“Người Nga cũng yêu thương con cái họ”

Ảnh: Paulo Amorim/VW Pics/Universal Images Group via Getty Images)

Khi dồn dập những tin tức về bom đạn Nga không ngừng tàn phá Ukraine thì bên Anh có một nghệ sĩ hoài niệm trong niềm đau tâm hồn; bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng có một nghệ sĩ Mỹ cùng tâm trạng. Họ tưởng chuyện chiến tranh, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã là chuyện lùi sâu vào quá khứ! Đó là Sting, cựu cột trụ nhóm rock Anh Police một thời lừng lẫy thập niên 1980; và Billy Joel, nghệ sĩ sáng tác và đàn ca với biệt danh “Piano Man”.

“TÔI HY VỌNG NGƯỜI NGA CŨNG YÊU CON CÁI CỦA HỌ”

Sting (họ tên thật là Gordon Matthew Thomas Sumner) hát đi hát lại câu này (I hope Russians love their children too) trong bài Russians mà anh đã sáng tác và ghi âm trong album solo đầu tay The Dream of the Blue Turtles phát hành năm 1985 sau khi nhóm Police tan rã. Sting sinh ra thời hậu Thế chiến thứ hai và lớn lên đúng thời Chiến tranh lạnh nên rất hiểu về nỗi lo sợ chiến tranh hạt nhân sẽ lại thình lình bùng phát.

Đó là một nỗi lo khắc khoải, ngấm ngầm bám vào tâm trí, cuộc sống của hàng mấy trăm triệu người trong suốt những năm dài căng thẳng giữa châu Âu, Mỹ và Nga Xô. Nỗi lo chỉ giảm nhẹ khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Nga Xô và đưa ra những chính sách đổi mới mà lịch sử đã ghi nhận và nhiều người còn nhớ (Glasnost, Perestroika – Mở cửa và Đổi mới). Từ thực tế đời sống ấy, nỗi buồn, nỗi lo, sự suy tư đã thấm đậm hầu hết sáng tác của Sting đến tận nay.

Sting trong một buổi diễn; Miami, Florida, ngày 18 Tháng Hai 2022 (ảnh: John Parra/Getty Images for Univision)

“Tôi hiếm khi nào hát bài này vì rất nhiều năm đã qua đi kể từ ngày tôi viết nó và vì tôi nghĩ nó sẽ không còn bao giờ phù hợp nữa” – Sting, 70 tuổi, nói với người hâm mộ mình trong một video gửi lên Instagram ngày 5 Tháng Ba 2022. “Thế nhưng, thật không ngờ, vì dã tâm máu me của một con người quyết tâm xâm chiếm một hàng xóm đang sống hòa bình, không hề đe dọa ai, ca khúc này một lần nữa lại là bản tin năn nỉ gửi đến toàn nhân loại chúng ta”.

Gần 40 năm về trước, Russians đã trở thành một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp solo của Sting. Ca khúc này một thời leo cao lên bảng xếp hạng những bài nhạc được yêu thích nhất, yêu cầu nhiều nhất. Thời gian trôi qua, châu Âu thoát khỏi Chiến tranh lạnh từ năm 1991, thế giới bình yên một thời gian dài nhưng rồi “The Long Peace” (Thời kỳ hòa bình dài lâu) bỗng đứt đoạn khi Putin xua quân tấn công Ukraine. “Tôi gửi bài này đến những người Ukraine can trường chống lại sự độc tài hung bạo và gửi đến những người Nga can đảm dám lên tiếng phản đối dù bị đe dọa bắt bớ, giam cầm. Chúng ta, tất cả chúng ta đều yêu con cái chúng ta. Hãy chấm dứt chiến tranh!”.

Và Sting đã hát lại bài Russians, chỉ có mỗi Ramiro Belgardt phụ họa với tiếng đàn cello. “How can I save my little boy from that Oppenheimer’s deadly toy? (tức bom hạt nhân chế tạo bởi Oppenheimer). There is no monopoly of common sense, on either side of the political fence. We share the same biology, regardless of ideology. Believe me when I say to you, I hope the Russians love their children too”.

Sting là một nghệ sĩ tài hoa với kho tàng sáng tác pop jazz và vô số thử nghiệm các dòng nhạc. Ông từng là nhà hoạt động tích cực kêu cứu rừng già Amazon. Sting còn là một nghệ sĩ rất đáng quý ở vai trò người chủ gia đình êm ấm. Năm 1992, anh thành hôn với nữ diễn viên sân khấu Trudie Styler, họ sống hạnh phúc bên nhau mãi đến nay. Một trong những ca khúc “bằng chứng” cho cuộc sống hạnh phúc bên nhau dài lâu ấy là Fields of Gold rất nhẹ nhàng mà tình tứ ghi trong album Ten Summoners’ Tale phát hành năm 1993.

LENINGRAD CÓ VIKTOR, NEW YORK CÓ BILLY

Quân Nga tràn vào Ukraine bắn phá khiến “piano man” trứ danh Billy Joel ngỡ ngàng, lòng đầy tình thương xót. Ông từng trải qua những khoảnh khắc áy náy, u sầu lo lắng cho những người “tưởng quen mà không quen” ở tận bên Nga thời còn là Liên bang Xô Viết. Những cảm tưởng không hề vui ấy đã được ông ghi lại thành ca khúc Leningrad. Chuyện xảy ra vào năm 1987.

Billy Joel không phải là nghệ sĩ pop của thế giới phương Tây đầu tiên “khai thác” chính sách Mở cửa-Glasnost và Đổi mới-Perestroika thực thi bởi ông Mikhail Gorbachev. Những Elton John, James Taylor, Nitty Gritty Dirt Band… đã vén mở “tấm màn sắt” trước Billy nhiều năm nhưng Billy Joel mới là người lập nên kỳ tích với sáu show biểu diễn ở Moscow và Leningrad (nay đã lấy trở lại tên cũ nguyên thủy là St.Petersburg) hồi năm 1987. Trước đó Elton John chỉ biểu diễn cùng một nhạc sĩ chơi bộ gõ thì Billy Joel có cả dàn nhạc hỗ trợ, ê-kíp lo âm thanh và ê-kíp ánh sáng! Không những thế, ông còn mang theo cả vợ (khi ấy) là siêu mẫu Christie Brinkley và con gái nhỏ của họ.

Billy Joel trong một đêm diễn; New York City, ngày 12 Tháng Hai 2022 (ảnh: Taylor Hill/Getty Images)

“Nhớ lại là đám đông khán giả thực ra không biết tôi là ai, không biết các bài tôi hát nhưng họ hưởng ứng rất nhiệt tình, dậm chân thình thình” – Billy kể. “Tôi rời sân khâu, đi sâu đến tận cuối sân bắt tay họ, thật là vui, thật là xúc động”. Rồi ông còn được mời lên truyền hình Nga, hát bài ca phản chiến nổi tiếng The Times They Are a-Changin’ của Bod Dylan. Trong những ngày ở Moscow và Leningrad, ông có cơ hội gặp gỡ các thanh niên tóc dài, có hiểu biết về lịch sử, có hoài bão, có giấc mộng đẹp cho đời.

Những tâm tình mà họ tiết lộ đã được Billy Joel tóm gọn vào ca khúc Leningrad – mô tả hai nhân vật, một là chính nghệ sĩ, người sống ở New York City, một thành phố đông dân đa sắc tộc, đa văn hóa; và người kia là Viktor, một đàn ông trung niên Nga sống ở Leningrad. Cả hai cùng lớn lên thời Chiến tranh lạnh. Nhưng Viktor, ra đời mùa xuân 1944 và chưa bao giờ biết mặt bố vì bố đã hy sinh trong thời gian thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây. “Victor was born /The spring of ’44/ And never saw/ His father anymore /The child of sacrifice /Child of war /Another son who never had /A father after Leningrad”.

“Viktor, như bao nhiêu đứa trẻ sinh ra năm ấy ở Leningrad không bao giờ biết mặt bố của họ” – Billy kể – “Còn tôi, may mắn hơn, nhưng hồi còn đi học cũng từng lo sợ mỗi lần trường lớp tổ chức ứng phó khi có hỏa hoạn, giống như bên châu Âu và Nga, học sinh cũng đã phải tập phản ứng, sơ tán tránh bom hạt nhân”. Trong bài Leningrad có đoạn thế này: “I was born in ’49 /A cold war kid in the McCarthy times/Stop ’em at the 38th parallel /Blast those yellow reds to hell /Cold war kids were hard to kill /Under their desks in an air raid drill”. Rồi khi đến tuổi trưởng thành, Billy Joel lại phải lo lắng với lệnh quân dịch, khi thấy các anh lớn tuổi cũng như bạn bè mình khoác lên bộ đồ lính bay sang Việt Nam và không bao giờ trở lại.

Cho nên như để “đuổi quỷ” ra khỏi tâm hồn mình, Billy Joel đã bỏ tiền túi ra và tổ chức vòng du diễn ở Nga Xô là thế. Nó đã đem đến cho anh sự giải thoát, niềm vui. Đoạn cuối bài Leningrad, Billy Joel hát, “And so my child and I came to this place, to meet him eye to eye and face to face (tức anh chàng Viktor). He made my daughter laugh, then we embraced. We never knew what friends we had until we came to Leningrad”… Vậy mà 35 năm sau, Billy Joel lại đau lòng khi thấy quân lính Nga tấn công Ukraine, bắn phá nhà dân và bệnh viện…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: