Nghĩa tào khang

Minh họa: Antonio DiCaterina/Unsplash

Chị Ba và anh Nguyễn là hàng xóm với nhau từ khi mới lọt lòng. Dù bằng tuổi nhau nhưng anh Nguyễn học trên chị một lớp lại là bạn của anh Hai – anh của chị Ba. Mỗi lần thấy anh qua nhà chơi, trước khi anh lên gác với anh Hai, chị Ba réo:

– Giảng giùm tui bài toán này đi.

Anh sà xuống chỉ vẽ tận tình. Đối với anh, chị Ba như một người em nhỏ của bạn, không mảy may xem chị là người đồng trang lứa.

Học xong lớp đệ nhất, anh Nguyễn vào Thủ Đức. Sau chín tháng huấn luyện ở quân trường, anh về đơn vị và đi khắp bốn vùng chiến thuật. Anh Nguyễn cao to, đẹp trai khoác quân phục khiến anh oai phong lịch lãm. Bản tánh hòa hoa lãng tử thêm sự ngang tàng của đời lính, anh làm bao phụ nữ điêu đứng. Niềm vui sôi nổi tuổi trẻ của anh là chinh phục những cô gái đẹp.

Đậu tú tài toàn phần, chị Ba ghi danh đại học và xin đi làm ở tòa án. Chị Ba dễ coi, tính hiền lành, nhiều người muốn cưới làm vợ nhưng chị không chịu; chị lo làm kiếm tiền phụ ba má nuôi các em ăn học. Thỉnh thoảng, anh Nguyễn về phép, anh qua chào ba má chị. Nếu anh Hai cùng về, hai người gặp nhau rủ nhau nhậu nhẹt, cười hể hả, kể đời lính tráng, khoe chuyện tình trường… Thấy chị, anh chọc:

– Khi nào cho tui uống rượu đây. Hay để tui giới thiệu cho cô một người nghe.

Chị cười:

– Thôi ông để tui yên. Bạn mà như ông chỉ làm khổ vợ con. Khi nào ông mới chịu dừng chân lấy vợ.

Anh cười ha hả:

– Vợ con chi tui. Mệt quá, thân tui lo chưa nổi nữa.

Sau tháng Tư định mệnh, anh Nguyễn đi tù cải tạo tận ngoài Bắc. Ba anh đi thăm nuôi cho cả ba đứa con, mỗi đứa một nơi. Ba anh loay hoay tìm đủ tiền đi xe; má anh lo thức ăn bới xách. Lần nào nhìn ba khuất bóng qua cổng trại, anh Nguyễn cũng chảy nước mắt ngậm ngùi.

Chị Ba bị cho nghỉ việc, xoay ra buôn bán chợ trời; ngoài việc lo cơm nước thường ngày cho cả nhà, chị mua thêm đồ khô dành để má chị bới xách cho anh Hai. Thỉnh thoảng má chị san sẻ để má anh Nguyễn đi thăm con.

Hơn sáu năm, anh Nguyễn trở về, mất hết oai phong ngày nào; anh thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Tiếng cười hào sảng ngày nào không còn; anh ẩn dật trong nhà, chờ cuối tháng trình diện Ủy Ban Quân Quản trong thời gian quản chế. Thấy con thui thủi trong nhà hoài, má anh xót dạ muốn tìm vợ cho con. Bà để ý chị Ba: chị chỉ biết ăn và học, đi làm nuôi em cho đến hôm nay, tuy chị ở tuổi lỡ thì nhưng biết kiếm ai lo làm ăn chắt chiu như chị, bà bảo anh:

– Má thấy con Ba được đó con. Con bằng lòng, má sang xin cưới nó.

Anh Nguyễn hơi bất ngờ, từ trước đến giờ anh luôn xem chị Ba như người em trong nhà, như cái Ngọc, cái Nga, chưa bao giờ nghĩ chị như bạn bè huống là bạn gái. Anh nghĩ đến những người con gái đã quen và yêu, những người cùng anh thề non hẹn biển; nhưng khi anh ở tù, không một lá thư thăm hỏi, một lần thăm nuôi. Họa chăng chỉ có vài gói mì tôm hay lon sữa mà chị Ba tặng anh, bạn của anh Hai. Anh bần thần:

– Con không biết cổ có chịu lấy con không nữa. Con ở tù về, công việc không có.

Chị Ba nghe má anh Nguyễn đánh tiếng, chị khôn ngoan:

– Con không biết thời trai trẻ của anh Nguyễn như thế nào, lỡ ảnh có vợ con đâu đó thì sao.

Mẹ anh Nguyễn đủng đỉnh:

– Chuyện trai trẻ thời lính tráng để ý làm chi. Con đừng bận tâm. Hai bác chỉ biết một điều: đi cưới vợ cho thằng Nguyễn một lần mà thôi.

Chị Ba về làm vợ anh Nguyễn từ đó. Lạ một điều, lấy nhau không vì tình yêu nhưng khi làm vợ, chị yêu chồng mãnh liệt vô biên. Những ngày vinh quang của anh, chị chưa được hưởng, vậy mà chị khốn khó vì có chồng là tù từ trại cải tạo về. Chị mang thai bé Nhi, bụng còn lùm lùm thì phường đưa danh sách: gia đình ngụy quân, ngụy quyền phải đi kinh tế mới. Chị bàn với anh:

– Anh lánh ở đâu thời gian đi. Em ở với ba má chờ sinh nở xong đã. Giờ vô kinh tế mới chắc chết vì sốt rét.

Anh cầm giấy đi kinh tế mới nhưng ra bến xe, anh dông tuốt vô Sài Gòn. Chị Ba lên phường khóc:

– Mấy ông đừng cắt hộ khẩu của tui, chờ tui đẻ xong đã. Giờ tui vô đó, nhà cửa không có, chưa cất bệnh viện trạm xá, lấy ai đỡ đẻ cho tui. Chồng tui đi kinh tế mới rồi, khi nào con lớn tui đi theo.

Mọi người ái ngại nên để chị về. Khi bé Nhi biết lật, mẹ anh Nguyễn biết tính hào hoa của con trai mình, khuyên con dâu:

– Con ở đây với ba má sướng rồi, vô với thằng Nguyễn sẽ cực đó. Nhưng muốn giữ chồng thì phải vào Sài Gòn thôi. Chồng đâu thì vợ đó. Tùy con chọn lựa.

Chị nghe theo. Có chút vốn lận lưng, chị mua căn nhà nhỏ trên ruộng rau muống. Nhà trống trơn từ trước ra sau nhưng đủ chỗ tạm nghỉ qua ngày. Có chị Ba, anh Nguyễn đỡ cảnh đi ở lang thang. Anh làm nghề mộc học được trong tù và làm thêm trong một nhà xưởng. Chị Ba sinh thêm một đứa con trai khôi ngô, giống hệt anh Nguyễn hồi còn nhỏ. Chị chịu khó chạy chợ, dù tay bồng tay bế. Sau thời gian có chị bên cạnh lo cơm nước, anh Nguyễn trở lại dáng vẻ đẹp vốn có từ hồi nào. Anh phong độ và trẻ hơn chị, người đàn bà hai mặt con vất vả kiếm ăn. Lời dặn chồng đâu vợ đó ám ảnh khiến máu ghen che mờ mắt; chị đi theo anh đến chỗ làm, biết anh có ở đó chị mới chịu quay ra chợ. Bận buôn bán mà lòng chị nóng lửa, chỉ sợ ai rù quyến anh. Chiều thấy anh về, chị mới yên tâm dọn cơm. Một hôm vào ngày chủ nhật, anh dặn:

– Tối nay, thằng Long nghỉ, tui phải trực thay. Ăn cơm xong, má con Nhi cho con ngủ. Sáng mai tui về sớm.

Chị cho con ăn xong, dỗ con ngủ nhưng không nhắm mắt được. Nghĩ mãi, nghĩ hoài, lòng dạ không yên, chị bọc trong túi ít tiền, đánh thức hai con dậy rồi dẫn ra ngõ. Trời tối đen, không một bóng người. Một chiếc xe xích lô trờ tới, chị giơ tay ngoắc:

– Ba mẹ con đi đâu? Tui tính về nhà ngủ đây. Khuya quá rồi.

Chị Ba năn nỉ:

– Anh làm ơn chở tui tới đây một chút, rồi chở tui về lại. Tui trả thêm tiền cho.

Ông xích lô đỡ ba mẹ con lên xe; thằng An ngái ngủ nằm trong lòng mẹ. Ông xích lô im lặng nghe chị kể lý do phải ra khỏi nhà khi đêm khuya khoắc, thủng thẳng nói:

– Chị y như vợ tui. Nó chẳng chịu tin chồng. Giờ này nó cũng ngồi ngóng tui về. Tui khuyên chị câu này: chị về đi, đừng đi tìm làm chi cho vô ích. Cái gì của mình là của mình, không ai lấy được. Khi không còn của mình nữa thì cố giữ cũng không xong. Tui khuyên chị thiệt tình nhưng chắc gì chị chịu nghe. Vợ tui, tui nói vợ tui cũng không được nữa. Thiệt rầu hết sức.

Chị nhìn chăm chăm đoạn đường phía trước. Con dốc lên con cầu khá cao, chị để cu An cạnh bé Nhi rồi nhảy xuống phụ đẩy với ông xích lô. Đi một thôi rẽ vào con đường hẻm, ông xích lô ngần ngại:

– Chồng chị có trác chị không đó. Vô đây tối thui, sợ quá.

– Thôi, anh cứ chờ đây. Tui vô một chút thôi, tui ra rồi mình đi về.

Chị bồng cu An, dắt bé Nhi lếch thếch vào ngõ. Nhà hai bên đóng cửa kín mít; khu nhà xưởng hiện ra. Chiếc cổng sắt khóa xích nhưng bức tường gạch có một lổ hổng chó chui mà các công nhân lười ra cổng thường khom người chui vô. Chị nhìn vào: anh Nguyễn đang ngồi xem báo dưới ngọn đèn vàng. Bé Nhi khẽ kêu:

– Ba kìa má.

Chị đưa tay bịt miệng con rồi quày quả trở ra đường.

Bên trong anh Nguyễn nghe tiếng xì xào. Anh buông tờ báo đứng dậy, thò đầu ra lỗ thủng, đứng như trời trồng: anh nửa muốn chạy theo xáng cho một trận, nửa muốn khóc vì sự ngốc nghếch của vợ. Anh nghẹn ngào tự nhủ sẽ không làm điều gì sai trái khiến vợ đau lòng.

Chị Ba lặng thinh bên cạnh mấy đứa nhỏ ngủ yên. Xuống xe, bao nhiêu tiền chị dốc đưa cho ông xích lô:

– Tui cám ơn anh vì lời khuyên lúc nãy.

Từ đó, anh Nguyễn làm gì chị không để ý săm soi. Chị chiều chồng hết mực. Một hôm có một người phụ nữ trẻ hơn chị, dắt một đứa bé lớn hơn bé Nhi chừng 7, 8 tuổi, gõ cửa:

– Trước kia, tui với anh Nguyễn có với nhau một mặt con. Sau năm 75, tui về quê vất vả nuôi con, nay mới biết tin nên tui tìm tới cho cha con biết mặt nhau.

Chị Ba mời hai mẹ con vào nhà, gọi chồng ra:

– Chuyện này xảy ra trước khi ảnh lấy tui. Giờ tui để cho hai người tính nghe. Tính sao tui cũng chịu hết.

Anh Nguyễn khẽ khàng:

– Má con Nhi ngồi đó. Từ từ tui nói cho nghe.

Anh nhìn người đàn bà xong nhìn con, con bé giống bé Nhi như đúc, anh không dè sự thể như vậy:

– Mẹ bé Nhi là do ba má tui đứng ra cưới hỏi nên không có chuyện tui cưới vợ lần thứ hai. Trước kia, tui với cô có duyên nhưng không có nợ. Phải chi khi tui ở tù, cô dắt con về tìm nội thì ba má tui đã nhận cô làm con dâu. Hoặc nếu cô đi thăm nuôi tui một lần thì tui xem cô là vợ rồi. Mình không có duyên vợ chồng, mình coi nhau như bạn vậy. Còn bé Duyên, tui cám ơn cô đã nuôi nó khôn lớn như hôm nay. Nó là con tui, tui có trách nhiệm với nó.

Chị Ba cảm phục cách cư xử của chồng. Chị để hai mẹ con tá túc trong ngôi nhà của mình qua khúc hoạn nạn cho đến ngày anh chị qua định cư ở Mỹ theo diện HO.

Thời gian sau, anh Nguyễn bảo lãnh bé Duyên qua. Bé Duyên lo được cuộc sống cho mẹ của nó.

Chị Ba làm trong xưởng may công nghiệp. Chị y như má chị ngày nào: chỉ biết lo cho chồng con, không suy nghĩ vẩn vơ. Chị không vô internet, email, facebook… Mọi tin tức chị cần biết đều qua anh Nguyễn. Chị bận bịu trồng vài cây ăn quả, dăm mấy luống rau. Anh Nguyễn đến tuổi về hưu. Mỗi năm anh về Việt Nam ở vài tháng. Sáng sáng, anh đi dọc bờ biển ngắm Mặt trời lên; chiều xuống anh cùng anh em, bạn bè uống bia, cười ha hả… Bạn bè khuyên ngăn chị cẩn thận khi cho chồng về Việt Nam. Chị Ba bỏ ngoài tai, thỉnh thoảng chị dúi thêm tiền mua vé máy bay cho anh:

– Ảnh thích làm gì cũng được, bù lại những thời gian khốn khổ đã qua. Lúc trẻ không ghen thì thôi, chứ giờ mà ghen chi. Mà giữ làm chi, cái gì của mình là của mình, cố không được.

Trước khi bước vào phòng cách ly về Mỹ, anh Nguyễn trút hết tiền Việt Nam và thuốc lá đưa cho các em. Anh thảnh thơi trở lại nhà, nơi chị Ba đang chờ. Những ngọn sóng biển dạt vào bờ đã xóa hết những ngày vui chơi vắng bóng vợ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: