Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đã đi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc. Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa ký ức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập Thơ và ca từ của tác giả Nguyễn Đình Toàn.
Là một nhà văn, ông viết dưới nhiều dạng, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ kiêm xướng ngôn viên của Đài phát thanh VTVN trước năm 1975. Chính ông đã phổ những bài thơ của mình thành những bài nhạc được nhiều người yêu thích. Người bạn rất thân lâu năm của ông là thi sĩ Thành Tôn đã gom góp những bài thơ của ông thành một tập thơ in riêng tặng ông. Gần đây, bạn bè thương mến ông, đã chung lưng giúp ông thiết kế và xuất bản để đứa con tinh thần, tuyển tập Thơ và Ca từ được ra đời.
Cuốn Thơ và Ca Từ được Nhà sách Tự Lực, Culture Art Education Exchange Resource và Văn Học Press cùng hợp lực xuất bản. Bìa in trang nhã do họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo biên tập, dàn trang và thiết kế bìa. Ảnh chụp bìa trước của Nguyễn Đình Tri. Ảnh chụp bìa sau của Trịnh Thanh Thủy.
Trong tuyển tập trên trăm bài thơ của ông, nỗi nhớ lúc nào cũng được tô đậm như chim nhớ bạn, nhớ bầy, như người nhớ hơi, nhớ hương. Trong một bài thơ hay nhạc của ông, người ta tìm ra được ít nhất là vài câu nổi trội trong lối dùng từ khác lạ, sáng hẳn lên với sáng tạo mà ông gọi là “nói một cách khác”. Ông tránh ước lệ, sáo ngữ, tránh dùng các từ Hán Việt, tránh lặp lại những gì người ta đã dùng quá nhiều như chiếc diêm quẹt đã bị quẹt nhiều quá rồi, không quẹt được nữa.
Chung quanh ta
Lá vàng đã
thành nến trong cây
Hay là thu hắt lại tình phai
từ mắt người
Anh hôn em ngoài phố khuya
Nơi ánh đèn chợt sáng
Chợt khuất đi
(Hà Nội một hôm nào)
Hay:
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Dù lửa tàn trong anh
Không còn đủ khêu thêm đèn sáng
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Để dù trong tăm tối
Có mộng còn biết nơi tìm sang
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Rồi thả hồn bay lên
Nơi hẹn hò không tên gặp em
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Để dù trong xa vắng
Em còn được cháy trong lòng anh
(Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn)
Nàng thơ, người nữ của ông lúc mờ, lúc tỏ, khi mờ nhạt, khi bùng lên tỏa sáng, đơm hương trong cái cõi ký ức mịt mù sương khói ấy. “Em” mong manh, lóng lánh, em xanh ngát xuân thì. Trong khi “Ta” thì rũ đau và buồn như lá khô mùa trở gió.
Ôi em là giọt sương
Long lanh đầu cành mai
Cho tim ta phút vui ở ngoài cuộc vui
Như hương lan thơm bay đầy thềm nắng mới
Từ kiếp đau nào xưa
Tình đã lăn tình đi
Trên môi em còn thấy
Trăm năm câu tình ghi
Trong cung đàn sầu ấy
Ta buồn như lá khô
(Sương Mai)
Và:
Em như trăng mòn
Chờ mùa đông sẽ tan
Ta yêu em như giòng nước
tối tăm buồn
Còn bao nhiêu tóc xanh
Để thắt cho tình
………………………………..
Lòng ta như dòng sông đêm
Chan hoà sóng ngân
Có môi em như nụ hoa trôi ngang
Ôi tấm gương mờ ám
(Trăng mòn)
Ông bắt đầu làm thơ từ hồi còn bé. Những ca từ trong nhạc khúc của ông nguyên thủy là những bài thơ. Chữ nghĩa được ông dùng giản đơn, tinh tế, cô đọng nhưng sâu sắc, sống động và gợi hình, gợi bóng. Trong văn chương, thi ca, âm nhạc, các giác quan đều được ông tận dụng, ngay cả đến khứu giác. Mùi vị xuất hiện và được trộn lẫn, nào là hương hoa, cây cỏ, mùi thực phẩm quyện vào nhau như một bức tranh sống, ba chiều.
Sống và lớn lên giữa thời tao loạn, tuổi trẻ, thân phận và niềm tin là những hoài nghi đắng chát. Thái độ bối rối, mất định hướng của triết thuyết hiện sinh đã ẩn hiện đâu đó trong thơ, nhạc của ông một thời.
Tôi còn trẻ, tôi không muốn bỏ ngang đời
nhưng cuộc đời đã làm tôi sợ hãi
và mặt trời không còn là vàng rơi châu vãi
người với người đã trở thành thiên tai
Tôi còn trẻ, tôi không muốn oán trách ai
dù tim tôi đã nhỏ máu thương đời
tôi không còn niềm tin nào cầm cho ấm tay
sống một ngày, sống ngày nào biết ngày ấy thôi
(Sống Một Ngày)
Chiến tranh, tù đày, đâm chồi mọc rễ tầng tầng, lên số phận những người thua cuộc bất hạnh của một chế độ, một chủ nghĩa. Mưa tưới nước, bón nhựa nguyên, rải hạt giống buồn và thống khổ lên những chốn hoang vu, những trại cải tạo, nơi chôn bao tù nhân vô tội sau cuộc chiến.
Chiều đứng trên đồi cao
Ta thở dốc
Ta trông mây đục
Trông người người đen
Cây nôn ra rừng gió độc
Bùn lầy dốc mưa trơn
Có con phượng nào không
Cho ta cam phần chim nhỏ
Ta uống lệ riêng ta
Nuốt sầu thiên cổ
Mưa Long Giao mưa đỏ hồn ta
(Mưa Long Giao)
Hay:
Một tuần trăng
Có bao nhiêu giòng lệ thương
Một tuần nhang
Biết bao nhiêu linh hồn vấn vương
Vài ngàn năm biết bao nhiêu là thịt xương
Vài chục năm
Với bao nhiêu là đạn bom
Khăn đất còn để tang
Gan núi còn cảm thương
(Một tuần trăng)
Hoặc:
Tha phương
Ai tha phương cùng ta
Trên chiếc xe già lăn qua xác đạn
Với tâm hồn của người ly tán
Muốn quay về nhìn lại cố hương
(Trên chuyến xe trở lại)
Nói đến phần giai điệu của nhạc Nguyễn Đình Toàn, phần lớn người nghe đều tìm ra sự đồng cảm và nghe nhạc bằng cảm tính. Với phần nhạc lý và kỹ thuật nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam đã chia sẻ một ít cảm nhận riêng tư của cô:
Nhạc phẩm của Nguyễn Đình Toàn nổi trội ở phần ca từ. Ca từ nhạc của ông vốn dĩ từ thơ nên nó đậm chất thơ và đánh thẳng vào cảm xúc người nghe. Ngôn ngữ của ông sâu sắc và mới lạ nên phần giai điệu không cần quá cầu kỳ cũng đủ ru hồn người nghe bồng bềnh. Tỷ như có rất nhiều ca khúc hấp dẫn, lôi cuốn người nghe do ca từ chứ không phải do âm điệu đặc biệt của nó, tương tự nhạc của Leonard Cohen, hay Billy Joe.
Ngoài một số bài được hòa âm phối khí với phong cách tươi mới, bay bổng và không kém phần hiện đại, dễ tiếp cận người nghe, các ca khúc của ông có đặc thù là dù giai điệu quen thuộc trong lối hành âm hay các motiv phát triển giai điệu, những nét giai điệu này không quá đặc sắc, vì có lẽ không chủ ý tạo sự bất ngờ, nhưng đủ mượt mà lôi cuốn, dẫn dắt người nghe đến vùng cảm xúc mà tác giả muốn. Đơn giản mà chạm đến trái tim người nghe. Như vậy cũng đủ gọi là tài tình.
Độc giả mua sách xin liên lạc với nhà sách Tự Lực:
Tel: (888) 204-7749 hay (714) 676-8310
Email mua sách [email protected]
Bài và ảnh: Trịnh Thanh Thủy