Vài lời giới thiệu
Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu. Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu….
(Đám cưới đầu xuân. Nhạc: Trần Thiện Thanh)
Kỷ niệm của tuổi thơ, có những cái mà người ta tưởng rằng chỉ là những khoảnh khắc đẹp đẽ ngắn ngủi, thoáng qua trong quá khứ, nó sẽ đi vào quên lãng với thời gian và gió bão của cuộc sống. Nhưng người ta sẽ lầm lẫn, không phải tất cả như thế. Có những kỷ niệm rất đơn sơ nhưng lại là những gắn bó muôn đời không quên.Từ những đơn sơ, ngờ nghệch đó tình yêu sẽ lớn dậy, nối kéo cuộc đời của người ta với nhau trong một dạng thức yêu thương nào đó. Mang đến cho người ta hạnh phúc, hoan ca hay dang dở, đau buồn.
Đây là một đoản văn, viết về truyện yêu thương của một người bạn, một sĩ quan trẻ VNCH ngày xưa. Để kỷ niệm cho anh, cho Vân – người tình dang dở tuổi ấu thơ, và cho cả người cháu Nguyễn Thị Hồng Yểm mà tôi đã gặp, đã ngẩn ngơ nghe kể về mối tình khá đẹp nhưng lại rất buồn của họ.
Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn
***
Thanh không biết vì đưa đẩy nào đã mang gia đình Vân đến cái xóm nhỏ, khá nghèo của anh. Nhà Vân cách cái giếng nước chung của xóm, đằng sau nhà của Thanh chỉ vài chục mét. Vân mồ côi cha từ ngày còn bé, Vân sống với mẹ và hai người chị trưởng thành, đã có gia đình. Cả gia đình cùng sống với nhau và cùng trông coi một chiếc sạp bán đồ gia vị ở ngôi chợ gần nhà. Vân theo đạo Công giáo cho nên thay vì học ở trường tiểu học công lập của khu vực cùng với anh em Thanh, Vân lại vào học ở ngôi trường của nhà thờ cũng trong khu vực.
Khi dọn đến xóm, Vân 11 tuổi, Thanh lên 9 và hai đứa em của Thanh, đứa lên tám, đứa sáu tuổi. Dù tuổi tác cách biệt nhau nhưng Vân và ba anh em Thanh thân thiết nhau rất nhanh ngay từ ngày đầu tiên vừa đến xóm. Đặc biệt với Thanh, sự thân tình, gắn bó giữa hai đứa bé đã làm ba mẹ Thanh cũng như gia đình Vân ngạc nhiên. Gần như mỗi ngày khi vừa đi học về hai đứa lại tìm đến nhau, vui chơi với nhau đến độ quên cả giờ ăn.
Tình thân của hai đứa bé đã thắt buộc hai gia đình lại với nhau. Bà Tứ, mẹ của Vân và hai người chị vì bận bịu buôn bán, không chăm sóc bài vở thường xuyên cho Vân nên ba mẹ Thanh đã kéo Vân đến nhà học hành, chỉ dạy bài vở cùng với ba anh em Thanh.
Trong bất cứ trò chơi nào với lũ trẻ trong xóm, cần đến sự chia nhóm, lựa chọn phe… hai đứa luôn luôn cùng với nhau. Cả đến những trò chơi cần đến cảnh ẵm bế, cõng nhau hay tập tành hỏi han, săn sóc nhau khi bệnh hoạn… bắt chước sinh hoạt của người lớn, chúng luôn luôn về phe với nhau. Ở cái tuổi ấu thơ, chưa biết gì ngại ngùng thích bắt chước đó. Chúng đã diễn tả những hành động, lời nói, giáng điệu đôi khi làm cho cha mẹ của chúng ngẩn ngơ suy nghĩ.
