Năm Ất Dậu 1945 nhân lúc thời sự rối ren, Nhật đảo chánh, Tây bỏ chạy, Việt Minh chưa tới, ở bên kia bến đò Lộ Vàm, xã Xuân Đông có anh Tư mà hàng xóm gọi là Tư Bang đứng lên rủ trai tráng trong làng, tập họp, xé vải điều (màu đỏ) dùng để che bàn thờ đeo lên cánh tay, không có trang bị khí giới hay súng ống gì cả, mỗi người chỉ mang theo một cái túi dết màu ka ki. Cả bọn ra các trạm ở bờ sông, thu tiền ghe xuồng qua lại bến đò Lộ Vàm hay dọc theo vàm Kỳ Hôn cho tới đầu kênh Chợ Gạo. Tiền thu được hằng ngày đem chia đều cho tất cả.
Được chừng vài tháng, cán bộ Việt Minh về tới, tập họp đám thanh niên theo Tư Bang, yêu cầu nộp tiền. Một số muốn giữ tiền bèn bỏ xứ trốn lên chợ Mỹ Tho, lâu dần thành dân thị tứ, kẻ mua bán, người làm công hay đăng lính. Còn số ở lại, sau khi nộp một ít tiền rồi theo Việt Minh luôn.
Kể từ đó Tư Bang lấy bí danh là Tư Bê, hoạt động trong bưng một thời gian, sau về hoạt động nội thành bị bắt và đày đi Côn Đảo. Cho tới khi ra đảo, Tư Bê mới học hết lớp Nhất, sau gặp may có người dạy học trong tù. Không biết ở Côn Đảo bao lâu, nhưng khi được thả về, ghé nhà người quen trong xóm, xin giấy khai sanh của một người bạn tập kết, nghe đồn đã chết, lên Sài Gòn học tự do ở các trường tư và thi đậu được bằng Tú tài. Sau đó, hành nghề giáo sư ở trường Trung Học Tầm Vu. Được mấy năm trở về lại Mỹ Tho, mở trường Tư thục Nông Lâm Súc ở Cầu Bắc.
Trong số trai tráng theo Tư Bê năm đó, có hai người con trai út của ông Hương Cả Tam là Chín Kiến và Mười Năng, ngoài ra còn có Hai Kiệm và Ba Nên tuổi đồng trang lứa là cháu nội, con người con trai cả của ông Cả Tam. Chín Kiến sau trở thành ông giáo vùng Việt Minh, Mười Năng xin về quê tham gia sản xuất. Hai Kiệm theo Việt Minh được một thời gian ngắn, rồi cũng trốn về quê cưới vợ, làm ăn sinh sống và trông coi đất đai, vườn tược, mồ mả ông bà.
Theo kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc, Tư Bê phong đại cho Ba Nên là người có học hành, chữ nghĩa nhiều hơn hết làm Phó và được anh em tín nhiệm trong việc ghi chép sổ sách, phân chia tiền bạc, nhưng sau đó Ba Nên lại theo toán bỏ trốn lên chợ Mỹ Tho. Việt Minh cho người nhắn lên đem tiền và sổ sách về, kèm theo lời cảnh cáo.
Hương Cả Tam là người cố cựu, trải qua nhiều đời ở làng Long Bình Điền, vốn có tiếng là nhân đức và hào phóng. Mỗi năm, sau mùa gặt thường hay rước các đám đờn ca tài tử về ăn ở luôn trong nhà, đêm đốt đèn măng-xông, tụ tập dân làng tới xem ca hát suốt đêm, kéo dài có khi hơn cả tháng trời.
Dân tứ-chiếng tụ tập về làng gặt lúa mướn, được tính công trả bằng lúa giạ, người nào muốn ở lại làng thì ông Cả Tam cho một miếng đất cất nhà ở ngoài gò, làm ăn sinh sống. Đời sống trong làng từ Hương cả, chủ điền cho đến tá điền đều ăn ở với nhau rất là tử tế.
