Kín đáo, kiệm lời và rất giỏi
Sau mùa Hè năm 1960, có một nhóm thanh niên, sau khi thi đỗ Đại học Sư phạm Sài Gòn thì được gửi lên học ở Viện Đại học Sư phạm Đà Lạt. Khi ấy viện chỉ có hai phân khoa là Triết học và Pháp văn. Trong nhóm 29 tân khoa thuộc khoá thứ ba đó, có những người thành danh, tinh hoa của miền Nam sau này như nhà văn/ký giả Phạm Phú Minh; Giáo sư/Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục… và Giáo sư Tô Văn Lai – người kiến tạo một di sản văn hoá của cộng đồng người Việt hải ngoại khắp thế giới cũng như giá trị của việc giữ gìn di sản ấy.
“Tô Văn Lai là người rất kín đáo, ít nói, ít tâm sự về đời sống riêng của mình. Anh ấy giỏi tất cả các môn học. Tôi thì có thể chỉ giỏi về Pháp văn, Triết nhưng Tô Văn Lai thì giỏi mọi thứ, kể cả Toán học.”
Không chỉ một, mà nhiều lần trong cuộc điện đàm vào một buổi sáng Tháng Bảy, 2022, từ Montréal, Quebec, Canada, Giáo sư/Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục nói về người bạn “tài giỏi và bí ẩn” (theo lời ông) Tô Văn Lai của ông như thế: Kín đáo và tài giỏi.
“Cậu ấy không bao giờ hút thuốc, không uống rượu. Cậu ấy vô cùng kiệm lời, từ chuyện đời tư cho đến như cậu ấy học cái gì, không bao giờ thổ lộ ra. Có thể nói tính nết đó cũng là nền tảng cho thành công sau này,” ông Lục nhớ lại người bạn của mình.
Chính vì bản tính rất kín đáo, ít nói nên bạn bè cùng lớp thuở đó không ai có dịp biết về niềm đam mê văn hoá, nghệ thuật đã ngự trị trong tâm hồn ông Tô Văn Lai từ lúc nào. Sau khi tốt nghiệp, rồi đi dạy, Giáo sư Lục và những người bạn chỉ biết ông Lai có một cửa hàng băng nhạc bên trong thương xá Tam Đa (Crystal Palace) ở khu Nguyễn Trung Trực – Công Lý và Lê Lợi, chứ “không biết Lai có một tầm nhìn về văn học, nghệ thuật và âm nhạc đến mức độ đó” – theo lời Giáo sư Lục.
Suốt bốn năm, cho đến ra trường vào mùa Hè 1964, ông Tô Văn Lai không ở trong học xá như các bạn đồng môn. “Lai đi học có mộc cái xe mobylette,” Giáo sư Lục nói. Bạn bè ai cũng cho rằng ông Tô Văn Lai là người gốc Ấn Độ vì hình dáng bên ngoài, nhưng không ai hỏi để biết câu trả lời.
Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Trong số các giáo sư, có những Giám mục thuộc Dòng tên bị trục xuất ra khỏi Bắc Kinh và những giáo sư đến từ Pháp, Ý. Do đó những ai không có nền tảng Pháp ngữ vững vàng thì không theo kịp. Ông Tô Văn Lai đã học chương trình Pháp nên ông là người học giỏi nhất lớp và đỗ đầu trong kỳ thi ra trường, “nên Lai về dạy ở Mỹ Tho,” Giáo sư Lục nói.
Những người bạn cũ
Khi biết tin bạn mình đi xa, Giáo sư Lục gửi thư cho bạn bè còn lại: “Một ngôi sao sáng của nền âm nhạc Việt Nam đã rụng.”
Lớp Sư phạm khoá ba năm đó giờ còn lại sáu người, trong đó có những người còn trong nước. Khi những người trong số đó gặp lại nhau nơi xứ sở tự do, mỗi người trong nhóm họ thuộc một lĩnh vực khác nhau. Họ trân trọng nhau tuyệt đối. Theo Giáo sư Lục, ông Tô Văn Lai có thể đã bỏ riêng chuyện chính trị sang một bên, xem đó là quá khứ đã khép lại, chỉ hướng về văn học, âm nhạc nghệ thuật.“Tất nhiên quan điểm trí thức của mỗi người mỗi khác. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của nhau,” Giáo sư Lục nói.
Và ông tiếp lời,
“Hãy nhớ rằng, tâm tình và suy nghĩ của những người còn trong Việt Nam khác với chúng tôi bên này. Với cộng sản, họ xem cái chết của Tô Văn Lai là một điều gì đó bình thường. Nhưng vì họ không nhìn thấy gia tài văn hoá của anh để lại.
Những người bạn cũ ở bên này, chúng tôi đánh giá anh Tô Văn Lai ở một mức độ, một cái nhìn cao hơn. Còn những người trong nước thì chỉ ngắn ngủi rằng – ‘Tô Văn Lai chết rồi’, không nói được chữ ‘bạn chúng ta’. Tình cảm con người đơn giản như vậy họ không nói được. Tôi cảm thấy bạc bẽo lắm. Nhưng đó là tình trạng chung của đất nước mình.”
Phải gần gũi lắm mới hiểu được
Họ đã không gặp nhau từ sau biến cố 1975, cho đến khi gặp lại nhau tại Little Saigon – thủ phủ của người Việt tỵ nạn. Khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Lục là thuyền nhân, định cư ở Canada năm 1979. Gia đình ông bà Tô Văn Lai rời nước Pháp đến Mỹ năm 1989, để đánh dấu một chặng đường mới của Thuý Nga Paris By Night trong lòng “cái nôi của người Việt tỵ nạn.”
Họ gặp lại nhau vẹn nguyên tình bạn cũ. Ông Tô Văn Lai vẫn ít nói và khiêm tốn như ngày nào. Mỗi tháng, nhóm những cựu sinh viên khoá ba Sư phạm Đại học Đà Lạt ngày xưa gặp nhau một lần. Giáo Sư Lục nói,“Lai là một người giao hảo tốt với bạn bè. Không có buổi gặp gỡ nào mà Lai vắng mặt.”
Đó cũng là thời gian hai người bạn cũ có cơ hội hàn huyên nhiều hơn xưa. Ông Tô Văn Lai từng nhiều lần chia sẻ với bạn mình về sự tin tưởng và kỳ vọng ông dành cho người con gái Tô Ngọc Thủy (Marie Tô) trong sứ mệnh lèo lái con tàu Thúy Nga PBN.
Nhắc về ông Tô Văn Lai, Giáo sư Lục nhấn mạnh, nói rằng: “Con người ấy, phải gần gũi lắm mới có thể hiểu được.”
Trong những bài viết về cuộc đời Giáo sư Tô Văn Lai đều có nhắc ông là người ngoan đạo và có đức tin rất mạnh. Ông sống trọn vẹn với niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin vô hạn đó làm cho ông Lai trở nên “khó hiểu” dưới mắt bằng hữu, ít nhất là với Giáo sư Nguyễn Văn Lục.
Chẳng hạn, Giáo sư Lục kể: “Tôi nói về đạo nhé. Lai nói với tôi, nhiều khi tôi không hiểu vì sao hắn lại nói như thế. Ví dụ, Lai nói – ‘cái chuyện moa thành lập được Thuý Nga PBN là Chúa định đoạt’. Ông ấy có một niềm tin tôn giáo cao hơn tôi nhiều lắm.”
Giáo sư Nguyễn Văn Lục thì nghĩ rằng, thành công của những người để lại điều gì đó trong cuộc đời, luôn bắt đầu từ những điều đơn giản, tưởng là tầm thường, nhưng chính cái đó là những viên gạch lót đường để đi lên. Chính từ những cuộn băng cassette trước 1975, sự đòi hỏi về kỹ năng, về sự chu đáo, cẩn thận trong việc làm văn hoá ở hải ngoại của Tô Văn Lai đã tạo nên vóc dáng riêng biệt khó thay thế được của Thuý Nga PBN.
Không ai thay thế được
Không riêng Giáo sư Nguyễn Văn Lục, tầm nhìn và đòi hỏi tuyệt đối có thể ở chất lượng của từng chương trình Thuý Nga PBN là điều được nhiều khán giả hải ngoại và cả trong nước nhìn thấy. Cựu Nghị viên Tâm Nguyễn, từ thành phố San Jose nhắc lại những kỷ niệm của ông với Giáo sư Tô Văn Lai.
Từ năm 1987, ông Tô Văn Lai thường đích thân đến San Jose để phân phối video và băng nhạc. Ông hay ghé tiệm sách Mây Hồng của một người học trò cũ thời dạy học ở Mỹ Tho. Ông kể nhiều chuyện lý thú về công trình thực hiện các sản phẩm văn nghệ của Thúy Nga PBN. Thời ấy việc thực hiện video ca nhạc vẫn còn sơ sài. Chi phí sản xuất thường giữ mức khiêm nhượng vài chục ngàn đôla. Một lần, ông Tô Văn Lai hãnh diện cho biết Trung tâm Thuý Nga vừa thực hiện một video với ngân sách $60,000. Chất lượng chương trình vượt xa các đối thủ thị trường về nội dung lẫn kỹ thuật.
“Ông Tô Văn Lai luôn tìm tòi cải tiến về mọi mặt để đưa các sản phẩm Thuý Nga theo kịp kỹ thuật Hollywood và đạt được trình độ nghệ thuật cao cấp, được mọi người hâm mộ như ta đã thấy. Đĩa PBN đã hiện diện trong mọi gia đình Việt Nam trong cũng như ngoài nước,” ông Tâm nói.
Mỗi ngày, các chương trình của Thuý Nga PBN càng được cải tiến và sáng tạo. Nhưng chẳng bao lâu sau thì việc sao chép video lan tràn khiến cho việc kinh doanh của trung tâm bị ảnh hưởng nặng. Ông Tâm nói:
“Lúc đầu, thời còn dùng băng nhựa VHS thì sự sao chép còn chậm chạp, nhưng qua đến DVD thì nhanh như chớp. Chỉ nội trong vòng hai, ba ngày là không những tại Mỹ mà ngay cả thị trường lớn là Việt Nam bị tràn ngập video sang lậu rồi. Có một lần tôi nhận điện thoại của ông Lai với giọng buồn bã. Ông nói tôi đang đứng ở chợ trời và nhìn thấy họ đang bán lan tràn cái DVD mới nhất vừa phát hành. Ông tiếp lời, nói như muốn khóc, ông nhìn thấy cảnh người ta đang làm việc sao chép DVD một cách thản nhiên, thật quá đau lòng.”
Cựu nghị viên Tâm Nguyễn nhắc về ông Tô Văn Lai là một người có niềm đam mê đặc biệt đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy gia tài nhạc vàng miền Nam. Kho tàng nghệ thuật đồ sộ của Trung tâm Thúy Nga ông để lại cho cộng đồng người Việt hải ngoại là nỗ lực phi thường suốt hơn bốn thập niên làm việc và cải tiến không ngừng. “Trước và sau ông không người nào có thể so sánh được,” ông Tâm nói.
Lời cuối cùng Giáo sư Nguyễn Văn Lục nói về người bạn kín đáo, ít nói, tài giỏi của ông: “Một con người như vậy, tầm vóc như vậy, để lại một di sản văn hoá đáng trân trọng, đáng quý lắm.” |
___
ĐỌC THÊM: