Tôi sanh ra đời bởi một vì sao tương đối xấu trong gia đình nông nghiệp ở một thôn làng thuộc tỉnh Cần Thơ (xã Thuận Thới, quận Trà Ôn- nay thuộc tỉnh Vĩnh Long) và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh nghiệt ngã: Nhựt đảo chánh Đông Dương, chiến tranh Việt-Pháp, rồi Thổ dậy “cáp duồn”, phải tản cư chạy giặc sống trong cảnh lầm than khốn khổ trăm chiều.
Tôi không hiểu từ bao giờ đã hun đúc được một thứ tình yêu quê hương sâu xa nồng thắm qua những hình ảnh quen thuộc và thân yêu nơi chôn nhau cắt rún: Từ cây cầu khỉ bắc qua sông lắc lẻo gập ghình, đến dòng sông hiền hòa êm ả chở nặng phù sa tôm cá đầy sông, rồi cánh đồng bát ngát rực lúa chín vàng và vườn cây lành xum xuê trái ngọt. Tôi cũng yêu thích những món ăn dân dã đậm đặc hương vị quê nhà- đặc sản cây nhà lá vườn từ ruộng đồng sông nước.
Từ một câu ca dao xưa cũ: “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, tôi bỗng nhớ đến câu ca dao miền Nam: “Xa nhà nhớ giậu mồng tơi / Nhớ bông điên điển, nhớ ơi cánh diều!”. Tôi nhớ tới bữa cơm gia đình đầm ấm với món ăn dân dã bông súng mắm kho mà cả nhà cũng “ăn cho đã thèm”.
Tôi nhớ đến món bánh xèo má tôi thường làm với hương vị đặc biệt miền Nam thật khoái khẩu: Bột pha nước cốt dừa, củ nghệ, nhưn thịt vịt Xiêm bằm nát xào với măng tre Mạnh Tông. Những đêm trắng sáng chèo ghe xuồng trên các kinh rạch chằng chịt như mạng nhện, tôi nghe được những cuộc hò hát đối đáp lý thú giữa trai thương hồ và gái bán vàm trên sông nước Hậu Giang v.v…
Một trong những hồi ức tôi sắp kể ra đây là chuyện có thật do chính tôi tai nghe mắt thấy. Số là vào khoảng năm 1953-1954, gia đình Ba Má tôi phải tản cư sống nương nhờ bên Ngoại ở xã An Phú Tân- còn gọi là Tân Dinh thuộc quận Cầu Kè. Nơi đây có sông cái lớn, bề rộng gần hai cây số. Cá tôm chạc hà (nhiều vô kể). Bên kia sông là cồn Tân Quy.
Ba Má tôi phụ giúp Ngoại tôi việc đồng áng. Còn cậu Hai- anh chú bác của Má tôi, chuyên sống bằng nghề giăng câu– một nghề hạ bạc, rất rành nghề, và “tinh thông” ở các khúc sông, biết chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, chỗ nào có lòng chảo, chỗ nào có hàm ếch, búng nước, chỗ nào nước chảy xoáy/chảy xiết, chỗ nào có cá lớn, chỗ nào có cá thuộc loại gì, có vảy hay da trơn láng. Cứ vài ba ngày tùy theo con nước- nước lớn/nước ròng, nước rông/nước kém, nước đực/nước cái, nước dựng/nước đứng v.v…và thời tiết, cậu Hai giăng câu một lần.
Trước khi đi, cậu chuẩn bị đường câu (tức dây câu dài chừng 200 thước) làm bằng dây dù hoặc dây chỉ lớn, rất chắc. Cứ mỗi thước cậu buộc vào một lưỡi câu lớn. Mồi câu thường là trái bần non, con trùn cơm hoặc ốc bươu vàng (Ngày nay ngư dân ta có sáng kiến gọi là giăng câu kiều (?) không móc mồi câu, dụng ý bắt cá da trơn loại lớn bơi qua dễ bị dính mắc vào lưỡi câu). Thuở ấy tôi là “phụ tá” đắc lực của cậu trong việc kiếm mồi câu.
Nhưng tôi rất sợ đào trùn bắt ốc nên chỉ khoái hái bần non. Cây bần mọc hoang ở bãi cồn lồi, cồn lạng gần nhà Ngoại tôi nhiều vô số kể; chỉ cần đi hái một lát là đầy cả giỏ. Có lần nước lớn chảy mạnh làm mấy cây bần non (tức c…bần) rung rinh theo dòng chảy, bất giác tôi nhớ đến mấy câu ca dao sưu tầm khi lớn lên: “Nước chảy c…bần run bẩy-bẩy / Gió đưa dái mít vẫy tê-tê” (dái mít: bông mít, trái mít nhỏ). Chuẩn bị xong xuôi “đồ nghề”, cậu bơi xuồng ra khơi.
Tưởng cũng nên biết các tay ngư phủ chánh hiệu được huấn luyện bơi lặn từ nhỏ nên không sợ sóng gió. Với chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu so với con sông rộng minh mông thiên địa, họ vẫn không hề nao núng. Gặp sóng cả họ không ngã tay chèo/dầm. Có khi gặp gió to, sóng lớn xuồng bị lật úp, họ nhảy xuống sông lắc xuồng qua lại vài cái cho cạn nước rồi nhảy lên xuồng bơi tiếp.
Hôm ấy cậu Hai bơi xuồng tới khúc sông đã định, bèn móc mồi vào lưỡi câu (từ lưỡi nhứt cho tới lưỡi cuối) và cứ thế thả đường câu xuống nước cho tới đoạn cuối mới buộc dây câu vào xuồng. Cậu cũng không quên cột mấy cái phao bằng trái bầu hồ-lô phơi khô hay trái dừa điếc khô vào đường câu. Khi nào cái phao bị kéo đi chìm lỉm là cá đã mắc câu. Vốn là tay sát cá có hạng nên lần nào cậu cũng câu được vài con cá sửu to đùng mấy chục ký-lô, có khi được con cá hô bự hết cỡ gần trăm ký.
Một đêm nọ, trong khi say ngủ, tôi nghe tiếng gọi ơi ới: “Bắt được cá bự quá rồi bà con ơi. Mau bơi xuồng tới giúp…”. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi thấy một con cá đuối tổ chảng nằm chình ình giữa sân nhà Ngoại tôi. Nghe nói đây là con cá đuối lưu niên. Nó lớn hơn hai chiếc đệm, nặng chừng ba tạ. Bà con lối xóm chen chúc nhau vô xem tận mắt, rờ tận tay vì hiếu kỳ. Lũ trẻ chúng tôi vô cùng thích thú với con vật bự quá xá nầy. Bởi hàng rào người dày đặc, nhiều đứa phải bắt chước Hàn Tín lòn trôn người đứng trước để chui vô coi cá; hết đứa nầy tới đứa khác. Có đứa còn leo lên mình cá dùng thân mình nó làm cầu tuột để đùa nghịch nữa.
Theo lời cậu Hai tôi kể lại: Đêm ấy trong khi chợp mắt, cậu giựt mình khi chiếc xuồng câu di chuyển. Ban đầu xuồng chạy chậm, rồi mỗi lúc lướt mau hơn như có gắn máy đuôi tôm. Cậu biết cá bự đã mắc câu nên la hoảng lên để các bạn câu tới giúp. Lát sau có 5-6 xuồng câu lướt tới. Họ hì hục buộc kè xuồng lại rồi ráng sức bơi vào bờ mặc cho cá vùng vẫy.
Khoảng 9-10 bạn câu lực lưỡng ra sức vật lộn với cá nhiều tiếng đồng hồ mới đưa được nó lên bờ. Sau khi cưa xẻ cá xong, cậu Hai đem cho bạn câu, biếu những người tới phụ giúp mỗi người một phần; còn lại bao nhiêu chia (bán giá hời, nửa bán nửa cho) cho bà con lối xóm và trả bằng lúa mùa.
Thịt cá đuối được Má tôi chế biến làm hai món: Món xào với lá cách và đủ thứ đồ tẩm liệm như sả, nước cốt dừa, đậu phộng; một món khác nấu canh chua với cơm mẻ và bông so đũa, ăn rất khoái khẩu. Một thời gian sau, mợ Hai tôi bỗng nhiên bị trúng gió rồi lăn đùng ra chết (!). Nhiều người quở do bị Bà Cậu trả thù. Bởi trước khi đi câu, cậu Hai không đốt nhang khấn vái giống như thợ săn bắt cá sấu ở rừng U Minh đã làm trong quyển Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam do tôi được dịp đọc khi lớn lên.
