Ngôi sao nhạc pop Canada gốc Trung Quốc Kris Wu (Wu Yifan-Ngô Diệc Phàm), 30 tuổi vừa bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giam vì “tình nghi cưỡng hiếp”.
Theo công bố của cảnh sát vào tối Thứ Bảy, 31 Tháng Bảy 2021 Wu chính thức bị truy tố về tội “liên tục dụ dỗ các phụ nữ trẻ quan hệ tình dục”. Nhưng cảnh sát quận Triều Dương thuộc thủ đô Bắc Kinh khẳng định “vụ việc vẫn còn trong vòng điều tra”. Nhiều fan của Wu tập trung trước đồn cảnh sát. Xì căng đan xuất hiện lần đầu tiên vào tháng trước trên mạng xã hội Weibo lớn của Trung Quốc sau khi một phụ nữ có tài khoản “Du Meizhu” post bài tiết lộ cô bị Wu tấn công tình dục lúc còn là sinh viên 17 tuổi theo học tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tài khoản này được xác minh là có thật, và cáo buộc được xác định sau khi Du được cổng tin tức lớn 163.com phỏng vấn. Wu, sinh ra ở miền Nam Trung Quốc, lập tức phủ nhận cáo buộc trên tài khoản Weibo cá nhân. Công ty đại diện của Wu cho biết họ đang trong quá trình pháp lý chống lại kẻ tạo ra “tin đồn ác ý”.
Các tài khoản mạng xã hội nổi tiếng của Wu, gồm cả tài khoản trên Weibo, với hơn 51 triệu người theo dõi, bị gỡ xuống sau khi có thông báo chính thức của cảnh sát. Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý Trung ương (Trung ương Chánh pháp ủy viên hội), cơ quan thực thi pháp luật cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bình luận về vụ việc vào ngày Thứ Bảy trên Weibo: “Trên đất nước Trung Quốc, mọi người cần phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Chúng tôi không làm sai mà chỉ lấy sự thật làm cơ sở và luật pháp làm tiêu chí”.
Là thành viên của nhóm nhạc pop Hàn-Trung nổi tiếng EXO, Wu hoạt động solo sau khi rời nhóm vào năm 2014. Wu còn đóng vai chính trong nhiều bộ phim và làm người mẫu cho các thương hiệu lớn như Burberry, và sớm trở thành một trong những đại sứ thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc. Nhưng khi các cáo buộc hiếp dâm lan rộng, các đối tác đã nhanh chóng cắt đứt quan hệ với Wu. Hãng thời trang Pháp Louis Vuitton, nơi Wu được mời làm đại sứ thương hiệu từ năm 2018, tạm ngừng hợp đồng chờ đến khi điều tra xong vụ việc. Thương hiệu cao cấp Bulgari Ý, Porsche Trung Quốc và thương hiệu mỹ phẩm Kans cũng đình chỉ hoặc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Wu. Một tài khoản Weibo bình luận: “Tôi phải gửi lời cảm ơn tới Du Meizhu và thực sự cảm ơn cô đã lên tiếng vì phụ nữ!”
Phong trào #MeToo lan rộng trên toàn thế giới vào năm 2017 và 2018 đã nêu bật các vấn đề mang tính hệ thống về tấn công tình dục và bao che cho tội phạm. Ở nhiều quốc gia, phụ nữ bắt đầu chia sẻ công khai trải nghiệm của họ về hành vi sai trái và ghê tởm này, cùng với đòi hỏi phải có đối sách thích đáng. Tại Trung Quốc, các nhà hoạt động chống xâm hại tình dục cho biết cũng có một số dấu hiệu tiến bộ – nhưng vẫn còn nhiều cản trở và áp lực nạn nhân phải im lặng. Thực tế, khi #MeToo đến Trung Quốc lúc phong trào mới ra đời, nhiều bài đăng trên mạng xã hội thảo luận về hành vi này đã bị kiểm duyệt.
Nhiều nạn nhân không dám lên tiếng. Năm 2018, Yue Xin, sinh viên Đại học Bắc Kinh, đã làm sống lại vấn đề sau khi ban giám hiệu tìm cách vô hiệu hóa đơn kiện của cô và một số sinh viên khác về một vụ án hiếp dâm gây phẫn nộ. Một phụ nữ khác khi lên mạng tố cáo một phát thanh viên đài truyền hình nhà nước nổi tiếng đã bị cảnh sát ép rút đơn khiếu nại vì người đàn ông bị tố cáo “có ảnh hưởng tích cực lớn đến xã hội”! Trong khi các cuộc khảo sát cho thấy tấn công và quấy rối tình dục khá phổ biến ở Trung Quốc dưới mọi hình thức, số vụ bị truy tố rất ít. Theo cơ quan công tố hàng đầu nước này, từ năm 2013 đến 2017 chỉ có 43,000 người bị truy tố tội “vi phạm quyền cá nhân của phụ nữ”, với những tội danh từ buôn người, cưỡng bức làm gái mại dâm đến cưỡng hiếp.