Năm 2022 này, nếu bạn thuộc lứa tuổi U65 thì hẳn bạn đã từng ngất ngây khi nghe những ca khúc rất hay có thời chiếm đỉnh cao các bảng xếp hạng cách nay đúng nửa thế kỷ…
BUỒN TÊ TÁI MÀ SAO NHỚ MÃI
“A long, long time ago, I can still remember how that music used to make me smile…” – Don McLean đã nhẹ nhàng bày tỏ cõi lòng yêu nhạc rock and roll, mến mộ các thần tượng Buddy Holly, Richie Valens và J.P “The Big Bopper” Richardson khi họ bất ngờ đi thật xa không bao giờ trở lại (do tai nạn máy bay năm 1959). Đó là lời tâm sự mở đầu ca khúc American Pie tưởng nhớ ba người nói trên. Ca khúc này từng chiếm hạng nhất Billboard Hot 100 vào tuần lễ 15 Tháng Giêng 1972 và tiếp tục ngự trị ở đó thêm ba tuần cho đến tuần 5 Tháng Hai.
Giới trẻ Sài Gòn rất thích bài này, được liên tục phát trên “American Forces Radio and Television in Vietnam”. Bài này rất hay, gọi nhớ thời huy hoàng của nhạc rock ‘n roll hồi những năm 1950 và 1960 nên tuy là ca khúc dài – 8 phút và 42 giây nhưng vẫn chiếm hạng nhất một cách bền bỉ. Khi năm 1972 kết thúc, American Pie là bài ca hạng nhất ở Mỹ, Canada, New Zealand và Úc. Không những thế, nó còn lập kỷ lục 50 năm là bài ca dài duy nhất chiếm hạng nhất Billboard, mãi đến khi có bản All Too Well tái ghi âm của cô nàng Taylor Swift (dài hơn 10 phút) chiếm vị trí này hồi Tháng Mười Một 2021 qua. Đáng khen là đàn em trẻ xinh đẹp và tài hoa đã có thư xin đàn anh… “thông cảm” và đàn anh cũng không tiếc lời khen đàn em!
American Pie trở thành viên ngọc quý giá trong kho tàng nhạc pop Mỹ. Nó đã được bà hoàng pop Madonna cover, dùng làm ca khúc chính trong phim The Next Big Thing trình chiếu năm 2012. Và bây giờ, đầu năm mới 2022, giới hâm mộ nóng lòng chờ mua vé xem Don McLean, nay 77 tuổi, đàn hát American Pie ở nhiều thành phố trên thế giới nhân kỷ niệm 50 năm ngày ông hát “So bye, bye Miss American Pie, drove my Chevy to the levee but the levee was dry. And them good ole boys were drinking whiskey ‘n rye singing this’ll be the day that I die”. Không ít fan hy vọng rằng nhân dịp này Don McLean sẽ giải thích ý nghĩa của “Miss American Pie”. Nửa thế kỷ qua, hai từ này nảy sinh không ít tranh luận!
NHỮNG TÌNH CA TRỨ DANH
Năm 1972 còn có nhiều tình ca bất hủ khác vẫn in đậm nét trong ký ức giới trẻ Sài Gòn năm xưa. Sau American Pie thì có Let’s Stay Together thật trìu mến của giọng ca soul da đen Al Green mà sau này bỏ nghề cầm ca theo nghề rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Một tuần sau đó, lại có liền hai bài pop dễ nghe, dễ nhớ hơn là Without You và Heart of Gold.
Trình bày bởi Harry Nilsson, bài tình sầu Without You (Oh I can’t forget this evening or your face as you were leaving, but I guess the story goes. You always smile but in your eyes your sorrow show..) đã chiếm hạng nhất bốn tuần liền. Chính nhờ Harry Nilsson mà sáng tác của Pete Ham và Tom Evans, hai cột trụ nhóm rock Anh Badfinger, trở nên nổi tiếng hơn. Without You đã được trên 180 nghệ sĩ cover, nổi nhất là bản ghi âm của diva Mariah Carey. Cả đến Paul McCartney, một tài năng vĩ đại về sáng tác nhạc pop, cũng từng phát biểu rằng Without You là một “killer song of all time”.
Cần một “killer song” để truất phế một “killer song”, nên gạt Without You ra khỏi vị trí hạng nhất là một trong những ca khúc folk pop tuyệt hay. Đó là bài Heart of Gold của Neil Young, ghi âm trong album Harvest, một tuyệt phẩm của chàng nghệ sĩ lãng tử thứ thiệt này. Khó có thể biết cách nay 50 năm bao nhiêu thanh niên tại miền Nam Việt Nam từng khẩy đàn và hát “I wanna live, I wanna give, I’ve been a miner for a heart of gold. It’s these expressions. I never give. That keep me searching for a heart of gold. And I’m getting old”!
Một ca khúc hay như thế thì không thể thiếu nghệ sĩ cover, từ Johnny Cash, James Taylor, Willie Nelson qua các nhóm Boney M, Roxette, Superfly đến những nữ ca sĩ trẻ Tori Amos, Kacey Musgrave… Hai mươi năm sau, năm 1992, Neil Young lại tung ra một tuyệt tác nữa: Harvest Moon, ca khúc tình tứ nhẹ như áng mây lơ lửng trên bầu trời yên tĩnh trong một đêm trăng sáng vào mùa thu hoạch (đây cũng là ca khúc hay nhất của album Harvest Moon). Một ca khúc cũng xuất sắc trong thời gian này là A Horse with No Name của America (nhóm có lúc từng là đối thủ của The Eagles).
KỲ TÍCH SÁU TUẦN HẠNG NHẤT
Giành vị trí hạng nhất sáu tuần trên đỉnh thì là gì nếu không phải là ngoại hạng?! Năm 1972 có đến hai ca khúc thuộc loại hiện tượng ngoại hạng. Thứ nhất là bài tình ca soul cực kỳ êm nhẹ, lời ca thì thầm như trôi qua tai và vuốt ve trái tim. “The first time I ever saw your face, I thought the sun rose in your eyes and the moon and the stars were the gifts you gave to the dark and the endless skies, my love”. Quá tuyệt, qua giọng ca của Roberta Flack, nữ nghệ sĩ Mỹ da đen xứng đáng được gọi là diva. Bài này – The First Time Ever I Saw Your Face – lên đỉnh cao nhất từ tuần lễ 15 Tháng Tư đến hết tuần lễ 20 Tháng Năm 1972, tức sáu tuần.
Khi Roberta Flack hát thì The First Time đã có 15 năm tuổi đời. Đó là một sáng tác khá nổi tiếng của ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc người Anh Ewan MacColl dành cho tình nhân Peggy Seeger, người sau này trở thành vợ của anh. Nhưng chỉ với Roberta Flack thì The First Time I Ever Saw Your Face mới trở thành ca khúc cả thế giới biết đến, được Billboard ghi danh là Single số một của năm 1972 và rồi đoạt Grammy 1973 Ghi âm của Năm lẫn Grammy Ca khúc của Năm.
BI AI NHƯNG MÀ AI CŨNG THÍCH
Ngoài The First Time, ca khúc Alone Again (Naturally) của Gilbert O’Sullivan cũng đạt thành tích sáu tuần. Nó nằm trên đỉnh cao Billboard Hot 100 suốt bốn tuần, kể từ tuần lễ cuối Tháng Bảy, rồi bật ra, và lại trở về hạng nhất thêm hai tuần vào Tháng Chín 1972. Bài ca rất sầu bi diễn tả tâm trạng sau cái chết người cha mình. “Now looking back over the years and whatever else that appears, I remember I cried when my father died, never wishing to hide the tears…”; rồi lại đến mẹ qua đời, “And when she passed away, I cried and cried all day, alone again, naturelly, alone again, naturally”. Bài này cũng được đề cử Grammy 1973 Ghi Âm của Năm và Ca khúc của Năm nhưng đành thua The First Time I Ever Saw Your Face của Roberta Flack.
Hồi đó làm gì có internet và vốn liếng Anh văn cũng chưa giỏi nên tôi phải mất một thời gian tìm tòi mới mua được cuốn tạp chí Hit Parade (lính Mỹ đọc xong vứt bỏ, được công nhân vệ sinh dọn dẹp mang ra bán lại cho các sạp báo second-hand ở vỉa hè Lê Lợi) và nhờ vậy mới biết tên thật của Gilbert O’ Sullivan là Raymond Edward O’Sullivan, sinh ngày 1 Tháng Mười Hai 1946, người Ái Nhĩ Lan. Sau đó, bài nào của Gilbert O’ Sullivan tôi cũng nghe và thích, từ Clair, Out of the Question đến Get Down, Cat On a Hot Tin Roof…
_______
NHỮNG CA KHÚC 1972 ĐÁNG NHỚ
Năm 1972 còn nhiều bài rất hay chiếm đỉnh cao Billboard Hot 100 mà đến nay nhiều người yêu nhạc vẫn chưa quên:
THÁNG 5:
*Oh Girl (nhóm soul nam The Chi-Lites, một tuần hạng nhất)
*I’ll Take You There (nhóm soul The Staple Singers, một tuần)
THÁNG 6 & THÁNG 7
*The Candy Man (nam danh ca Mỹ da đen Sammy Davis Jr., đã qua đời, năm tuần)
THÁNG 7:
*Song Sung Blue (nam danh ca Neil Diamond, một tuần)
*Lean on Me (nam nghệ sĩ soul Bill Withers, ba tuần)
THÁNG 8:
*Brandy (You’re a Fine Girl) (nhóm Looking Glass, một tuần)
THÁNG 9 & THÁNG 10:
*Black and White (nhóm Three Dog Night, một tuần)
*Baby Don’t Get Hooked On Me (nam ca sĩ country Mac Davis, bốn tuần)
*Ben (Michael Jackson khi mới ra solo, đã qua đời, một tuần)
*My Ding a Ling (Chuck Berry, đã qua đời, hai tuần)
THÁNG 11
*I Can See Clearly Now (nam nghệ sĩ Mỹ da đen Johnny Nash, đã qua đời, bốn tuần)
THÁNG 12
*Papa Was a Rolling Stone (nhóm soul The Temptations, một tuần)
*I Am Woman (nữ nghệ sĩ Úc Helen Reddy, một tuần)
*Me and Mrs Jones (nam ca sĩ Mỹ da đen Billy Paul, ba tuần)