Ông Cả Tam qui tụ dân tứ cố vô thân các nơi về nuôi ăn làm gia nhân, nức tiếng nghĩa khí trong vùng. Ông chủ trương bắt cướp, chứ không bắt trộm. Đến kỳ tuyển phu đi đồn điền hay đi lính, ai muốn đổi đời làm nông xin đi, đều được cấp gạo thóc, quần áo lên đường. Ông Cả Tam có chín người con và người con trai cả là cậu Hai Cảnh.
Có một hôm tình cờ khi đi ngang qua làng Tân Thuận Bình, cậu Hai Cảnh thấy ba mẹ con đang “mót-lúa” bên đường, giữa trưa trời nắng gắt, cậu vừa động lòng trắc ẩn, vừa choáng ngợp trước dung nhan mặn mà của cô chị nên để ý và đem lòng thương. Kể từ sau đó, cậu thường hay tới lui mỗi khi có việc xuống quận. Dần dà bén hơi duyên, cuối cùng cậu Hai quyết định về thưa lại với ông Cả Tam để xin đi hỏi cưới.
Gia đình nhà gái gồm năm mẹ con, quê ở miệt dưới, theo ghe thương hồ làm mướn ở dưới ghe. Đàn ông thì làm phu khuân vác, bốc dỡ đủ loại hàng hóa, từ trái cây, cá mắm cho đến đồ gốm, gạch ngói xuống cho các vựa cặp theo kênh Chợ Gạo. Sau đó, chất dừa khô thu mua lên ghe đi Chợ Lớn. Đàn bà thì nấu ăn, giặt giũ và làm tạp dịch trên ghe. Không biết qua lại Vũng Liêm – Chợ Gạo được bao nhiêu chuyến, đến chuyến cuối cùng thì cả gia đình trụ lại, cất nhà ở luôn sát bên bến đò, cũng làm mướn, sống đắp đổi qua ngày.
Hai người con trai lớn làm phu trên “phà-kéo-tay” qua lại trên kênh Chợ Gạo, còn bà mẹ và hai cô con gái thì ai thuê gì làm nấy, khi thì bồi mương, làm cỏ mướn hay lột dừa khô bằng “đòn-xóc”, được tính công theo từng thiên dừa (hằng ngàn trái). Nhằm khi không có ai mướn thì đi lượm dừa mỏ, loại dừa non bị chuột đục khoét lâu ngày rụng xuống bờ liếp, đem về đổ trước sân phơi khô, rồi gánh đi bán cho các lò nấu rượu trong xóm. Đến mùa gặt, thì ba mẹ con đi gặt lúa mướn khắp vùng hoặc đi mót-lúa có khi tới tận bên miệt Ông Văn, Tầm Vu.
Ban đầu nghe nói gia đình mấy mẹ con “không có cục đất chọi chim”, dân làng ai cũng bàn tán xôn xao, ông Cả Tam cho người thân tín đi dò xét và căn dặn “coi người không coi của”, miễn là người làm ăn lương thiện là được. Sau cùng, mặc dù có sự chống đối ngầm trong gia tộc, đám cưới của cậu Hai vẫn được tổ chức thật lớn, mời tất cả các chức việc trong vùng đến tham dự, kể cả viên chủ quận Chợ Gạo.
Sau khi ông Cả Tam qua đời, cậu Hai Cảnh kế nghiệp, ngoài sở thích hâm mộ đờn ca tài tử trước đây, nay còn thêm rượu chè và cờ bạc nên cơ ngơi ngày càng thu hẹp. Nợ nần, đất đai cầm cố ngày càng gia tăng. Mặc dù mợ Hai đã hết sức can ngăn mà cũng không có kết quả.
Mãi cho đến khi Việt Minh nổi dậy, mợ Hai đang ở cữ, đứa nhỏ mới sinh ra chưa đầy tháng thì bị nhiễm bệnh trái trời (đậu mùa) mà mất, cậu Hai túc trực bên giường bệnh lo sắc thuốc và săn sóc mợ Hai cho đến khi lành bệnh, chỉ bị sẹo nhỏ trên gương mặt thành rỗ hoa mè. Nhưng sau đó, bệnh lây nhiễm qua cậu Hai và cậu không qua khỏi. Cậu Hai mất Tháng Mười năm Ất Dậu.
Cách đó hơn hai mươi năm, khi ông Cả Tam xuống ngã ba Ông Văn nhờ thầy Ba Huê xem ngày lành, tháng tốt làm đám cưới cho cậu Hai. Thầy phán năm nay không có ngày tốt cho hai tuổi nầy, cưới ngày tháng nào cũng thuận chỉ tránh ngày kiêng cữ là được. Ông Cả Tam vặn hỏi tại sao, thì thầy xem tuổi cậu Hai mạng Thổ, vợ sắp cưới mạng Thủy không kỵ nhưng không tròn, nếu phải duyên nợ trời định thì sau khi cưới, hai vợ chồng nên làm lành lánh dữ, thi ân bố đức thì hậu vận đời sau mới được vinh hiển.
Nhớ lại chuyện cũ, sau khi cậu Hai mất, anh em nhà Cả Tam lặn lội tìm thầy hỏi xem cho biết cớ sự. Thầy phán cậu Hai mạng “Ốc thượng thổ” là đất con tò vò bám trên tường, mợ Hai mạng “Thiên thượng thủy” tức là nước mưa ở trên trời. Giông bão mưa to gió lớn đẩy đất trên tường trôi xuống. Cậu Hai mất. Thế mới biết cơ trời huyền diệu biết bao?
Cha mất, hai anh em Kiệm, Nên bỏ học, về quê trông coi việc đồng áng thay cậu Hai. Lúc bấy giờ trong làng có ông Bảy Hào là bạn thân của cậu Hai Cảnh, làm chủ mấy chiếc xe ngựa duy nhất chạy đường Chợ Gạo – Mỹ Tho. Thương tình Hai Kiệm có cha mới mất, nên đã hướng dẫn và sang nhượng lại cho Hai Kiệm một chiếc xe ngựa. Từ đó, hai chú cháu hằng ngày quất roi, dong ruổi xe ngựa thồ chở khách và hàng hóa trên đường lộ cái.
Nghề xe ngựa cũng sinh ra nhiều chuyện rất là nhiêu-khê, nào là phải thường xuyên tu sửa xe cộ, rồi còn phải thuê người lo cắt cỏ nuôi ngựa, lo gầy giống hoặc mua thêm ngựa để phòng hờ khi ngựa kéo xe bị bệnh có ngựa mà thay, cho nên trong nhà luôn luôn có đôi, ba con ngựa lớn nhỏ. Nhưng chuyện đời nhiều khi còn nhọc nhằn và nguy hại hơn nữa.
Số là làm nghề lái xe ngựa suốt ngày phơi mình trên đường bụi bậm, nắng gắt nên chiều về đến nhà thường hay tụ tập lại để ăn uống, nhậu nhẹt say sưa. Thế là nay nhậu ở nhà Hai Kiệm, mai nhà Bảy Hào. Nhậu say xỉn rồi, có khi ngủ luôn ở nhà bạn nhậu khỏi về.
Tiếng đồn xa hư thực thế nào chưa rõ, nhưng một đêm ba mươi tối trời, mấy người con ông Cả Tam đốt đuốc sáng choang, rần rật chạy đến nhà Hai Kiệm bắt gian tế. Bảy Hào đêm đó nhậu say bí tỉ, đang ngủ ở nhà Hai Kiệm, không biết chuyện gì xảy ra, bèn quýnh quáng nhảy vào trong lu nước có mái che lá dầm để trốn.
Sự việc được đem ra trước nhà việc Long Bình Điền để xử, theo lời thưa của đại diện bên cáo giác là bà Bảy Dễ, con ông Cả Tam. Rằng đôi bên đã có giao tình từ lâu không còn biết gìn giữ nề nếp, gia phong của ông bà tổ tiên để lại gì cả. Đêm ba mươi tối trời, cả nhà đã bắt quả tang gian tế đêm hôm đến nhà bà góa để tư tình, vậy xin thầy Cai theo luật mà xử.
Bảy Hào khai thật là không có dan díu trăng hoa gì với mợ Hai, và mợ Hai khai rằng Bảy Hào thường hay lui tới nhà ăn nhậu với Hai Kiệm, có hôm say quá ngủ luôn trên bộ ván gõ ở giữa nhà cho đến sáng mới về, ngoài ra không có tình ý gì khác. Làng xử bãi nại vì thiếu chứng cớ, hơn nữa hai gia đình là chỗ thân tình ân nghĩa với nhau, cũng không nên ép bức thành án tiết làm gì.
Cả họ nhà Cả Tam hội họp không chịu, đòi xử lại với tình tiết nếu Bảy Hào ngay tình, sao lại nhảy trốn trong lu nước, chắc là có gian ý, sợ bị bắt nên mới trốn như vậy và xin làng xử lại, dù nặng hay nhẹ cũng xin có án tiết để đèn trời soi sáng người ngay kẻ gian.
Các chức việc họp bàn để tránh lôi thôi, hơn nữa nhà Cả Tam cũng là chỗ quen biết với các chức việc trong làng, nên đã xử ép Bảy Hào có lỗi và kể từ nay cấm không được đến nhà Hai Kiệm nữa. Còn mợ Hai là người có nhan sắc, lại góa bụa mà không biết giữ gìn ý tứ, đêm hôm có đàn ông lạ say sưa trong nhà mà không gọi người nhà đưa về, nên phạt đòn tượng trưng hai mươi roi làm gương.
Bảy Hào tình ngay lý gian, vừa giận, vừa xấu hổ về vụ trốn trong lu nước được bàn tán khắp làng trên, xóm dưới nên cuối cùng đành bán xe ngựa bỏ xứ đi luôn.
Trong làng có Hai Thả, tướng người to cao, lực lưỡng, cơm trắng mỗi bữa ăn hết một nồi đồng. Hồi trước, có thời được tuyển đi Tây tham gia Thế chiến. Có ai hỏi chuyện đánh đấm bên Tây ra sao và phong cảnh xứ người như thế nào thì cao hứng, nhất là khi có hơi rượu, ra điệu bộ ghì cương ngựa, cười đắc chí nói là thuộc lực lượng Kỵ binh của nước Đại Pháp.
Nhưng suốt thời gian trong quân ngũ, chỉ ở trong doanh trại chăm sóc ngựa, không có ra trận mạc mà cũng chẳng có đi đâu, nên không biết cảnh trí của nước Đại Pháp ra sao. Vả lại đâu có nói được tiếng Pháp, ngay cả tiếng bồi cũng bập bẹ vì suốt ngày chỉ ở quanh quẩn bên chuồng ngựa. Đến khi về xứ chỉ mang theo mấy sợi dây da bản lớn, dùng để liếc dao cạo cùng với bộ đồ nghề hớt tóc và chải bờm ngựa đem tặng cho Bảy Hào đang làm nghề xe ngựa.
Bỏ xứ ra đi, Bảy Hào chỉ mang theo bộ đồ nghề kỷ niệm của Hai Thả, lên chợ Mỹ Tho cất nhà ở bến Tắm Ngựa, làm nghề hớt tóc ngựa, chải bờm và thay móng ngựa. Từ đó mỗi khi lên chợ, Hai Thả thường hay đi chân trần, ghé nhà Bảy Hào nhậu chơi cho tới chiều tối, hết xe mới cuốc bộ về làng.
Khi ông Cả Tam mất, Chín Kiến, Mười Năng còn quá nhỏ mới lên năm, lên ba nên Bảy Dễ tuy là người có nhan sắc và đang đến tuổi cặp kê, nhưng đã từ chối các đám dạm hỏi xa gần, để ở vậy nuôi em cho đến ngày Chín Kiến, Mười Năng thành gia thất và Bảy Dễ đành chịu lỡ thời.
Kể ra thì hồi cậu Hai Cảnh lấy mợ Hai làm vợ, cánh em chồng cũng đã bằng mặt nhưng không bằng lòng, hơn nữa người ở đâu gốc gác không biết rõ, mà tự dưng về làm chủ cả cơ ngơi của ông bà tổ tiên để lại, rồi từ khi về làm dâu nhà Cả Tam, lại được cậu Hai hết mực thương yêu, nên càng khiến cho bên họ nhà trai sinh lòng ganh ghét. Nay sẵn dịp muốn làm nhục và có cớ đuổi đi. “Đẹp đẽ gì cái ngữ ấy!” Bảy Dễ dựa vào văn tự án tiết phạt đòn hai mươi roi do làng Long Bình Điền chấp bút, thay mặt họ nhà Cả Tam đuổi mợ Hai ra khỏi nhà từ đường.
Vì có ba đứa con còn nhỏ, nên mợ Hai được cắt cho một phần đất ở vạt sau vườn hơn ba liếp dừa, có độ chừng trăm gốc dừa lão để nuôi con. Ruộng vườn đất đai của kiến họ Trần từ nay thuộc về vợ chồng Hai Kiệm và kỵ giỗ hằng năm Hai Kiệm lo. Bảy Dễ trông coi đất nghĩa trang gia tộc, phần mộ ông bà và khi trong họ có người qua đời thì bà ấn định nơi chôn cất “chỉ đâu chôn đó.”
Mợ Hai có khiếu nại, nhưng cũng không đi đến đâu vì đơn thân độc mã, làm sao chịu nổi cánh bên chồng chì chiết đã lâu. Hai Kiệm là con cả mà còn im thin thít thì ai vào mà giúp cho mợ Hai được. Thôi đành chịu vậy. May còn được một mảnh đất cất nhà, ráng nuôi heo và mở hàng quán bán tạp hóa trong xóm để nuôi con.
Sau nầy, thấy tình cảnh mấy mẹ con mợ Hai túng thiếu, người em gái thứ năm của ông Cả Tam lấy chồng đại điền chủ bên làng Tân Mỹ Chánh, bỏ tiền ra chuộc lại hai miếng đất biền nằm sát bờ kinh trên lộ đá, dọc theo nghĩa trang kiến họ Trần, để cho mấy mẹ con ra công cày cấy để có gạo thóc mà ăn. Tuy có khó khăn nhưng mẹ con vẫn đùm bọc, nương tựa lẫn nhau, còn Ba Nên thì đi biệt tông, biệt tích từ dạo Việt Minh về làng.
Thật ra, lúc ban đầu Ba Nên chỉ muốn lên chợ Mỹ Tho lánh mặt một thời gian thôi, rồi sau đó khi tình hình ổn định trở lại, ông cũng sẽ trở về làng sinh sống, vì dù sao ở quê, lại là con của đại điền chủ nên đời sống rất nhàn hạ và đầy đủ, đi đâu làm gì sao cho bằng. Nhưng sau vì Việt Minh làm căng quá, vả lại nghe nói họ kỷ luật gắt lắm, đã xử bắn hết mấy người trong làng bị qui cho là làm gián điệp theo Tây. Do đó, Ba Nên quyết định ở luôn tại thị xã và nhờ người bà con xa với ông Phủ Phát giúp đỡ cho vào làm tạp dịch, chạy công văn ở Tòa Bố Mỹ Tho.
Tám tháng sau, Ba Nên đăng lính Police Communale tỉnh Mỹ Tho và từ đó bỏ xứ đi luôn.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Ba Nên biệt phái trở về Tòa Bố Mỹ Tho, phụ trách phòng công văn như trước đây.
Từ khi biệt phái về Tòa Bố Mỹ Tho, bạn đồng sự gọi Ba Nên là thầy ký Nên cho dễ phân biệt với ông Phủ Nên (Trần văn Nên) vừa trùng cả tên lẫn họ. Đến khi miền Nam thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, ông tham gia tích cực vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (CMQG), trụ sở đặt ở góc đường Hùng Vương – Lê Đại Hành. Ngoài ra, ông còn là đoàn viên tích cực trong đoàn Thanh Niên Cộng Hòa tỉnh Định Tường.
Sau cuộc binh biến năm 1963, thầy ký Nên bị kết án thuộc đảng Cần Lao, nên phải bỏ trốn lên xứ đạo Công giáo ở tận ngoài ngã ba Liên Khương, Đà Lạt. Sau vài năm khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được tái lập, ông được phục hồi công tác và tùng sự tại Tòa Hành Chánh tỉnh Tuyên Đức.
Sau đó, tình nguyện trở về lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cho đến Tết Mậu Thân năm 1968, thì bị bắt trong trận cộng sản tấn công vào quận Cai Lậy, khi ông đang về nghỉ phép ăn Tết với gia đình. Trên đường giải về mật khu, may nhờ có người bà con bên vợ ở trong vùng do cộng sản kiểm soát giúp, trốn thoát được về vùng quốc gia.
Sinh tử nhiều phen, từ ngày rời quê hương cố thổ cho đến khi bị bắt là hơn hai mươi năm. Bình yên được chín năm, sau đó là quãng đời cùng là phía quốc gia, chung màu cờ sắc áo, mà cũng phải chịu nhiều gian truân, dị nghị. Thầy ký Nên quyết định thôi việc, mặc dù tuổi đời mới ngoài bốn mươi. Từ đó, nỗi ám ảnh lo sợ sẽ bị bắt lại khi cộng sản tràn về thành phố như hồi Tết Mậu Thân, khiến ông bắt đầu chìm đắm trong đời sống thinh lặng, không giao tiếp với bất cứ ai. Lâu dần, trở thành người đãng trí, khi nhớ khi quên.
Đến năm 1975, sau khi cộng sản toàn thắng, thầy ký Nên quên hết mọi sự, chỉ còn nhớ độc nhất con đường đi bộ về làng. Hơn mười năm sau, ông qua đời sau một cơn đột quỵ. Hai Kiệm đã hy sinh khi cộng sản nhờ nội tuyến đánh úp đồn Long Bình Điền trước 75 một vài năm. Hai người anh trai của mợ Hai Cảnh, tập kết ra miền Bắc năm 54 và đã lập gia đình ở ngoài ấy, sau 75 có trở về thăm nhà và các em duy nhất chỉ có một lần, rồi đi luôn không bao giờ trở lại nữa. Tất cả anh em, bè bạn theo Tư Bê hồi trước, đều đã qua đời trong chiến tranh và được yên nghỉ trong các nghĩa trang họ tộc ở trong làng.
Tư Bê, thủ lãnh năm xưa còn sống sót, ra mặt tham gia chính quyền mới, ngay từ khi còn là Ủy Ban Quân Quản thành phố Mỹ Tho. Khi hoạt động trở lại, Tư Bê lập gia đình chính thức với một nữ cán bộ, lâu nay vẫn thường hay cặp kè trong thời kỳ hoạt động bí mật là Năm Thanh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang.
Trong những ngày đầu tiếp quản thành phố, Tư Bê huy động các nhân viên và học sinh trường Nông Lâm Súc ở Cầu Bắc, Mỹ Tho đi kiểm kê các cơ sở tài chánh trong tỉnh, đặc biệt là Ty Ngân khố và Ngân hàng. Kiểm kê xong, thay vì đựng lại trong két sắt, Tư Bê cho đựng tiền trong các thúng hay bao bố. Nói là kiểm kê, nhưng thực ra trong thời kỳ tranh tối tranh sáng làm gì có sổ sách phân minh, chỉ toàn là viết tay trên giấy vở học trò. Giống như trước đây gần ba mươi năm, mọi người cũng đeo băng đỏ, nhưng bây giờ có súng, đông hơn và băng đỏ to hơn, được gài kim băng, may chỉ viền cẩn thận.
Tư Bê làm việc gì, chức vụ ra sao? Không ai biết. Chỉ biết hai vợ chồng cư ngụ tại biệt thự là văn phòng của Mặt Trận Tổ Quốc ở đường Lê Lợi (nguyên là công xá dành riêng cho ông Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.) Dưới trướng Tư Bê, ngoài một số dân quê ở trong vùng cộng sản mới ra thành, còn lại đa số là người của chế độ cũ gồm cả giáo viên hay kỹ sư thất nghiệp do quen biết trước đây khi hoạt động trong nội thành. Sau nầy, mọi người mới biết là ba đứa con trai với người vợ cũ (ly dị lâu rồi) đã được Tư Bê đưa đi vượt biên bất hợp pháp trong những đợt đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang.
Trong các cơ quan nhà nước, chỗ nào, đơn vị nào thuộc khoa học kỹ thuật hay làm kinh tế là có Tư Bê, ông ta luôn tạo thành các phong trào rầm rộ, chẳng những dồi dào về tiền bạc, phương tiện xe cộ mà còn có những cơ sở rất là to lớn, bề thế nhất nhì ở tỉnh Tiền Giang. Điển hình nhất là Xí nghiệp da xuất khẩu. Thời đó, sau 75 chừng vài ba năm mà ở Mỹ Tho đã có xí nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, giây nịt, túi xách, cặp, ví cầm tay loại da cao cấp xuất khẩu đi nước ngoài.
Không biết là do có con vượt biên ra nước ngoài, hay do sử dụng nhiều nhân viên thuộc chế độ cũ, cũng có khi là nhập nhằng sai phạm về tài chánh mà có tiếng đồn xa gần, nếu như không nhờ vợ là bà Năm Thanh thì Tư Bê đã đi tù từ lâu rồi.
Về thành được hơn mười năm, bà Năm Thanh qua đời. Tư Bê nghỉ hưu luôn sau khi đã được cấp đất cất nhà trong khu vườn của bà Giáo ở phía sau Nhà đèn, Chợ Cũ. Được vài năm, ông ta lại bán nhà để trở về bến đò Lộ Vàm, sống một mình trong căn nhà cũ cất bằng cột dầu vuông. Không biết về hưu rồi mới bị tai biến mạch máu não hay vì bị tai biến mà được nghỉ hưu, người ta chỉ biết rằng từ khi trở về quê cũ, Tư Bê hằng tháng tự mình ngồi xe lăn, qua lại bến đò Lộ Vàm lên Mỹ Tho để lãnh tiền hưu.
Mặc dù có một suất trong nghĩa trang liệt sĩ ngoài ngã ba Trung Lương cạnh bà Năm Thanh, nhưng Tư Bê lại mua một vuông đất nhỏ ở làng Long Bình Điền, bên cạnh lộ Nhà thờ Thủ Ngữ, gần nghĩa trang tộc họ Trần, để dành chôn cất khi qua đời. Không biết có được phép hay không mà Tư Bê, sau đó, đã bốc mộ của bà Năm Thanh ngoài nghĩa trang liệt sĩ đem về cải táng trong khu đất mới mua. Cuối năm 1995 Tư Bê qua đời.
Trên bia mộ đề tên Trần Hồng Quân theo như lý lịch khai sinh. Nhưng dân làng chỉ biết đó là ngôi mộ của Tư Bang và không một ai biết rõ ông ta tên thật là gì.