Luận về Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng

Những ai quan tâm đến nền văn học cận đại của Việt Nam đều biết và thừa nhận rằng Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) là nhà văn hiện thực xuất sắc của thời kỳ 1930 – 1945, và có thể gọi là một “thiên tài” trong dòng văn học trào phúng, châm biếm khi ông chỉ sống một quãng đời ngắn ngủi 27 năm trong cảnh nghèo khó ở trần gian này, nhưng với nỗ lực phi thường, đã để lại cho đời những 17 tác phẩm lớn về những mảng xã hội mà chưa chắc những người thọ hết cuộc đời trăm năm này có thể đã trải nghiệm!

Trước đây ở miền Nam, khi mới bắt đầu vào học lớp Đệ Thất của bậc Trung học Đệ Nhất cấp, bọn học trò chúng tôi bắt đầu làm quen với nhà văn Vũ Trọng Phụng và truyện ngắn “Lấy vợ xấu” của ông trong chương trình Kim văn mà mãi hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn mãi nhớ cái giọng của thầy Thân dạy Giảng Văn khi miêu tả Chị Doãn với nụ cười hóm hỉnh, có vẻ như tâm đắc với tác giả “Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai…. những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, trời ạ!…”

Trong những tác phẩm văn học của mình, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng khá nhiều hình tượng nhân vật độc đáo về ngoại hình, về nhân cách, tư cách, hoàn cảnh xuất thân … nhưng có lẽ người đời nhớ đến ông nhiều nhất qua nhân vật … “Xuân tóc đỏ”!

Lịch sử Việt Nam hình thành trên bốn ngàn năm và bắt đầu từ nền “văn minh lúa nước” lại bị cả ngàn năm các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ nên trong tâm thức người Việt gần như hình thành hai nếp nghĩ trái ngược nhau “vừa như muốn an phận trong sự nô dịch của bọn cầm quyền cai trị, vừa như muốn nổi loạn để thoát khỏi sự tù hãm để… đổi đời!”

Tuy nhiên với một nền sản xuất tự cung tự cấp của nông nghiệp, tư duy của người Việt trước đây chỉ quanh quẩn với ruộng đồng vườn tược, tầm nhìn không vượt qua khỏi lũy tre làng, học hành chữ nghĩa chỉ cần “dăm ba chữ để làm người”, cố lắm thì học thành ông Đồ, ông Nghè để có thể làm quan mà vinh hiển cho dòng họ, để được xã hội trọng vọng “Nhất Sĩ, Nhì Nông…”. Cái suy nghĩ theo kiểu phong kiến “Một người làm quan, cả họ được nhờ” đó vẫn còn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay!

Rồi hết Tàu lại Tây đến đô hộ cả trăm năm nên người Việt lại vẫn bị cái định mệnh đã an bài, cái “thân phận nhược tiểu” trói buộc lên đầu cả dân tộc!

Công bằng mà nói thì trong cái rủi vẫn có cái may khi bên cạnh cái “xích xiềng nô lệ” mà người Pháp mang qua thì vẫn có những “ngọn đèn văn minh” mang lại. Và người Việt lại muốn chuyển sang một “thái cực” mong muốn thoát khỏi hệ ý thức phong kiến phương Đông để qua tư tưởng dân chủ dân quyền của phương Tây!

Xã hội nào, thời đại nào từ khi có “tư hữu” đều bắt đầu phân hóa ra những tầng lớp giàu nghèo khác nhau và gần như mặc định thì các tầng lớp trong xã hội này có những quan điểm, nhân sinh quan… khác và gần như đối lập nhau như hai mặt sấp ngửa của đồng tiền!

Tầng lớp giàu có luôn cai trị và quản lý xã hội và đương nhiên bằng mọi thủ đoạn, bằng mọi cách để luôn củng cố vị thế cai trị, ngồi xổm trên đầu thiên hạ… “muôn năm”!

Tầng lớp nghèo khó, tuy đông hơn nhưng luôn là kẻ bị cai trị, luôn bị tầng lớp thống trị bóc lột tận xương tủy, làm cho ngu dốt để dễ bề sai khiến, bóc lột…

Cái ước mơ cháy bỏng của Karl Marx khi nghiền ngẫm ra chủ nghĩa cộng sản để xây dựng một xã hội loài người không còn giàu nghèo, không còn giai cấp, không còn bóc lột… cũng chính từ sự nghèo khó của ông đã đánh động sư mong mỏi của đa số quần chúng nhân dân lao động!