Một lần, khi vừa làm xong bài kiểm của nhà trường, trước mặt ba mẹ Thanh. Vân xếp vội mấy cuốn vở vào cặp, rồi chạy vòng qua chiếc bàn học, cầm lấy tay của Thanh, với giọng nói rất ngọt ngào:
-Thanh, ra đây chơi với Vân, chúng ta tiếp tục chơi trò vợ chồng nữa nhe!?
Trong khi Thanh còn đang bận bịu với mấy cái bút chì màu đang gọt dở, con bé nói tiếp:
-Vân làm mẹ bị bệnh, nằm trên giường với búp bê, con của chúng mình . Còn Thanh làm cha săn sóc cho Vân và đứa con của chúng mình nhe.
Ông bà Chánh, ba mẹ của Thanh im lặng ngẩn ngơ nhìn và nghe hai đứa bé đối đáp. Bà Chánh đưa tay kéo Vân vào lòng mình, âu yếm vuốt ve, hỏi nhẹ con bé:
-Vân, cháu có thương Thanh không?
-Cháu thương mà, bác không thấy sao? Ngày nào cháu và Thanh cũng chơi trò vợ chồng với nhau, cháu là vợ của Thanh, còn Thúy và Trọng ( hai em của Thanh) là hai đứa con của chúng cháu đó.
Rồi với giọng ngây thơ, con bé kể lể ra những hình ảnh một mái gia đình đầm ấm với đầy đủ hoạt cảnh, giặt dũ, săn sóc nhau khi bệnh tật… Ông bà Chánh thích thú ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa ra vài câu hỏi han hay giúp vài ý kiến cho cái khung gia đình tưởng tượng đầy ắp hạnh phúc trong đầu con bé được hoàn thiện hơn.
Bà Chánh quay sang nhìn chồng tâm sự:
-Cứ đà này, chúng nó chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp lắm. Tương lai không biết ra sao đây ?
Ngẫm nghĩ một chút, bà Chánh tiếp:
-Em tự nhiên thương con Vân này quá anh ạ. Em mong với 2 tuổi lớn khôn hơn của nó, không phải là trở ngại cho thằng Thanh của chúng mình …
Ông Chánh vỗ nhẹ lên vai vợ, ngắt lời:
-Đúng là vớ vẩn, em chỉ lo xa mà thôi. Nếu chúng thực sự yêu thương nhau thì kể gì tuổi tác!
Thấm thoát đã hơn một năm kể từ ngày gia đình Vân dọn đến xóm, những trò chơi ngây thơ vẫn tiếp nối… đã là những khoen xich nối kết thân tình càng ngày càng gắn bó hơn của hai đứa bé. Ngày cuối tuần Vân vẫn trong chiếc áo dài trắng đều đặn đi lễ nhà thờ. Thanh dù không đi đạo nhưng vẫn theo Vân đến nhà thờ, rồi chia tay khi Vân vào xem lễ. Thằng bé lang thang ở phía ngoài sân, lén lút hái những bông hoa sứ trong sân nhà thờ bỏ vào trong một bọc giấy. Chờ lúc tan lễ, trên đường về nhà hai đứa chia nhau thích thú, hút những giọt mật hoa ngọt lịm từ cuống hoa.
Một buổi chiều sau khi đã hoàn tất xong bài vở của nhà trường, Thanh và hai đứa em cùng với Vân tham dự với trẻ trong xóm chơi trò trốn tìm ”năm mười.” Dĩ nhiên, cũng như tất cả các cuộc chơi khác, Thanh và Vân không rời nhau, luôn luôn cùng chạy, cùng trốn với nhau tại một chỗ. Một lần hai đứa cùng núp vào một hốc kẹt kín đáo của một căn nhà. Cả hai nín thở, im lặng cố giữ ép kín thân mình vào nơi ẩn núp. Thanh nhìn thấy đứa trẻ” kiếm tìm” từ xa đang đi lại, sục sạo tìm kẻ trốn. Vì sợ bị khám phá Thanh cố ép sát thân mình vào Vân, đôi tay thằng bé ôm sát lấy Vân, khuôn mặt hai đứa chạm sát vào nhau. Hơi thở của thằng bé đứt quãng, hồi hộp vì lo sợ bị thằng bé kiếm tìm khám phá ra chỗ hai đứa đang ẩn núp.
Có lẽ vì quá hăng say với trò chơi và lo sợ bị thua… Thanh không chú ý đến thái độ khó chịu, có tí chút giận dỗi của Vân. Cô bé cựa mình ra khỏi vòng tay của Thanh, cố tìm cách đẩy thằng bé ra xa. Nhưng vì trong góc kẹt, quá chật chội, khó xoay trở, con bé đã không làm sao thoát ra khỏi được mà còn bị Thanh ghì chặt hơn nữa. Đến một lúc vì quá bực bội, không thể nào làm hơn được, Vân gắt lên:
-Bỏ người ta ra, kỳ lắm!
Nhưng ở cái tuổi lên 10, đứa con trai còn đầy rẫy ngờ nghệch, tâm hồn trong sáng và nhất là lo sợ bị thua cuộc chơi thì làm sao Thanh hiểu được câu nói ”kỳ lắm” của Vân, cô gái vừa bước sang tuổi 12. Đã thế thằng bé còn cố ghì sát hơn, như muốn hóa giải sự cưỡng lại của con bé. Thấy không còn làm sao hơn được, Vân lấy hết sức đẩy bật thằng bé ra khỏi chỗ núp, giơ thẳng bàn tay với tất cả sức mạnh tát một cái vào má thằng bé ! Với nét mặt bực tức Vân nói:
-Đã bảo mà không nghe!
Với cái tát như đổ lửa đó, trên khuôn mặt đau đớn đầy nét bàng hoàng, ngạc nhiên của Thanh in rõ dấu bàn tay của Vân. Thằng bé giương mắt tức giận nhìn thẳng vào mặt con bé, nói như hét :
-Sao tự nhiên đánh người ta?
Rồi đưa tay lên xoa má ra chiều đau đớn, thằng bé đứng bật dậy bước ra khỏi chỗ núp, chỉ thẳng ngón tay vào sát mặt Vân, giận dữ hét to:
-Vân điên hả, tôi không thèm chơi nữa.
Hình như nhìn thấy dấu bàn tay đỏ hồng của mình còn in trên khuôn mặt đau đớn và nhất là hai dòng lệ đang chảy từ khóe mắt Thanh đã làm cho Vân hối hận, sợ hãi. Cô bé vội vàng đưa tay nắm lấy cánh tay Thanh kéo trở lại, với giọng run run như muốn khóc:
-Thanh, cho Vân xin lỗi ! Tại Vân đã nói kỳ quá bao nhiêu lần, mà Thanh không nghe?
Nói xong Vân đưa bàn tay vuốt nhẹ lên má Thanh, nhìn thằng bé với ánh mắt như van lơn, xin lỗi. Nhưng đứa con trai lên 10, ngây ngô đó, làm sao hiểu được nguyên nhân của sự bực bội để cảm thông, chấp nhận ánh mắt hối hận van xin của cô bạn gái lớn khôn hơn nó được?! Nó giận dỗi hất tay Vân, vùng vằng đứng dậy, bước ra khỏi chỗ ẩn nấp, không quên quay đầu lại nói như gắt vào khuôn mặt cũng đang rướm lệ, ân hận của Vân:
-Thôi, tôi không thèm chơi nữa, tôi ghét Vân lắm.
Nói xong Thanh quay mặt, lầm lẫm bước đi. Không thèm nhìn lại, dù biết rằng phía sau mình vẫn còn đôi mắt ân hận và khuôn mặt đẫm lệ của Vân nhìn theo bước chân nó với vài tiếng gọi với theo:
-Thanh, đừng giận Vân nữa. Vân đã xin lỗi Thanh rồi mà!
Bỏ cuộc chơi, thằng bé lủi thủi đi về nhà. Lúc đó bà Tứ và ba mẹ Thanh đang ngồi nói chuyện trong phòng khách. Bà Chánh thấy thằng con cúi mặt dáng dấp rầu rĩ, khuôn mặt nhem nhuốc vì nước mắt bước vào nhà. Bà ngoắc tay gọi:
-Thanh, con sao vậy ? Chắc lại đánh nhau với ai rồi phải không? Lại đây mẹ bảo.
-Vân, nó đánh con đó!
Câu trả lời của thằng bé không những làm ông bà Chánh ngạc nhiên mà còn làm cho bà Tứ, mẹ của Vân ngẩn ngơ, giương mắt nhìn. Đúng lúc đó mọi người đều nhìn thấy Vân đang đứng khép nép nấp ở cánh cửa ra vào nhìn vào trong với vẻ mặt sợ sệt. Bà Tứ với nét mặt không vui, định lên tiếng gọi Vân vào để trách mắng. Nhưng bà Chánh cảm thấy có điều gì không bình thường, khó tin xảy ra giữa hai đứa bé rất thương yêu nhau, chưa bao giờ trái ý, gây gổ nhau. Bà kín đáo ra dấu cho bà Tứ im lặng, rồi đưa tay vẫy gọi Vân, với giọng âu yếm:
-Vân, cháu vào đây với bác.
Vân với khuôn mặt vẫn còn ướt lệ rón rén đến bên cạnh mẹ của Thanh. Bà Chánh kéo cô bé sát vào thân bà, đưa bàn tay âu yếm vuốt nhẹ mái tóc Vân, nhẹ nhàng bà hỏi:
-Vân, tại sao cháu đánh Thanh đau như vậy? Cháu không thương nó sao?
-Cháu đã nói mãi mà Thanh không nghe…
Thanh bực bội ngắt lời Vâ:
-Chứ không phải tự nhiên tát người ta hay sao? Tôi ghét Vân lắm, từ nay tôi không thèm chơi với Vân nữa. Người đâu mà ác quá như vậy!
Mẹ Thanh đưa tay vỗ nhẹ vai nó:
-Thanh, con để im cho Vân nói cho ba mẹ và bà Tứ nghe.
Rồi quay sang Vân, lời lẽ rất ôn tồn:
-Vân, cháu hãy kể cho bác nghe đi, tại sao cháu đánh Thanh?
Với chút e dè, ngượng ngập Vân kể lại tất cả những diễn tiến cho mọi người nghe . Dù với lời kể cắt khúc, ngập ngừng, không rõ ràng nhưng cũng quá đủ cho ba người lớn hiểu rõ vấn đề. Bà Chánh đưa mắt nhìn chồng và bà Tứ như thầm nói, Thanh, đứa con trai 10 tuổi vẫn con ngập chìm trong cái ngây thơ, trong trắng của đứa trẻ đúng nghĩa, làm sao nó hiểu được cái lớn khôn đang khởi đầu của Vân cô bé 12 tuổi được?! Ngần ngừ một tí bà Chánh quay bên má của Thanh vẫn còn in hằn dấu bàn tay đỏ ửng, hướng về con bé, bà nói rất nhẹ bên tai Vân:
-Vân, cháu thấy không, cháu đánh Thanh đau như thế này. Thôi cháu lấy tay xoa má cho nó một tí rồi xin lỗi Thanh đi.
Vân lưỡng lự một chút, khuôn mặt hơi đỏ hồng, đưa bàn tay mát lạnh lên xoa nhẹ trên má thằng bé với giọng ân hận :
-Vân xin lỗi Thanh, đừng giận Vân nữa nhé!
Thanh im lặng nhìn Vân, ra vẻ vừa lòng rồi đưa bàn tay lên vuốt má mình. Bàn tay hai đứa bé chạm nhau, chúng nhìn nhau nở nụ cười hồn nhiên trước khi nắm tay nhau chạy ra khỏi cửa.
Sau đó, tình thân của Thanh và Vân vẫn không có gì giảm sút, nhưng hình như đã êm nhẹ bước sang một trạng thái khác, có tí chút ngại ngần khi gần nhau trong những cuộc chơi đùa. Nó manh nha một tí ngượng ngập, giới hạn của Vân mỗi khi Thanh có vài hành động quá thân cận vì vô tình hay quá ngây ngô của nó đem lại . Tuy vậy những buổi đi lễ của Vân, Thanh vẫn là kẻ đồng hành, chờ đợi con bé ra về với những bông hoa sứ còn tươi đựng trong bao giấy nhỏ. Hai đứa vẫn chia cho nhau hút mật hoa ngọt lịm cùng với tiếng cười thích thú.
Hàng ngày, sau khi hoàn tất xong bài vở nhà trường, khi ánh nắng chiều đã mất đi cái nóng cháy của mặt trời buổi giữa trưa. Thanh vẫn ra giếng làm công việc giúp đỡ mẹ, múc nước đổ đầy mấy chiếc phuy của gia đình. Vân cũng ra giếng giúp đỡ gia đình giặt một chậu quần áo. Trong dịp làm việc đó, Thanh múc nước cho Vân giặt giũ, ngược lại không lần nào Vân quên nhắc nhở Thanh đưa quần áo của nó cho cô bé giặt hộ… Những hình ảnh đơn sơ đó cứ chồng chất lên thể xác và trí nhớ của hai đứa, vô tình tạo cho chúng những kỷ niệm đẹp đẽ, không quên của tuổi ngây thơ.
Mấy năm sau, khi vừa lên năm đầu tiên trung học, gia đình Thanh dọn nhà sang một ngõ hẻm khác khang trang hơn, nhưng cũng không quá xa xóm cũ. Có lẽ vì bận rộn với việc học hành hơn hay vì chưa quen thuộc với nếp sống của căn nhà mới, Thanh không có dịp sang thăm xóm cũ để gặp lại bạn bè trong xóm, kể cả Vân, người con gái thân thiết nhất trong tuổi ngây thơ mà đôi lần nó cũng cảm thấy nhớ nhung.
Bẵng đi, nhiều tháng trời, khi đã quen thuộc với xóm mới, Thanh mới có dịp sang thăm lại xóm cũ vài lần. Lần nào Thanh cũng nhìn thấy hay gặp Vân trong xóm hay trên đường đi lễ… Thời gian xa cách dù không quá xa, nhưng kỳ lạ làm sao, khi chúng gặp nhau, hai đứa chỉ nhìn nhau, ánh mắt hình như dò hỏi, pha nhuộm rất nhiều ngại ngần ,ngượng nghịu rồi im lặng đi qua. Cũng có vài lần Thanh đi cùng với mẹ, dù có sự nối kéo của bà Chánh, nhưng Thanh và cả Vân cũng chỉ nói với nhau vài câu ngắn ngủi, thiếu hẳn cái vui mừng ngây ngô của ngày trước mỗi khi gặp nhau. Nhiều khi cả hai chỉ nhìn nhau bâng quơ hay vờ vĩnh im lặng nhìn ra hướng khác.
Một lần vào ngày cuối tuần, khi Thanh đang học lớp đệ ngũ. Bà Chánh cho biết mẹ của Vân mời gia đình Thanh sang ăn mừng lễ đầy năm của đứa cháu ngoại, con trai đầu lòng của một người chị của Vân. Thanh đang sửa soạn đi với gia đình, thì một đứa bạn cùng lớp đến rủ đi đá banh. Thanh nhìn ông bà Chánh tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi dự tiệc. Bà Chánh nhìn thằng con với đôi mắt khó hiểu:
-Con không muốn đi sao? Có lẽ Vân nó rất mừng rỡ gặp con đó.
Thanh tỏ vẻ không mấy chú ý, hơi cau mày, tí chút ngập ngừng rồi trả lời mẹ:
-Thôi, con không đi đâu, để dịp sau vậy.
Nghe lời lựa chọn của thằng con, bà Chánh đã nhìn thấy rõ đứa con trai 14 tuổi của bà vẫn còn ngờ nghệch lắm. Tâm hồn vẫn trắng trong, đơn giản của một đứa con nít. Bà biết chắc chắn rằng,Vân đứa con gái mà bà thương yêu, bà muốn kết hợp với con trai bà, nay đã 16 tuổi. Cái tuổi chưa được gọi là khôn lớn, nhưng ít ra con bé đã pha trộn bóng dáng của một cô thiếu nữ rồi. Làm sao có thể hòa hợp được cái vẻ ngây ngô, vẫn còn mê đá bóng tạt hình của thằng con bà được?
***
Rồi Sài Gòn mùa mưa như nước đổ, mùa nắng gắt cháy da cứ tuần tự tiếp nối nhau đi qua nhiều năm sau đó. Đôi lần Thanh cũng gặp Vân thoáng qua trên đường phố, hai đứa vẫn chỉ nhìn nhau, không một lời chào hỏi, nhưng ánh mắt lại như thân thiết, kín đáo, mang rất nhiều nối kéo. Vân đã chững chạc trong bóng dáng cô thiếu nữ 21 tuổi, đã ra đời buôn bán cùng với mẹ và hai người chị. Thanh cũng tạm đủ lớn khôn với cái đẫy đà của người thanh niên 19 tuổi vừa chớm bước lên đại học, nhưng vẫn còn đôi nét non choẹt, thư sinh. Vẫn phải xin tiền cha mẹ ăn điểm tâm mỗi sáng hay còn thích ồn ào, đùa giỡn với lũ bạn trai.
Rồi năm sau, Thanh đang là sinh viên năm thứ 2 đại học, một buổi chiều khi vừa về học, mẹ cho biết vừa nhận được thiệp mời đám cưới của Vân, chồng chưa cưới của Vân là con trai duy nhất của người bạn hàng quen thuộc của bà Tứ tại chợ. Mặc dầu đã mấy năm qua, cuộc quen biết thân thương giữa Vân và Thanh đã lặng lẽ đi qua, dù nó đã được ghi sâu vào ký ức của Thanh như những kỷ niệm rất đẹp, khó quên, cũng chỉ ở mức độ ngây ngô của tuổi ấu thơ, chẳng có gì tiến triển hơn để được gọi là tình yêu đúng nghĩa. Nhưng khi cầm tấm thiệp cưới trên tay, Thanh có cảm tưởng như mình vừa bị mất một cái gì rất nhẹ nhàng nhưng xoi buốt trong lòng mình. Hình ảnh ngày xưa, thời thơ ấu với những trò chơi và cả lần giận dỗi vì cái tát nảy lửa đánh dấu sự lớn khôn của Vân… Tất cả lại hiện ra trong trí nhớ làm Thanh im lặng, có chút đờ đẫn. Thanh không nhìn thấy bà Chánh cũng đang theo dõi nét mặt tiếc nuối có tí chút buồn đau của đứa con trai, bà nói nhẹ:
-Thanh, con buồn lắm phải không? Mẹ cũng không ngờ chuyện xảy ra nhanh như vậy.
Tiếng nói của mẹ đã làm Thanh sực tỉnh, kéo anh trở lại với thực tế, Thanh nhỏ nhẹ trả lời mẹ :
-Thật sự đã có gì giữa con và Vân đâu, hả mẹ? Vân hơn con hai tuổi, huống chi con chẳng có gì để bảo đảm cho tương lai của một mái gia đình thì chuyện Vân lấy chồng là điều đương nhiên mà thôi!
-Nhưng mẹ tiếc quá con ạ! Không hiểu sao mẹ rất thương con bé, mẹ không quên được hình ảnh con và nó thân nhau lạ kỳ, lúc hai đứa còn bé.
Rồi Thanh lấy cớ bận học hành không tham dự đám cưới của Vân, nhưng anh không quên gửi quà tặng và nhờ mẹ nói lời chúc mừng cũng như xin lỗi vì không đến chia vui ngày cưới của Vân được.
Sau khi Vân lấy chồng được khoảng 5, 6 tháng, qua sự móc nối của bà mẹ một người bạn thân, Thanh quen được cô em họ của bạn, cô gái kém Thanh vài tuổi. Tình yêu lớn rất nhanh vì cả hai ở trong lứa yêu đương và có sự đồng ý của hai bên gia đình. Biết bao nhiêu âm thanh hoan lạc của hẹn hò và dự tính tương lai của Thanh và cô bạn gái. Nhưng cuộc tình cũng chỉ kéo dài được khoảng nửa năm, rồi vì một lần giận dỗi vu vơ, mối tình bị gãy đổ không hàn gắn được. Kết quả Thanh nhận lấy nỗi đau đớn của lần thất tình đầu tiên trong đời khi người bạn gái quyết định rời xa Thanh và lập gia đình với người đàn ông khác.
Một dịp không lâu sau ngày thất tình đó Thanh có dịp đi cùng với mẹ sang xóm cũ thăm người bà con trong họ. Khi đi gần đến căn nhà của Vân, từ đằng xa, dưới hiên trước nhà, tráng xi măng, Vân lệch thệch với chiếc bụng mang thai đang phơi quần áo. Từ xa, vừa trông thấy Thanh, không biết vô tình hay cố ý, Vân vội vàng thu gom đống quần áo vào chiếc giỏ mây rồi cúi đầu đi thẳng vào trong nhà.
Bà Chánh quay sang hỏi Thanh:
-Thanh, con có muốn gặp Vân nói chuyện một tí không?
Hơi cau mày ra ý không hiểu, Thanh hỏi lại mẹ:
-Tại sao mẹ lại hỏi con như vậy ? Người ta có chồng và sắp có con rồi, con gặp để làm gì ? Mẹ vớ vẩn thật!
-Ai chả biết chuyện đó, mẹ đâu có nói con nên tiếp tục yêu thương cô ta và mẹ cũng đâu có nói cô ta bỏ chồng để yêu thương con. Nhưng mẹ nghĩ tình thân của con và Vân ngày còn bé quá đẹp, khó quên… vì vậy khi có dịp gặp lại nhau mà con tránh mặt, không nói vài lời hỏi thăm, nó có vẻ vô tình quá!
Ngẫm nghĩ một chút, mẹ nói tiếp:
-Hơn nữa có mẹ cùng đi với con, có gì là không minh bạch đâu? Con gặp Vân nói chuyện đàng hoàng cũng là điều lịch sự với nhau mà.
Thấy Thanh im lặng có vẻ siêu lòng, mẹ mỉm cười:
-Thôi, để lúc về hãy vào thăm, tiện hơn. Mẹ cũng muốn gặp bà Tứ hỏi thăm sức khỏe của bà một chút, lâu nay không thấy bà ấy đi chợ.
Sau khi thăm người bà con, lúc Thanh và mẹ trở về, không biết vô tình hay có chủ đích, khi hai người vừa đến gần đoạn đường trước nhà Vân, đã thấy Vân đứng tựa cửa hình như có ý đợi chờ. Vừa thấy mẹ con Thanh, Vân vồn vã chào hỏi:
-Chào bác Chánh và anh Thanh, bác và anh vẫn khỏe chứ ạ?
-Cám ơn cháu Vân, bác định tạt vào thăm mẹ cháu đây. Mẹ cháu có nhà không?
-Có bác ạ, mẹ cháu hôm nay hơi khó chịu trong mình, đang nằm trên gác, để cháu lên gọi mẹ cháu xuống.
Nói xong, Vân đang định quay đi, nhưng mẹ Thanh ra tay cản lại:
-Thôi, khỏi phiền gọi mẹ cháu xuống. Bác lên đó thăm hỏi mẹ cháu, nó tiện hơn. Cháu ở dưới này nói chuyện với Thanh đi.
(còn tiếp)
-Nguyễn Thị Hồng Yểm (kỳ cuối)