Cũng trong cuốn sách nầy, Sơn Nam có tả cảnh chiếc bè tre (được kết bằng 700 cây tre, dựng 2 cái thang cao 3 thước, buộc 6 lưỡi câu…) của cha con người thợ săn bị cá sấu lửa kéo chìm, “chỉ thấy cha con ông chót vót trên cái thang lú khỏi mặt nước”, “bị kéo cả trăm thước”, có lúc “đứng sựng lại rồi vụt chạy nhanh hơn tàu đò”.
*Đó là chuyện kể về con cá đuối thứ nhứt. Cho phép tôi được cà kê kể về con cá đuối thứ hai- cũng là chuyện có thật do chính tôi đã mục kích. Vào khoảng năm 1959-1960, tôi trọ học tại nhà người cô họ ở xã Tân Mỹ cách trường Trung học Tam Cần (Trà Ôn) độ 7 cây số. Hằng ngày tôi đi học bằng chiếc xe-đạp-đòn-dông-cà-tàng-trần-trụi.
Chiều tối hôm ấy nước rông chảy xiết từ vàm Trà Ôn vào nhánh sông Tân Mỹ. Theo thường lệ, chú Tư lối xóm đặt vó cá để kiếm chút đỉnh cá đen cá trắng ăn qua bữa. Bỗng có vật gì đen thui, bự tổ chảng vùng vẫy bắn nước văng tung tóe từ trong vó cá. Chú Tư ráng sức bình sanh cũng kéo vó lên không nổi. Chú quính quáng kêu la ơi ới nhờ lối xóm tới giúp.
Họ không biết ất giáp gì cũng tất bật đốt đuốc lá dừa chạy ù tới. Những ngọn đuốc lá dừa của tình đoàn kết tương thân tương trợ soi sáng cả một khúc sông trước nhà chú Tư. Rồi cả chục bạn lực điền ra sức phụ giúp chú Tư. Công việc nầy khiến họ phải hì hục vật lộn với con cá khủng. Cuối cùng sau mấy tiếng đồng hồ, họ mới kéo được cá lên bờ. Thì ra đó là con cá đuối bự quá cỡ thợ mộc, gần bằng hai chiếc đệm và nặng tầm 250 ký-lô.
Hoạt cảnh về con cá đuối thứ nhứt kể trên được lặp lại. Cũng cưa xẻ cá, cũng cho tặng biếu xén, chia chác, chế biến… nói lên tình làng nghĩa xóm những khi tối lửa tắt đèn. Có điều lạ lùng tôi nghĩ hoài vẫn chưa hiểu tại sao chú Tư lại bị té dừa (trèo hái dừa bị té) đến nỗi bị bán thân bất toại một thời gian sau đó. Tôi ước phải chi lúc đó có cái máy camera quay-chụp-thu hai con cá đuối to đùng đó để được công nhận là nói có sách, mách có chứng. Và nếu chúng chưa tuyệt chủng, chắc chắn sẽ được đưa vào sách Kỷ lục Guinness của thế giới (The Guinness Book of Records).
Trên đây là một vài mẩu chuyện vụn vặt của một thời quá khứ mà người viết cố gắng tái hiện lại bởi trí nhớ còm cõi đã bị bào mòn theo năm tháng. Người viết muốn thể hiện tình yêu quê hương- một thứ tình yêu ruột thịt, thiêng liêng cao cả. Nếu Bình Nguyên Lộc tận dụng ngôn ngữ miền Nam và tình yêu quê hương ngày càng thu hẹp vào tình yêu đất ở khu vực sông Đồng Nai (theo Trần Văn Nam, Tập san Đồng Nai- Cửu Long số 9), thì tôi cũng bắt chước vận dụng ngôn ngữ miền Nam, và tình yêu quê hương ngày càng mở rộng bằng tình yêu ruộng đồng sông nước vùng sông Tiền-sông Hậu cùng những đặc sản rất Nam Kỳ lục tỉnh!
Đây là chuyện có thật, người thật việc thật, kể cả nhân danh địa danh. Qua các chuyện kể có thật nầy, người viết muốn cung cấp phần nào cho văn giới những tư liệu quý hiếm đã chìm sâu vào quên lãng. Đối với tôi, ký ức thường là vị ngọt, nhưng đôi khi là liều thuốc đắng. Nhưng nếu không có ký ức, không có hoài niệm thì làm sao kích thích sự sáng tạo. Và cuộc đời sẽ vô vị biết bao!