Năm 1954, trên chuyến bay đầu tiên của dòng người di cư từ Bắc vào Nam, có một số người trong dòng họ Lâm gia rời khỏi ngôi nhà 81 phố Hàng Bồ, Hà Nội để vào Sài Gòn. Trong những người cùng dòng tộc đó, có một bé gái nhỏ tuổi nhất tên Lâm Phi Anh.
Vào Nam, gia đình ông bà Lâm Quế Hàn và bà Tô Khánh Vàng, bố mẹ của Phi Anh dựng lại cơ ngơi cũ. Ông bà mở hãng vận tải Vinh Du Phong ở Chợ Lớn, chở hàng từ Sài Gòn ra Quy Nhơn. Họ cho cô con gái ba tuổi học trường tiểu học “tây” Sans Famille. Ở trường nói tiếng Tây, về nhà nói tiếng Hoa, Lâm Phi Anh không rành tiếng Việt. Mãi cho đến năm 15 tuổi, gia đình đưa Lâm Phi Anh lên Đà Lạt học trường nội trú Tây.
Tại đây, cô yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, sau câu “Chào cô!” của anh giáo nghèo Lê Minh Lập nhà bên cạnh. Từ đó, Đà Lạt và nền âm nhạc Việt Nam có một đôi tình nhân từng “Yêu nhau trong lo âu / Biết bao lần tha thiết nhớ mong.” Bởi vì, cuộc tình của họ bị gia đình Lâm Phi Anh ngăn cấm. Mẹ của cô, tiểu thư Tô Khánh Vàng, con gái út của gia đình quan sứ Tàu Tô Đình Càng, người Hải Nam, không thể chấp nhận con gái rượu của mình yêu một anh giáo nghèo, một nghệ sĩ đàn địch không thấy tương lai.
Càng cấm, họ càng điên cuồng tìm đến nhau. Họ yêu nhau không màng sinh tử. Có khi Phi Anh đón chuyến xe lửa ra Đà Lạt để gặp Lê Minh Lập đã chờ sẵn ở ga, ngồi với nhau, cùng ăn ổ bánh mì, uống ly nước, rồi chia tay. Thêm một lý do để gia đình ngăn cản cuộc tình này, đó là Lâm Phi Anh còn chưa đủ 18 tuổi. Nhưng vốn mang tính cách nổi loạn, cô dùng chính sự sống của mình để đe doạ cha mẹ, để được sống bên cạnh người yêu.
Họ cưới nhau năm 1968.
Trong thời gian đó, tình yêu đã chấp cánh cho Lê Minh Lập. Ông sáng tác hàng loạt ca khúc tình ca, như: Chiều phi trường; Không nhìn nhau lần cuối; Lời gọi chân mây; Hãy ngồi xuống đây; Vũng lầy của chúng ta… Đó cũng chính là những ca khúc trong tập nhạc nổi tiếng “Khi loài thú xa nhau” – đánh dấu sự ra đời của đôi song ca “Lê Uyên và Phương.”
Trước khi biết và yêu Lâm Phi Anh, Lê Minh Lập không hề nghĩ một ngày mình sẽ trở thành nhạc sĩ, ca sĩ. Ông chỉ sáng tác nhạc như một bản năng, xem âm nhạc là nơi quán trọ cho ông ghé vào tìm bình yên. Khi viết nhạc, ông chỉ ký tên Lê Uyên Phương, là tên Phương của người mẹ, cùng với chữ Uyên là tên người bạn gái đầu tiên.
Nhân dịp đầu năm 1970, sau khi kết hôn được hai năm, hai người về Sài Gòn hát liên tiếp 19 đêm diễn. Khi được hỏi ý nghĩa của nghệ danh Lê Uyên Phương, ông nói, “nhân đây, nếu các anh chị đã hỏi thì tôi xin chia cái tên Lê Uyên Phương ra cho nhà tôi một nửa.” Từ đó có đôi song ca Lê Uyên và Phương. Và cũng từ đó, đôi song ca Lê Uyên và Phương chưa bao giờ rời nhau trên các sân khấu của trường đại học, trong phong trào du ca. Cho đến năm 1979, họ rời Việt Nam định cư ở California.
Hạnh phúc và chia lìa
Có lẽ khó tìm được một chữ nào khác thích hợp hơn từ “định mệnh” để nói về tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời âm nhạc của Lê Uyên Phương. Từ bài hát đầu tiên “Buồn đến bao giờ” được sáng tác ở Pleiku năm 1960, nhạc của ông đã mang một nỗi buồn cô độc, một sự chờ đợi nhưng vẫn thoáng hiện đây đó tâm hồn phiêu bạt, bất cần. Khi buồn, ông “đếm tuổi cuộc đời trên hai bàn tay trơn” và tự hỏi “em ơi… em ơi… xuân nào tàn… thu nào vàng, môi nào ngỡ ngàng.”
Cho đến một ngày, không còn phải “nằm nghe tiếng mưa nguồn, tưởng em bước chân buồn” nữa vì ông đã có “Tình khúc cho em.” Theo lời ca sĩ Lê Uyên, “anh Phương hơn tôi 10 tuổi nên đã nói xin cho yêu em nồng nàn, dù biết yêu em tình yêu muộn màng. Đó là ý của bài Tình khúc cho em được viết năm 1966.”
Nhạc của Lê Uyên Phương là những bản tình ca mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có vị cay cay của khói thuốc, có cả sự va chạm trần trụi mang đầy giới tính bản năng của loài người. Mỗi bài hát của ông đều bàng bạc sự giằng xé giữa hạnh phúc và chia lìa của cái chết. Đôi khi, ông thét lên trong âm nhạc của mình tiếng kêu hoang dại, quay quắt nỗi nhớ trong phút giây sinh tử chia lìa.
“Đưa người tuyệt vọng” là ca khúc Phương viết về chính cái chết của mình. Ngày ông ra đi, trong căn phòng nơi ông nằm, đã thật sự có một nụ hôn nửa muốn bất tận, nửa muốn buông lơi để ông bước đi nhẹ nhàng.
Nhạc của Phương không phải là những bản tình ca uỷ mị. Càng không mang những vẻ đẹp thiên tình sử trong đêm trăng của Romeo và Juilet. Cũng không có nỗi bi ai, chì chiết như những ca khúc Không Tên. Ca từ trong nhạc của ông khi trần trụi, khi mềm mại, khi nóng bỏng như tiếng gào từ đồng vọng khét mùi khói lửa chiến tranh. Lê Uyên Phương viết nhạc từ chính cuộc sống và tình yêu của mình.
Thời khắc khốc liệt nhất của giai đoạn đó đã làm cho lời nhạc của ông như lời trăn trối nhẹ nhàng, bình tĩnh, kêu gọi sống trọn vẹn ngày hôm nay vì không biết ngày mai sẽ ra sao. Ngay cả khi trong phút giây kinh hoàng nhất, gần với sự sinh tử nhất, thì Phương cũng bình thản chấp nhận và nghĩ về một màn đêm sâu thẳm, nơi có huyệt sâu chôn lấp cuộc tình thuỷ chung mà ông gọi là “Dạ khúc cho tình nhân” – ca khúc được Phương viết năm 1968 ở một khu phố bị pháo kích. Theo lời người ở lại, đây là ca khúc cuối cùng trên sân khấu của Lê Uyên và Phương.
2:00 giờ chiều ngày 29 Tháng Sáu, năm 1999, đôi mắt của Phương khép lại. Ông từ giã cuộc đời, từ giã nỗi buồn mà ông từng tự hỏi “Buồn đến bao giờ.”