Tầng lớp giàu có thì kiêu hãnh, kệch cỡm, tự mãn, sống xa hoa phè phỡn … nên tự sướng và bằng lòng với cuộc sống của họ, tạo ra một bọn người nịnh bợ, bưng bô, ca ngợi, tung hê họ không tiếc lời…

Ngược lại thì tầng lớp đông đảo nghèo khó hầu hết chỉ biết mặc cảm, an phận, cam chịu, nếu “ghét bỏ” tầng lớp cỡi đầu cỡi cổ mình thì cũng chỉ biết dùng tiếng cười châm biếm, trào phúng… như một thứ vũ khí cuối cùng để tự ru mình như một “liệu pháp tinh thần”!

Rồi những người trong tầng lớp nghèo khó cũng sẽ có người bằng những con đường, cách thức khác nhau để cố thoát khỏi cái số kiếp nghèo khổ của mình vươn lên để đứng trong tầng lớp giàu có, thống trị xã hội kia!

Điều này từ xưa cho đến nay trong thực tế đã được chứng minh…

Có lẽ nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh trong một gia đình nghèo, có cha là thợ điện và mất sớm khi ông mới lên 7 tuổi, được một bà mẹ tần tảo nuôi con ăn học nên đã sớm nhận chân ra cái cảnh khốn khổ của con nhà nghèo và cái khốn nạn của bọn nhà giàu!

Sau khi học hết tiểu học ông đã phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi. Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lớp thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ. Sau hai năm làm ở các sở tư ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp. Ông mất đi trong bệnh tật và cảnh nghèo khổ khi tuổi đời còn quá trẻ với tài năng đang độ phát triển, để lại trong làng văn và trong lòng độc giả một chỗ trống không dễ gì khỏa lấp.

Với giọng văn sắc sảo, mang đậm chất châm biếm, trào phúng và nội dung tư tưởng sâu sắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới chủ đề hiện thực, tố cáo và vạch trần xã hội Việt Nam, một xã hội bê bối với những tấn trò đời bi kịch của thời “nửa Tây- nửa Ta”

Tiểu thuyết “Số đỏ” là một tác phẩm lớn của dòng văn học hiện thực và “Xuân Tóc Đỏ” là một điển hình sắc sảo mà có lẽ ông đã dày công xây dựng, miêu tả và nếu chúng ta cứ soi nhìn lại xã hội Việt Nam sau hơn 70 năm tác phẩm này ra đời thì có thể thấy nhan nhản những “Xuân Tóc Đỏ” của thế kỷ XXI này!

Tiểu thuyết “Số đỏ” là một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” và nhân vật “Xuân Tóc Đỏ” cũng được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những bóng dáng, những nét khác nhau của nhiều kiểu người trong xã hội cũ giao thời với xã hội mới. “Xuân Tóc Đỏ” là một nhân vật của nhiều môi trường thành thị, vừa bụi đời, lại vừa lạc vào môi trường giàu có…

Xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, được người bác vừa nuôi vừa xem như đầy tớ trong nhà, nó đã bộc lộ những “dục vọng” khám phá “thế giới” khi tìm cách xem trộm bác gái nó tắm truồng, để đến nỗi bị bắt gặp quả tang, chịu một trận đòn rồi bị ném ra rìa xã hội!

Xuân trở thành kẻ lang thang bụi đời khi nó lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục nhưng lại rất tinh quái lắm và trở nên khá… thạo đời!

Môi trường bụi đời đã làm cho Xuân bị lưu manh hóa, biểu hiện ở những hành động xấu, cách tán tỉnh cô hàng mía, thái độ của với cô đầm, lối nói năng vô học, không văn hóa.

