Một buổi chụp ảnh nude đặc biệt

Chiều muộn cuối Tháng Mười…, tôi khá bất ngờ khi nhận được tin nhắn của một cô gái qua messenger. Em mong muốn nhờ tôi chụp cho em bộ ảnh khỏa thân thấy rõ mặt để em tự công bố nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết Tật (3 Tháng Mười Hai). Thỉnh thoảng tôi cũng hay nhận những tin nhắn như thế, nhưng đây là lần đầu tiên tin nhắn được gửi từ một cô gái khuyết tật…

Tìm hiểu thêm về em qua internet, tôi được biết em là nhà văn, từng xuất bản bốn tập sách (*). Còn rất nhiều thông tin tích cực khác liên quan em, người được đông đảo công chúng ngưỡng mộ… Lúc ba tháng tuổi em đã lên bàn mổ rồi bị đưa vào nhà xác nằm suốt tám tiếng đồng hồ vì bác sĩ tưởng chết rồi. Từ đó em trở thành người khuyết tật do não bị thiếu oxy, bị tổn thương nặng về hệ thần kinh vận động và phát âm. Em chưa từng được đến trường mà tự nỗ lực luyện tập và tự học viết chỉ bằng một ngón tay. Em là tấm gương sáng về nghị lực phi thường và tôi thấy em trong các bức hình hầu hết đều nở một nụ cười lạc quan trên môi…

Hôm hẹn gặp em ở quán café, dù đã mường tượng trước nhưng tôi cũng khá bất ngờ khi thấy trước mặt mình là một cô gái có nét mặt hiền lành, tươi sáng. Em chỉ cao khoảng 1,3m với thân hình nhỏ nhắn, hai bàn tay không bình thường, chỉ một ngón tay cử động được. Em phát âm ú ớ không rõ tiếng, tôi phải kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe mới hiểu được một phần nào ý của em muốn diễn đạt.

Mấy ngày sau đó, tôi cứ băn khoăn, suy nghĩ mãi mà không tìm ra “cái tứ” cho buổi chụp. Làm sao để giúp em tạo dáng trước ống kính khi em không tự đứng được trên đôi chân của mình? Nhỡ trong quá trình chụp mà em sơ suất bị té ngã thì thật là tai họa. Đối với tôi, việc chụp ảnh khỏa thân cho những nàng hoa khôi, hoa hậu là công việc khá thường xuyên và quá sức dễ dàng nhưng với một cơ thể khuyết tật, dị dạng, thể trạng yếu ớt, đi lại từng bước khó khăn bên chiếc xe đẩy thì tìm đâu ra những đường cong huyền ảo để tôn vinh? Nếu hướng ống kính về những vùng khiếm khuyết trên cơ thể thì sao gọi là tôn vinh được, vả lại lương tâm nghề nghiệp cũng không cho phép tôi khai thác những điều ấy…

Làm sao giải được bài toán khó này? Tôi bế tắc! Đành tâm sự với vài người bạn thân. Có lời khuyên tôi nên bỏ cuộc vì ở Việt Nam chưa có tiền lệ này, sợ sẽ bị quy chụp là “thiếu văn hóa”, “xúc phạm”, “bôi nhọ” người khuyết tật, sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi cá nhân mà tôi đã dày công gầy dựng suốt 30 năm nay. Nhưng nếu từ chối thì tôi lại tự thấy mình hèn hạ vì chỉ biết nghĩ cho mình mà vô tình làm tổn thương em, đánh mất lòng tự tin, mất niềm hy vọng, khát khao nơi em. Tội lỗi này sẽ dằn vặt tôi, biết bao giờ mới nguôi ngoai?

Thế rồi một buổi trưa như đã hẹn, tôi đến phòng trọ, đón em bằng taxi. Lúc em bước ra cổng với chiếc xe đẩy (để hỗ trợ đôi chân khuyết tật nặng), tôi thực sự lúng túng, không biết mình nên bế em lên xe hay để em tự… lên, vì nếu giúp thì biết đâu em sẽ bực mình? (Tôi nghĩ rằng, tâm lý nhiều người khuyết tật luôn cố chứng tỏ họ là người bình thường và sẽ không vui nếu ai đó giúp họ những việc mà họ có thể tự làm được). Và rồi trong phút chốc, như bản năng một người anh đối với đứa em gái bé nhỏ, tôi đã rất tự nhiên khi đưa tay bế em lên xe…

Đến phòng chụp, trong lúc tôi chuẩn bị máy móc, đèn đóm thì em từ từ thoát y. Em ngồi mở từng khuy áo một cách rất chậm rãi và khó khăn bởi những ngón tay cứng đờ không theo ý chủ nhân. Tôi đã chuẩn bị xong mọi việc nhưng cứ bình thản vờ như chưa xong, vì không muốn em áy náy khi thấy tôi đang chờ đợi… Rồi buổi chụp vất vả và căng thẳng nhất trong đời tôi cũng xong với sự nỗ lực hợp tác nhiệt tình của em…

Hơn một tuần sau tôi vẫn chưa xử lý ảnh, phần vì hơi mệt trong người, phần vì chưa tìm ra hướng tốt nhất để xử lý. Tôi nghĩ rằng bộ ảnh này khá đặc biệt. Với phương Tây thì không có gì lạ nhưng với góc nhìn đầy thành trì định kiến ở Việt Nam thì lại rất khắt khe, thậm chí rất khắc nghiệt với thể loại ảnh khỏa thân, nhất là ảnh khỏa thân chụp rõ mặt một cô gái khuyết tật và công khai luôn cả danh tính. Thêm nữa, em cũng là người được công chúng biết đến, nếu không khéo thì sẽ gây phản ứng dư luận ngược chiều và “gạch đá” của cộng đồng mạng sẽ đủ cho em và tôi “xây” được nhiều căn biệt thự hoành tráng…

… Rồi tôi cũng gửi tặng em bộ ảnh sau khi đã xử lý và thầm đoán em sẽ không hài lòng cho lắm, vì tôi biết ý em muốn bộ ảnh sẽ táo bạo hơn, phù hợp với tính cách “nổi loạn” đang âm ỉ cháy trong em, chứ không phải là những ảnh “hiền lành”, khỏa thân mà “không thấy gì” như thế. Nhưng biết sao được khi tôi đã cố gắng hết mình. Qua bộ ảnh này, tôi muốn gửi đi một thông điệp: “Hãy tự tin và yêu thương cơ thể của chính ta, cho dù nó khiếm khuyết”.

Ai cũng muốn sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh và được đi trên đôi chân mình nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Em đã truyền cảm hứng cho tôi, để tôi thấy mình đang hạnh phúc được là NGƯỜI BÌNH THƯỜNG.

Anh cám ơn em, nhà văn Trần Trà My!

***

(*) Nhân vật trong bài là nhà văn khuyết tật Trần Trà My (chú thích của SGN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: