở ấy, chị Ngà đẹp chim sa cá lặn. Giai nhân như vậy, nhà tôi lúc nào chẳng có vài tài tử lảng vảng, rấp ranh bắn sẻ. Tôi thua chị năm tuổi. Còn là nhi đồng, nhưng tôi tự trao cho mình sứ mệnh thiêng liêng, tuyển lựa người cho chị tôi. Chàng nào tới, tôi cũng coi giò, coi cẳng, thấy không xứng với chị mình, tôi thay mặt phụ mẫu chấm điểm, đánh rớt.
Cho nên có chàng coi tôi là bà chằn, nghiến ngầm: “Nào ai dám phá duyên bà. Mà sao bà cứ tà tà phá tui.” Trong mắt tôi thuở đó, chị tôi đẹp như tiên nga giáng trần, chẳng có chàng nào đủ điểm đậu vớt. Kể ra, tôi có hơi bất công với chị Ngà. Khó khăn với chị trong niềm vui lứa tuổi cập kê của chị. Nhưng tôi siêng năng giúp anh Ngọc của tôi đi o đào. Ði đưa thư, quản lý lịch hẹn hò của ông anh như một cô thư ký rành rẽ. Tôi còn hăng hái chép dùm ông anh những bài thơ tình sướt mướt trên tờ pơ-luya mỏng mảnh, xanh nhàn nhạt mây trời, bằng nét chữ già trước tuổi của tôi.
-Phiên chơi thân với Minh đó.
-À, anh Minh thì em nhớ. Hông biết bây giờ anh còn cay cú em không?
Tôi cười cười, nhớ lại cây si cổ thụ của chị Ngà. Tôi thường tưới nước sôi, xà phòng, mà cây vẫn cứ xanh tốt. Nhiều khi anh Minh tức điên người, tưởng như muốn vặn cổ tôi. Nhưng anh vẫn cứ phải ngậm đắng nuốt cay, lấy lòng tôi. Nhà anh làm kẹo gương. Anh “chà đồ nhôm”, đem hộp kẹo gương đến đưa tôi, bảo, biếu gia đình ăn lấy thảo. Chà, tính phóng tài vật, thu nhân tâm chứ gì.
Kẹo gương là món khoái khẩu của tôi. Lớp mè mỏng ở dưới cùng, đến lớp đường vàng kiêu sa, trong vắt như gương, điểm những hạt đậu phụng rang đều, thơm lựng. Mới chấm phá vài nét trong trí, mắt đã lim dim hồn bướm mơ tiên rồi. Miếng kẹo mỏng, ngọt thanh, bùi bùi vị mè và đậu phụng, vừa nhâm nhi, vừa hồi hộp theo truyện Mật Lệnh U Ðỏ hay mơ màng với Vùng Biển Lặng, tuyệt cú mèo. Tôi chợt nghĩ vậy thôi, chớ tôi thanh liêm lắm. Còn lâu à, đừng hòng mua chuộc tôi. Tôi nhất định sẽ không ăn miếng nào. Ăn vô, há miệng mắc quai, mất uy hết. Tôi lạnh lùng như người Ăng-Lê:
-Anh cứ để trên bàn. Hồi nào Ba Mạ em về, em thưa lại.
Tôi lễ phép nhưng cố ý bất lịch sự không chịu mở miệng cám ơn, cũng chẳng mời anh ngồi. Anh tần ngần một chút, rồi ngồi xuống salon. Tôi vào phòng trong, mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt, nói, chị Ngà có khách. Ðột nhiên tôi nghĩ, đâu để hai người tự tung, tự tác được. Tôi lấy cuốn sách giảng văn, ra phòng khách, đem ghế đẩu ngồi dựa sát tường, lật lật trang sách một cách nóng nảy. Anh Minh đang say sưa nói về một bài hát thời thượng:
-Ngà có tưởng tượng ngày hè buồn như thế nào không? Ngày tháng hạ, mênh mông buồn, lòng vắng vẻ như sân trường. Thật đó Ngà, đi ngang trường những ngày không có giờ học, anh thấy buồn dễ sợ.
Anh Minh coi bộ hơi nóng đầu. Tôi mà nghe đến hè hả, nghĩ ngay tới Trời hồng hồng, sáng trong trong. Là phom phom đạp xe với mấy đứa bạn đi Cấm Ông Nghè leo núi. Là kéo nhau xuống Bến Tam Thương lội nước lũm chũm. Tôi không ngước lên coi chị Ngà có cảm được nỗi buồn anh Minh diễn tả hay không. Chẳng nghe chị trả lời trả vốn gì. Tôi đọc nhanh một đoạn của bài kim văn: Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều… Thôi, học trò đã về hết. Hoa phượng buồn, hoa phượng khóc, hoa phượng rơi… Ủa, sao nghe cũng buồn buồn vầy nè. Tôi uể oải gấp cuốn sách lại. Ngồi đây chẳng tập trung tinh thần được, mà câu chuyện của anh Minh, chị Ngà sao chán phèo. Không trống không kèn, tôi thót qua nhà Ti Ti, hai đứa rủ nhau hái ổi non ăn, coi bộ hấp dẫn hơn nhiều.
Vậy mà gần ba chục năm rồi. Thiệt ra, hồi đó tôi chẳng cần rẽ duyên ai. Chị Ngà sang ngang, chồng chị chẳng có một chút xíu nào những đặc điểm của những văn nhân lui tới nhà tôi, mặt mày lơ ngơ làm vẻ lãng tử với cuốn Tâm Tình Hiến Dâng nhét hờ túi quần, hoặc ôm đàn, lén vô trong vườn muôn hồng ngàn tía của Ba tôi, tay ngắt (trộm) chùm hoa, mà thương mà nhớ…
– Phiên có cho số điện thoại. Chà, nói chuyện ngó bộ tha thiết lắm. Hắn lưu lạc đâu xuống Rạch Giá lận. Hỏi tụi mình cuối tuần có ở Sài Gòn không, hắn lên thăm. Tụi mình đi lung tung, đâu dám hứa hẹn gì. Biết sao không? Từ hôm giờ, ai hỏi thăm Ba Mạ, cũng nói hai bác hoặc ông bà già. Rứa mà Phiên gọi Ba Mạ đàng hoàng đó – Chị chép miệng – Nghe dễ thương.
Chị Ngà muôn đời vẫn vậy, hay chao lòng một cách dễ dàng. Ðâu có gì đặc biệt, nghe giọng Huế, phải biết tụi tôi gọi cha mẹ là ba mạ, chớ hổng lẽ gọi tía má. May cho anh Phiên, bây giờ lớn, tôi hiền ra. Chớ hồi nhỏ, hung hăng con bọ xít, tôi lên giọng làm đày: “Ba Mạ là Ba Mạ tui chớ phải Ba Mạ chung đâu. Ăn nói phải ý tứ nghe.” Ủa, mà chị Ngà nói đúng chớ, nghe cũng dễ thương thiệt.
Tôi không có chút khái niệm nào về anh Phiên. Có lẽ những lần anh đến nhà, tôi còn bận bên nhà Ti Ti. Hai đứa mải mê cắt lá trứng cá ép vào vở hoặc ngâm lá bồ đề trong nước gạo, lá rã chỉ còn lại gân lá, chúng tôi tỉ mỉ nhuộm mực tím. Khi chị Ngà thi tú tài, tôi mới học lớp tám. Theo khai sinh, tôi đã được phép đọc Tuổi Hoa tím. Nhưng thuở đó, Ba Mạ tôi muốn tôi làm con nít. Ðể tóc bum bê cho mát, mặc áo đầm cho gọn, nên tôi trông cứ như độc giả thứ thiệt của Thiếu Nhi, Thằng Bờm. Còn cái vẻ ta đây mỗi khi dương oai diễu võ với mấy anh bạn chị Ngà, mười hai con giáp tôi giống con… kỳ cục. Vậy mà, anh Phiên nào đó, lại để mắt. Mắt anh Phiên chắc có vấn đề. Tôi dạ dạ, lấy tờ giấy có số điện thoại cất vào ví, để chị Ngà yên lòng, khỏi cố gắng nói tốt thêm cho anh bạn. Nhưng tôi chẳng hề có ý định gọi anh Phiên. Hơn ba tuần lễ ở Việt Nam, cảnh cũ, bạn xưa, bao nhiêu ấn tượng đầy ắp hồn tôi, tôi quên béng những người bạn của chị Ngà.
Mùa Giáng Sinh, chị Ngà gọi điện thoại cho tôi, tíu tít:
-Tao viết thiệp cho đám bạn kỳ rồi gặp lại ở Việt Nam. Chừ không viết, để ít bữa nguội đi, mất liên lạc luôn -Chị cười hí hí – Trong cái thiệp gởi Phiên, tao chừa một chỗ cho mi. Cuối tuần về Ba Mạ, mi viết vô ít chữ nghe.
-Tuần ni em chưa về được. Tuần tới đi.
-Thôi, rứa bơ trễ mất tiêu. Thôi thì ri. Mi viết gởi vô email, tao in ra, cắt dán trong thiệp cũng được, rứa cho kịp năm mới.
Tôi phì cười. Chị Ngà thuộc hiện tượng mẹ già, con mọn. Hai đứa nhỏ quay chị như con vụ, mà chị vẫn còn hơi sức làm chuyện ruồi bu. Tôi không dám nghĩ lớn, chị biết, la hỗn, không cho tham gia những cuộc vui của chị, buồn lắm.
-Dạ, dạ. Tối ni em viết, lỡ em có quên, chị viết ít chữ in ra. Ai làm sao biết được chị hay em viết đâu.
-Ừ, tao làm cũng được nhưng chính tay mi viết, Phiên nó mới mừng.
Rồi tôi quên viết. Chẳng biết mấy chữ chị Ngà “mạo danh” tôi viết là những gì.
Từ ngày có thư điện tử, số lượng thư từ qua bưu điện tôi nhận được giảm hẳn đi. Niềm vui khi mở thùng thư ngày càng nhỏ. Tôi đi làm về trễ. Dù là người đến nhà sau cùng, tôi vẫn nhắc chồng con để dành việc coi thùng thư cho tôi. Tôi rộn ràng mở thùng thư, lôi ra một xấp vừa thư, vừa báo. Nôn nao chờ đợi giảm dần, khi tôi phân loại những thư từ nhận được.
Tôi nhìn phong bì trên cùng, thư quảng cáo tham gia xổ số SKL, khả dĩ thành triệu phú một sớm, một chiều. Tôi thích đỏ tình và chớ không thèm đỏ bạc. Tôi ném thư qua một bên. Nguyệt san ADAC với những bài tường thuật, phân tích các loại xe hơi. Tôi có đọc cũng như nước đổ đầu vịt. Xe hơi chỉ cần bốn bánh, nổ máy, thắng ăn chắc là được. Tôi chẳng thấy khác biệt rõ rệt giữa xe VW Käfer và xe Porsche 911, đại khái mũi xe bè bè giống mỏ Donald Duck.
Chúng tôi gia nhập hội ADAC để được giúp đỡ khi gặp vấn đề dọc đường. Cần nhớ số điện thoại của hội là đủ. Chứ tờ báo hàng tháng chỉ tổ thêm rác. Thư của Telekom, phiếu tính tiền điện thoại, tôi liếc qua con số, chà chà, tháng này tôi ôm điện thoại hơi lâu. Không sao, tôi sẵn sàng bớt ăn, bớt mặc để nuôi hãng điện thoại. Cuối hóa đơn, có hàng chữ đỏ gây sự chú ý: “Nếu quý vị đồng ý nhận hóa đơn theo email, hãng chúng tôi xin tặng quý vị hai tiếng đồng hồ gọi nội địa miễn phí”. Cũng được, thùng thơ bớt đi một phong bì hằng tháng, thơ này chẳng có gì cho tôi lưu luyến. Ðằng nào thì hãng điện thoại cũng rút tiền trong trương mục ngân hàng, chớ đâu cho tôi cơ hội cò kè bớt một, thêm hai. Tôi lật lui, lật tới mấy tờ báo quảng cáo sặc sỡ của các chợ, xem có thư nào nằm lẫn giữa báo. Không còn gì nữa.
Tôi tiu nghỉu thảy chồng báo vào thùng giấy. Không ai thèm viết thư, viết thiệp gởi cho tôi theo bưu điện nữa. Bây giờ đã vào tháng 12 mà sao kỳ vậy ta. Những mùa Giáng Sinh trước, tôi treo những tấm thiệp đủ màu, từ bốn phương trời gởi đến, lên cánh cửa phòng khách, điểm thêm vài nhánh thông, vài hình người tuyết, nai hươu bằng gỗ. Bây giờ tôi nhận nhiều thiệp hơn xưa, nhận trên liên mạng. Nghĩ cũng buồn cười, nhận thiệp, có luôn cả danh mục. Tha hồ chọn lựa. Nào là những ngôi sao lấp lánh trong bầu trời đêm với nhạc điệu Silent Night, nào là cảnh núi quà sặc sỡ, rộn ràng trong bài Jingle Bells. Ðến tết Nguyên Đán có hình các cô bé, cậu bé mặc áo dài khăn đóng đốt pháo tưng bừng Xuân đã đến rồi…, hoặc hình mấy thiếu nữ yêu kiều đang hái hoa xuân trong giai điệu êm đềm Trên đỉnh yên bình một mùa xuân…
Nói chung, các mẫu thiệp đều dễ nhìn, nhạc lồng vào, nhiều bản rất hay. Nhưng ecard không để lại trong tôi ấn tượng nào. Một click, tấm thiệp hiện lên, nhạc trỗi dậy. Tắt máy, những tấm ecard cũng biến khỏi bộ nhớ của tôi. Tôi càm ràm với đám bạn thân về những tấm thiệp không hồn. Tôi bảo, nếu không có thì giờ cầm cây viết, cũng chớ rờ vào bàn phím. Không nhận thiệp, nghĩ, bạn mình có lẽ bận, nên chưa viết, nhưng sẽ viết. Còn khi nhận được điện thiệp, tôi tắt ngúm hy vọng. Tôi chẳng mấy mặn mà với tấm thiệp được sáng tạo chỉ bằng vài nút nhấn trên bàn phím. Tôi thủ thỉ với mấy con bạn vàng, đứa nào thương tôi, lâu lâu viết vài chữ, như gà bới cũng được. Lỡ khi đang viết, nhớ tôi quá, có giọt nước mắt ngà nào rơi xuống, để dấu vết lại, tôi mới biết. Con bạn “sạt” tôi một mách, xây xẩm mặt mày:
-Con quái kia, đừng già mồm, hàng tôm hàng cá, động một tí, tốc váy chửi rủa inh ỏi. Design cho mày tấm thiệp, vật lộn với máy tính, thiên nan vạn nan, lựa mẫu thiệp, màu chữ, màu nền, nhạc đệm, nhiêu khê lắm.
Tôi xuống nước năn nỉ:
-Tao đâu có dám yêu sách yêu vở gì, mày nói vậy oan thị kính lắm. Có thương, rủ lòng nguệch ngoạc cho tao vài chữ, xài bút nguyên tử, bút chì, bút máy chi tùy hỉ.
Rồi tôi cứ há mỏ chờ sung rụng, trông chờ những lá thư với nét bút lúc như rồng bay phượng múa, khi như cua bò sáng trăng của đám bạn. Chờ mòn mỏi. Ðám bạn nhẽ ra phải nhận biết thiện chí vĩ đại của tôi chứ. Tôi chăm chỉ viết thư, viết thiệp cho chúng. Rồi cọc cạch đạp xe ra bưu điện, đòi cho được con tem ấn bản đặc biệt, cẩn thận dán ngay ngắn lên góc phải của thư, dò lại địa chỉ lần nữa, mới trân trọng bỏ vào thùng thư. Lúc nào cũng đầy ắp tình cảm gởi gắm theo, như thể gởi thư cho người tình trăm năm. Vậy đó, mà đám bạn đâu có thấu lòng tôi. Chúng còn cười tôi lẩm cẩm như bà già trầu.
Từ nhỏ, có lẽ từ khi bắt đầu biết đọc, tôi thích nhìn chữ viết tay, tẳn mẳn đoán xem người viết như thế nào. Thường thường, người thật có đôi nét giống trí tưởng tượng của tôi. Nhưng đôi khi tôi bị “tổ trác”. Hồi ở Ðại Học Sư Phạm, có “lão” cao niên cùng lớp hay nhìn tôi một cách lì lợm. Thỉnh thoảng tôi cũng vận “nội công”, nhìn lại thách thức. Nhưng thị lực của “lão” cao cường quá. Tôi tức lắm, mà không có cách gì đốn “lão”.
Tại, “lão” đâu bắt chuyện với tôi, làm sao tôi móc họng, kê tủ đứng. Không có cơ hội biểu dương lực lượng khẩu xà tâm… cọp của mình, tôi đành chịu trận. Nhưng ghét “lão”, ghét cay ghét đắng. Theo nguồn tin thông tấn xã Bích Lan, năm “lão” vào trung học, tôi mới vô tiểu học. Nếu trường dòng ở Thủ Ðức không bị giải tán, lão đã lên thầy, lên cha gì rồi. Hèn chi, “lão” lạc lõng giữa đám con trai loai choai, đỏm dáng ở lớp tôi. Ủa, tôi kỵ “lão” mà sao lại chú ý đến lý lịch “lão” vậy. Tôi đổ bực đại qua Bích Lan:
-Khi không mày kể chuyện thiên hạ cho tao làm chi?
Bích Lan phồng mang:
-Mày mới dô diên thứ thiệt. Tao kể trông trổng dậy. Ai muốn nghe thì nghe. Ðứa nào có tịch thì rục rịch.
Tôi quê cả đống, càng nghĩ, càng oán “lão”. Mà chẳng nghĩ ra diệu kế nào để phản công… Tôi ngồi trước văn phòng khoa Ngoại Ngữ, chờ cô Trâm viết giấy chứng nhận sinh viên, bổ túc hồ sơ xuất ngoại. Mọi khi, tôi túm tụm với đám bạn chọc trời khuấy nước của tôi. Hôm đó, chẳng hiểu sao tôi lại ngồi một mình, đang mê mẩn đọc The Doll’s House của C. Mansfield. Tự nhiên, tôi cảm tưởng như có sự lạ gì đang xảy ra chung quanh. Tôi ngước lên. Chúa Phật ôi, “lão” đang đứng trước mặt tôi. Cặp mắt “lão” như cười sau làn kính:
-Bạn bè đâu mà ngồi một mình đây?
Tôi muốn nói câu gì cho thật ác liệt. Ðám bạn cứ khen tôi mồm năm, miệng mười. Xúi tôi phá làng phá xóm, trẻ chẳng tha, già chớ thương. Mà sao giờ tôi câm như hến vầy trời.
-Tôi gởi cái này cho người áo vàng.
“Lão” rút trong túi ra tờ giấy gấp nhỏ, rồi đặt lên cuốn sách tôi đang mở rộng. “Lão” đi mất dạng, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Mất mặt binh chủng quá. Ðám bạn biết tôi bị điểm huyệt như vầy, chúng cười thúi đầu. Tôi vội vàng gấp cuốn sách lại, nhìn láo liên, tưởng như chúng núp đâu đó, quan sát tôi, đang ôm bụng cười um sùm bất nhã. Hên quá, chẳng có đứa bạn nào quanh quẩn. Tôi cất cuốn sách vào cặp, vừa chạy về hướng canteen của trường, vừa cầu trời đừng gặp đứa bạn nào trong lúc này.
Bên cạnh canteen, sau gốc phượng, tôi yên tâm, đám bạn giờ này chẳng héo lánh đến đây. Tôi thấy mình đang run. Cố định thần, tôi giật mình khám phá mình hôm nay mặc áo vàng. Tôi lính quýnh lật cuốn sách, mở tờ giấy. Tôi tưởng như mắt mình hoa lên. Trời ơi, nét chữ đẹp tuyệt. “Em về nắng đẹp hôm nay/ Ấp e tà áo vàng bay lụa là/ Chia tay khuất nẻo giang hà/ Xinh sao một chút tình ta tình người/ Rung rinh sợi cỏ vành môi/ Trăm năm giữ lại đôi lời yêu thương” (H. Văn).
Tai tôi như ù đi. Tôi thừ người một hồi. “Lão” “triệt” tôi rồi. Vầy thì chỉ có nước đầu hàng vô điều kiện. Tôi quên bẵng chuyện phải lấy giấy chứng nhận. Tôi về phòng học, không dám đảo mắt ở dãy ghế cuối, sợ bắt gặp ánh mắt của “lão”. Suốt giờ học Reading Comprehension, thầy giảng bài chẳng lọt vô tai tôi chữ nào. Khi đám bạn léo nhéo rủ đi xem phim Sạc Lô Kinh Ðô Ánh Sáng, rồi kéo qua Ðinh Tiên Hoàng ăn gỏi bò khô, tôi lắc đầu nguầy nguậy:
-Hôm nay tao nhức đầu, tụi bây đi đi.
May, chẳng có đứa nào sinh nghi, hỏi han lôi thôi, chúng chỉ cười:
-Chu choa ơi, bữa nay heo bịnh, bỏ cám rồi!
Tự nhiên, tôi đâm ra yêu trường, yêu lớp hơn. Tự nhiên, tôi thích mặc áo vàng hơn. Thủ tục xuất cảnh của gia đình chúng tôi suôn sẻ, nhanh chóng. Ai cũng bảo chúng tôi là những người may mắn nhất trần đời. Tôi không cảm thấy cái diễm phúc xuất ngoại bao người trầm trồ. Tôi buồn lắm, rời quê hương, không biết bao giờ mới có ngày về. Chắc đâu đó trong hồn tôi cũng có lý do khác. Những ngày cuối ở trường, lúc nào tôi cũng giữa đám bạn chộn rộn. Có lúc tôi bắt gặp ánh mắt “lão” từ xa, buồn buồn. Tôi thoáng có ý nghĩ “lạc bạn”, đứng đâu đó một mình. Rồi tôi sợ đám bạn biết được “âm mưu đen tối” của tôi, rồi tôi ngại thế này, thế kia.
Bích Lan len lén nhét vào tập tôi lá thư, nói khẽ:
-Ông cha xứ gởi cho mày đó.
“Cô bạn thông minh quý mến…” Coi thử! Tôi sắp sửa vĩnh viễn rời xa nơi đây, mà người ta không thèm gọi tên tôi nữa. “… Tôi chúc cô bạn luôn vui và yêu đời, chứ đừng yêu ai.” Tôi bần thần, đọc đi, đọc lại lá thư dài và mấy bài thơ. Tôi nhờ Bích Lan nhắn lại với người ta, tôi cám ơn lời chúc lành. Tôi muốn nhờ Bích Lan nói với người ta, tôi không ghét người ta, nhưng tôi chẳng dám nói. Tôi rời Việt Nam. Tôi không cố ý học, mà thuộc lòng mấy bài thơ người ta gởi.
“Vì em là con gái/ Vì anh là con trai/ Nên em thường mắc cỡ/ Anh quá đỗi ngây ngô/ Tim anh không biết giận/ Nên thường yêu vu vơ/ Tim anh chưa lận đận/ Nên nào tính hơn thua/ Lo đời anh vất vả/ Anh buồn nên làm thơ… Anh hay buồn vu vơ/ Chắc yêu em dạo nọ/ Nên thường buồn vu vơ… ” (H. Văn).
Lời chúc của người ta thành sự thật phần nào, tôi luôn vui và yêu đời nhưng tôi có yêu ai. Tôi không hề liên lạc, nên không biết người ta có thỉnh thoảng buồn vu vơ chăng. Nhận thư Bích Lan, tôi mong mong xem có ai nhắn gởi lời thăm tôi. Mấy năm sau, có lần thư cho tôi, Bích Lan hỏi, “Còn nhớ ông cha xứ không? Lấy vợ rồi. Bây giờ làm chủ tiệm vàng, giàu sụ. Tao tình cờ gặp chị Khanh lớp mình, nghe kể như vậy”. Tôi bỗng dưng buồn vu vơ. Chữ đẹp như vậy, mà chỉ dùng để viết hóa đơn hàng vàng, uổng quá!
_____________________
Chị Ngà hí hửng:
-Mới nhận thư Phiên hôm qua.
Tôi lơ đãng:
-Dạ, dạ.
-Phiên viết cho hai chị em luôn đó.
Mắt tôi dán chặt vào tivi đang tường thuật những đợt rét kinh hồn đang đi qua miền Đông Bắc Mỹ.
-Dạ, dạ.
Chị cười khì khì, dúi bao thư vào tay tôi:
-Ðọc đi, đọc đi. Hấp dẫn lắm.
Ðầu óc tôi lơ mơ những hình ảnh các thành phố chìm trong tuyết, cuộc sống như ngừng trệ:
-Dạ, dạ, em đọc liền.
Tôi cầm lá thư đưa tới, đưa lui trước mặt để điều chỉnh khoảng cách. Chị Ngà tốt bụng:
-Cún, con lên lầu lấy kính của mẹ cho dì mượn.
Tôi giả lả:
-Mắt em tốt lắm, chưa cần đâu.
Khi tôi mang kính lão của chị Ngà, ôi chao, như phép màu. Tờ giấy như trắng hơn, màu mực như đậm hơn. Thôi rồi! Vậy mới biết mình già hơn xưa. Trời trời, nét bút đa tình lả lơi thiệt. Trí nhớ của tôi đang duyệt qua những dữ liệu được lưu trữ. Tôi chắc chắn chưa thấy nét chữ này bao giờ. Anh Phiên viết mấy dòng thăm hỏi hai chị em. Mong có ngày tái ngộ, và vẫn luôn chờ tôi (?!). Nếu đánh vần kỹ càng từng chữ, cũng chỉ hai phút là xong. Nhưng tôi vẫn để tờ thư trước mặt, như đang ngắm một bức tranh. Chị Ngà nửa cười với con Bé, nửa hát:
-Ngó bộ dì mi đang đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc rồi Bé ơi.
Quay qua tôi, chị dễ dãi:
-Mi cứ cất lá thư đi, miễn đừng để thất lạc địa chỉ. Nhớ viết cho hắn vài chữ nghe.
Tôi cười ruồi:
-Dạ, em chỉ mượn thôi. Kỳ tới về, em trả chị.
Lần này, nếu chị không nhắc, tôi vẫn viết thư trả lời. Ðể coi, tôi sẽ bắt đầu thư như thế nào. Anh Phiên thân. Xạo quá, hông biết người ta là ai, thân sao nổi. Anh Phiên kính. Cũng tạm, đằng nào ảnh cũng hơn mình nhiều tuổi. Nghe sao nghiêm chỉnh quá, như thư viết gởi thông gia, hỏi vợ cho con. À, tại sao không là anh Phiên mến. Tôi không mến anh vì có nhớ gì về anh đâu. Nhưng mến nét chữ, kiểu như phút đầu gặp… chữ tinh tú quay cuồng. Tôi sẽ viết, rất vui khi nhận được thư viết tay qua đường bưu điện. Thời đại tân kỳ bây giờ, thông tin chạy ào ào trên liên mạng, bạn bè trao đổi địa chỉ nhau lúc nào cũng có chữ a còng @. Nhận được tờ thư viết tên mình, bằng nét chữ riêng của người gởi, chứ không phải mẫu chữ Arial hay Times New Roman phổ biến, tôi cảm thấy khoảng cách rút ngắn lại. Tự nhiên tôi thấy vui. Niềm vui đang khe khẽ những bước trong hồn. Tôi sẽ mượn máy hát của bé Cún, sẽ nghe đi nghe lại câu hát… Ô! Lòng như giấy thơm ai vừa tô lên một nét mực xanh…
-Tức cười quá trời. Hôm Phiên gọi tao ở Sài Gòn, hắn nói, bữa nào hắn với Minh, hai chàng rể hụt tới thăm tụi mình.
-Trời, trời, rể hụt lận hả? Sao bữa đó chị kể, chị không nhắc chuyện này?
-Úi chao, hai đứa nhỏ lao nhao như giặc, tao quên trước, quên sau.
Chị Ngà cười lỏn lẻn:
-Bộ tiếc hả?
Tôi gỡ kính, nhìn ra sân cỏ còn phủ đầy tuyết, nhớ câu cuối trong thư anh Phiên, chúc chúng tôi hạnh phúc trong mùa Xuân đang về, rất gần. Tôi như cảm được cái tiết tiểu hàn quen thuộc của những ngày đầu tháng Giêng ở quê nhà. Tôi để lá thư lên bàn, ngồi bó gối, cười tủm tỉm:
-Em cũng không biết nữa. Nếu ngày xưa em thấy nét chữ này, hông chừng chỉ có mình anh Minh là rể hụt thôi.
_________
Bài viết có những câu/đoạn trích từ các nhạc phẩm:
Ngày Tháng Hạ của nhạc sĩ Phạm Duy
Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân
Đón Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên của nhạc sĩ Từ Công Phụng
Lệ Đá của nhạc sĩ Trần Trịnh, lời của thi sĩ Hà Huyền Chi
Lá Thư của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn Từ Linh
Nhờ Em Giữ Lấy Tình Ta của nhạc sĩ Hoàng Xuân Giang
Những câu thơ trích trong bài thơ Áo Vàng và Con Dế Gáy Quên Đời của H. Văn