Nhưng “Xuân Tóc Đỏ” là kẻ gặp nhiều cơ may khi có hành vi xấu thì được bà me Tây dâm đãng và rửng mỡ là Phó Đoan giải thoát và được chuyển về môi trường những kẻ giàu có. Hai lối sống khác biệt nhưng không đối lập nhau. Những người giàu có này thường nhiều dục vọng, chạy theo thời cuộc, sống đối phó, nhiều thủ đoạn. “Xuân Tóc Đỏ” đã nhanh trí, khôn vặt, nhiều mánh lới chớp cơ hội hiếm có nên tạo được chỗ đứng trong xã hội giàu có nhưng nhiều thủ đoạn bất lương này!

Từ đó nó đã có thể vênh váo khi thoát khỏi tầng lớp “hạ lưu”, không qua “trung lưu” và nhảy tót lên vị trí của tầng lớp “thượng lưu” của xã hội như một “tinh hoa quý tộc” dẫn dắt cả xã hội theo nó!

Từ một thằng “ma-cà-bông” vô học, lưu manh, đểu cáng giống như Vi Tiểu Bảo ở Lệ Xuân viện bên Tàu, một sớm một chiều “Xuân Tóc Đỏ” đã được thiên hạ “trân trọng” với cái tên “nửa dơi, nửa chuột” như “Me-xừ Xuân”, “Đốc-tờ Xuân”, “Giáo sư quần vợt”, “vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc”. …mà ai đọc toàn bộ từ đầu đến cuối tiểu thuyết “Sổ đỏ” này chắc không khỏi phì cười… té ghế!

“Xuân Tóc Đỏ” được dựng lên với nhiều yếu tố ngẫu nhiên, nhiều cơ may và cả những yếu tố tưởng như không hợp lý nhưng nhìn chung là hợp với quy luật và tính cách của xã hội xưa cũng như nay.

“Xuân Tóc Đỏ” là một nhân vật thành công góp phần phản ánh được bộ mặt của một xã hội bát nháo đầy tính hoạt kê và có lẽ tác giả đã xây dựng nhân vật điển hình này trên một quan hệ có tính chất đối phó, lừa dối, ít nhiều vượt ra khỏi khuôn khổ của xã hội đương thời. Nhắc đến Xuân Tóc Đỏ là nhắc đến một tính cách, một loại người mà hình như đây đó trong cuộc sống hôm nay vẫn còn thấp thoáng bóng dáng nhân vật này.

Vũ Trọng Phụng đã phanh phui, bóc trần bản chất một bọn giàu có nhưng giả dối, một bọn chó đểu tự huyễn hoặc mình là “tinh hoa”, là “quý tộc”…

Với cách viết trào phúng, với những chi tiết giàu kịch tính, tác giả đã khắc họa một cách sâu sắc những chân dung biếm họa trào phúng đầy tiếng cười vào nỗi đau trước cảnh đời đen bạc, bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu này!

Vũ Trọng Phụng đã chửi thẳng vào cái xã hội “thượng lưu”, bọn “trưởng giả” học làm sang vô cảm, đầy hợm hĩnh và bỉ ổi. Cái xã hội mà con người sống với nhau toàn bằng sự lừa lọc, giả dối và những ngón đòn xảo trá mất tính người.

Suy cho cùng, cái “Số đỏ” của “Xuân Tóc Đỏ” không chỉ hoàn toàn là cái may do khách quan của cái xã hội thượng lưu đểu giả đương thời đưa lại mà chính nó là “sản phẩm” của xã hội. Con người như thế nào chính là nói lên của “thuộc tính” xã hội như vậy mà!

Đọc “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng viết cách nay trên 70 năm và nghiền ngẫm nhân vật điển hình mà nhà văn trào phúng bậc thầy của văn học Việt Nam hiện đại này xây dựng – Xuân Tóc Đỏ, hằng ngày cứ lên mạng internet thì có lẽ qua bài viết, hình ảnh, các video, qua phát ngôn của một số “nhân vật hiện đại”, có lẽ chúng ta không khỏi liên tưởng hình tượng của “Xuân Tóc Đỏ” của thế kỷ trước và càng khẳng định “Số đỏ” chính là một trong những tiểu thuyết trào phúng “vĩ đại” nhất của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay!

Và chính điều đó “Số đỏ” có lẽ sẽ sống mãi với thời gian và “Xuân Tóc Đỏ” thời đại sẽ mãi được chúng ta nhìn thấy đâu đó xung quanh ta hằng ngày hằng giờ …

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: