Ngôi cổ tự và vị sư già

Minh họa: Unsplash

Ngôi cổ tự nhỏ nằm trơ trọi ở một làng nghèo thuộc bờ biển cháy nắng miền Trung nên ít người biết đến. Trông coi ngôi chùa là vị sư già và một thầy trẻ được gởi đi học xa. Vị sư già mảnh khảnh nhưng rắn rỏi, đặc trưng của người dân vùng biển. Không ai biết tuổi của sư bởi những người già còn ở lại trong làng, khi ra đời, đã thấy sư làm lễ trong chùa. Tuổi sư cao niên hơn lũy tre vàng, cây bồ đề, cây mủ trôm, thân mộc tán lá lớn rộng do chính tay sư trồng.

Vị sư già nhận mình là “vô danh tăng”. Sư hiểu rõ ngôi chùa tường tận như lòng bàn tay. Mái ngói rêu phong có nét đẹp cổ kính nhưng miếng ngói đầu hồi vỡ, nước thấm làm tường hoen ố; mối mọt ăn sâu cánh cửa dày nơi thờ Tổ… Sư túc tắc sửa chữa, đôi khi Phật tử chung tay phụ làm. Sư tự tay làm mọi việc: nấu cơm, quét dọn, trồng cây, cả việc trộn hồ xây tường.

Rau dưa, cơm áo, điền viên/ Công phu trọn vẹn, tánh không nhẹ nhàng…

Cái xứ mà nắng gió như nung và ít mưa khiến người dân kiếm sống khó hơn nơi khác nên việc đến chùa tụng kinh, tu học là thiện duyên ít người có. Vị sư già yêu quý những người Phật tử chung quanh ngôi cổ tự. Sư am hiểu từng gia đình, nhìn thấy sự lớn lên, già đi của hầu hết người dân ở đây. Khu nhà để cốt mới xây chứa bài vị nhiều người mà sư đã tiễn đưa họ về cõi hư vô. Chú nhỏ trộn vữa xây nền dựng tượng Địa Tạng mới từ thuyền chài về, tóc còn vương mùi gió biển; cô phụ bếp mỗi kỳ giảng kinh vốn là người chuyên mò nghêu ốc; vị giáo viên về hưu tỉ mỉ lau từng chiếc bình hoa bàn thờ…

Mỗi tối, ngôi chánh điện quy tụ chừng vài chục người. Họ tụng kinh, sám hối, cầu mong mọi sự bình an cho gia đình. Nghề đi biển hiểm nguy, trắc trở, họ cầu mong Đức Quán Thế Âm phù hộ người thân trở về sau chuyến ra khơi. Sau mỗi thời khóa, vị sư nhắc nhở:

– Được mất, nên hư, thành bại, nhiều ít, sang hèn, xấu đẹp…, tất cả đối đãi nhị nguyên này ta không bận tân đến. Sống là buông xả.

Sư cười sảng khoái:

Vào nơi không cửa không chùn bước/ Thấu hiểu kỳ tâm hết nhọc lòng…

Vị sư già tiễn các đạo hữu ra về rồi đóng cổng chùa. Sư vào phòng, ngồi kiết già trên chiếc đơn mặc cho ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ.

Vị sư già gắn bó với ngôi cổ tự từ lúc lên tám tuổi, không biết do nhân duyên từ kiếp trước hay trắc trở đời thường mà chú tiểu nương thân vào cửa Phật khi ý thức còn mơ mơ hồ hồ.

Chú tiểu tuổi còn nhỏ nhưng đã biết ơn thầy Tổ, đàn na thí chủ, không ham chơi như đứa trẻ cùng trang lứa mà chịu khó học kinh Phật và chữ. Tuổi hơi khôn lớn, chú nghĩ: tu mà không có kiến thức sẽ không rõ tường tận Phật Pháp. Chú muốn học lên cao nhưng chùa nghèo không có kinh phí nuôi chú ăn học xa.

Một ngày, ước mơ đủ lớn khiến chú điệu trốn chùa ra đi, bước chân rong ruổi khắp nơi. Con đường mới mở rộng trước mắt dù chú đơn độc không bạn bè, người thân. Vai đeo túi nải, chú cất bước tìm nơi tu học và hương cây ngọc lan bên cạnh ngôi chùa nhỏ theo gió bay dìu dịu khiến chú dừng chân vào xin ở lại. Thầy trụ trì nhìn chú điệu gầy cao lêu khêu, da rám nắng, khuôn mặt cương nghị với đôi mắt sáng và nhất là với ý muốn tu học nên bằng lòng. Hai năm sau, thầy rời chùa, để lại cho chú trọng trách gánh vác ngôi chùa khi chú mới học lớp 10. Sáng đến trường, chiều về ngồi học bài dưới cây ngọc lan, tối đến chú lo thời khóa sám hối cho đạo tràng. Chú giỏi việc cơm nước cho mình.

Chuyện học chữ cũng dễ dàng bởi ông hiệu trưởng là người đặc biệt. Ông mở trường tư thục nhưng miễn học phí vì chú là tu sĩ và học sinh giỏi của lớp.

Những ngày không học chú thường lên chùa lớn có nhiều sách Phật để đọc, nhiều hôm chú quên cả giờ cơm đã qua. Ôn trông coi Tàng kinh các là vị cao tăng tu hành nghiêm mật, các vị sư lớn tuổi trong chùa hiếm được giáp mặt. Chú tiểu biết đó là bậc minh sư nên mong cầu được chỉ dạy. Chú khôn ngoan chọn nấc thang dẫn lên căn gác của Ôn ngồi học bài. Suốt hai tháng, Ôn để ý thấy chú khác với các tăng sinh. Ôn bước xuống cầu thang, chú tiểu vẫn lặng yên, mắt không rời trang sách:

Chú tê răng mà ngồi ở đó rứa.

Chú tiểu ngước nhìn lên vừa vui vừa sợ:

Dạ ! Bạch Ôn, con học bài.

Chú lên đây.

Chú tiểu theo Ôn lên gác. Căn phòng của Ôn trống trơn: một tọa cụ đặt trên chiếc bồ đoàn, chiếc bình trà với vài cái tách trong chiếc khay gỗ, bức hình Tổ Đạt Ma chiếm phần lớn mảnh tường. Ôn bảo chú tiểu ngồi xuống, trầm giọng:

Chú muốn gì?

– Dạ. Con muốn học theo Ôn.

– Được thôi. Nhưng chú phải học cho có kiến thức trước đã.

Từ đó, trên chiếc gác gỗ của Tàng kinh các, chú tiểu được Ôn truyền môn Thiền định.

Mỗi tối, dưới ánh trăng, chú dụng công phu ngồi thiền. Chú để dạ ghi nhớ: Đất nuôi thành người, Ôn cho ý thức sống. Thầy và bạn giúp sáng dạ.

Thời gian sau, chú trở lại quê nhà khi tóc hãy còn xanh.

***

Ánh trăng trải khắp gian phòng, vị sư già như được dát vàng, khuôn mặt sư thanh thoát tựa pho tượng gỗ ở hậu liêu. Thời gian, không gian dừng lại.

Ghi chú: Xin được trích dẫn những vần thơ của vị sư Thích Thị Tường ở ngôi chùa nhỏ ven biển miền Trung

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: