Nghệ sĩ cải lương lừng lẫy một thời Diệp Lang vừa qua đời sáng 11 Tháng Ba 2023 tại San Diego, California – tin từ gia đình cho biết. Nghệ sĩ Diệp Lang thọ 82 tuổi.
Diệp Lang là một trong những tên tuổi đồ sộ nhất nền nghệ thuật cải lương Việt Nam. Giọng hát của ông đặc biệt đến mức không lẫn vào đâu được. Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, quê gốc ở Châu Thành, Đồng Tháp. Nhắc đến Diệp Lang, giới mộ điệu cải lương nhớ đến các vai hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu) ông từng diễn. Nhiều vở ông tham gia cũng để lại dấu ấn trong lòng người xem như Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân,… Ngoài lĩnh vực chính là cải lương, ông còn tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật như: thoại kịch, điện ảnh, đạo diễn.
Diệp Lang có “máu” cải lương từ nhỏ. Tám tuổi, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp đi theo đoàn cải lương Tam Phụng. Không muốn con trai nối nghiệp đàn, chỉ đứng sau sân khấu, cha ông tìm thầy dạy hát cho ông. Sau đó, nghệ sĩ Diệp Lang được đóng những vai nhỏ. Sau này, khi cha nghệ sĩ Diệp Lang bệnh nặng, qua đời ở quê nhà, ông quay lại Sài Gòn, tiếp tục theo nghiệp cầm ca. Sau đoàn Kim Thoa, ông tiếp tục hoạt động ở các đoàn Việt Hùng – Minh Chí, Phụng Hảo – Ba Vân. Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng. Năm 1962, ông thể hiện vai kép lão vở Người anh khác mẹ trên sân khấu Kim Chưởng và đoạt giải Thanh Tâm năm danh giá năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài.
Nhiều năm qua, nghệ sĩ Diệp Lang mắc bệnh Parkinson, lúc nhớ, lúc quên. Tuy nhiên, khi nhắc đến các vở diễn của mình, ông đều nhớ rõ từng lời ca. “Nhiều đêm anh Diệp Lang ngủ nằm chiêm bao thấy mình trên sân khấu rồi lại ca vu vơ, có khi đứng dậy múa hát. Cũng có lúc ảnh ca lớn khiến cả nhà giật mình. Thật sự niềm đam mê đã ăn vô máu rồi, anh Diệp Lang nhớ nghề lắm. Chắc vì anh xa nghề lâu quá nên nhớ, nhưng đành chịu vì hoàn cảnh gia đình thôi”, người vợ Diệp Lang từng chia sẻ với báo chí.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đạo diễn sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc, nghệ sĩ Diệp Lang tâm sự:
“Điều ước đầu tiên, là được hóa phép sao cho khỏe lại, để còn có thể hát cho khán giả coi. Điều kế tiếp, mong cho cải lương sống như thời huy hoàng những năm 1950-1960 dù lúc đó mới tập tễnh bước vô nghề, chưa là ai, tự thấy cũng chưa làm được gì nhiều cho sân khấu cải lương, chỉ mới được đặt tên Diệp Lang, nghĩa là “con trai thầy đờn Ba Diệp”.
Có lẽ lúc đó chiến tranh còn xa, không khí thái hòa, nhân tâm ổn định, các nhân tố tài hoa của nghệ thuật cải lương có điều kiện phát tiết. Từ những bầu giỏi, tìm kiếm ra được những nghệ sĩ tài, có vậy khán giả mới trân trọng và yêu thích. Thử hình dung coi, không chỉ Sài Gòn mà khắp các tỉnh Nam Kỳ lục tỉnh, khán giả đều biết ca và rành nhịp, tới độ nghệ sĩ lỡ ca rớt một nhịp là cả khán phòng cười cái rần. Số một là vùng Bạc Liêu, quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang.
Thuở đó, nghệ sĩ được tôn trọng nên khi tới rạp, từ khán giả tới ký giả kịch tràng, ai cũng ăn bận đàng hoàng. Người sáng lập giải Thanh Tâm là ký giả Trần Tấn Quốc bận veston đi coi hát. Được hỏi sao trời nóng nực, bận chi veston, ông nói muốn tôn trọng những người biểu diễn cho mình coi bằng cách đó.
Nhớ hoài câu nói của ông Trần Văn Khê: “Nếu bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có khán giả lớn tuổi yêu thích thì khi họ chết, nghệ thuật đó chết theo. Phải nuôi nấng khán giả trẻ thì mới sống hoài”. Trong hai câu “Cải cách hát ca, theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn mình” thì đừng quên từ lúc khởi đầu, đã vạch ra mục đích: cần phải theo tiến bộ và sánh văn minh. Giờ nhắc lại chuyện cũ, hòa trộn sân khấu với cuộc đời mình, thấy vô cùng xúc động. Thèm trở lại sống được như hồi đó, thời mà cải lương hay vì khán giả đông, nói kiểu khác, nhờ có khách tri âm đầy rạp, mà cải lương được thăng hoa, dù mình nghèo và vô danh cũng được.
Hai trường phái nổi trội lúc đó đi song song. Một của thầy Năm Châu, muốn nghệ thuật phải “thật và đẹp” và một của Mộng Vân chủ trương cải lương phải nhiều màu sắc như có đấu kiếm, boa nha (dao găm). Tuồng vừa vãn, màn kéo, chuông rung, dàn nhạc tân (lúc đó còn gọi là âm nhạc cải cách) trỗi ngay bài La Valse dans d’Ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) từ phim cùng tên đang chiếu bấy giờ.
Bên trường phái xã hội lúc đầu chạy không kịp với kiểu lồng ghép những cái mới nhưng từ những bước đi chậm, họ cũng tìm cách bước nhanh để cho ra đời Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Men rượu hương tình, Khi người điên biết yêu, Hoa cuối mùa… và tới tuyệt phẩm Sân khấu về khuya thì sân khấu Thật và Đẹp đã bứt phá lên phía trước.
Một điều đáng nhớ nữa là trên bảng hiệu luôn có kèm hàng chữ nhỏ, ghi gì là bên trong có cái đó, như một chữ tín giữ cho nhau giữa người diễn và người coi. Khi đến đoàn Việt kịch Năm Châu thì hiểu ở đây chỉ có ca cải lương và diễn. Đoàn nào ghi “thi – ca – vũ – nhạc – kịch” là vào sẽ được coi đủ từ múa tới ca tân nhạc mở đầu phần hát tuồng. Riêng đoàn Hoa Sen kèm tên mình với mấy chữ: “Ban ca – kịch – điện ảnh” thì bảo đảm có chiếu phim. Tới lớp nào đó quay ngược về quá khứ thì cho tắt đèn và khán giả được xem khúc phim xảy ra với nhân vật chuyển động ở ngoại cảnh.
Ngay ký giả ngoại quốc cũng hiểu cải lương là sân khấu cách tân. Nói chung mình phải thay đổi, đừng một kiểu làm hoài. Nhớ là phải chuyển động, phải đi, vì đứng lại là chết. Phần đứa con của thầy đờn Ba Diệp này, ngoài việc được các thầy chỉ dạy, một mình, phải tự đi coi nhiều phim hay bên rạp chiếu bóng để học cách diễn của các tài tử nổi tiếng khắp năm châu…”